Tác dụng phụ của nifedipin trị tăng huyết áp

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Tăng huyết áp là một bệnh mạn tính và ngày càng trở nên phổ biến trong cộng đồng. Khi bị tăng huyết áp phải điều trị bằng thuốc.

Tăng huyết áp là một bệnh mạn tính và ngày càng trở nên phổ biến trong cộng đồng. Khi bị tăng huyết áp phải điều trị bằng thuốc, người bệnh cần phải tuân thủ tuyệt đối chế độ điều trị của bác sĩ giúp giảm nguy cơ mắc các biến chứng tim mạch và tử vong cho người bệnh.

Nifedipin là một trong những thuốc quen thuộc đối với người bệnh tăng huyết áp. Tác dụng chống tăng huyết áp là do thuốc làm giảm sức căng ở cơ trơn các tiểu động mạch do đó làm giảm sức cản ngoại vi và làm giảm huyết áp.

Sau khi dùng thuốc từ 4 - 6 tuần huyết áp sẽ ổn định. Trong điều trị, thuốc có thể dùng riêng rẽ hoặc phối hợp với các thuốc hạ huyết áp khác như các thuốc chẹn giao cảm beta, các thuốc lợi tiểu hoặc ức chế men chuyển.

Tác dụng phụ của nifedipin trị tăng huyết áp

Một số thuốc trị tăng huyết áp có các tác dụng phụ không mong muốn ở giai đoạn đầu dùng thuốc và sẽ giảm dần (Ảnh minh họa: Internet)

Tuy nhiên, khi dùng thuốc này người bệnh cần lưu ý tới dạng thuốc. Trên thị trường hiện có hai loại: dạng viên nang có các hàm lượng 5mg, 10mg, và 20mg và viên nén (giải phóng chậm) tác dụng kéo dài có chứa các hàm lượng 30mg, 60mg và 90mg.

Mỗi dạng thuốc cho mục đích điều trị khác nhau và số lần dùng thuốc cũng khác nhau. Dạng viên nang thường dùng điều trị cơn cấp tính của bệnh tăng huyết áp. Dạng này thường dùng đường uống hoặc đặt dưới lưỡi (cách dùng là chọc thủng viên thuốc, nhai hoặc bóp hết dung dịch chứa trong viên thuốc vào miệng hoặc cắn vỡ viên thuốc rồi nuốt).

Tùy vào hàm lượng viên thuốc, bác sĩ có thể chỉ định ngày dùng thuốc từ 2 - 3 lần. Tuy nhiên gần đây, nhiều công trình nghiên cứu cho thấy nifedipin đặt cho tan dưới lưỡi có thể gây ra nhiều tai biến như tụt huyết áp quá mức, làm huyết áp giao động không kiểm soát được (nên hiện nay đã có khuyến cáo không được dùng để điều trị tăng huyết áp, đặc biệt trong cơn tăng huyết áp).

Đối với dạng viên nén giải phóng chậm phải nuốt chửng nguyên viên thuốc, không được nhai, không bẻ hoặc làm vỡ viên thuốc. Vì nếu làm vỡ viên thuốc khi uống, hoạt chất sẽ được giải phóng ra ồ ạt, dẫn đến quá liều sẽ gây nguy hiểm cho bệnh nhân.

Đối với dạng thuốc này thông thường người bệnh chỉ phải dùng thuốc ngày 1 lần. Các tác dụng không mong muốn thường xảy ra ở giai đoạn đầu dùng thuốc và giảm dần sau vài tuần hoặc sau khi điều chỉnh lại liều điều trị. Thường gặp nhất bao gồm các triệu chứng như phù mắt cá chân, đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt, nóng đỏ bừng mặt; đánh trống ngực, tim đập nhanh (xảy ra phổ biến và rất bất lợi, nhiều khi phải bỏ thuốc). Ngoài ra, một số người bệnh thấy buồn nôn, tiêu chảy hoặc táo bón.

>>Xem thêm:Hỏi đáp về bệnh cao huyết áp

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!