Khóc được dán nhãn là một hành vi tiêu cực, không mong muốn. Bố mẹ gì mà lại để con khóc. Không biết nuôi dạy con để con hư, nhõng nhẽo. Cảm giác là ông bố bà mẹ tồi ập đến. Bạn tìm mọi cách để dỗ cho bằng được con nín. Tôi đã từng nghe có mẹ bị quát 'Sao lại để con khóc như thế, có mỗi việc trông con mà cũng để nó khóc.'
Có những em bé được nuôi dạy thành hổ bị nhốt vào phòng cho khóc đến hết hơi lả đi thì thôi từ bé. Không được khóc. Con gái không được khóc, con trai càng không được khóc.
Có những em bé bố mẹ mệt quá, mất bình tĩnh, con khóc thì còn đánh thêm cho một trận cho chừa khóc. Vừa đánh vừa bắt nín.
Cách chúng ta cư xử với con khi khóc cũng thường là cách bố mẹ chúng ta đã làm khi chúng ta còn nhỏ hoặc là bỏ mặc em bé khóc hết hơi thì dừng hoặc là ngay lập tức phải nín. Cách nào cũng sai.
Bố mẹ không thể chịu được cảm giác bất lực, không thành công trong việc nuôi dạy nên cũng chiều luôn khi con khóc (Ảnh minh họa).
Em bé sơ sinh dùng tiếng khóc để giao tiếp các nhu cầu. Khi các nhu cầu chính đáng được đáp ứng: thức ăn khi đói, thay bỉm mới cho khô ráo, có ai đó để nói chuyện, con gì cắn, muốn thay đổi môi trường, tiếng ồn to quá... em bé thường rất vui vẻ và chẳng khóc bao giờ.
Ngược lại, những em bé sơ sinh bị bỏ mặc, hoặc bố mẹ đáp ứng sai nhu cầu do không dành thời gian quan sát và hiểu con lại dùng tiếng khóc làm vũ khí để đạt được mọi thứ mình muốn. Bố mẹ bận quá nên khi có chút ít thời gian bên con thì cảm thấy mình cần bù đắp nên con khóc là chiều luôn. Hoặc bố mẹ không thể chịu được cảm giác bất lực, không thành công trong việc nuôi dạy nên cũng chiều luôn khi con khóc.
Khóc là một cách để diễn đạt cảm xúc, xả căng thẳng, tự điều chỉnh cảm xúc của chính mình về trạng thái cân bằng. Ví dụ em bé tập đi ngã vập vào đồ, đau quá khóc, được an ủi, vượt qua nỗi buồn, nín, đứng dậy tập đi tiếp. Đó là tiếng khóc chính đáng và cần sự trợ giúp của người lớn để vượt qua.
Tuy nhiên, có những tiếng khóc gào hét, giẫy giụa đòi cho bằng được theo thới quen 'Con chỉ ăn kem chứ không ăn cơm đâu.' Là tiếng khóc không chính đáng mà em bé đã hình thành do hiểu được là khi khóc đủ to, đủ lâu cuối cùng mọi người sẽ đầu hàng và mình sẽ đạt được mọi điều mình muốn. Sâu xa là do những nhu cầu tâm lý khác không được đáp ứng trong một thời gian dài.
Mỗi khi mẹ nghe tiếng con khóc là lo lắng, bồn chồn, căng thẳng, không vui và muốn giúp để em bé nín ngay và luôn vì chính chúng ta không chịu được cảm xúc đó. Chúng ta làm thế vì chúng ta chứ không phải vì trẻ. Hậu quả là trẻ bị tước cơ hội thể hiện cảm xúc của mình, vượt qua được cảm xúc của mình, xả stress rồi trở lại trạng thái cân bằng. Em bé cần học kỹ năng vượt qua các cảm xúc tiêu cực để thực hành cho cả cuộc đời. Kể cả với các em bé sơ sinh, mẹ cũng được hướng dẫn không ngay lập tức bế em bé lên khi khóc mà phải tìm hiểu nguyên nhân hay nhu cầu rồi trao đi đúng cái em bé cần. Không phải cứ khóc là nhét ti hay ti giả vào miệng để bé nín.
Một em bé được khóc một cách chính đáng, được lắng nghe thỏa đáng khi cần sẽ không có nhu cầu khóc, giảm được căng thẳng, giảm các kích thích quá mức về cảm xúc dẫn đến tăng động hay trầm cảm sau này. Một em bé được khóc hiểu được cảm xúc của mình là do mình làm chủ, mình vui hay buồn đều do mình, chẳng ai có thể làm mình buồn nếu mình không cho phép họ làm thế. Điều đó sẽ giúp em bé độc lập về tình cảm từ bé và luôn ở trạng thái cân bằng, làm chủ.
Em bé cần học kỹ năng vượt qua các cảm xúc tiêu cực để thực hành cho cả cuộc đời (Ảnh minh họa).
Vậy bạn làm gì để ngăn không bị rơi vào tình trạng dở khóc dở cười khi con gào khóc?
Thực sự dành đủ thời gian bên con suốt 6 tháng bạn nghỉ sau sinh, hiểu con, đáp ứng các nhu cầu chính đáng khi cần thiết từ khi mới sinh. Đừng đặt con vào những tình huống bạn biết sẽ quá sức chịu đựng của con về thể chất, tâm trí và không gian theo độ tuổi. Với trẻ con, trong ba lô luôn có đồ ăn và hoa quả để ăn trước khi con đói. Khi con mệt quá hay đến giờ ngủ thì cần có chỗ để ngủ. Đừng bắt con tham gia các chương trình của người lớn mà con không tham gia được cả về thể chất lẫn tâm trí ví dụ như đi dự sự kiện đã ghi rõ không mang theo trẻ, chương trình của người lớn, nơi không thiết kế cho trẻ em... nơi tất cả sẽ nhìn bạn như một sinh vật lạ khi có tiếng khóc vang lên. Một em bé cần được là một em bé. Bạn tôn trọng mình, tôn trọng con và bạn tôn trọng nơi bạn đến cùng tất cả mọi người ở đó.
Nếu con đã khóc bạn làm gì?
Ngồi xuống bên con, thật bình tĩnh nói chuyện.
Con có muốn mẹ giúp con bình tĩnh lại không?
Con có muốn mẹ ôm con vào lòng không?
Con có muốn kể cho mẹ nghe chuyện gì đã xảy ra không?
Con đau ở chỗ nào, mẹ thơm lên cho con đỡ đau nhé?...
Giọng nói nhỏ nhẹ cộng với thái độ bình tĩnh và sự quan tâm của bạn sẽ khiến em bé bình tâm lại và sau đó cả hai cùng thảo luận tìm cách giải quyết vấn đề. Với những em bé nhỏ, một cái ôm sẽ giải quyết được vấn đề. Những em bé lớn hơn khiếu hài hước luôn hiệu quả tức thì.
Đôi khi các em bé cáu và khóc gào lên không dừng được mà chúng ta gọi là ăn vạ thì cách tốt nhất là để cho các em bé khóc cho hết đã. Đừng giải thích, đừng dỗ dành, kiên nhẫn chờ bão qua thôi.
Với trẻ nhỏ, một cái ôm trong hầu hết các lần khóc lóc sẽ giải quyết được vấn đề (Ảnh minh họa).
Đừng bỏ mặc, đừng phán xét, mắng mỏ con vì con đã khóc. Đừng dọa bỏ đi khi con đang khóc nơi công cộng vì bạn sẽ làm con sợ thật sự, mà chính bạn lại chẳng dám làm điều đó. Con khóc là vì bạn đã không thiết lập các biên giới rõ ràng với con từ nhỏ và không hướng dẫn con quản lý cảm xúc của mình vì chính bạn cũng không quản lý được cảm xúc của mình. Lúc con bình tĩnh lại bạn sẽ giải thích cho con hiểu.
1. Gào khóc không giúp con có được những thứ không chính đáng.
2. Mẹ biết khóc là quyền của con nhưng gào khóc nơi công cộng con làm phiền tất cả mọi người và phá vỡ biên giới vô hình quanh con.
3. Gào khóc làm cơ thể mình yếu đi vì con sản xuất ra rất nhiều độc tố lúc căng thẳng.
4. Con là em bé rất thông minh đừng cư xử không thông mình vì mẹ không sợ nghe con khóc mà mẹ chỉ lo cho con thôi.
Thế nên, nếu con khóc vì lý do chính đáng, hãy xuất hiện và ở bên cạnh trao đi thứ con cần. Nếu con bạn hay khóc thét, thường xuyên mất bình tĩnh và dùng tiếng khóc làm vũ khí để đạt được điều mình muốn thì cả nhà cần xem lại cách quản lý cảm xúc của chính mình. Có phải mình cũng lên lên xuống xuống thất thường như thế không? Làm sao để mình cân bằng hơn, xử lý các tình huống tiêu cực bình tĩnh hơn để con mình học được cách làm tương tự? Bố mẹ hiền hòa con sẽ hiền hòa.
Vài nét về tác giả:
Chị Lê Mai Hương là giáo viên Montessori. Chị có bằng cử nhân tiếng Anh, bằng kế toán ngân hàng và bằng Montessori 3-6 do AMI cấp cùng và rất nhiều chứng chỉ liên quan đến giáo dục và phát triển cá nhân cả ở Việt Nam và trên thế giới. Với vốn sống phong phú và đa dạng, chị luôn làm cho mọi điều xung quanh trẻ trở nên thú vị và lôi cuốn. Phương châm của chị Hương là: 'Trẻ luôn luôn đúng.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!