Tại sao chữa tăng huyết áp lại dùng thuốc lợi tiểu?

Cần biết - 03/29/2024

Tôi đi khám bệnh bác sĩ cho biết bị tăng huyết áp và kê đơn thuốc chlorothiazid. Khi về tôi đọc kỹ thì đó là thuốc lợi tiểu.

Vậy tại sao bác sĩ lại cho tôi dùng thuốc này, trong khi tôi bị tăng huyết áp? Khi dùng cần lưu ý gì? Nguyễn Thị Hoa (Hòa Bình)

Có thể nói thuốc lợi tiểu là một trong các nhóm thuốc được dùng để trị tăng huyết áp. Ở người bệnh tăng huyết áp, lượng muối và nước dư thừa trong cơ thể khiến thành động mạch chịu thêm nhiều áp lực.

Thuốc lợi tiểu sẽ tác động đến thận nhằm tăng lượng muối và nước thải ra khỏi cơ thể qua đường tiểu. Ngoài ra, thuốc lợi tiểu cũng giúp thành động mạch co giãn nhiều hơn, máu lưu thông một cách dễ dàng hơn. Nhờ hai yếu tố trên, áp lực lên động mạch sẽ giảm xuống đáng kể, đưa mức huyết áp về ngưỡng an toàn. Tùy từng trường hợp mà bác sĩ có thể dùng đơn độc hoặc phối hợp với các thuốc trị huyết áp khác.

Tại sao chữa tăng huyết áp lại dùng thuốc lợi tiểu?

Tùy từng trường hợp bệnh, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp.

Chlorothiazid là một thuốc lợi tiểu thuộc nhóm thiazid có tác dụng làm tăng sự bài tiết muối và nước. Tác dụng hạ huyết áp của chlorothiazid có thể có sau 3 - 4 ngày điều trị, nhưng cũng có thể đến 3 - 4 tuần mới có tác dụng tối ưu. Tác dụng kéo dài 1 tuần sau khi ngừng dùng thuốc. Vì vậy, khi được kê đơn dùng thuốc này, người bệnh cần tuân thủ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, kiên trì dùng thuốc và tái khám đúng hẹn. Việc tái khám sẽ giúp bác sĩ đánh giá hiệu quả điều trị để điều chỉnh liều lượng hoặc thay thế, phối hợp thuốc khi cần thiết.

Tuy nhiên người bệnh cần lưu ý, nếu bị bệnh gút hoặc có biểu hiện bệnh gút cần báo cho bác sĩ biết, vì trong trường hợp này không được dùng chlorothiazid (thuốc sẽ làm bệnh gút nặng lên). Đối với người bệnh đái tháo đường, chlorothiazid có thể gây tăng đường huyết (nên có thể cần phải điều chỉnh liều lượng thuốc trị đái tháo đường). Chlorothiazid có thể gây mất nhiều kali (điều này phụ thuộc vào liều lượng).

Để giảm bớt nguy cơ này bác sĩ có thể giảm liều hoặc trong trường hợp cần thiết có thể cho dùng thêm thuốc chứa kali. Một số tác dụng phụ cần chú ý khi dùng thuốc như: đi tiểu thường xuyên hơn (đây là tác dụng phụ phổ biến nhất của thuốc lợi tiểu và có thể kéo dài vài tiếng sau khi uống thuốc); mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu... Dấu hiệu này sẽ giảm dần khi cơ thể người bệnh làm quen với thuốc.

Tuy nhiên, nếu các hiện tượng này vẫn tiếp diễn liên tục, người bệnh nên đến khám bác sĩ. Ngoài ra, nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào khác trong quá trình dùng thuốc, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ biết để được xử lý kịp thời.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!