Tại sao phụ nữ không hút thuốc lá vẫn có nguy cơ bị ung thư phổi?

Sức khỏe phụ nữ - 04/29/2024

Nguy cơ bị ung thư phổi dẫn đến tử vong không loại trừ bất kỳ một ai, kể cả phụ nữ chưa bao giờ động đến một điếu thuốc nào!

Bạn sẽ bất ngờ khi biết rằng ung thư phổi chính là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong số các dạng ung thư thường gặp ở phụ nữ – cao hơn cả số ca bệnh ung thư vú, ung thư tử cung và ung thư buồng trứng cộng lại!

Trong khi ung thư phổi đã được chẩn đoán là có xu hướng giảm dần ở nam giới thì mặt khác, số ca phụ nữ mắc bệnh lại không thay đổi. Điều này có nghĩa là, thậm chí, ung thư phổi có xu hướng tăng cao ở nhóm phụ nữ trẻ tuổi chưa bao giờ hút thuốc lá.

Mặc dù hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi, tuy nhiên có đến 20% phụ nữ mắc bệnh báo cáo rằng họ CHƯA TỪNG hút thuốc lá. Ngoài ra, những người vừa bắt đầu hút thuốc lá hoặc vừa từ bỏ thói quen này thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn phụ nữ vẫn đang hút thuốc.

Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu tại sao phụ nữ – những người hầu như chưa bao giờ hút thuốc lá – lại vẫn có nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi nhé!

Nguyên nhân gây bệnh ung thư phổi

Dù rằng trên thực tế, hút thuốc lá chính là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi, tuy nhiên một phần lớn phụ nữ mắc căn bệnh này đều là những người chưa bao giờ hút thuốc lá!

Ngoài thuốc lá, bạn vẫn có nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi do một số tác nhân khác như:

– Tiếp xúc với khí Radon trong nhà (một chất khí có tính phóng xạ tự nhiên)

– Hút thuốc lá thụ động (hít phải khói thuốc từ người hút)

– Sự phơi nhiễm môi trường và phơi nhiễm nghề nghiệp hoặc tố bẩm di truyền (khuynh hướng bẩm sinh).

Ngoài ra, các nghiên cứu gần đây cho rằng tình trạng nhiễm virus Papilloma (HPV) cũng là tác nhân góp phần gây bệnh.

Tại sao phụ nữ không hút thuốc lá vẫn có nguy cơ bị ung thư phổi?

Triệu chứng của bệnh ung thư phổi

Có lẽ bạn cũng đã biết rằng triệu chứng về bệnh tim mạch ở nữ giới thường không giống triệu chứng ở nam giới. Và triệu chứng bệnh ung thư phổi cũng tương tự như vậy.

  • Ung thư phổi tế bào vảy: Đây là dạng ung thư phổ biến ở nam giới hơn ở nữ giới, là căn bệnh phát triển gần các đường hô hấp. Người bệnh thường biểu hiện các triệu chứng cơ bản của bệnh ung thư phổi như ho không dứt và ho ra máu.
  • Ung thư tuyến: Dạng ung thư này thường gặp ở phụ nữ và phát triển ở những khu vực bên ngoài xung quanh phổi. Những khối u này có thể phát triển kích thước và dần lan rộng ra trước khi bắt đầu biểu hiện triệu chứng. Nếu bạn trải qua các triệu chứng như mệt mỏi, dần bắt đầu thở dốc, đau thắt ngực hoặc lưng (do tế bào ung thư lan rộng đến xương), bạn nên đến khám bác sĩ vì đây có thể là những dấu hiệu đầu tiên của bệnh ung thư phổi.

Vai trò của nội tiết tố estrogen

Có nhiều ý kiến cho rằng hormone estrogen đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát bệnh cũng như phát triển bệnh ung thư phổi. Nhiều nghiên cứu cho thấy những phụ nữ đã từng trải qua phẫu thuật loại bỏ buồng trứng trước thời kỳ mãn kinh có thể có nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi cao hơn so với những phụ nữ bình thường.

Một nghiên cứu gần đây đã cho thấy việc điều trị tác động đến hormone estrogen và progesterone (như liệu pháp thay thế hormone) ở những phụ nữ đã qua giai đoạn mãn kinh sẽ làm tăng nguy cơ gây tử vong do ung thư phổi. Trong khi đó, liệu pháp điều trị chỉ tác động đến estrogen lại có liên quan đến việc làm giảm nguy cơ tử vong do dạng ung thư này.

Mặt khác, việc sử dụng thuốc tránh thai kết hợp với điều trị bằng liệu pháp thay thế hormone (trừ những phụ nữ từng điều trị hormone đã trải qua phẫu thuật sau mãn kinh) có liên quan đến khả năng làm giảm tỷ lệ phát triển bệnh ung thư phổi.

Liệu pháp điều trị bệnh ung thư phổi

Tại sao phụ nữ không hút thuốc lá vẫn có nguy cơ bị ung thư phổi?

Bạn có thể cùng bác sĩ điều trị thảo luận về các liệu pháp điều trị để chọn ra biện pháp phù hợp nhất đối với tình trạng bệnh của bạn. Phương pháp điều trị thường bao gồm sự phối hợp các liệu pháp nhằm mục đích mang lại hiệu quả cao hơn. Sau đây là một số liệu pháp điều trị phổ biến của bệnh ung thư phổi:

Liệu pháp điều trị cục bộ: Phương pháp này được phát triển nhằm mục đích giúp người bệnh loại bỏ các tế bào ung thư tận gốc. Liệu pháp này bao gồm trị liệu xạ bức xạ và phẫu thuật.

Liệu pháp điều trị toàn thân: Phương pháp này được phát triển nhằm mục đích giúp giải quyết tận gốc các tế bào ung thư di căn ở khắp các cơ quan trong cơ thể, không chỉ ở phổi, nếu bệnh ung thư của bạn đã di căn đến các cơ quan ngoài phổi, hoặc vài tế bào ung thư ở phổi của bạn có xu hướng lan rộng ra bên ngoài. Liệu pháp điều trị toàn thân thường bao gồm hóa trị liệu, liệu pháp điều trị đích và liệu pháp miễn dịch.

Phẫu thuật: Vào giai đoạn đầu của quá trình phát triển bệnh ung thư phổi (giai đoạn 1A-3A), việc tiến hành phẫu thuật có thể giúp mang lại cho bạn cơ hội chữa khỏi bệnh. Tùy thuộc vào kích thước và vị trí của khối u, bác sĩ có thể chọn ra biện pháp phù hợp nhất cho bạn trong số vài dạng phẫu thuật ung thư phổi khác nhau. Sau khi trải qua phẫu thuật, nữ giới thường có xu hướng hồi phục nhanh hơn so với nam giới.

Liệu pháp trị liệu bức xạ: Phương pháp này thường được áp dụng sau khi hoàn thành phẫu thuật. Bác sĩ có thể áp dụng liệu pháp bức xạ bên ngoài để tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào còn sót lại. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể ưu tiên tiến hành biện pháp này cùng với hóa trị liệu đầu tiên nhằm mục đích làm giảm kích thước khối u. Sau đó, khối u sẽ được loại bỏ hoàn toàn thông qua phẫu thuật. Liệu pháp bức xạ cũng được sử dụng để điều trị làm giảm đau. Phương pháp này không có tác dụng giúp chữa bạn khỏi căn bệnh ung thư, nhưng sẽ giúp cải thiện triệu chứng bệnh cũng như kéo dài thời gian sống.

Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể được điều trị bằng các liệu pháp khác như: hóa trị liệu, liệu pháp điều trị đích, liệu pháp miễn dịch và thử nghiệm lâm sàng

Làm sao ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi?

Có một điều may mắn là dù rằng ung thư phổi chính là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư ở nữ giới, bạn vẫn có thể thực hiện một số biện pháp dưới đây để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh:

  • Từ bỏ ngay thói quen hút thuốc lá
  • Tránh những nơi có nguy cơ hút thuốc lá thụ động
  • Kiểm tra xem nhà của bạn có chứa khí Radon hay không – nếu có, hãy đến gặp bác sĩ để hỏi xin giải pháp
  • Tập thể dục đều đặn
  • Tăng cường hấp thu những siêu thực phẩm dinh dưỡng giúp làm giảm nguy cơ gây ung thư phổi. Và nếu bạn không may đang mắc phải căn bệnh này, hãy thêm ngay vào chế độ ăn uống của mình những thực phẩm giúp chống lại ung thư phổi.

Đừng bao giờ nghĩ rằng chỉ có các đấng mày râu nghiện thuốc lá mới bị ung thư phổi, phụ nữ cũng rất cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng và lối sống hàng ngày để tránh nguy cơ mắc bệnh nhé!

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Phòng ngừa và phát hiện sớm căn bệnh ung thư phổi
  • Bệnh ung thư phổi với chế độ dinh dưỡng hợp lý
  • Ung thư phổi: các giai đoạn bạn nên biết

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!