Hàng trăm ngàn người được chẩn đoán căn bệnh ung thư mỗi năm ở Anh. Đó không phải là một bệnh. Có khoảng hơn 200 loại khác nhau, mỗi loại có các triệu chứng, phương pháp chẩn đoán và điều trị riêng của nó.
Ung thư là gì?
Ung thư hình thành khi các tế bào trong cơ thể tăng sinh không kiểm soát, tạo ra các tế bào mới bất thường. Những tế bào bất thường này tăng lên mạnh mẽ tạo ra các khối, đó là khối u.
Nếu những tế bào khối u này không lan rộng, thì đó là u lành tính. Chúng không phải là ung thư và có thể được cắt bỏ.
Nếu những tế bào này có khả năng xâm lấn các mô lành và các cơ quan lân cận, hoặc lan rộng đến các nơi khác của cơ thể thông qua đường máu và hệ thống bạch huyết, tạo ra khối u khác nữa và tiếp tục phát triển, thì những khối u đó được xem là ác tính hay ung thư. Những tế bào ung thư có khả năng di căn nếu không được điều trị.
Nguyên nhân gây ung thư
Mỗi tế bào trong cơ thể chúng ta đều chứa ADN (vật chất di truyền). Nó mang mã di truyền và chứa những thông tin hướng dẫn cho tất cả các hoạt động của tế bào.
Nếu ADN trong tế bào bị tổn hại, những thông tin hướng dẫn này sẽ sai sót. Thực tế cho thấy việc biến đổi ADN (hay đột biến) mà chúng ta thường biết chỉ xảy ra ở những tế bào khi chúng phân chia và tái tạo. Trong hầu hết các trường hợp, các tế bào sẽ nhận ra những đột biến này và sửa chữa, hoặc chúng tự hủy rồi chết.
Khi một vài đột biến xảy ra trong ADN của một tế bào, sẽ làm mất sự kiểm soát quá trình sinh trưởng tế bào, nhưng tế bào đó không chết. Thay vào đó, theo chương trình bất thường do đột biến tạo ra, chúng tái tạo, lớn lên và sản sinh ngày càng nhiều các tế bào đột biến khác. Đây chính là sự bắt đầu của khối ung thư.
Nhiều yếu tố như hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá nhiều có thể cũng gây tổn thương ADN, tích lũy các đột biến dẫn tới ung thư.
Tiền sử gia đình bị ung thư cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh, nghĩa là khi một đứa trẻ sinh ra đã mang một số đột biến di truyền (ADN) dẫn đến khả năng mắc ung thư cao hơn.
Thậm chí những người mắc ung thư mà bệnh đã thuyên giảm vẫn có nguy cơ cao tái phát bệnh. Tuy nhiên trong phần lớn các trường hợp, nguyên nhân chính xác hay hậu quả do ung thư gây ra cũng chưa được biết rõ hoàn toàn.
Một nghiên cứu mới đây phát hiện ra rằng có hơn 80 chỉ dấu di truyền (ví dụ: các gen đột biến) có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vú, tiền liệt tuyến hoặc ung thư buồng trứng. Các nhà khoa học tin rằng những kết quả này có thể sớm dẫn đến sự bùng nổ trong sử dụng thông tin di truyền (ADN) của các loại ung thư này để kiểm tra gen đơn lẻ cho những người có nguy cơ cao, ví dụ, dùng cho những người có tiền sử gia đình mắc một loại ung thư nào đó.
Tại sao ung thư dễ gây chết người?
Các tế bào ung thư có thể xâm lấn tới các nơi khác trong cơ thể, nơi đó chúng dừng lại và phát triển lớn lên thành các khối u mới, gọi là u di căn thứ phát - và u khởi phát ban đầu được gọi là u nguyên phát. Những tế bào ung thư có thể lan rộng là nhờ chúng đi vào máu hoặc hệ thống bạch huyết và di chuyển đi khắp cơ thể.
Ví dụ, nếu ung thư đại tràng lan rộng qua thành đại tràng, nó có thể tiếp tục phát triển ở bàng quang. Nếu các tế bào đi vào máu thì chúng có thể di chuyển tới các cơ quan ở xa, như phổi và não. Ở đâu cũng vậy, các khối u sẽ thay thế các mô lành.
Quá trình các tế bào ung thư lan rộng gọi là di căn. Mỗi khi ung thư bắt đầu di căn thì khả năng cứu chữa sẽ giảm theo, và từ đó do nhiều nguyên do, có thể rất khó điều trị.
Ung thư gây nguy hiểm cho cơ thể theo nhiều cách. Kích thước của khối u có thể gây chen lấn các tạng liền kề hoặc các ống dẫn những hóa chất quan trọng. Ví dụ: Một khối u ở tụy có thể lớn lên gây tắc đường mật, dẫn tới chứng vàng da do tắc mật. Một khối u não có thể đè đẩy những cấu trúc quan trọng của não bộ, gây mất dẫn truyền, ngất xỉu và nhiều vấn đề nghiêm trọng khác. Có rất nhiều vấn đề khác nữa kèm theo như ăn không ngon, gầy sút cân do tăng tiêu hao năng lượng, hoặc nhiều biến đổi ở hệ thống đông máu dẫn tới chứng huyết khối tĩnh mạch sâu.
Tại sao ung thư khó ngăn chặn?
Ung thư là chứng bệnh vô cùng phức tạp. Mỗi loại ung thư đều khác nhau về mặt sinh học. Thí dụ: Về mặt sinh học, ung thư da khác với ung thư máu loại u lym phô, vì ung thư máu có nhiều loại khác nhau.
Mỗi loại ung thư có sự song hành của 2 yếu tố: gen và những đột biến tự nhiên ngẫu nhiên, gây ra ung thư. Tất cả điều đó gây khó khăn cho việc xác định hoạt động của các tế bào ung thư đặc biệt cũng như khả năng lan rộng, tác hại đối với cơ thể. Do thiếu sự hiểu biết một cách đầy đủ về ung thư nên rất khó để phát triển những phương pháp điều trị hiệu quả.
Phẫu thuật sớm để loại bỏ khối u có thể hiệu quả. Nhưng ung thư có thể tái phát nếu những tế bào này còn sót lại. Ngoài ra, một nguyên nhân tái phát nữa là do các tế bào ung thư đã di căn từ khối u nguyên phát và tạo ra những khối u nhỏ khó phát hiện ở bất cứ đâu trong cơ thể trước khi diễn ra cuộc phẫu thuật cắt bỏ khối u nguyên phát.
Vì các tế bào ung thư bản chất là các tế bào do cơ thể tự sinh ra nên nhiều phương pháp điều trị diệt ung thư cũng diệt luôn cả các tế bào khỏe mạnh khác.
Một giả thiết gây tranh cãi về lý do tại sao ung thư rất khó ngăn chặn là bởi điều này bắt nguồn từ đặc điểm nguyên thủy của gen người. GS. Paul Davies từ Đại học bang Arizona, Mỹ, tin rằng tế bào ung thư có thể sử dụng con đường của 1 tỷ năm về trước của cuộc sống đa bào, khi mà tăng trưởng tế bào không kiểm soát được coi là một lợi thế. Ông lập luận rằng, con đường tăng sinh không kiểm soát của các tế bào sau này đã bị ức chế bởi nhiều gen phức tạp hơn nhưng chúng vẫn ẩn sâu trong tất cả các sinh vật sống.
Như vậy ung thư chỉ xảy ra khi có vấn đề nào đó làm cho các con đường này khởi động trở lại. Nhiều nhà khoa học khác không đồng ý, cho rằng những con đường như vậy sẽ không còn tồn tại sau hàng triệu năm tiến hóa. Nhưng có một điều chắc chắn rằng - nhiều gen của chúng ta nắm giữ những điểm cốt yếu để hiểu về ung thư và cách để chữa trị nó.
Những nghiên cứu ung thư trong tương lai
Lĩnh vực nghiên cứu ung thư đang chuyển dần từ việc xác định xem ung thư ở đâu trong cơ thể, cũng như một loại ung thư vú có thể có nhiều điểm chung với ung thư buồng trứng, hơn là một ung thư khác ở vú.
Mặc dù các nhà khoa học đang tìm hiểu sâu hơn để biết xem điều gì sai lệch diễn ra bên trong các tế bào ung thư khi một khối u có thể có tới 100.000 đột biến gen và luôn luôn thay đổi.
Bằng việc xác định chính xác các đột biến chắc chắn gây ra ung thư, các bác sĩ hy vọng sẽ có phương pháp điều trị đặc hiệu, tức là chọn thuốc tác động hiệu quả nhất lên một loại khối u riêng biệt.
Nhiều nhà khoa học đang tạo ra những liệu pháp điều trị ung thư đích, sử dụng những hiểu biết mới nhất của họ vào ung thư ở cấp độ phân tử. Những phương pháp điều trị này ngăn chặn sự phát triển của ung thư bằng các can thiệp chuyển gen và phân tử đặc biệt, liên quan đến sự tăng trưởng khối u và sự phát triển của chúng.
Các thử nghiệm lâm sàng sử dụng liệu pháp gen cũng đang được thực hiện. Việc điều trị thử nghiệm này có bản chất là đưa vật liệu di truyền vào trong các tế bào của người nhận để chống lại hoặc ngăn ngừa bệnh.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Đặng Tài Vóc (Theo bbc)
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!