Tôi cao 1m53, nặng 60kg. Tôi mới có thai được 5 tuần. Tôi nghe nói bà bầu tăng ít cân sẽ khiến thai nhi không được khỏe, nhưng tôi béo như vậy thì có cần tăng nhiều cân khi mang thai không? Nếu có thì mong chuyên gia cho biết cần tăng bao nhiêu cân là đủ?
Khánh Thương (Hải Dương)
Đúng là sức khỏe và trọng lượng lúc đẻ của trẻ liên quan nhiều đến việc người mẹ tăng cân như thế nào trong thai kỳ. Nếu người mẹ không tăng đủ cân trong thai kỳ sẽ có nhiều nguy cơ sinh con nhẹ cân. Những trẻ này có nhiều nguy cơ bị những vấn đề về sức khỏe và nhiều khó khăn trong quá trình phát triển. Trẻ phát triển nhanh trong tử cung, ước tính thai nhi đang phát triển sản sinh ra 100.000 tế bào não trong một phút. Từ tuần thứ 26 của thai kỳ trở đi, một thai nhi tăng khoảng 30g trọng lượng mỗi ngày. Vì vậy, dù bạn có dư thừa cân nặng cũng vẫn cần phải tăng cân để có nhiều năng lượng cho em bé phát triển.
Dù bạn thừa cân cũng phải tăng cân để em bé phát triển (Ảnh minh họa: Internet)
Để có một em bé khỏe mạnh thì trong thai kỳ, người mẹ cần tăng bao nhiêu cân là đủ? Điều này còn phụ thuộc vào tình trạng của người mẹ, không có thai kỳ nào giống thai kỳ nào, cũng không có người phụ nữ nào giống nhau hoàn toàn.
Sự tăng cân trong thai kỳ bao gồm những yếu tố sau:
Trẻ: 3.200g-3.600g.
Nhau thai: 500g-900g.
Dịch ối: 900g.
Sự phì đại tuyến vú: 500g.
Tử cung: 900g.
Thể tích máu được gia tăng: 1.400g.
Mỡ cơ thể: 2.300g.
Mô và dịch cơ thể tăng: 1.800g-3.200g.
Do đó, người mẹ nên tăng cân theo mức sau: Mẹ có cân nặng bình thường trước khi mang thai nên tăng 11,3-16kg. Nếu người mẹ thiếu cân trước khi mang thai nên tăng 12,7-18,3kg. Trường hợp mẹ dư thừa cân trước khi mang thai, nên tăng 7-11,3kg. Nếu mẹ có song thai thì nên tăng 16-20,5kg.
Trong ba tháng đầu của thai kỳ, người mẹ nên tăng 1kg, ba tháng giữa tăng 5kg, ba tháng cuối tăng 6kg. Có nhiều bà mẹ ít tăng cân hoặc không tăng cân trong 3 tháng đầu thai kỳ vì bị nghén nhưng phần lớn vẫn tăng được 0,9-1,8kg.
Trong ba tháng giữa và cuối thai kỳ nên tăng trung bình 0,3-0,5kg/tuần. Khoảng tuần thứ 13 của thai kỳ, hàm lượng Estrogen bắt đầu tăng. Chất này tác động như một chất kích thích sự thèm ăn làm cho nhiều bà mẹ có cảm giác thèm một số loại thức ăn như đất, quả chua...
Trong thai kỳ đủ tháng, người mẹ cần tiêu thụ thêm 80.000Kcalo tức là trong 280 ngày thì bình quân mỗi ngày cần thêm 285Kcalo. Như vậy, trong mỗi bữa ăn bạn nên chú ý ngoài chất đạm động vật như sữa, trứng (kể cả trứng vịt lộn), thủy sản, tôm, cua, cá, ốc... cần chú ý đến chất đạm từ nguồn thức ăn thực vật vừa rẻ, vừa có lượng đạm cao, lại có thêm lượng chất béo tốt như đậu tương, đậu xanh, các loại đậu khác, vừng, lạc...
Cần chú ý đến chất đạm trong thời gian mang thai (Ảnh minh họa: Internet)
Ngoài ra, bạn nên bổ sung các khoáng chất như: Sắt, canxi, kẽm, iốt, axit folic và các loại vitamin A, C, D, B1, B2. Trong đó đặc biệt lưu ý đến sắt, canxi và axit folic bởi thiếu sắt dẫn đến thiếu máu ở người mẹ ảnh hưởng đến mức tăng cân của mẹ trong thời gian mang thai cũng như cân nặng của trẻ sơ sinh làm tăng nguy cơ bị biến chứng sản khoa. Bạn nên bổ sung 60mg sắt nguyên tố/ngày trong suốt thời gian mang thai đến sau đẻ một tháng. Thiếu axit folic ở người mẹ có thể dẫn đến thiếu cân ở trẻ sơ sinh. Axit folic có vai trò bảo vệ chống lại những khiếm khuyết của ống thần kinh trong sự thụ thai. Vì thế bạn cần bổ sung từ 300- 400mcg/ngày. Canxi cần đủ 800- 1000mg mỗi ngày trong suốt thời gian bạn mang thai và cho con bú.
Bạn cần lưu ý không dùng các loại chất kích thích như rượu, cà phê, nước chè đặc, thuốc lá...; Giảm ăn các loại gia vị gây kích thích như: Ớt, hạt tiêu, dấm, tỏi. Nên ăn nhạt (bớt muối), nhất là các bà mẹ bị phù thận, để giảm phù và tránh tai biến khi đẻ.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!