Tăng huyết áp phổi (tăng áp động mạch phổi)

Bệnh A-Z - 11/24/2024

Tìm hiểu về bệnh tăng huyết áp phổi trên Hello Bacsi sẽ cho bạn biết về triệu chứng, nguyên nhân, nguy cơ và cách điều trị bệnh hiệu quả.

Tìm hiểu chung

Tìm hiểu chung

Bệnh tăng huyết áp phổi (tăng áp động mạch phổi) là bệnh gì?

Tăng huyết áp phổi, hay còn gọi là tăng áp động mạch phổi, là tình trạng áp suất trong các mạch máu từ tim đến phổi tăng quá cao. Tim sẽ bơm máu từ tâm thất phải đến phổi để lấy oxy. Bởi vì máu không phải đi xa, nên áp lực ở động mạch đưa máu từ tâm thất phải đến phổi thường thấp hơn nhiều so với huyết áp tâm thu hay tâm trương. Khi áp suất quá cao, các động mạch ở phổi có thể có lại khiến cho lưu lượng máu giảm xuống, kết quả là máu sẽ nhận được ít oxy hơn. Tăng huyết áp phổi bao gồm:

  • Tăng huyết áp phổi tự phát;
  • Tăng huyết áp phổi thứ phát.

Triệu chứng thường gặp

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tăng huyết áp phổi (tăng áp động mạch phổi) là gì?

Khó thở hay choáng váng khi đang hoạt động thường là những triệu chứng đầu tiên của bệnh tăng huyết áp phổi. Nhịp tim của bạn cũng có thể nhanh hơn bình thường (đánh trống ngực). Theo thời gian, các triệu chứng bắt đầu xảy ra với các hoạt động nhẹ nhàng hơn hoặc thậm chí trong lúc nghỉ ngơi.

Các triệu chứng khác bao gồm:

  • Mắt cá chân và cẳng chân bị sưng;
  • Da hoặc môi xanh xao (chứng xanh tím);
  • Đau hoăc cảm giác bị áp lực ở ngực (thường ở phía trước ngực);
  • Chóng mặt hoặc ngất xỉu;
  • Mệt mỏi;
  • Bụng to ra;
  • Yếu lả người.

Một số các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng được đề cập ở trên, hay có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây ra bệnh tăng huyết áp phổi (tăng áp động mạch phổi) là gì?

Phần bên phải của tim sẽ bơm máu qua phổi để lấy oxy. Sau đó máu đến mặt trái của tim, nơi chúng sẽ được bơm vào phần còn lại của cơ thể. Khi các mạch máu của phổi bị hẹp, chúng không thể dẫn được nhiều máu và khiến cho áp lực tích tụ lại gây ra bệnh tăng huyết áp động mạch phổi.

Tăng huyết áp phổi tự phát thường do di truyền và không phổ biến bằng thứ phát. Gen của người bị tăng huyết áp phổi tự phát quy định mạch máu hẹp hơn bình thường khiến chúng khó dẫn máu.

Tăng huyết áp phổi thứ phát là do các động mạch và mao mạch trong phổi khó dẫn máu, khiến tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu qua phổi.

Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác có thể dẫn đến tăng huyết áp phổi như:

  • Các bệnh tự miễn dịch gây tổn hại phổi, ví dụ như xơ cứng bì và viêm khớp dạng thấp;
  • Xuất hiện huyết khối trong phổi (thuyên tắc phổi);
  • Suy tim;
  • Bệnh van tim;
  • Nhiễm HIV;
  • Bệnh ngưng thở lúc ngủ;
  • Các bệnh về phổi, chẳng hạn như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hoặc xơ hóa phổi;
  • Một số loại thuốc giảm cân.

Nguy cơ mắc phải

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải bệnh tăng huyết áp phổi (tăng áp động mạch phổi)?

Mặc dù ai cũng có thể mắc bệnh tăng áp động mạch phổi nhưng người lớn tuổi có nhiều nguy cơ tăng áp phổi thứ phát, và những người trẻ tuổi có nhiều khả năng có tăng áp phổi tự phát. Tăng huyết áp phổi tự phát cũng phổ biến ở phụ nữ hơn là ở nam giới. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp phổi (tăng áp động mạch phổi)?

Có rất nhiều yếu tố có thể khiến bạn tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp động mạch phổi, bao gồm:

  • Tiền sử gia đình: nếu hai hoặc nhiều hơn thành viên trong gia đình bạn bị mắc tăng huyết áp phổi hoặc một thành viên trong gia đình bạn mắc tăng huyết áp phổi di truyền, bạn sẽ có nguy cơ mắc tăng huyết áp phổi;
  • Giới tính: theo thống kê, phụ nữ mắc tăng huyết áp phổi nhiều hơn so với nam giới;
  • Độ cao của nơi sống: sống ở nơi có độ cao lớn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp phổi;
  • Một số bệnh lý: mắc một số bệnh lý như bệnh tim bẩm sinh, bệnh gan, bệnh phổi và rối loạn mô liên kết như xơ cứng bì và lupus có thể dẫn đến bệnh tăng huyết áp phổi;
  • Dùng một số loại ma túy như methamphetamines và thuốc giảm cân, ví dụ như fenphen có thể dẫn đến bệnh tăng huyết áp phổi.

Điều trị hiệu quả

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh tăng huyết áp phổi (tăng áp động mạch phổi)?

Tăng huyết áp động mạch phổi khó chẩn đoán sớm vì thường không thể phát hiện ra bệnh bằng cách khám lâm sàng thông thường. Ngay cả khi bệnh đã nặng hơn, các dấu hiệu và triệu chứng của nó cũng tương tự như các bệnh tim và phổi khác. Do đó, bác sĩ có thể phải làm một hoặc nhiều xét nghiệm khác nhau để loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây ra tình trạng của bạn. Các xét nghiệm bao gồm:

  • Các xét nghiệm máu;
  • Thông tim;
  • Chụp X-quang ngực;
  • Chụp CT ngực;
  • Siêu âm tim;
  • Điện tâm đồ ECG;
  • Xét nghiệm chức năng phổi;
  • Chụp mạch phổi;
  • Nghiên cứu giấc ngủ.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh tăng huyết áp phổi (tăng áp động mạch phổi)?

Hiện nay vẫn chưa có cách chữa bệnh tăng huyết áp động mạch phổi. Mục tiêu của việc điều trị là kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa tổn thương phổi. Điều quan trọng nhất là phải điều trị được các bệnh lý gây ra tăng huyết áp động mạch phổi, chẳng hạn như bệnh ngưng thở lúc ngủ, bệnh về phổi và các vấn đề về van tim.

Các thuốc bác sĩ có thể kê đơn cho bạn bao gồm:

  • Những thuốc như warfarin, thuốc chống đông máu sẽ được dùng điều trị tăng huyết áp phổi do huyết khối;
  • Thuốc giãn mạch làm mở rộng mạch máu bị thu hẹp như thuốc chặn kênh canxi với liều cao, thuốc lợi tiểu và tăng cường oxy.

Nếu bạn không thể uống warfarin chống huyết khối, bác sĩ sẽ đặt màng lọc huyết khối chống đông máu.

Ngoài ra, nếu điều trị bằng thuốc không có tác dụng, bác sĩ có thể đề nghị bạn tiến hành cấy ghép phổi hoặc tim.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh tăng huyết áp phổi (tăng áp động mạch phổi)?

Bạn có thể kiểm soát tốt tình trạng bệnh của mình nếu bạn lưu ý vài điều dưới đây:

  • Nghỉ ngơi nhiều: việc nghỉ ngơi có thể làm giảm bớt mệt mỏi, hạn chế nguy cơ dẫn đến tăng huyết áp phổi;
  • Hoạt động vừa phải: tập thể dục vừa phải như đi bộ rất có lợi cho sức khỏe của bạn. Bác sĩ có thể giúp bạn lên kế hoạch tập thể dục thích hợp;
  • Không hút thuốc: nếu bạn hút thuốc, phải ngưng ngay để bảo vệ tim, phổi. Nếu bạn không thể tự bỏ, hãy nhờ bác sĩ lên kế hoạch điều trị để giúp bạn bỏ thuốc lá. Ngoài ra, bạn cũng nên tránh khói thuốc lá nếu có thể;
  • Tránh mang thai hoặc sử dụng thuốc tránh thai: việc mang thai có thể đe dọa tính mạng cho cả bạn và em bé của bạn. Đồng thời, tránh sử dụng thuốc tránh thai vì có thể làm tăng nguy cơ máu vón cục. Nói với bác sĩ của bạn về các biện pháp tránh thai nếu thật cần thiết;
  • Tránh du lịch hoặc sinh sống ở nơi cao: ở nơi cao làm tăng áp lực lên mạch máu và có thể làm nghiêm trọng thêm các triệu chứng của tăng huyết áp động mạch phổi. Nếu bạn sống ở độ cao 5 mét hoặc cao hơn, bạn nên di chuyển đến nơi thấp hơn;
  • Tránh các tình huống dẫn đến huyết áp quá thấp, bao gồm ngồi trong bồn tắm nước nóng hoặc tắm hơi, tắm nước nóng lâu hoặc tắm vòi sen. Những hoạt động này làm giảm huyết áp của bạn và gây ra ngất xỉu hoặc thậm chí tử vong;
  • Hãy thử dành ít nhất 30 phút một ngày làm một hoạt động mà bạn thấy thoải mái như yoga, thiền, đọc sách hay trồng cây. Một số người bị tăng huyết áp phổi giảm đáng kể triệu chứng và cuộc sống của họ được cải thiện sau khi giảm stress;
  • Thực hiện chế độ ăn uống dinh dưỡng và giữ thân hình cân đối. Bạn nên hạn chế lượng muối trong chế độ ăn uống của bạn để giảm thiểu sưng các mô của cơ thể (phù mạch máu). Hầu hết các chuyên gia khuyên bạn không nên ăn quá 500 đến 2.400 mg muối một ngày. Hãy nhớ rằng thực phẩm đóng gói thường cần nhiều muối, vì vậy phải kiểm tra kỹ nhãn dán của thực phẩm trước khi mua.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!