Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (điều chỉnh theo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia) áp dụng từ 1/1/2020 quy định: người lái xe (xe đạp, xe đạp điện, xe máy, xe ô tô) có nồng độ cồn trong máu, hơi thở sẽ bị xử phạt rất nặng.
Theo đó, mức xử phạt cao nhất đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp điện vi phạm là 400 - 600 nghìn đồng; với xe máy là 6 - 8 triệu đồng và mức xử phạt cao nhất với ô tô lên tới 30 - 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22 - 24 tháng.
Kiểm tra nồng độ cồn trong khí thở - Ảnh: Vũ Điệp
Sau hơn 1 tuần triển khai quy định mới, lượng bệnh nhân nhập viện do tai nạn giao thông có liên quan đến rượu bia bước đầu đã giảm so với trước.
Tại Bệnh viện Việt Đức, số liệu từ Phòng Kế hoạch Tổng hợp của bệnh viện cho thấy: từ ngày 1/1 đến 6/1/2020, bệnh viện tiếp nhận 305 trường hợp bị tai nạn giao thông, trong đó 46 bệnh nhân có nồng độ cồn ethanol trong máu (chiếm 11,8%).
So với cùng kỳ năm ngoái, con số này giảm 3 ca. (Từ 1/1 – 6/1/2019, bệnh viện Việt Đức tiếp nhận 324 bệnh nhân tai nạn giao thông, trong đó 49 trường hợp có nồng độ cồn ethanol trong máu, chiếm 15%).
Số ca tai nạn giao thông trong 6 ngày đầu tháng 1 năm 2020 bước đầu giảm so với cùng kỳ năm ngoái
Ghi nhận từ Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội: trong năm 2019, đơn vị này tiếp nhận 4020 trường hợp tai nạn giao thông, trung bình 11 ca/ ngày.
Thống kê trong 6 ngày đầu tháng 1 năm 2020, số ca tai nạn giao thông 115 Hà Nội tiếp nhận là 44 ca, trung bình 7.3 ca/ ngày.
'Không thể khẳng định chắc chắn số ca tai nạn giao thông giảm có liên quan đến quy định mới hay không. Tuy nhiên, về quan điểm cá nhân, tôi rất ủng hộ Luật phòng chống tác hại rượu bia bởi nó không những có tác dụng trước mắt là phòng chống tai nạn thương tích mà còn có tác dụng lâu dài như giảm thiểu các bệnh xơ gan, các vấn đề bạo lực', ông Nguyễn Thành, Giám đốc trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội chia sẻ.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!