Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các chuyên gia y học cổ truyền (YHCT) đã đưa ra một số bài thuốc, vị thuốc có thể tăng cường sức đề kháng cho cơ thể trong mùa dịch này.
Sát trùng bằng cây, cỏ
BSCKII Đỗ Tân Khoa, Giám đốc Bệnh viện (BV) YHCT TP HCM, cho biết các loại thảo dược thông dụng dễ tìm như sả, chanh, bạc hà, quế, mùi, bưởi, tràm gió, màng tang, long não, kinh giới, tía tô… đều có khả năng sát trùng rất tốt. Có thể dùng một loại dược liệu hoặc phối hợp nhiều loại dược liệu, mỗi loại từ 200-400 g tùy theo diện tích phòng muốn 'làm sạch'.
Cho dược liệu vào nồi, đổ nước ngập dược liệu, đậy nắp nồi, đun sôi lăn tăn, mở nắp để hơi nước bão hòa tinh dầu khuếch tán ra không gian phòng, tiếp tục đun sôi nhỏ thêm 30 phút, đóng cửa phòng khoảng 20 phút. Ngày làm 2 lần, sáng và chiều. Ngoài ra, tùy theo diện tích phòng (10-40 m2), dùng lượng tinh dầu phù hợp (2-4 ml), hòa tan tinh dầu trong ethanol 75%, lắc đều, cho vào bình xịt phun sương, xịt quanh phòng, hoặc xịt vào chỗ cần sát khuẩn, đóng cửa phòng khoảng 20 phút, ngày xịt 2-3 lần.
Tinh thần lạc quan; chế độ thực dưỡng phù hợp… là những yếu tố quan trọng giúp nâng cao sức đề kháng chống lại dịch bệnh (ảnh chỉ mang tính minh họa) Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Hiện nay có dung dịch nhỏ mũi, thành phần dung dịch tỏi 10% đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định, tác dụng sát khuẩn rất hiệu quả. Sử dụng nhỏ mũi mỗi ngày 3 đến 5 lần, mỗi lần 1 giọt. Nước súc miệng từ dược liệu (tinh dầu quế, bạc hà, NaCl…), sử dụng súc họng ngày 2-4 lần. Ngoài ra, còn có loại nước súc miệng từ nước muối sinh lý, có tác dụng sát khuẩn miệng, họng rất tốt, sử dụng súc miệng, họng ngày 2-4 lần.
Tăng đề kháng bằng thảo dược
ThS-BS Nguyễn Thanh Sang - Phó Khoa Vật lý trị liệu Bệnh viện quận 2, TP HCM - cho biết nguyên lý của YHCT trong phòng, chống các bệnh do vi khuẩn, virus là nâng cao sức đề kháng bằng cách bổ khí, bổ huyết và hạn chế nguyên nhân gây bệnh.
Một số bài thuốc YHCT giúp nâng cao sức đề kháng là 'Bồ trung ích khí thang' (gồm hoàng kỳ, chích thảo, thăng ma, đảng sâm, đương quy, sài hồ, bạch truật, trần bì) sắc nước uống. 'Quy tỳ thang' (nhân sâm, táo đỏ, hoàng kỳ, bạch truật, phục thần, toan táo nhân, quế tròn, mộc hương, chích thảo, đương quy, viễn chí, gừng sống) ngày dùng 1 thang, đun sắc, chia 2 lần uống….
Theo lương y Nguyễn Đức Nghĩa, Hội Dược liệu TP HCM, những loại cây, củ, quả... có chứa tinh dầu có tính sát trùng cao, phòng ngừa được các bệnh về cúm. Theo đó củ sả và chanh kết hợp cùng với mật ong nấu uống hằng ngày có thể ngăn ngừa nhiễm virus cúm.
Chanh nên sử dụng chanh có hạt rồi rửa sạch cho vào ngăn đá đông cứng, sau đó đem ra bào vỏ. Củ sả rửa sạch rồi đập hơi nát và mật ong (mật ong rừng càng tốt). Sau đó đun nước sôi cho sả vào khuấy đều, cho vỏ chanh vào tiếp tục khuấy đều, tắt lửa đậy nắp lại để nguội rồi chiết ra bình pha mật ong vào (tùy thuộc hàm lượng), sau đó để trong tủ lạnh.
Sáng ngủ dậy uống ngay 1 ly khoảng 100 ml (nếu đắng thì pha thêm nước), giữa ngày uống 1 ly 100 ml, trước khi đi ngủ uống 1 ly 100 ml. Uống liên tục trong vòng 3 ngày thì hệ hô hấp của bạn sẽ rất sạch và khỏe hẳn. Không chỉ tốt cho phổi, tinh chất của chanh và sả còn chứa một hàm lượng detox rất tốt cho đường ruột và gan.
Bên cạnh món chanh, sả còn có thể nâng cao miễn dịch, kháng khuẩn đường hô hấp với nước ép tỏi (tỏi tươi) liều lượng 6-12 g, xay hoặc nghiền tỏi tươi lọc lấy nước, hòa cùng nước ấm theo tỉ lệ 1:10, chia uống nhiều lần trong ngày.
'Thần dược' trà
Trà từ lâu đã trở thành nét văn hóa và còn được xem 'thần dược' trong việc chăm sóc sức khỏe. Theo các chuyên gia YHCT, một số cách dùng trà giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể như sau:
Trà lá diếp cá: Lá diếp cá 5g (tươi 10g), trà xanh 3g (tươi 6g), liên kiều 3g, hậu phác 3g. Các vị thuốc trên cho vào ấm hoặc dụng cụ phù hợp, cho 200ml nước sôi để nguội dần còn khoảng 70-80 độ C, hãm khoảng 5-10 phút, uống trong ngày.
Trà kinh giới, trà xanh: Kinh giới (lá khô) 10g, trà xanh 3g (tươi 6g). Các vị thuốc trên cho vào ấm hoặc dụng cụ phù hợp, cho 200ml nước sôi để nguội dần còn khoảng 70-80 độ C, pha hãm khoảng 5-10 phút, uống trong ngày.
Trà kinh giới, bạc hà: Kinh giới 5g, lá bạc hà 3g, trà xanh 3g. Các vị thuốc trên vào ấm hoặc dụng cụ phù hợp, cho 200ml nước sôi để nguội dần còn khoảng 70-80 độ C, pha hãm khoảng 5-10 phút, uống trong ngày.
Trà kinh giới, quế chi: Lá kinh giới 5g, quế chi 3g, trà xanh 3g. Các vị thuốc trên vào ấm hoặc dụng cụ phù hợp, cho 200ml nước sôi để nguội dần khoảng 70-80 độ C, pha hãm khoảng 5-10 phút, uống trong ngày.
Sử dụng dược liệu tươi pha chế làm trà như sau: Lá trà tươi 10g, sinh khương bỏ vỏ 10 lát, sắc hoặc hãm uống thay trà trong ngày. Hoắc hương tươi 10g, lá tía tô tươi 10g, lá bạc hà tươi 10g; rửa sạch, sắc hoặc hãm uống thay trà. Cam thảo 3g, phòng phong 6g, hai thứ nghiền nhỏ, hãm với nước sôi uống thay trà trong ngày. Hoắc hương 8g, tử tô 8g, kinh giới 8g, bạc hà 8g, lá trà 5g, sắc hoặc hãm với nước sôi uống thay trà.
Cân bằng giữa nghỉ ngơi và làm việc
Theo BSCKII Đỗ Tân Khoa, ngoài một số sản phẩm y học cổ truyền vừa kể trên, để nâng cao sức đề kháng trong phòng, chống bệnh và chống lây nhiễm virus, cần bảo đảm 3 yếu tố: Tinh thần lạc quan; chế độ thực dưỡng phù hợp; tập luyện thể dục thường xuyên. Cần cân bằng giữa nghỉ ngơi và làm việc (nên nghỉ trưa, ít nhất 30 phút), tránh tham công tiếc việc quá mức sẽ dễ dẫn đến stress. Tránh ngủ sau 22 giờ, trường hợp phải thức khuya để giải quyết một số công việc cấp bách, tốt nhất nên thu xếp để đi ngủ trước 23 giờ.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!