Tăng viện phí: Vấn đề nan giải cho bệnh nhân nghèo

Sống khỏe mạnh - 05/15/2024

Người nghèo khó có thể vượt qua cơ chế tài chính khi giá y tế ngày 1 tăng lên.

Giá viện phí hiện nay chưa tính đúng, tính đủ mà đang được điều chỉnh dần. Do chưa nắm được thông tin nên nhiều bệnh nhân vẫn thắc mắc vì sao họ lại phải trả cả tiền vệ sinh, giặt quần áo vì họ hiểu tiền đó đã nằm trong viện phí.

Tính đúng, tính đủ, đổi mới là sự sống còn

Công tác tài chính ngành y tế Việt Nam trong thời gian quan có nhiều tiến bộ đáp ứng cơ chế mới, nhưng vẫn chưa mang tính tổng thể, vì vậy thu lắt nhắt làm cho người bệnh cảm thấy 1 sự phiền hà.

Theo GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguồn tài chính y tế Việt Nam hiện nay có 3 nguồn đó là ngân sách nhà nước, BHYT và người dân tự chi trả.

Xu thế chung, ngân sách nhà nước chi cho y tế không tăng lên theo tỉ lệ phần trăm so với GDP, số người dân có bảo hiểm y tế lên 75-78% nhưng việc người dân bỏ tiền túi chi trả trực tiếp cũng vẫn còn nhiều. Để quản lý số vốn này, tạo được cơ cấu cân bằng đảm bảo sự công bằng đây là nhiệm vụ lớn của ngành Y tế.

GS. Phạm Mạnh Hùng cho rằng: 'Bộ Y tế đưa ra lộ trình cần có tính đúng, tính đủ nhưng cần phải có lộ trình và điều chỉnh từ từ, vì nếu tính đúng tính đủ ngay người dân sẽ không có khả năng chi trả. Quy luật là thu phải đủ chi và ngành Y tế cũng không tránh khỏi quy luật này, các nước khác cũng vậy.'

'Phải tính chi li công lao động qua viện phí, nếu thực hiện mà không phát triển BHYT, mà chỉ chi từ tiền túi người bệnh thì sẽ nguy hiểm. Người nghèo khó có thể vượt qua cơ chế tài chính khi giá y tế ngày 1 tăng lên. Các bệnh viện cần có lộ trình thực hiện tốt, nâng cao tinh thần phục vụ nếu không sẽ không được người dân tìm đến khám chữa bệnh. Nếu không đủ tín nhiệm, bệnh viện đó sẽ giảm nguồn thu.'- GS. Phạm Mạnh Hùng cho biết.

Tăng viện phí: Vấn đề nan giải cho bệnh nhân nghèo

Dự kiến việc tăng viện phí đợt 1 sẽ thực hiện vào cuối tháng 8 tới. (Ảnh minh họa: Internet)

Tăng viện phí làm 5 đợt

Hiện nay giá dịch vụ y tế mới tính 3/7 yếu tố là thuốc, vật tư trực tiếp; điện, nước, xử lý chất thải và duy tu, bảo dưỡng tài sản.

Còn 4 yếu tố chưa được cấu thành vào giá là tiền lương, phụ cấp; sửa chữa lớn tài sản cố định; khấu hao tài sản và chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Theo thông tư của liên Bộ Y tế và Tài chính, từ 1/7, mức giá của gần 2.000 dịch vụ y tế sẽ được tính thêm cả tiền lương của y, bác sỹ vào viện phí. Cùng với đó, ngân sách Nhà nước sẽ không cấp tiền lương cho các bệnh viện nữa.

Nhằm giảm áp lực cho người dân và không để ảnh hưởng nhiều đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khi thực hiện tăng giá viện phí, Bộ Y tế quyết định không thực hiện đồng loạt mức giá viện phí mới trong cùng một thời điểm mà thực hiện thành 5 đợt từ nay đến đầu năm 2017. Mỗi đợt thực hiện đối với 10 tỉnh, thành phố và các bệnh viện Trung ương trên địa bàn.

Dự kiến việc tăng viện phí đợt 1 sẽ thực hiện vào cuối tháng 8 tới, áp dụng với các địa phương có tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt khoảng 95%.

Đợt 2 thực hiện vào tháng 10 tới tại các tỉnh, thành phố có tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế khoảng 90% và có mức tác động chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thấp.

Đợt 3 được thực hiện vào tháng 11 tại những nơi có tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 85%.

Đợt 4 thực hiện trong tháng 12 tại các địa phương có tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên 80%.

Đợt 5 thực hiện vào tháng 1/2017 tại các tỉnh, thành phố còn lại.

Trong đợt tăng viện phí lần này có tính thêm tiền lương nên nhiều dịch vụ kỹ thuật có mức giá tăng cao như: tiền ngày giường; chi phí các phẫu thuật nặng được xếp loại đặc biệt và những kỹ thuật loại 1 có từ 7 đến 8 bác sĩ tham gia trong nhiều giờ đồng hồ.

Ngược lại, các dịch vụ có mức giá tăng thấp vì sử dụng ít nhân lực như: các dịch vụ chiếu chụp, chẩn đoán và xét nghiệm.

Việc điều chỉnh giá viện phí sẽ hướng dần đến tính đúng, tính đủ. Tuy nhiên, việc tăng giá này cũng chưa thực hiện điều chỉnh ở mức tối đa của thông tư số 04, mà tăng theo nhóm.

Nhóm 1 gồm các bệnh viện hạng đặc biệt, BV hạng I đầu ngành tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh bình quân khoảng 94-95% mức tối đa của khung giá;

Nhóm 2 gồm BV hạng I đóng tại các địa phương khoảng 90-92%; Nhóm 3 các bệnh viện tuyến Trung ương còn lại khoảng 88%...

Theo Bộ Y tế, việc tăng giá viện phí theo lộ trình, hướng tới tính đúng, tính đủ về cơ bản không làm ảnh hưởng đến người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách và trẻ em dưới sáu tuổi vì các đối tượng này được thanh toán 100% chi phí khi đi khám, chữa bệnh, không phải đồng chi trả thêm 5% như trước đây.

Với đối tượng người cận nghèo ngân sách nhà nước đã hỗ trợ tối thiểu 70% mức mua BHYT, trước phải đồng chi trả 20% thì nay cũng chỉ phải đồng chi trả 5% chi phí khám chữa bệnh nên tác động cũng không nhiều.

>>Xem thêm: Năm 2016 mới tiến hành điều chỉnh giá dịch vụ y tế

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!