Một loạt các triệu chứng có thể xuất hiện nếu như sự sản sinh testosterone giảm mạnh xuống mức dưới bình thường. Các dấu hiệu của tình trạng này thường rất khó nhận biết. Hãy cùng bài viết sau tìm hiểu những dấu hiệu thường gặp khi cơ thể có mức testosterone thấp nhé!
Testosterone là một trong những loại hormone “nổi tiếng” nhất và có lẽ bạn đã từng nghe về hormone này. Nếu estrogen là hormone đại diện cho nữ giới thì ngược lại, testosterone là hormone đại diện cho nam giới.
Trên thực tế, testosterone giúp làm tăng ham muốn tình dục và xây dựng cơ bắp, ngoài ra nó còn giúp điều chỉnh sức khỏe của xương. Khi mức testosterone của một người đàn ông giảm xuống dưới mức bình thường, bác sĩ có thể kê toa một số loại gel hoặc yêu cầu người bệnh phải tiêm thuốc điều trị tình trạng thiếu hụt testosterone.
Sự liên quan giữa tuổi tác và mức testosterone
Sự giảm dần testosterone là một phần bình thường của quá trình lão hóa, đôi khi nó còn được gọi là sự tắt dục hoặc thời kỳ mãn dục ở nam giới.
Đối với nhiều nam giới, tình trạng này không gây ra bất kỳ vấn đề sức khỏe hoặc triệu chứng nào nghiêm trọng. Những người khác có thể nhận thấy cơ thể của họ bắt đầu xuất hiện sự suy giảm khối cơ bắp, chứng trầm cảm hoặc suy giảm ham muốn tình dục.
Mức testosterone thấp dẫn đến những triệu chứng nào?
Testosterone thấp có thể gây ra những thay đổi dễ nhận thấy ở cánh nam giới:
- Tinh hoàn trở nên nhỏ và mềm hơn;
- Cơ ngực phát triển lớn hơn;
- Cơ bắp dần mất đi (xảy ra chậm dần trong vài năm);
- Rụng lông, tóc ở một số nơi trên cơ thể (quá trình này cũng xảy ra khá chậm, thường là trong một khoảng thời gian vài năm).
8 dấu hiệu của tình trạng testosterone thấp
1. Suy giảm ham muốn tình dục
Testosterone đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và thúc đẩy ham muốn tình dục ở nam giới. Một số nam giới có thể bị suy giảm tình dục khi họ bước vào độ tuổi trung niên. Tuy nhiên, nam giới nếu testosterone thấp sẽ gặp phải vấn đề suy giảm ham muốn tình dục nghiêm trọng – họ sẽ chẳng muốn nghĩ đến “chuyện ấy”.
2. Không thể duy trì sự cương dương (liệt dương)
Không chỉ giúp kích thích nhu cầu tình dục của nam giới, testosterone còn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp nam giới đạt được và duy trì trạng thái cương dương. Nếu chỉ duy hormone testosterone thì không thể giúp cương dương, tuy nhiên nó kích thích các thụ thể trong não sản sinh ra oxit nitric. Oxit nitric là một phân tử hoạt động như một chất xúc tác giúp một loạt các phản ứng hóa học cần thiết cho sự cương dương diễn ra. Khi mức testosterone quá thấp, nam giới có thể gặp khó khăn trong việc đạt được hoặc duy trì trạng thái cương dương trước khi quan hệ tình dục; hay bị cương dương không kiểm soát (ví dụ như cương dương trong khi ngủ).
Tuy nhiên, testosterone chỉ là một trong những yếu tố hỗ trợ quá trình cương dương diễn ra một cách chính xác. Các nghiên cứu vẫn chưa thể xác định được vai trò của sự thay thế testosterone trong quá trình điều trị rối loạn cương dương. Trong một cuộc nghiên cứu khám phá về những lợi ích của testosterone ở nam giới gặp khó khăn trong việc cương dương, gần như 50% người bệnh không cho thấy sự cải thiện sau khi điều trị cùng testosterone. Có rất nhiều vấn đề sức khỏe khác cũng góp phần gây ra tình trạng rối loạn cương dương này. Những bệnh này có thể bao gồm: bệnh tiểu đường, các vấn đề về tuyến giáp, huyết áp cao, mức cholesterol cao, hút thuốc nhiều, lạm dụng rượu bia, bệnh trầm cảm, căng thẳng, lo lắng.
3. Lượng tinh dịch thấp
Testosterone đóng vai trò không thể thiếu trong quá trình sản sinh ra tinh dịch. Tinh dịch là một chất dịch đặc có màu sữa giúp hỗ trợ sự chuyển động của tinh trùng. Nam giới có mức testosterone thấp thường sẽ nhận thấy rằng lượng tinh dịch mà anh ấy xuất tinh ra sẽ có dấu hiệu giảm đi. Nếu không sản sinh đủ số lượng tinh trùng, nam giới sẽ không thể khiến nữ giới thụ thai.
4. Rụng tóc
Testosterone đóng vai trò trong việc duy trì một số chức năng của cơ thể, bao gồm cả sự mọc và phát triển của lông, tóc. Hói đầu là một phần tự nhiên của quá trình lão hóa đối với hầu hết cánh mày râu. Mặc dù gen di truyền cũng là một nguyên nhân gây hói, tuy nhiên những nam giới có mức testosterone thấp còn có thể bị rụng bớt lông ở nhiều vùng khác trên cơ thể ngoài tóc (như mặt, vùng da dưới cánh tay…).
5. Mệt mỏi
Những nam giới có mức testosterone thấp đã báo cáo về mức độ mệt mỏi cực độ và tình trạng suy giảm năng lượng mà họ thường trải qua. Bạn có thể đang trong tình trạng thiếu hụt hormone testosterone nếu bạn luôn trong trạng thái mệt mỏi mọi lúc (mặc dù bạn đã ngủ đủ giấc); hoặc nếu bạn thường cảm thấy khó khăn mỗi khi vận động và rèn luyện thể lực.
6. Suy giảm khối cơ bắp
Vì testosterone đóng vai trò khá quan trọng trong việc xây dựng khối cơ bắp, nam giới có mức testosterone thấp thường nhận thấy sự giảm khối lượng cơ trong cơ thể. Các nghiên cứu cho thấy testosterone có ảnh hưởng đến khối lượng cơ – tuy nhiên nó không quá cần thiết trong việc tăng cường sức mạnh hoặc chức năng của các cơ.
7. Tăng lượng mỡ thừa tích tụ
Những người đàn ông có mức testosterone thấp cũng có thể gặp phải vấn đề tăng lượng mỡ thừa tích tụ trong cơ thể. Đặc biệt, đôi khi họ còn phát triển chứng vú to – hay mô vú mở rộng ở nam giới. Sự thay đổi này được cho là do sự mất cân bằng hormone giữa testosterone và estrogen ở nam giới gây ra.
8. Sự thay đổi tâm trạng thất thường
Những nam giới có mức testosterone thấp thường trải qua những thay đổi về mặt cảm xúc và mặt tâm lý. Testosterone ảnh hưởng đến nhiều quá trình thể chất trong cơ thể, nó cũng ảnh hưởng đến sự chuyển biến tâm trạng của con người.
Một nghiên cứu tổng quan về tình trạng thiếu hụt testosterone cho thấy những người đàn ông có mức testosterone thấp thường có nguy cơ đối mặt với chứng trầm cảm, cáu gắt hoặc thiếu tập trung. Bên cạnh đó, những triệu chứng này cũng có thể do các vấn đề sức khỏe khác như bệnh thiếu máu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ hoặc các tình trạng bệnh mãn tính gây ra.
Điều trị tình trạng mức testosterone thấp
Nếu bạn có mức độ testosterone trong máu thấp và các triệu chứng của tình trạng này gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống hàng ngày của bạn, bác sĩ có thể đề nghị bạn bổ sung testosterone. Tuy nhiên, không phải tất cả nam giới có mức testosterone thấp đều cần điều trị. Bạn nên đến gặp chuyên gia để thảo luận về những rủi ro cũng như những lợi ích có thể đạt được trong quá trình điều trị. Hãy tìm đến một chuyên gia khoa tiết niệu hoặc một nhà nội tiết tố – một bác sĩ chuyên điều trị các vấn đề về hormone, họ sẽ giúp bạn hồi phục mức testosterone khỏe mạnh.
Hãy lưu ý những dấu hiệu thường gặp nếu cơ thể có mức testosterone thấp nhé. Nếu bạn nghi ngờ hoặc lo lắng về bất cứ điều gì, hãy liên lạc với bác sĩ để được tư vấn.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- 3 thói quen hằng ngày gây tổn hại tinh trùng bạn nên biết
- Gia tăng số lượng tinh trùng ở nam giới dễ hay khó?
- Giải pháp cho những cặp đôi điều trị vô sinh không hiệu quả
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!