Theo Tây y, thận có các chất đạm, béo, các chất khoáng (như Ca, P, Fe), các vitamin (A, B1, C, PP)…
Theo Đông y, thận (bồ dục, cật) nói chung (heo, bò, dê...) vị mặn, tính lạnh không độc, đều có công hiệu bổ thận, ích tinh, tráng dương chữa thận hư suy yếu tình dục, di mộng tinh và các bệnh thuộc thận như về xương khớp đau mỏi, tai ù, nặng tai... mồ hôi trộm, lão suy.
Bồ dục lợn.
Trước khi chế biến, bổ dọc quả thận lợn làm đôi, lọc bỏ màng trắng, bỏ vài hạt muối bóp nhẹ để hết mùi khai. Rửa sạch rồi thái miếng nhỏ 1,5cm, dày 0,3cm, phía ngoài được khía ô chéo (như khi làm món ăn hàng ngày). Sau đây là 10 món ăn thuốc từ thận lợn:
1. Bồ dục xào đỗ trọng: bồ dục 2 quả, đỗ trọng 10g, đào nhân 30g, gừng 15g, mộc nhĩ 30g, hành 20g, rượu 20g, dầu ăn 50g. Bồ dục làm sạch, đỗ trọng thái sợi sao qua nước muối. Dùng dầu sao thơm đào nhân để riêng. Cho dầu vào chảo nóng, cho gừng, hành xào thơm, sau đó cho bồ dục, mộc nhĩ, rượu xào cho chín, cuối cùng cho đào nhân đã xào trộn chung. Ăn nóng với cơm trong bữa ăn. Công dụng:Tráng dương bổ thận dùng cho người dương hư, di mộng tinh.
2. Bồ dục xào kỷ tử: bồ dục 2 quả, kỷ tử 20g, đào nhân 20g, đường phèn 30g, dầu ăn 50g. Xào đào nhân, kỷ tử trước để riêng. Để chảo nóng cho 50g dầu ăn, dầu nóng cho bồ dục, kỷ tử, đào nhân và đường phèn vào xào chín. Ăn trong bữa cơm. Công dụng:Bổ can thận chữa đau lưng, dương sự yếu kém.
3. Bồ dục nấu thung dung: bồ dục 2 quả, đỗ trọng 20g, sinh khương 15g, nhục thung dung 15g, hành 20g, rượu 20ml, dấm 20g, đường trắng 30g, dầu ăn vừa đủ. Làm bồ dục xong để sẵn. Đun 1 lít nước với đỗ trọng, nhục thung dung xào thành một chất dịch đặc, bỏ bã lấy nước để sẵn. Đổ dầu ăn vào chảo đun nóng, bỏ gừng hành xào thơm, sau đó bỏ cật heo xào sơ rồi đổ nước thuốc trên vào với đường xào chín (dùng đường tùy ý). Công dụng:Bổ khí huyết can thận tráng dương.
4. Bồ dục phá cổ chỉ:bồ dục 2 quả, phá cổ chỉ 15g, gừng 5g, hành 20g, rượu 15g, muối khoáng 6g. Làm bồ dục xong để phá cổ chỉ lên trên rồi đổ rượu, gừng, hành, muối và 300ml nước. Bỏ vào nồi chưng cách thủy khoảng 30 phút. Công dụng: Bổ thận tráng dương.
5. Bồ dục sa nhân:bồ dục 2 quả, đỗ trọng 30g, sa nhân 9g, gạo nếp 60g, gừng tươi 2 lát. Bồ dục làm sạch, cho vào nồi cùng các vị thuốc, đổ nước vừa đủ, đun to lửa cho sôi rồi nhỏ lửa khoảng 2 giờ, thêm gia vị là được. Công dụng: Bổ thận an thai, kiện tỳ khai vị.
6. Bồ dục ngưu tất: bồ dục 2 quả, ngưu tất 15g, thỏ ty tử 24g, xa tiền tử 15g, lộc giác 12g. Làm bồ dục. Các vị thuốc cho vào túi vải để vào nồi đổ nước vừa đủ, đun lửa to cho sôi rồi để lửa nhỏ 2 giờ xong cho bồ dục vào nấu tiếp nửa giờ, thêm gia vị để ăn bồ dục và nước. Công dụng: ôn, bổ thận dương, rất tốt cho người viêm tuyến tiền liệt, người già ù tai, chóng mặt, lưng đau, gối mỏi. Người can thận âm hư không nên ăn món này.
7. Bồ dục thục quế: bồ dục 2 quả, thục địa 30g, nhục quế 3g, táo đỏ 8 quả. Bồ dục làm sạch (cắt miếng khía ngoài...), cho vào nồi cùng các vị thuốc, thêm nước vừa đủ, đậy kín chưng cách thủy với lửa nhỏ sôi 2 tiếng, thêm gia vị là được. Công dụng: bổ thận dương hóa đờm trọc, lão suy (ù tai, mờ mắt, mỏi lưng gối...). Người âm hư hỏa vượng không nên ăn món này.
8. Bồ dục khiếm thực sâm, kỳ: khiếm thực 30g, đảng sâm 20g, thận lợn 1-2 quả. Thận lợn làm sạch thái nhỏ, các vị thuốc gói vào túi vải. Cho tất cả vào nồi, đổ nước vừa đủ, nấu chín cho gia vị là được. Ăn bồ dục uống nước, bỏ túi thuốc. Ăn ngày 1 thang, ăn 3 ngày. Dùng tốt cho người vừa hồi phục sau điều trị viêm thận mạn.Công dụng:bổ khí, ích thận, lợi tiểu, tiêu phù.
9. Bồ dục xào kiệu: bồ dục 2 quả, hồ đào nhân 60g, củ kiệu tươi 240g. Làm bồ dục như thường lệ. Cho mỡ vào chảo rồi cho đào nhân vào rang vàng rồi cho kiệu, bồ dục vào xào chín, thêm gia vị. Dùng lá kiệu cũng được nhưng kém hiệu quả. Công dụng:bổ thận, lão suy (ù tai, mờ mắt, đau lưng, mỏi gối, lú lẫn, táo bón).
10. Bồ dục hấp đỗ trọng, lá sen: bồ dục 2 quả làm sạch, thái nhỏ tẩm đều bột đỗ trọng 10g. Gói lá sen hấp ăn. Công dụng: chữa thận hư đau lưng.
Lưu ý: Lõi trắng trong bồ dục lợn (trư di) tính vị bình hòa đắng ngọt. Hơi có độc. Chữa suy nhược, phổi yếu ho suyễn, liệt dương.
Không nên lạm dụng bồ dục lợn, ăn quá nhiều sẽ hại thận. Người thận khí lạnh không ăn.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!