Thanh Hóa khẩn trương dập dịch cúm gia cầm A/H5N6

Thời sự - 11/24/2024

Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Thanh Hóa đã tiêu hủy hơn 23.000 con gia cầm (chủ yếu là gà, vịt) nhiễm dịch cúm gia cầm A/H5N6 trên địa bàn huyện Quảng Xương, Nông Cống (Thanh Hóa).

Thanh Hóa khẩn trương dập dịch cúm gia cầm A/H5N6

Thu gom gà chết để đưa đi tiêu hủy. (Ảnh: Thế Lập/TTXVN)

Trước những diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm A/H5N6, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đang tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch trên địa bàn 27 huyện, thị xã, thành phố.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu ngành nông nghiệp và những sở ngành liên quan tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng về nguy cơ xảy ra dịch bệnh, các biện pháp đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ gia cầm, không vận chuyển, mua bán, sử dụng gia cẩm không rõ nguồn gốc, gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch.

Chính quyền các địa phương tăng cường khuyến cáo người dân sử dụng thịt gia cầm phải nấu chín, không ăn tiết canh và các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm để người dân không hoang mang, chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế.

Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức phân công lực lượng tăng cường giám sát dịch bệnh đến tận thôn, bản nhằm phát hiện và xử lý sớm các ổ dịch trên gia cầm; thông báo kịp thời cho các đơn vị chức năng khi phát hiện các ổ dịch trên đàn gia cầm để phối hợp phòng, chống dịch, dập dịch hiệu quả.

Các đơn vị liên quan chủ động triển khai các hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh viêm đường hô hấp có tiền sử tiếp xúc với gia cầm để cách ly, điều trị và quản lý kịp thời, tránh lây nhiễm cho cộng đồng.

Các địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện tốt tiêm phòng vắcxin gia súc, gia cầm đợt 1 năm 2020 đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.

Các huyện, thị xã, thành phố tổ chức Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh để tiêu diệt các loại mầm bệnh; thời gian thực hiện đồng loạt ngay từ đầu tháng 2/2020.

Ngành nông nghiệp hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp chủ động phòng dịch, tiêm phòng vắcxin cúm cho đàn gia cầm, thường xuyên vệ sinh môi trường, vệ sinh chuồng trại nhằm hạn chế triệt để nguồn gây bệnh.

Ngành chỉ đạo các lực lượng chức năng giám sát chặt chẽ việc tập kết, vận chuyển, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cẩm; thực hiện nghiêm túc việc kiểm dịch động vật tại các cửa khâu, khu vực biên giới, không để xảy ra tình trạng vận chuyển, buôn bán gia cầm qua các cửa khẩu và nhập lậu qua đường biên giới...

Ông Đặng Văn Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa, cho biết đến thời điểm hiện tại, tỉnh Thanh Hóa đã tiêu hủy hơn 23.000 con gia cầm (chủ yếu là gà, vịt) nhiễm dịch cúm gia cầm A/H5N6 trên địa bàn huyện Quảng Xương, Nông Cống (Thanh Hóa).

Từ ngày 3/2, bệnh cúm gia cầm A/H5N6 đã xảy ra tại 9 hộ chăn nuôi của 3 thôn, thuộc 2 xã Tân Khang, Tân Thọ, huyện Nông Cống.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với cúm A/H5N6, buộc phải tiêu hủy 19.803 con gia cầm (416 con gà và 19.387 con vịt, ngan).

Đến ngày 4/2, tại huyện Quảng Xương, bệnh Cúm gia cầm A/H5N6 đã xảy ra tại hộ ông Vũ Ngọc Việt, thôn Đồng Tâm, xã Quảng Trường, làm 800 con vịt mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy 3.280 con gia cầm (2.500 con vịt; 780 con gà).

Ngay khi có dịch, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã cấp ngay 305.000 liều vắcxin cúm gia cầm; 2.000 lít hóa chất, các loại bảo hộ, vật tư khác cho các huyện thực hiện bao vây, dập tắt dịch; đồng thời, cử lãnh đạo, cán bộ trực tiếp chỉ đạo tại ổ dịch.

Lực lượng thú y thực hiện tiêm phòng cho đàn gia cầm khỏe mạnh tại thôn có dịch; tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch theo hướng từ ngoài vào trong đối với gia cầm mẫn cảm tại các thôn chưa có dịch trong cùng xã và các xã tiếp giáp xung quanh xã có dịch.

Ngành nông nghiệp đã tích cực phối hợp với các địa phương tập trung lực lượng nhanh chóng dập tắt dịch, tiến hành các biện pháp tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, chuồng trại, đường làng, ngõ xóm tại các thôn có dịch 2 ngày 1 lần, các thôn chưa có dịch tiêu độc 3 ngày 1 lần.

Ngành phối hợp với chính quyền địa phương nghiêm cấm việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn xã trong thời gian có dịch.

Chính quyền địa phương nơi xảy ra dịch đã tổ chức tiêu hủy ngay đàn gia cầm mắc bệnh, chết, có dấu hiệu mắc bệnh cúm gia cầm thể độc lực cao; các đàn gia cầm nuôi thả rông xung quanh mà chưa được tiêm phòng vắcxin cúm và đã tiếp xúc với đàn gia cầm mắc bệnh hoặc có tiếp xúc với đàn gia cầm có dấu hiệu mắc cúm gia cầm thể độc lực cao.../.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!