Định nghĩa
Định nghĩa
Thoát vị đĩa đệm thắt lưng là bệnh gì?
Thoát vị đĩa đệm thắt lưng là một nhóm các triệu chứng liên quan đến bệnh lý của các đĩa sụn ở cột sống thắt lưng. Cột sống thắt lưng được cấu thành từ năm đốt sống, phân tách nhau bởi các đĩa sụn. Những đĩa sụn này có chức năng giảm xóc. Ngoài ra, các đĩa sụn này còn đệm cho các đốt xương và gia tăng độ linh hoạt của vùng thắt lưng.
Những biến đổi thoái hóa hoặc chấn thương đĩa đệm thắt lưng có thể làm tổn thương đến vòng xơ. Vòng xơ là một dải mô sụn dai và chắc bao xung quanh đĩa sụn. Nhân đĩa có thể thoát vị đi vào ống tủy sống hoặc kênh rễ thần kinh và gây đau.
Những ai thường mắc phải thoát vị đĩa đệm thắt lưng?
Thoát vị đĩa đệm thắt lưng thường là kết quả của quá trình thoái hóa tự nhiên dần dần theo tuổi. Khi lớn tuổi, các đĩa đệm mất nước dần làm cho chúng kém linh động hơn và dễ bị rách vỡ ngay cả với những vận động căng cơ hoặc xoắn vặn nhỏ.
Triệu chứng và dấu hiệu
Triệu chứng và dấu hiệu
Những dấu hiệu và triệu chứng của thoát vị đĩa đệm thắt lưng là gì?
Các triệu chứng thông thường của thoát vị đĩa đệm thắt lưng bao gồm:
- Đau ở lưng hoặc cảm giác tê và châm chích có thể lan xuống mông, hông, háng hay chân;
- Đau do thoát vị nặng lên khi di chuyển, ho, cười hay rặn khi đi cầu;
- Một số người đi lại yếu, vụng về, bị thoát vị bàn chân rớt (không thể mang dép hoặc mang dép dễ bị rớt do bàn chân bị rũ xuống).
Có thể có các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng được đề cập ở trên, hay có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.
Trong trường hợp bạn đang điều trị bệnh, nên gọi bác sĩ nếu bạn:
- Gặp tác dụng phụ của thuốc;
- Khó đi lại, yếu hay không thể di chuyển hai chân hoặc mất kiểm soát tiêu tiểu.
Nguyên nhân
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra thoát vị đĩa đệm thắt lưng là gì?
Thoái hóa đĩa đệm gây ra bởi sự lão hóa thông thường. Tư thế sai hay làm việc nặng với phương pháp nâng vật nặng sai cách có thế làm cho tình trạng trầm trọng thêm. Đĩa sụn dần dần mòn, ít đầy đặn hơn và phẳng đi. Khi khoảng cách của đĩa sụn hẹp lại làm các đốt sống cọ xát vào nhau, các cạnh của đốt sống sẽ dần bị mài mòn. Sau đó, những gai xương được tạo thành gây chèn ép lên tủy sống hoặc dây thần kinh. Khi dây thần kinh bị kích thích, lưng và chân bị đau, có cảm giác châm chích, tê và yếu đi ở chân.
Nguy cơ mắc bệnh
Nguy cơ mắc bệnh
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc thoát vị đĩa đệm thắt lưng?
Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm thắt lưng, bao gồm:
- Cân nặng: thừa cân làm tăng áp lực lên đĩa đệm thắt lưng;
- Nghềnghiệp: những người làm công việc tay chân có nguy cơ gặp vấn đề ở lưng cao hơ Các động tác nâng, kéo, đẩy, gập người sang bên hoặc xoay người cũng có thể làm tăng nguy cơ;
- Di truyền.
Điều trị
Điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những phương pháp nào dùng để điều trị thoát vị đĩa đệm thắt lưng?
Các bác sĩ sẽ sử dụng những phương pháp điều trị như vật lý trị liệu, siêu âm, chườm nóng tại chỗ và các bài tập đặc biệt. Tiêm steroid và thuốc tê vào tủy sống có thể giúp giảm đau. Phẩu thuật là giải pháp cuối cùng khi những phương pháp trên không hiệu quả.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán thoát vị đĩa đệm thắt lưng?
Bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử và khám thực thể. Chụp X-quang có thể được thực hiện. Có thể thực hiện một hoặc nhiều xét nghiệm sau đối với những cơn đau kéo dài hay đang xem xét phẫu thuật: chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI), phối hợp tuỷ đồ/CT, điện cơ ký/khảo sát tốc độ dẫn truyền thần kinh (EMG/NCV).
Phong cách sống và thói quen sinh hoạt
Phong cách sống và thói quen sinh hoạt
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của thoát vị đĩa đệm thắt lưng?
Thoát vị đĩa đệm thắt lưng có thể được hạn chế nếu bạn:
- Giữ đúng tư thế khi ngồi và đi;
- Luôn thắt dây an toàn khi đang điều khiển xe cơ giới;
- Nâng đỡ thắt lưng nếu phải ngồi trong một thời gian dài. Kê một cái gối nhỏ hoặc cuộn một cái khăn giữa vùng thắt lưng và ghế ngồi. Đứng lên và đi lại thường xuyên (mỗi giờ);
- Luôn nâng vật nặng trong tư thế thẳng đúng cách. Giữ vật gần với người bạn và dùng cơ đùi và cơ chân để nhấc nó;
- Tập thể dục thường xuyên theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!