Chủ quan từ bệnh viêm loét
Anh Nguyễn Văn H. 29 tuổi, Lạng Sơn đến khám vì thấy hay đau bụng vùng thượng vị. Ba năm trước, anh H. cũng bị như thế và anh đi nội soi dạ dày bác sĩ chẩn đoán viêm loét dạ dày cho thuốc về nhà uống.
Anh H. nghĩ mình đã điều trị khỏi không đi kiểm tra lại. Gần đây anh lại thấy đau tức bụng vùng thượng vị, đi ngoài phân đen nên mới đến bệnh viện kiểm tra lại. Qua nội soi dạ dày thì phát hiện có khối u lớn ở 1/3 giữa dạ dày. Bác sĩ cho biết anh H. ung thư dạ dày giai đoạn 3 nhưng may mắn chưa di căn. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật nội soi cắt gần toàn bộ dạ dày, trừ tâm vị và đáy vị cho bệnh nhân.
Sau phẫu thuật, hiện sức khoẻ anh H. ổn định hơn, có thể ăn uống, sinh hoạt bình thường và tiếp tục được theo dõi, hóa trị để điều trị triệt để bệnh ung thư.
Không riêng gì anh H., tại khoa Ngoại 1, Bệnh viện K trung ương, rất nhiều bệnh nhân ung thư dạ dày nhưng trước đó không hề có triệu chứng gì. Ví dụ như trường hợp của chị Lê Thị Nh. 37 tuổi trú Cao Bằng cũng tương tự.
Chị Nh. kể chị có tiền sử viêm loét dạ dày cả chục năm. Mỗi lần bị đau chị lại mua thuốc nam về uống. Một lần đi khám bệnh, bác sĩ hỏi tiền sử bệnh nên khuyên chị Nh. làm nội soi. Kết quả nội soi dạ dày của chị Nh. có loét sùi hang vị nên nghi ngờ ung thư. Phẫu thuật lấy mẫu bệnh phẩm kết quả ung thư hang vị dạ dày.
Đau tức vùng thượng vị đi khám ra ung thư. Ảnh minh họa
Yếu tố tăng ung thư dạ dày
GS Đào Văn Long – nguyên Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội, cho biết ung thư dạ dày là một trong số bệnh ung thư phổ biến nhất trên thế giới. Theo số liệu của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (International Agency for Research on Cancer- IARC) năm 2012, ung thư dạ dày đứng thứ 4 trong số các bệnh lý ung thư thường gặp ở nam giới sau ung thư phổi, tiền liệt tuyến và đại trực tràng; đứng thứ 5 ở nữ sau ung thư vú, đại trực tràng, phổi, cổ tử cung.
Trên thế giới, mỗi năm ước tính có 951.000 trường hợp mới mắc, chiếm 6,8% trên tổng số các bệnh ung thư và có 723.000 trường hợp tử vong do bệnh. Tỷ lệ tử vong cao nhất ở cả hai giới gặp ở khu vực Trung Âu và Đông Âu, Trung Mỹ và Nam Mỹ.
Tại Việt Nam, ung thư dạ dày đứng thứ 2 sau ung thư phổi ở nam giới và đứng thứ 3 sau ung thư vú và cổ tử cung ở nữ giới. Tỷ lệ mắc chuẩn theo tuổi ở nam 24,26; nữ 10,95. Tỷ lệ mắc cũng khác nhau giữa 2 miền Nam – Bắc.
Theo số liệu công bố của tổ chức ghi nhận ung thư toàn cầu (Globocan 2012- IARC), mỗi năm có khoảng 14.200 bệnh nhân mắc mới và có khoảng 12.900 bệnh nhân chết do căn bệnh ung thư dạ dày. Tỷ lệ mắc chuẩn theo tuổi ở cả hai giới là 16,3/100.000 dân.
GS Long cho biết dấu hiệu ung thư dạ dày thường mơ hồ giống với viêm dạ dày thông thường như đau vùng thượng vị, chán ăn, mệt mỏi…
Nguyên nhân gây ung thư dạ dày chưa được nói rõ nhưng thực tế các yếu tố tác động làm gia tăng ung thư dạ dày bao gồm yếu tố lối sống ăn uống, vi khuẩn Helicobacter Pylori hay còn gọi HP, người có tiền sử viêm loét dạ dày cũng dễ mắc ung thư dạ dày hơn.
GS Long cho biết, về chế độ ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi, chứa nhiều vitamin C có vai trò bảo vệ chống lại nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Ngược lại chế độ ăn nhiều muối, nhiều nitrate làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Còn vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP) có khả năng gây tổn thương niêm mạc, từ đó gây viêm niêm mạc dạ dày kết hợp cùng với các yếu tố khác dẫn tới dị sản, loạn sản và ung thư. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao, nhất là khi đồng thời bị nhiễm HP.
Trong những năm gần đây nhiều tác giả đã thống kê ung thư mỏm cụt dạ dày sau cắt đoạn trong bệnh loét dạ dày chiếm tỷ lệ 0.5-17%. Một số bệnh lý được coi là nguy cơ cao gây ung thư dạ dày là viêm teo dạ dày, vô toan, thiếu máu ác tính Biermer, dị sản ruột, u tuyến dạ dày (polyp có kích thước trên 2cm). Đặc biệt dị sản ruột và loạn sản có khả năng ác tính hóa cao, dị sản ruột có thể coi là tiền ung thư dạ dày.
Ngoài ra, nguy cơ ung thư dạ dày ở những người có tiền sử trong gia đình có người bị ung thư dạ dày là 1.33 lần so với người bình thường. Sự tăng cân của cơ thể cũng là một yếu tố nguy cơ liên quan đến ung thư tâm vị. Người có nhóm máu A có liên quan đến tăng tỷ lệ mắc ung thư dạ dày.
Tuổi và giới cũng được ghi nhận là yếu tố nguy cơ quan trong. Nam giới có tỷ lệ gấp đôi nữ giới ở mọi thống kê Việt Nam cũng như của Nhật Bản và Mỹ. Càng nhiều tuổi khả năng ung thư dạ dày càng cao.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!