Thói quen 'đốt tiền' xả stress ngày Black Friday sẽ khiến bạn hối hận

Vui khỏe - 11/24/2024

Để xả stress, nhiều người có thói quen shopping vô độ nhưng càng tiêu tiền họ lại càng thấy căng thẳng.

Cuối năm là thời điểm mua sắm nhộn nhịp, đặc biệt là ngày Black Friday. Thế nhưng trong những người đang xếp hàng "săn" đồ giảm giá, không phải ai cũng shopping vì thực sự cần. Trên thực tế, thời hiện đại, mua sắm đã trở thành một liệu pháp xả stress.

Theo số liệu của trang web nghiên cứu tài chính Credit Karma, tại Mỹ, 52% người dân mà chủ yếu là thế hệ Y (sinh từ đầu những năm 1980 đến đầu thập niên 2000) thừa nhận chỉ mua sắm để đối phó với cảm giác căng thẳng, lo âu và trầm cảm. 43% số này tiêu ít nhất 200 USD cho mỗi lần shopping và 83% hối hận ngay lập tức sau khi tiêu tiền.

Thói quen 'đốt tiền' xả stress ngày Black Friday sẽ khiến bạn hối hận

Ảnh: Odissey.

Có thời gian làm công việc không ưa thích, chuyên gia quan hệ công chúng Martha Shaughnessy từng tìm niềm vui bằng việc "đốt tiền". "Mua sắm giống như một biện pháp tức thì, một cú hích serotonin mà không gây hậu quả ngay trước mắt", bà mẹ bốn con nói.

Nhờ lương cao, Shaughnessy không bị ảnh hưởng nhiều về mặt tài chính dù liên tục mua sắm, song hàng triệu người Mỹ đang lâm vào khó khăn bởi "liệu pháp" này. Các thống kê chỉ ra 76 triệu dân xứ cờ hoa gặp vấn đề về chi tiêu, 46% người trưởng thành không thể tự xoay xở nếu bị phát sinh 400 USD và một phần mười hộ gia đình nợ thẻ tín dụng.

Shopping vô độ làm mất khả năng chi trả trong những trường hợp khẩn cấp đồng thời dẫn tới nợ nần. Như vậy, mua sắm để xả stress cuối cùng lại dẫn tới nhiều stress hơn, tạo thành vòng lặp luẩn quẩn. Càng căng thẳng, người ta càng tiêu tiền; càng tiêu tiền, người ta lại càng căng thẳng.

Để giảm thiệt hại do thói quen "đốt tiền" xả stress gây ra, điều đầu tiên bạn nên làm là nhận diện tác nhân gây stress. "Tình trạng của bạn có thể xuất phát từ vị sếp khó tính hay cuộc hôn nhân trục trặc", nhà tâm lý học Judith Miller Burke, tác giả cuốn The Adversity Advantage: Turn Your Childhood Trauma into Career and Life Success lý giải.

Tiếp đến, hãy lựa chọn các giải pháp ít tốn kém hơn như vận động thể chất, đọc sách, trò chuyện với bạn bè.

Đặc biệt, bạn cần học cách mua sắm chậm rãi. "Đừng mua một món đồ ngay thời điểm bạn nhìn thấy nó", Timolin Langin, tác giả cuốn Mind Over Money: How to Live like a Millionaire on any Budget nhấn mạnh. "Hãy dành thời gian lập kế hoạch chi tiết. Dừng lại một chút sẽ giúp bạn nhận ra mình mua sắm vì stress hay thực sự cần thứ gì đó".

Ngoài ra, đừng quên giữ lại hóa đơn để tiện trả lại hàng nếu bạn cảm thấy hối hận. Tuy nhiên phần lớn trường hợp mua sắm giảm giá khách hàng đã được cảnh báo trước là "miễn đổi trả".

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!