ThS Vũ Thị Tuyết Mai: Chảy máu là dấu hiệu sớm khi sảy thai, sinh non

Cần biết - 04/20/2024

Sinh non là sinh khi thai chưa đủ 28 tuần.

ThS Vũ Thị Tuyết Mai: Chảy máu là dấu hiệu sớm khi sảy thai, sinh non

Sảy thai là hiện tượng trứng thụ tinh bị tống ra khỏi buồng tử cung trước khi thai có khả năng sống được (dưới 20 tuần).

Nguyên nhân:

- Do các nguyên nhân bệnh lý ở người mẹ như nhiễm khuẩn, nhiễm vi-rút, viêm phổi, viêm gan siêu vi B, thiếu máu nặng, suy tim, đái tháo đường, nhiễm độc thai nghén, rối loạn nội tiết, đa thai, nhiễm trùng ối, tiền sản giật…

- Bất thường nhiễm sắc thể: Một số trường hợp sảy thai, sinh non là do bất thường của tế bào trứng hoặc tinh trùng.

- Bất thường ở tử cung: Tử cung nhỏ, dị dạng, u xơ, hở eo cổ tử cung, tử cung có vách ngăn, cổ tử cung ngắn, cổ tử cung hé mở (thường gặp ở thai phụ có tiền sử sinh non hay hơn một lần sảy thai sau khi thai nhi được 3 tháng tuổi)…

- Do chấn thương vùng chậu như ngã, tai nạn lao động… khiến thai phụ đau từng cơn vùng hạ vị, chảy máu âm đạo, cổ tử cung có thể xóa và mở.

- Các nguyên nhân khác: Mẹ bị thiếu cân, suy dinh dưỡng, làm việc quá sức, dùng chất gây nghiện, uống nhiều rượu bia, tiếp xúc với bức xạ hay các chất độc hại, mẹ có bệnh mạch máu hoặc các rối loạn tự miễn khác….

ThS. Vũ Thị Tuyết Mai - Thạc sĩ y tế công cộng, bác sĩ đa khoa - Bộ Y tế, cho biết:

Dấu hiệu của sảy thai và sinh non:

- Chảy máu hoặc tiết dịch âm đạo: Là một trong những dấu hiệu phổ biến và nhận thấy sớm nhất.

- Đau bụng kèm chuột rút như đau bụng kinh hoặc đau lưng từng cơn.

- Giảm các triệu chứng thai nghén: Thường là triệu chứng về sau của việc sảy thai khi cơ thể ngưng sản xuất ra nội tiết tố hCG trong thai kỳ…

Các dấu hiệu này có thể khác nhau ở mỗi người, một số trải qua tất cả dấu hiệu nhưng số khác chỉ có những thay đổi nhẹ trên cơ thể.

Phòng và điều trị: Tùy theo nguyên nhân. Hướng điều trị chung là:

- Chuẩn bị tốt về tinh thần và thể lực cho việc mang thai: Khám sức khỏe tổng thể, bổ sung dinh dưỡng và vitamin đầy đủ trước và trong quá trình mang thai, đặc biệt là vitamin B9 và acid folic, có chế độ sinh hoạt, làm việc thích hợp…

- Khi có thai, nên khám thai đúng theo lịch hẹn; nghỉ ngơi và giảm tải khối lượng công việc; giữ tinh thần thoải mái, không dùng rượu, thuốc lá hay chất kích thích; kiểm soát cân nặng hợp lý; sinh hoạt tình dục nhẹ nhàng, điều độ; kiểm soát tốt các bệnh lý (nếu có) của người mẹ.

- Khi có dấu hiệu sảy thai hoặc sinh non, thai phụ nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được can thiệp kịp thời. Các bác sĩ có thể áp dụng một số biện pháp để ngăn chặn hoặc kéo dài thời gian mang thai như: nằm nghỉ tuyệt đối chỗ, truyền nước, cho dùng các thuốc giảm cơn co, các thuốc cầm máu….

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!