Cũng giống như bao gia đình xuất thân tỉnh lẻ khác đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, vợ chồng chị Hậu Nguyễn luôn đau đầu với bài toán cân đối chi tiêu hàng tháng, để làm sao vừa đảm bảo thu - chi mà lại không phải quá 'đau đầu'.
Chị kể, cả hai vợ chồng đều xuất phát là con nhà nông nên khi về chung một nhà mọi thứ phải tự thân vận động. Đặc biệt, sau khi có con mọi chi phí lại càng bị 'độn' lên gấp bội.
Thời gian đầu sau khi có con, mọi chuyện vẫn khá suôn sẻ khi mức thu nhập của cả 2 vợ chồng khoảng 20 triệu/tháng. Nhưng khi con được hơn 1 tuổi, chồng chị lại có quyết định đi học nâng cao trình độ nên gần như mọi chi phí sinh hoạt dồn hết lên khoản thu nhập hàng tháng của chị.
Phụ cấp của chồng chỉ đủ để anh tự lo chi phí sinh hoạt cá nhân và thỉnh thoảng phụ vợ được một chút tiền khi cho con đi chơi hoặc tổ chức ăn uống với bạn.
Với mức thu nhập giảm đi một nửa so với trước đây, chị đã lên cho mình một danh sách chi tiêu sát với mức thu nhập của bản thân đồng thời cố gắng để không phải cắt hết mọi cuộc vui chơi hay giao lưu bạn bè.
Với phương châm luôn cố gắng để cuộc sống gia đình vui vẻ, sinh hoạt thoải mái trong phạm vi cho phép, em bé được vui chơi, được đi du lịch... bà mẹ trẻ đã 'dắt lưng' cho mình một vài bí quyết chi tiêu.
1. Chọn chỗ ở mới, trường học cho con phù hợp với mức thu nhập hơn
Việc đầu tiên anh chị bàn nhau đó là phải cân đối lại mức thu - chi hàng tháng và có một kế hoạch rõ ràng để tránh trường hợp chưa cuối tháng nhà đã hết sạch tiền. Anh chị lên kế hoạch tìm trường cho con, chuyển nhà trọ để giảm chi phí thuê người trông con và chi phí thuê nhà hàng tháng.
Gia đình chị chuyển chỗ thuê nhà sang một căn nhà cấp 4 nhỏ hơn một chút và là nhà riêng, chi phí điện nước tính theo giá hộ dân nên cũng giúp tiết kiệm một khoản không nhỏ cho việc chi tiêu hàng tháng. Riêng mức chênh lệch điện nước hàng tháng so với nhà cũ đã giúp chị tiết kiệm được khoảng 600-700 ngàn đồng/tháng. Cộng với tiền thuê nhà giảm được 600 nghìn 1 tháng, mỗi tháng chị tiết kiệm được khoảng 1,2 triệu đồng đối với khoản chi cho việc ở.
Sau đó, trường học cho con được lựa chọn theo các tiêu chí: gần nhà, học phí không quá cao, trường sạch sẽ, thoáng mát, các cô chăm con nhẹ nhàng, lớp ít học sinh.
Chính vì vậy, sau khi dạo quanh các trường mầm non gần nhà, chị chọn cho con học tại một trường tư thục nhỏ, không khoa trương hay quảng cáo màu mè, các cô giáo cũng vui vẻ và yêu thương con. Việc cho con đi lớp giúp em bé bạo dạn, tự tin hơn đồng thời mức học phí 2.5 triệu đồng (đã bao gồm tiền ăn) giúp vợ chồng chị giảm được khoảng 3,5 triệu đồng cho chi phí thuê và ăn ở của người giúp việc.
2. Gom mua chung hoặc đi chợ đầu mối để mua được đồ giá rẻ
Đối với các nhu yếu phẩm hàng ngày, chị thường rủ bạn bè mua chung theo combo hoặc mua nguyên thùng về sau đó chia nhau. Chị cho biết, mình có một cô bạn buôn hàng gia dụng nên khi tới mua hàng bao giờ cũng được mua với giá sát gốc chính vì vậy không chỉ mua được giá sỉ mà còn là giá sỉ gốc.
Ví dụ, thay vì mua từng chai nước giặt (giá khoảng 100 ngàn đồng/chai) chị sẽ mua nguyên thùng 4 chai với giá từ 280-300 ngàn đồng tùy thời điểm của thị trường, sau đó chia cho bạn bè, tính ra mỗi chai nước giặt 3 lít sẽ mua được rẻ hơn so với mua ngoài các cửa hàng bán lẻ khoảng 25-30 ngàn đồng. Cứ tích mỗi thứ một chút, chi phí sinh hoạt hàng ngày cũng được giảm đi phần đáng kể.
Quần áo hay đồ dùng cho em bé, chị cũng hay đợi các đợt gom mua chung trên một hội các mẹ bỉm sữa để được mua với giá buôn, giá các bộ quần áo mặc thường ngày chỉ từ 40-55 ngàn đồng/ bộ, mua thêm tầm 4-5 chiếc quần, áo đẹp để mặc đi các dịp lễ Tết, đám cưới cũng chỉ giá tầm 100 ngàn đồng/cái. So với mua quần áo ngoài chợ hoặc các cửa hàng cho bé thì rẻ được đến một nửa cho các bộ quần áo có chất liệu tương đương.
Nếu bắt gặp 'kèo thơm' chị sẽ rủ hội bạn gom nhau mua hoa quả theo thùng để vừa mua được hàng sạch lại rất rẻ.
Đối với hoa quả và các loại thực phẩm (ngoài đồ ông bà gửi lên hàng tháng) chị cũng chọn mua theo hình thức như vậy. Rất may mắn là đồng nghiệp xung quanh có rất nhiều người có cùng đam mê 'mua chung giá rẻ' nên mỗi lần rủ mua chung đều rất thuận lợi.
Hàng tuần, chị cũng cố gắng sắp xếp để đi chợ đầu mối 1-2 lần để mua hoa quả hoặc thực phẩm, đi chợ đầu mối không chỉ mua được đồ với mức giá siêu rẻ mà đồ lúc nào cũng tươi ngon.
Đối với các hình thức mua chung, đi chợ đầu mối cũng giúp chị tiết kiệm được khoảng 800 ngàn - 1 triệu đồng mỗi tháng. Số tiền không lớn nhưng cũng coi như một hình thức giúp chị cân đối thu chi dễ dàng hơn, tiêu tiền có kế hoạch và có ích hơn.
Đi chợ đầu mối cũng là cách giúp tiết kiệm chi phí sinh hoạt hàng ngày.
3. Mua thực phẩm ở quê để được ăn đồ ngon - giá rẻ
Chị cho biết, thực phẩm của gia đình đa số là gia đình chị về quê mang lên hoặc gửi tiền nhờ ông bà ở quê mua rồi gửi xe khách. Trung bình 1 tháng sẽ gửi mua đồ ở quê từ 2-3 lần, mỗi lần chỉ tầm 500-700 ngàn nhưng đảm bảo cho gia đình ăn được cả tuần.
Đồ mua ở quê nên luôn là đồ sạch, an toàn mà giá lại rẻ hơn rất nhiều so với đi chợ ở Hà Nội, đồng thời giao thông thuận lợi nên chỉ cần gửi xe khoảng 2-3 tiếng nên thực phẩm tươi rất tươi ngon.
Thực phẩm tươi - sạch - ngon được gửi từ quê giúp tôi tiết kiệm rất nhiều chi phí cho việc ăn uống
Mỗi lần về quê là như mang cả vườn rau, ao cá của ông bà xuống Hà Nội.
Riêng gạo và rau thì ông bà chu cấp hoàn toàn vì 'của nhà trồng được', ngoài ra, thỉnh thoảng những hôm không kịp đợi rau thịt ở quê thì chị lựa chọn các cửa hàng quen ở chợ dân sinh gần nhà. Tuy nhiên, việc phải mua thức ăn ở ngoài khá ít, nên chi phí này không đáng kể.
So với việc lựa chọn mua đồ thực phẩm đắt đỏ và lại không rõ nguồn gốc thì nguồn thực phẩm được mua và gửi từ quê lên vừa ngon lại sạch và quan trọng là rất rẻ.
Tính ra, mỗi tháng cũng giúp chị tiết kiệm khoảng 1.5 triệu đồng so với việc đi chợ hàng ngày. Anh chị gửi tiền nhờ ông bà đi mua thực phẩm, sau đó về sơ chế sạch, chia thành từng bữa và bảo quản ngăn đá, gửi xe khách với chi phí 50 ngàn/lần từ quê xuống tận Hà Nội, hoặc thỉnh thoảng nhờ được bè, người thân thì cũng không phải mất tiền cước xe.
4. Đăng ký các điểm vui chơi miễn phí hoặc giảm giá
Chị cho biết mình rất muốn con luôn được vui chơi và dành thời gian bên con vào cuối tuần nên thường tìm kiếm các địa điểm vui chơi hoặc các hoạt động với mức chi phí vừa phải để đưa con đi. Chính vì vậy, gần như cuối tuần nào cũng thấy hai mẹ con ôm nhau đi chơi và checkin ở khắp các khu vui chơi ở Hà Nội.
Ngoài ra, ưu tiên hàng đầu của chị chính là các hoạt động kết nối, vui chơi ngoài trời miễn phí giúp con phát triển kỹ năng. Chị thường vào các hội nhóm trên mạng xã hội để tìm kiếm và đăng ký cho con tham gia các hoạt động phù hợp mà thường không mất chi phí hoặc chỉ phải đóng một phần phí tham gia rất nhỏ. Em bé rất hào hứng và mong đợi mỗi dịp cuối tuần để được cùng mẹ tham gia các hoạt động ý nghĩa.
Các khu vui chơi giảm giá là ưu tiên hàng đầu của gia đình chị, vào các đợt giảm giá, giá vé chỉ còn 25-30 ngàn đồng/vé, áp dụng cho một trẻ em và một người lớn đi kèm.
Hoặc các hoạt động miễn phí của các trường mầm non, các trung tâm kỹ năng sống, các tổ chức phi chính phủ... giúp con được quan sát và phát triển kỹ năng.
5. Đi du lịch tại các địa điểm gần để tiết kiệm chi phí
Sau mỗi đợt làm thêm dự án, hoặc số tiền tiết kiệm hàng tháng, chị sẽ bỏ vào quỹ tiết kiệm để đi du lịch. Vì không có thời gian và tiết kiệm chi phí, gia đình chị thường chọn các địa điểm gần Hà Nội như Ba Vì, Thanh Hóa hoặc Hải Phòng. Thường mỗi chuyến đi gần như vậy, chi phí sẽ chỉ từ 2-3 triệu hoặc rẻ hơn.
Chị thường chọn đi du lịch tại các địa điểm gần Hà Nội để tiết kiệm chi phí
Ba Vì là điểm thường xuyên ghé tới của gia đình
Chị kể mình có một hội bạn gồm các gia đình có con nhỏ và cũng thích đi du lịch, vì vậy thường lên kế hoạch để cùng nhau đi chơi. Thỉnh thoảng không sắp xếp được việc di chuyển ra khỏi Hà Nội hội các bà mẹ sẽ rủ nhau đi công viên, lên phố đi bộ, lên Hồ Tây... cũng coi như một hoạt động thú vị vào cuối tuần.
Nếu so với trước đây, khi mức thu nhập của gia đình còn dư giả, anh chị sẽ đi du lịch ở các địa điểm xa và đi với tần suất cao thì khi bước vào giai đoạn 'thắt lưng buộc bụng' sẽ chọn đi các điểm gần, và đi với mức độ ít hơn. Thay vì tháng nào cũng đi bằng việc 4 - 5 tháng đi một lần. Thay bằng trước đây có thể đi với chi phí khoảng 5-6 triệu cho cả gia đình, thì các điểm gần, ở nhà nghỉ giá rẻ chỉ mất khoản 2-3 triệu đồng cũng giúp chuyến đi nhẹ nhàng hơn.
Đặc biệt, chị có bạn làm tại một khu du lịch trên Ba Vì, nên đây cũng là điểm đến thường xuyên của gia đình, với mức chi phí chỉ khoảng 500 ngàn đồng cho tiền xe bus (Hà Nội - Ba Vì), tiền nhà nghỉ, mua quà cho gia đình bạn... còn lại chi phí ăn, đi chơi đều được free.
6. Làm thêm vào buổi tối hoặc tranh thủ bán thực phẩm sạch từ quê
Ngoài công việc hành chính, buổi tối chị thường nhận thêm các dự án để làm tại nhà. Tuy vất vả và thường xuyên phải thức khuya nhưng đây chính là cứu cánh giúp chị có thêm một khoản thu nhập chi tiêu cho gia đình.
Ngoài ra, tùy theo từng mùa chị cũng tranh thủ bán thêm các loại thực phẩm sạch gửi trực tiếp từ quê ra. Bán hàng không chỉ vui mà cũng giúp chị có thêm đồng ra đồng vào để trang trải cuộc sống và quan trọng nhất là giúp ông bà bán được hàng giá đắt mà bạn bè lại mua được thực phẩm sạch, giá rẻ.
Thỉnh thoảng chị cũng tranh thủ bán hàng, đa số là các loại hoa quả hoặc thực phẩm sạch của nhà. Vừa kiếm thêm thu nhập đồng thời chị kể bán hàng cũng rất vui.
Ngoài ra, hàng tháng chị cũng cố gắng để không bị làm phát chi tiêu quá nhiều bằng việc hai vợ chồng ăn sáng tại nhà, chị mang cơm trưa đi làm. Đồng thời, hạn chế ăn hàng quán bằng việc tự tổ chức ăn uống tại nhà để đảm bảo ngon - sạch - rẻ. Cuối tuần, chị và nhóm bạn cũng vẫn tổ chức tụ tập ăn tối nhưng sẽ là tổ chức 'tiệc tại gia' để vừa đảm bảo vẫn được vui vẻ mà lại tiết kiệm. Thay vì mỗi bữa ăn tốn cả triệu bạc so với ăn ngoài thì việc tổ chức 'tiệc' tại nhà chỉ tốn khoảng 300-400 ngàn đồng.
Đối với chi phí cho con nhỏ, hàng ngày con ăn 3 bữa chính và 2 bữa phụ theo thực đơn của trường mầm non. Hàng tháng, chị dành ra một khoản nhỏ để mua thêm đồ ăn như sữa chua, bánh ăn dặm... cho con. Đặc biệt, hiện tại em bé vẫn đang còn ăn sữa mẹ và đã bỏ được bỉm nên cũng giúp chị tiết kiệm một khoản không nhỏ chi tiêu cho 'bỉm - sữa'.
Chị cho biết, vì thu nhập của gia đình gần như là cố định nên sau khi nhận lương và tiền thanh toán các dự án làm thêm, chị luôn cố gắng để thanh toán tiền nhà và tiền học cho con trước, sau đó các khoản chi phí còn lại sẽ được đánh dấu riêng để không bị lạm phát. Hàng tháng, sau khi note hết các khoản chi tiêu, chị sẽ dư ra được một khoản tiền nhỏ (khoảng hơn 1 triệu đồng). Số tiền này chị sẽ bỏ vào giỏ tiết kiệm của cả nhà để dự phòng khi ốm đau hoặc dự trù cho các chi phí phát sinh của các tháng nếu chẳng may 'lạm phát'.
Tổng thu nhập trung bình: 11 triệu
Lương: 8.5 triệu
Làm thêm: 2.5 triệu
Chi phí trung bình/tháng: 9.650 triệu
Tiền thuê nhà: 2.5 triệu đồng
Tiền học cho con: 2,5 triệu đồng
Đồ ăn vặt cho con: 450 ngàn đồng
Xăng xe, điện thoại: 200 ngàn đồng
Tiền ăn: 3 triệu đồng
Các chi phí phát sinh khác: 1 triệu đồng
Mỗi tháng chị tiết kiệm được khoảng 1.350 nghìn đồng.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!