Thực hư tôm ăn kèm vitamin C gây tử vong

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Chúng ta vẫn thường ăn hải sản, trong đó bao gồm tôm với muối chanh.

Thông tin một phụ nữ Đài Loan đột tử với dấu hiệu chảy máu, mũi, mồm, tai và mắt sau khi ăn tôm và uống vitamin C khiến nhiều người lo lắng.

Theo đó, nguyên nhân gây ra cái chết là trong vỏ tôm chứa nhiều postassium 5 tổng hợp với thạch tín arsenic oxide (As2O5). Khi uống cùng vitamin C, arsenic oxide sẽ chuyển thành ADB arsenic anhydride (As203) là chất thường dùng để vẽ viền vàng các chén đĩa. Chất arsenic làm tê liệt các mạch máu nhỏ của tim gan, thận, ruột và biểu mô, gây xuất huyết tai, mắt, mũi, miệng.

Tuy nhiên, ăn tôm cùng chanh (trong chanh có rất nhiều vitamin C) bún hải sản vắt chanh hay tép (cùng họ với tôm) rang chanh là những thói quen thường xuyên của người Việt.

Bạn Quỳnh Chi (Thanh Hóa) cho hay: 'Tôi vẫn không tin bởi người dân vùng biển ăn hải sản chấm muối vắt chanh từ đời này sang đời khác'.

Anh Xuân Kỳ (Hà Nội) lại thẳng thắn: 'Đây là thông tin bịa đặt. Tôi chưa thấy trường hợp chết người chỉ vì ăn tôm, tép cùng với vitamin C. Mọi người nên tỉnh táo, không nên tin vào những lời đồn thất thiệt như vậy'.

Thực hư tôm ăn kèm vitamin C gây tử vong

Ăn tôm cùng chanh, bún hải sản vắt chanh... là những thói quen thường xuyên của người Việt (Ảnh minh họa: Internet)

Chỉ là tin đồn vô căn cứ

Trao đổi với Zing.vn về vấn đề này, PGS.TS.Nguyễn Duy Thịnh (nguyên cán bộ Viện công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) khẳng định: 'Tuyệt đối không có chuyện ăn tôm cùng chanh hay uống cùng vitamin C gây chết người. Y văn thế giới chưa ghi nhận trường hợp nào như vậy'.

Ông phân tích, ngoại trừ vitamin C dạng thuốc, loại vitamin này còn có trong rất nhiều thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày, không riêng chanh.

Cụ thể, vitamin C có nhiều nhất trong rau ngót, cần tây, rau mùi, rau đay, rau muống... Các loại quả thì nhiều nhất là thanh trà, sau đó là bưởi, ổi, nhãn, quýt, cam, chanh.

'Điều đó có nghĩa nếu ăn tôm cùng vitamin C gây chết người thì chúng ta đã không còn tồn tại. Bởi sự kết hợp này là điều khó tránh khỏi và rất phổ biến trong cuộc sống', PGS Thịnh lý giải.

Về asen (hay còn gọi là thạch tín), vị chuyên gia cho hay đây là một yếu tố tự nhiên và phân phối rộng rãi, tìm thấy trong đất và khoáng chất. Chúng đi vào cơ thể thông qua thực phẩm (bao gồm các loại hải sản), nước hoặc không khí. Tuy nhiên, hầu hết thạch tín có trong thực phẩm là hình thức hữu cơ ít có hại hơn dạng vô cơ.

'Nếu tiếp xúc với thạch tín liều cao hoàn toàn có thể gây tử vong. Nhưng vỏ tôm không thể chứa lượng thạch tín nhiều đến mức có thể gây ngộ độc ngay tức khắc cho người ăn ngoại trừ trường hợp chúng sống trực tiếp trong vùng nước ô nhiễm chứa quá nhiều chất này. Hơn nữa, cũng như bất kể loại thực phẩm nào khác, chúng ta không thể một lúc ăn quá nhiều tôm như vậy', PGS Thịnh cho biết thêm.

Ông cũng cho rằng vitamin C không có đặc tính cho phép biến đổi chuỗi phản ứng như tin đồn. Thậm chí, vitamin C còn có vai trò chống lại việc nhiễm độc asen mạn tính.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa học, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng khẳng định, vitamin C không làm biến đổi As2O5 thành As2O3. Nếu vỏ tôm chứa một lượng thạch tín quá cao đủ để gây ngộ độc tức thời, bản thân nó đã nguy hiểm chứ không cần phải nhờ đến vitamin C.

Theo các chuyên gia, việc khẳng định sự nguy hại của việc ăn tôm cùng với vitamin C gây chết người hoàn toàn thiếu căn cứ và mang tính chủ quan, gây hiểu lầm không đáng có cho người dân.

Ông Bùi Hồng Minh (Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình), lương y Đa khoa từng nghiên cứu về các thực phẩm kỵ nhau, cho biết thêm: 'Mỗi một thực phẩm có một tính, vị khác nhau, có những thực phẩm tương sinh, cũng có những loại tương khắc với nhau, không ít loại kết hợp với nhau gây tắc tử song tôm tép kết hợp cùng vitamin C không nằm trong số đó. Chúng ta cần phải xác định đây là một tin đồn, kể cả có thật thì người phụ nữ đó có thể tử vong vì nhiều nguyên nhân khác, chắc chắn không do sự kết hợp này'.

Tuy nhiên, lương y cũng lưu ý vitamin C dạng viên là một loại thuốc, cần dùng có chỉ định của bác sĩ. Còn tôm rất dễ gây dị ứng với những người có cơ địa nhạy cảm.

Ngoài ra, vỏ tôm là chất kittin, caasi tạo nên vỏ của các loài giáp xác chứ không chứa nhiều canxi như nhiều người nghĩ. Do đó, khi ăn, chúng ta có thể bóc vỏ để hạn chế hóa chất và không bị hóc, nhất là với trẻ nhỏ.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!