Những loại thuốc huyết áp ảnh hưởng tới bệnh hen
Trong số nhiều loại thuốc hiện có để điều trị tăng huyết áp, thuốc chẹn beta giao cảm và nhóm thuốc ức chế men chuyển (ACEI) có nhiều tác động bất lợi lên bệnh nhân hen.
Thuốc chẹn kênh beta giao cảm
Các thuốc chẹn kênh beta có thể gây ra nhiều phiền toái cho bệnh nhân hen vì các thụ thể beta giao cảm (beta receptor) có ở đường dẫn khí. Do cơ chế phong bế thụ thể beta trên mạch máu (β1-receptor) là một tác động mong muốn trong điều trị tăng huyết áp vì khi đó, thuốc làm giảm trương lực mạch máu, giãn mạch, làm huyết áp giảm. Trong khi đó, phong bế các thụ thể beta trên đường hô hấp (β2 receptor) lại gây co thắt phế quản, làm khởi phát cơn hen và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Các thuốc chẹn kênh beta trong điều trị tăng huyết áp thường không chọn lọc cao, nên thuốc thường tác động lên cả thụ thể beta giao cảm ở mạch máu lẫn đường hô hấp. Điều này trái ngược với cơ chế tác dụng của các thuốc đồng vận beta (β2 receptor) - nhóm thuốc được sử dụng để điều trị hen, ví dụ: albuterol, hay còn gọi là salbutamol, đích tác động chủ yếu là các thụ thể trên đường hô hấp.
Thuốc ức chế chọn lọc β1 receptor
Các thuốc chẹn thụ thể beta có hiệu quả tích cực trong điều trị tăng huyết áp, nên việc nghiên cứu ra các thuốc chẹn kênh β1 chọn lọc trên mạch máu là đề tài nghiên cứu của nhiều thử nghiệm lâm sàng nhằm đảm bảo an toàn cho bệnh nhân hen.
Các nghiên cứu lâm sàng đã cho thấy, trong khi các thuốc chọn lọc trên β1 receptor an toàn hơn cho bệnh nhân hen, các thuốc này vẫn có khuynh hướng gây co thắt đường dẫn khí ở một số người. Vì lý do này, nên những thuốc chẹn kênh β1 chọn lọc vẫn ít được bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân hen.
Thuốc ức chế men chuyển ACEI
Cùng với các thuốc chẹn kênh beta giao cảm, các thuốc ACEI có thể gây bất lợi cho bệnh nhân hen. Một trong những tác dụng phụ phổ biến nhất của nhóm thuốc này là gây ho khan dai dẳng, gặp ở 20% bệnh nhân điều trị với thuốc này, làm ảnh hưởng đến việc đánh giá mức độ kiểm soát hen. Ho khan do thuốc có thể làm khởi phát cơn hen hoặc đôi khi gây nhầm lẫn trong chẩn đoán với ho dạng hen.
Đã có những báo cáo ca về biến cố bất lợi do ACEI, tuy hiếm gặp ở bệnh nhân hen. Vì lý do trên, các thuốc ACEI không được xem là lựa chọn điều trị đầu tay ở những bệnh nhân hen, dù vậy, thuốc vẫn có thể được sử dụng sau khi đã cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ theo dõi chặt chẽ tác dụng phụ của thuốc trong quá trình điều trị cho bệnh nhân.
Thuốc huyết áp có thể làm bệnh hen thêm trầm trọng
Thuốc lợi tiểu và nguy cơ gây hạ kali máu ở bệnh nhân hen
Một tác dụng phụ của thuốc lợi tiểu - ở tất cả các bệnh nhân, không chỉ ở bệnh nhân hen, đó là gây hạ kali máu. Nồng độ kali máu thấp sẽ ảnh hưởng đến nhịp tim. Mặc dù, tất cả bệnh nhân điều trị với thuốc lợi tiểu đều có nguy cơ gây hạ kali máu, thì nguy cơ này cao hơn một chút nếu dùng kèm với các thuốc điều trị hen dạng hít.
Các thuốc điều trị hen có khuynh hướng đẩy kali từ máu vào trong tế bào. Khi sử dụng hai loại thuốc này cùng một lúc, người bệnh cần được theo dõi nồng độ kali máu thường xuyên. Ngoài ra, bác sĩ sẽ kê đơn liều thấp thuốc lợi tiểu nhằm giảm nguy cơ hạ kali máu.
Độ an toàn của các thuốc huyết áp khác lên bệnh nhân hen
Hầu hết các thuốc khác như clonidin, hydralazin... ít phổ biến hơn trong điều trị tăng huyết áp nên độ an toàn của những thuốc này khi điều trị cho bệnh nhân hen chưa được biết rõ do chưa có một nghiên cứu lâm sàng nào được tiến hành trên những đối tượng này.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!