Thế nhưng, lại có rất ít người hiểu và kiêng hút thuốc lá khi dùng thuốc tân dược.
Trong khói thuốc lá có khoảng 95% là hỗn hợp khí bao gồm các chất chính: carbonic, ocidcarbon…, còn lại khoảng 5% là các chất khác như: nicotin, hắc ín, amine thơm, hydrocarbua vòng thơm… Các chất này khi được hấp thu vào cơ thể chúng sẽ được chuyển hóa như mọi chất khác. Thế nhưng trong quá trình chuyển hóa ấy, chính bản thân các chất này hoặc các sản phẩm tạo thành do chuyển hóa của chúng sẽ gây ra những tương tác với thuốc tân dược. Vì vậy, nếu càng hút thuốc lá nhiều thì các chất gây tương tác đó sẽ có nồng độ cao trong cơ thể, thế là sự tương tác càng dễ xảy ra.
Trong khói thuốc lá có rất nhiều chất, thế nhưng quan trọng nhất là nicotin. Nó là chất gây ra các tác dụng như giãn mạch, hạ huyết áp, làm chậm nhịp tim. Nhưng chỉ trong giai đoạn đầu sau khi hút thuốc rồi ngay sau đó, nó lại kích thích cơ thể làm gia tăng bài tiết adrenalin dẫn đến tình trạng co mạch làm tăng huyết áp, tăng nhịp tim, tăng tiết dịch vị. Nếu hút thuốc lá nhiều thì nồng độ nicotine trong cơ thể cao sẽ làm khó thở, suy hô hấp và cuối cùng đưa đến liệt hô hấp. Do đó, trong khi sử dụng thuốc tân dược để điều trị bệnh, người bệnh cần kiêng cữ thuốc lá, nhất là trong các trường hợp sau:
- Trên người bệnh hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đều có biểu hiện của tình trạng co thắt phế quản gây nên những cơn khó thở. Để chống lại những triệu chứng này, người bệnh phải dùng thuốc làm giảm co thắt phế quản như ipratropium, salbutamol, salmeterol… Khi đó, nếu người bệnh vẫn hút thuốc lá thì nồng độ nicotin trong cơ thể gia tăng sẽ làm giảm hiệu lực của các thuốc trên. Ở người hút thuốc lá nhiều, lâu ngày thì hàm lượng nicotin được tích tụ từ từ, lâu ngày sẽ tạo ra nồng độ cao và trở nên thường xuyên trong cơ thể, nó sẽ làm cho việc điều trị không có hiệu quả như mong muốn và bệnh rất dễ tái phát.
- Các thuốc dùng trong điều trị bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng có tác dụng làm giảm bài tiết dịch vị và làm lành vết tổn thương như: cimetidin, ranitidin…Thế nhưng ở người hút thuốc lá thì nồng độ nicotin gia tăng từ đó sẽ làm cho tăng tiết dịch vị, làm cho sẹo lâu lành. Tức là có tác dụng trái ngược với thuốc điều trị bệnh, do vậy khi dùng thuốc để điều trị bệnh thì thuốc sẽ bị giảm hiệu lực, từ đó làm cho việc điều trị bệnh không đạt hiệu quả và bệnh sẽ rất dễ tái phát.
- Đối với bệnh cao huyết áp, các loại thuốc điều trị có tác dụng làm cho huyết áp trở về trị số bình thường nhưng nicotine có tác dụng làm co mạch gây tăng huyết áp tức là làm mất tác dụng của thuốc điều trị. Do đó, những người bị cao huyết áp hay bị bệnh tim mạch không nên hút thuốc lá, nhất là khi đang dùng thuốc.
Do tác động của nicotin có trong khói thuốc lá là làm co mạch, do đó làm giảm sự hấp thu thuốc tân dược, từ đó làm giảm hiệu quả điều trị của thuốc đối với một số bệnh. Ngoài ra, các chất khác như hydocarbua thơm bezopyren, anthracin, phenathren có trong thuốc lá khi vào cơ thể làm cho gan phải tăng cường hoạt động để chuyển hóa thành các chất khác, vì vậy làm cho sự chuyển hóa thuốc trở nên nhanh hơn, làm giảm hiệu quả điều trị.
Thuốc lá và thuốc tân dược luôn có một số tương tác bất lợi, cho nên trong việc điều trị lành bệnh hay không không đơn thuần là dùng thuốc có đúng không mà còn tùy thuộc rất nhiều vào các thói quen khác, như hút thuốc lá chẳng hạn. Trong bất cứ trường hợp nào, bệnh nào cũng vậy, cần phải ngưng ngay việc hút thuốc lá vì thuốc lá không chỉ gây ra những tương tác bất lợi trong thời gian dùng thuốc mà còn gây ra nhiều tác hại khác trong quá trình sống của chúng ta. Không chỉ đơn thuần là kiêng thuốc lá trong khi dùng thuốc mà phải kiêng cả khi bị bệnh, như: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh hen phế quản hay bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng và nhất là bệnh cao huyết áp, tim mạch.
BS. Hồ Văn Cưng
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!