Xin bác sĩ tư vấn cho tôi có thể dùng thuốc gì để khắc phục tình trạng này? Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!
Bùi Thị Liên (Ninh Bình)
Hiện tượng bong tróc da bàn tay vào mùa khô lạnh hiện nay khá phổ biến ở nước ta, nhất là chị em phụ nữ. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này có thể do cơ địa dị ứng với thời tiết, với thức ăn... hoặc do tiếp xúc quá nhiều với các hóa chất độc hại có trong các chất tẩy rửa, các đồ hóa mỹ phẩm như nước gội đầu, sữa tắm, xà phòng giặt, nước cọ toa lét, nước lau sàn...
Vì vậy để xác định được nguyên nhân gây bệnh chị cần đến cơ sở y tế chuyên khoa da liễu, qua thăm khám lâm sàng và nếu cần các bác sĩ sẽ cho làm một số xét nghiệm để tìm nguyên nhân gây bong tróc da tay của chị.
Để điều trị bệnh, cần tránh các yếu tố là nguyên nhân gây bệnh như tránh ăn các loại thực phẩm gây dị ứng, đặc biệt là phải tránh tuyệt đối tiếp xúc trực tiếp với các hóa chất có trong các loại hóa mỹ phẩm, xà phòng, các chất tẩy rửa hàng ngày.
Khi phải tiếp xúc có thể đeo găng tay để bảo vệ da, đi găng tay vải khi tiếp xúc với đồ khô và bao bên ngoài găng tay ni lông hoặc cao su, không đeo trực tiếp găng tay cao su vì có thể gây dị ứng.
Chị cần luôn dưỡng ẩm cho da tay để tránh tình trạng khô rát gây bong tróc và nứt nẻ như cung cấp đủ nước cho cơ thể hàng ngày, thoa kem dưỡng ẩm cho da tay 2 - 3 lần trong ngày, tránh tiếp xúc với nước nóng lúc rửa tay, tắm rửa, chỉ nên dùng nước ấm vừa. Chú ý chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân đối, có nhiều vitamin và khoáng chất giúp da tươi nhuận, không bị khô và bong tróc, nứt nẻ...
Khi da bị khô nẻ, nứt nhiều có thể bôi một trong các chế phẩm có steroid như flucinar, fucicort, gentrisone... theo chỉ dẫn của bác sĩ. Steroid tại chỗ thường được bôi 01 lần/ngày (buổi sáng hoặc buổi tối).
Tùy theo từng bệnh, mức độ bệnh, vùng da bị bệnh, độ tuổi, độ mạnh của thuốc mà thời gian bôi thuốc khác nhau nhưng thường dùng ngắn ngày, tối đa khoảng 2-3 tuần.
Chị không nên tự ý mua về bôi rất nguy hiểm, nhất là khi dùng trong thời gian dài sẽ gây nhiều biến chứng như mỏng da, teo da, xuất huyết dưới da, giãn mạch máu, rậm lông... Có thể uống các vitamin A, C, E và các vitamin nhóm B theo chỉ dẫn của bác sĩ giúp tình trạng bong tróc da tay được cải thiện.
PGS.TS. Nguyễn Duy Hưng(Bệnh viện Da liễu Trung ương)
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!