Những loài ốc, cá lạ luôn tiềm ẩn những độc dược giết chết cơ thể người. Nhưng ngay cả những loài là đặc sản giàu dinh dưỡng trong bữa ăn gia đình, trong nhà hàng cũng có thể là thuốc độc nếu như không biết xử lý, chế biến đúng cách.
Có đến 40 loại thủy hải sản có chất độc chết người, bao gồm cả cua, cá, ốc, mực… Với những loài gây độc cho người bằng cách phun chất độc để tự vệ thì có thể tránh xa chúng, trường hợp ít gặp. Nhưng do thiếu hiểu biết, nhiều người chế biến chúng thành món ăn và bị ngộ độc rất nguy hiểm.
Nhưng làm sao để biết loài nào có độc hay không?
Hải sản là món ăn yêu thích của nhiều người
Ốc lạ chứa độc
Vụ cháu bé Lê Cẩm Hiếu (Phú Yên) bị tử vong do ăn ốc biển đã khiến dư luận hết sức hoang mang. Không chỉ thực vật mà ngay cả nhiều loài động vật cũng ẩn chứa chất độc nếu có vẻ ngoài sặc sỡ, nhiều màu sắc. Nhiều người đi biển, chơi biển thấy các con ốc đẹp thì nhặt mang về. Dù không ăn nhưng việc tiếp xúc cũng có thể bị nhiễm độc. Vì vậy, nếu không biết rõ là loài ốc gì thì cần tránh việc cầm, nắm, và tuyệt đối không được ăn.
Một số loại ốc cần tránh như ốc bùn bống, ốc mặt trăng, ốc đụn, ốc hương Nhật Bản, ốc tù và, ốc trám, ốc bùn hình nón… Một số loài chỉ có độc ở một bộ phận nhất định, hoặc vốn dĩ không có độc nhưng sinh sống ở vùng nước ô nhiễm nên cũng có thể gây độc cho người. Vì thế, bên cạnh việc xác định loài ốc cũng nên tránh đánh bắt ốc ở những vùng nước bẩn để ăn.
Cá nóc
Cá nóc là một trong những loài cá có chất độc mạnh nhất. Ở Việt Nam, không ít trường hợp bị ngộ độc phải cấp cứu, thậm chí tử vong vì ăn cá nóc. Cá nóc chấm cam, cá nóc vằn mặt, cá nóc tro, cá nóc vằn mang… dù ăn một ít trứng hay gan của chúng cũng có thể mất mạng. Ăn cá nóc mà không biết chế biến đúng cách thì không khác đùa giỡn với tính mạng.
Cá nóc luôn thách thức bằng cả tính mạng với những ai 'hám của lạ'
Thủy hải sản độc vì ô nhiễm môi trường
Hiện nay, tình trạng ô nhiễm đang ở mức vô cùng nghiêm trọng, đặc biệt là môi trường nước. Ở nhiều vùng, quốc gia, nước thải sinh hoạt và công nghiệp không qua xử lý đổ thẳng trực tiếp ra sông, biển. Nhiều loài thủy hải sản bị nhiễm độc hoặc tích tụ chất độc trong người. Nếu ăn phải chúng, khi chế biến có thể có mùi lạ, vị lạ, thậm chí không có mùi vị khác thường, thì có khả năng sẽ bị ngộ độc.
Chẳng hạn như cá ngừ hiện nay được khuyến cáo với phụ nữ và trẻ em không nên dùng loại cá này vì độc tố kim loại nặng được tích tụ trong cơ thể chúng do môi trường ô nhiễm. Cá nhồng, cá song, cá trình… cũng là những loài nên cẩn thận vì chúng cũng có khả năng chứa chất độc gây tê liệt thần kinh, tiêu chảy, mất trí nhớ…
Trung gian truyền bệnh
Tôm, cua, cá… có thể chứa các ký sinh trùng gây bệnh như sán, hoặc vi khuẩn, vi-rút, tụ cầu vàng hoặc các loại phẩy khuẩn… Nếu ăn phải hoặc chế biến không kỹ có thể mắc các bệnh như giun sán, kiết lị, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, nhiễm trùng đường ruột… Sò huyết, hàu là những hải sản có nhiều nguy cơ gây bệnh.
Sò huyết...
Xử lý khi bị ngộ độc hải sản
Triệu chứng:
Khi ăn phải hải sản chứa độc, nạn nhân sẽ có các biểu hiện chung của ngộ độc thực phẩm. Tùy lượng ăn và mức độ độc của từng loài mà triệu chứng đến sau một vài giờ. Nạn nhân sẽ bị đau đầu, đau bụng, buồn nôn, chóng mặt, toát mồ hôi, nôn nhiều và đi ngoài…
Nếu bị nặng hoặc để lâu không được cấp cứu sẽ xuất hiện biểu hiện tê miệng, lưỡi, các cơ chân tay, người mệt lả, mất tỉnh táo, khó thở, hạ huyết áp, nhịp tim loạn, thậm chí tử vong.
Sơ cứu:
- Nếu xác định được triệu chứng bất thường là do ăn hải sản, hãy tiến hành gây nôn cho nạn nhân, nôn được càng nhiều càng tốt. Sau đó, cần cho uống nhiều nước lọc, nếu có nước than hoạt tính là tốt nhất.
... và hàu là những đặc sản tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc và nhiễm bệnh
- Nếu nạn nhân có dấu hiệu khó thở thì cần tiến hành hô hấp nhân tạo bằng cách hà hơi thổi ngạt.
- Tim có biểu hiện đập yếu, ngừng đập thì phải dùng tay ấn vào lồng ngực để kích thích máu lưu thông nuôi cơ thể.
- Giữ cho nạn nhân tỉnh táo. Nếu có biểu hiện co giật thì lưu ý không để nạn nhân tự cắn lưỡi hoặc tụt lưỡi.
- Cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời cấp cứu.
Phòng ngừa
- Không ăn những loài thủy hải sản không rõ nguồn gốc, đặc biệt những loài nhiều màu sắc sặc sỡ.
- Đảm bảo xử lý và chế biến hải sản đúng cách.
- Ở những vùng ô nhiễm, khả năng nhiễm độc cao, không được đánh bắt hải sản.
- Nếu thường ăn hải sản thì nên tẩy giun định kỳ.
>> Xem thêm:
Ngộ độc ốc biển, 1 cháu bé tử vong
Hồi chuông cảnh tỉnh về ngộ độc cá nóc
NT
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!