Chàng trai sinh năm 1983 chọn nghiên cứu về ung thư khi còn là sinh viên tại khoa Công nghệ Sinh học, Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM. Tốt nghiệp đại học năm 2005, Phan Minh Liêm giành suất học bổng đến Mỹ với hành trang là ước mong được tìm cách giúp bệnh nhân chiến thắng căn bệnh hiểm nghèo vốn là nỗi ám ảnh 'trời kêu ai nấy dạ'.
Hơn 10 năm miệt mài nghiên cứu ở môi trường quốc tế, anh là người Việt Nam đầu tiên được 4 lần vinh danh trên bức tường danh dự của Viện Anderson đặt tại Houston, Texas. Đây là Viện ung thư số một tại Mỹ, kết hợp hiệu quả giữa đào tạo, nghiên cứu và điều trị, chữa trên một triệu bệnh nhân mỗi năm. Được học tập, làm việc nơi này là mơ ước của nhiều bác sĩ, nhà khoa học nghiên cứu chống ung thư thế giới. Với quy trình chọn lọc gắt gao, dù có hàng nghìn giáo sư, bác sĩ làm việc nhưng nơi đây mỗi năm nơi đây chỉ tuyển khoảng hơn 50 sinh viên từ nhiều nước.
Tâm huyết sứ mệnh tiêu diệt ung thư, nhóm nghiên cứu do tiến sĩ Liêm dẫn đầu đã phát hiện một gene có khả năng ức chế, triệt tiêu hiệu quả quá trình tạo năng lượng của khối u. Khi gene này được kích hoạt, các tế bào ung thư sẽ không lấy được dinh dưỡng hoặc sẽ lấy được dinh dưỡng nhưng không thể chuyển hóa thành năng lượng. Điều này khiến tế bào ung thư bị tiêu diệt hoặc ngưng tăng trưởng, không di căn được.
Hơn 10 năm miệt mài nghiên cứu ở môi trường quốc tế, tiến sĩ Phan Minh Liêm là người Việt Nam đầu tiên được 4 lần vinh danh trên bức tường danh dự của Viện Anderson (Ảnh: P.L)
Theo các kết quả thử nghiệm ban đầu, phương pháp này hữu hiệu đối với nhiều loại ung thư, đặc biệt là các loại tế bào ung thư ác tính và di căn. Phương pháp này mở ra hướng đi mới cho điều trị trong tương lai với hy vọng có thể tấn công các tế bào ung thư một cách hiệu quả, chính xác mà không làm ảnh hưởng nhiều đến tế bào khỏe mạnh.
Cùng với các cộng sự, chàng tiến sĩ quê Khánh Hòa có hàng loạt công trình nghiên cứu xuất bản trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín về công nghệ sinh học và ung thư. Anh còn nhận được các giải thưởng danh giá, học bổng của Bộ Quốc phòng, Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ và nhiều tổ chức trao tặng. Trong lịch sử 74 năm từ khi Viện thành lập, anh là sinh viên quốc tế đầu tiên và duy nhất đến nay được bầu vào vị trí Chủ tịch Hội Sinh viên Cao học.
'Ung thư ngày càng cướp đi sinh mạng của quá nhiều người. Dù việc điều trị đang có nhiều tiến bộ nhưng bao nhiêu năm vẫn chưa thật sự hiệu quả như mong đợi. Nhìn bệnh nhân đau đớn vật vã với khối u và tác dụng phụ càng khiến mình thêm động lực lao vào nghiên cứu', tiến sĩ trẻ trải lòng. Nhóm của anh cũng đang phát triển các thiết bị mới kết hợp công nghệ nano và vi mao dẫn để phát hiện bệnh ung thư, bệnh truyền nhiễm và các bệnh khác.
Con đường sự nghiệp, danh vọng ở Mỹ đang rộng mở thênh thang nhưng đau đáu giúp quê hương khiến anh luôn khao khát trở về. Người vợ đang học tiến sĩ dược tại ĐH Texas cũng luôn sát cánh chia sẻ tâm nguyện này của anh. Mỗi lần về thăm quê hương, canh cánh trong anh là sự xót xa khi tỷ lệ ung thư Việt Nam càng ngày càng gia tăng nhanh và bệnh viện luôn chen chúc quá tải.
Những yếu tố như môi trường ô nhiễm, dân số đang già đi với nhiều bệnh tật, thực phẩm nhiều hóa chất, tiêu thụ rượu bia thuốc lá, lười vận động, rối loạn giấc ngủ… khiến ung thư càng có cơ hội hoành hành. Một khi đã mắc bệnh, do phát hiện ở giai đoạn muộn nên việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn với tỷ lệ thành công thấp.
Tiến sĩ Liêm và các cộng sự đến từ nhiều quốc gia trên thế giới (Ảnh: P.L)
Từ năm 2012, anh là cầu nối góp phần đưa các giáo sư hàng đầu tại Viện Anderson sang Việt Nam tham gia các buổi nói chuyện, các khóa đào tạo cung cấp kiến thức mới về ung thư cho các nhà khoa học, bác sĩ, dược sĩ, sinh viên Việt, mở ra nhiều cơ hội hợp tác và đào tạo. Anh xúc tiến thành lập tạp chí khoa học Việt Nam trực tuyến Vietnam Journal of Science cùng với các cộng sự, tham gia vào ban cố vấn Hiệp hội các học giả của Quỹ Giáo dục Việt Nam…
Góp phần giúp mọi người 'thay đổi những thói quen nhỏ có thể giảm 2/3 nguy cơ ung thư', anh dành nhiều thời gian nói chuyện để chia sẻ kiến thức mình đã tích lũy được trong suốt quá trình nghiên cứu.
Trong câu chuyện nhiều nhiệt huyết, anh say mê về những dự định giúp người dân có thể phòng ngừa được ung thư. Dẫu phải vất vả khi duy trì công việc hai nơi nhưng anh vẫn quyết tâm đến cùng. Chuyến về Việt Nam lần này, anh đang phát triển các kết quả nghiên cứu khoa học thành sản phẩm hữu ích. Kết hợp thuốc kháng và phòng ngừa ung thư trong thức ăn, nước uống từ nguồn thực phẩm được kiểm định chặt chẽ, anh hy vọng có thể sớm mang đến liệu pháp ngừa ung thư hiệu quả cho người Việt.
Tại Viện Ung thư Anderson, bệnh nhân khi điều trị ung thư thành công sẽ được mời tham gia một nghi lễ hết sức trang trọng. Khi đó, bệnh nhân sẽ tự tay dùng búa gỗ đánh vào một cái cồng đặt tại trung tâm bệnh viện để chào mừng chiến tích của mình và đội ngũ chuyên gia y tế cũng như động viên những bệnh nhân khác đang trong quá trình điều trị.
Vì quá trình chữa trị ung thư thường rất đau đớn với nhiều tác dụng phụ và đòi hỏi sự nỗ lực phi thường nên đó thật sự là một cuộc chiến và người chiến thắng bệnh tật được xem là anh hùng. Con đường phòng chống ung thư vẫn còn dặm dài gian nan, chính tiếng cồng chiến thắng này đã góp phần nuôi vững động lực cho những nhà khoa học như tiến sĩ Liêm.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!