Tiểu đêm nhiều lần: Lợi hay hại?

Kỹ năng sống - 11/24/2024

Tiểu nhiều lần có thể do nhiễm trùng đường tiết niệu, sỏi đường tiết niệu, do bàng quang rối loạn thần kinh...

Câu hỏi 1:

Tôi năm nay 51 tuổi, khoảng 1 tuần nay tôi thường tiểu đêm nhiều lần, xin bác sĩ cho biết tôi có thể bị bệnh gì? Có nguy hiểm không? Xin tư vấn giúp tôi! Cảm ơn!

Trả lời:

Chào bác,

Đối với những người đã có tuổi, tiểu đêm có thể do các nguyên nhân sau: nhiễm trùng đường tiểu (viêm bàng quang, viêm niệu đạo, viêm tuyến tiền liệt), sỏi đường tiết niệu (sỏi niệu quản đoạn chậu, sỏi bàng quang hoặc sỏi tuyến tiền liệt) hoặc phì đại tuyến tiền liệt.

Tiểu đêm nhiều lần: Lợi hay hại?

Ảnh minh họa

Phì đại tuyến tiền liệt là nguyên nhân gây tiểu đêm thường gặp nhất ở nam giới có tuổi. Tuyến tiền liệt là một tuyến sinh dục nam, nằm ở vùng cổ bàng quang. Ở nam giới có tuổi, tuyến tiền liệt bắt đầu phình to, đôi khi chèn ép vào niệu đạo gây ra các triệu chứng rối loạn tiểu tiện. Còn với các đối tượng tuổi khác, tiểu nhiều lần có thể do nhiễm trùng đường tiết niệu, sỏi đường tiết niệu, do bàng quang rối loạn thần kinh hoặc do bàng quang hoạt động quá mức.

Khi mắc phải triệu chứng này, nhiều người đã hạn chế uống nước, thực ra đây không phải là biện pháp điều trị đúng và thích hợp. Nếu nhịp điệu đi tiểu khoảng 15 phút/lần (tương đương với khoảng 20 lần/ngày) là không thể chấp nhận được và cần phải đến khám ở khoa niệu của các bệnh viện ngay lập tức. Bác sĩ chuyên khoa tiết niệu sẽ phát hiện nguyên nhân tiểu nhiều lần để đưa ra phương án điều trị.

Chúc bác sức khỏe!

ThS. Vũ Thị Tuyết Mai

Câu hỏi 2:

Tôi có 1 đứa con gái năm nay 12 tuổi. Nhưng không hiểu sao từ lúc 6 tuổi đến giờ nó cứ tiểu liên tục trong ngày, nhất là vào ban đêm. Vì vậy tôi muốn hỏi đó là triệu chứng gì và có cách gì để chữa dứt điểm hay không?

Trả lời 

Chào bạn,

Với triệu chứng đi tiểu liên tục, nhất là vào ban đêm, nếu có kèm theo tiểu buốt đau tức vùng bàng quang sinh dục thì nguyên nhân chủ yếu là do nhiễm khuẩn tiết niệu. Ngược lại nếu không buốt, không đau tức vùng bàng quang thì bạn nên đưa bé đến trung tâm thận tiết niệu để nội soi bàng quang xét nghiệm nước tiểu xem có gì bất thường ở bàng quang hay niệu đạo hay không.

Nếu soi bàng quang và xét nghiệm không phát hiện gì bất thường thì theo phân loại bệnh của tổ chức y tế thế giới thì cháu mắc bệnh bàng quang thần kinh.

Hướng điều trị

- Nếu do nhiễm khuẩn tiết niệu, nên dùng kháng sinh, chống viêm, dãn cơ. 

- Nếu do bàng quang thần kinh, điều trị chủ yếu là an thần kinh, dãn cơ trơn, có thể châm cứu, tập thể dục, vận động phù hợp. Bệnh này cần phải kiên trì, lạc quan, bệnh sẽ giảm từ từ chứ không giảm nhanh được.

Chúc con bạn mau khỏe!

BS. Trần Thị Bích Lan

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!