Tìm hiểu về bệnh cường chức năng tuyến giáp

Kỹ năng sống - 05/03/2024

Đang dùng thuốc kháng giáp trạng tổng hợp mà có thai dễ gây sảy thai, đẻ non hoặc thai chết lưu, bé sinh ra mắc bệnh nhược giáp.

Bệnh Basedow là bệnh cường chức năng tuyến giáp kết hợp với bướu phì đại lan toả do kháng thể kích thích trực tiếp thụ cảm thể tiếp nhận TSH gây tăng nồng độ hoóc-môn tuyến giáp trong máu.

Vậy khi mắc bệnh này người phụ nữ có thể mang thai không? Và điều trị bệnh này ra sao? Những câu hỏi này sẽ được ThS. Vũ Thị Tuyết Mai, Bộ Y tế, giải đáp và tư vấn.

Câu hỏi 1: Chào Bác sĩ! Vợ tôi năm nay 20 tuổi và bị bệnh Basedow. Vậy liệu vợ tôi mang thai có sao không? Xin cảm ơn!

Trả lời:

Chào bạn,

Vợ bạn mắc bệnh Basedow vẫn có thể sinh con nếu được điều trị tốt. Nhưng tốt nhất là vợ bạn nên điều trị ổn định bệnh, nghĩa là không còn cường giáp nữa rồi mới mang thai vì khi đang dùng thuốc kháng giáp trạng tổng hợp mà có thai có thể gây sảy thai, đẻ non hoặc thai chết lưu, em bé sinh ra dễ bị mắc bệnh nhược giáp do người mẹ dùng các thuốc điều trị Basedow…

Tìm hiểu về bệnh cường chức năng tuyến giáp

Ảnh minh họa

Nếu vợ bạn đang mang thai thì bạn cần đưa vợ đi tư vấn Bác sĩ. Tùy tình trạng bệnh Bác sĩ sẽ có hướng điều trị thích hợp, nếu nhẹ có thể chỉ cần theo dõi chặt mà không cần điều trị, nặng thì điều trị bằng các thuốc kháng giáp trạng tổng hợp.

Bác sĩ sẽ kê cho vợ bạn loại thuốc ít ảnh hưởng đến thai nhi nhất. Tuyệt đối vợ bạn không được tự ý dừng thuốc điều trị Basedow vì có thể gặp cơn cường giáp kịch phát gây tử vong.

Khi dùng thuốc trong lúc mang thai có thể em bé sẽ bị ảnh hưởng nên sau khi sinh bạn cần đưa con đi khám sớm để phát hiện và điều trị kịp thời bệnh nhược giáp do việc dùng thuốc của người mẹ gây nên.

Mặt khác, người mẹ sau sinh, nếu còn dùng thuốc, thuốc qua sữa mẹ vẫn tiếp tục làm em bé bị ảnh hưởng trên tuyến giáp nên để đảm bảo an toàn cho con, vợ bạn không nên cho con bú và nên nuôi con bằng sữa ngoài. Khi đó vừa tốn kém về kinh tế, vừa không tốt cho sức khỏe của trẻ.

Vậy nên, nếu chưa mang thai, vợ bạn cần điều trị ổn định bệnh Basedow rồi mới mang thai

Chúc vợ chồng bạn sinh con an toàn, khỏe mạnh!

Câu hỏi 2: Thưa Bác Sĩ ! Em 16 tuổi em bị bệnh cường giáp(Basedow) đã 4 năm. Điều trị rồi nhưng lại tái phát, Bác sĩ bảo khi ăn uống nên tránh ăn muối i-ốt. Em xin hỏi ngoài muối i-ốt ra thì em cần tránh những loại thức ăn nào nữa không ạ? Cảm ơn SongKhoe.vn

Trả lời:

Chào bạn!

Basedow là một trong những bệnh lí cường giáp thường gặp trên lâm sàng với các biểu hiện chính: nhiễm độc giáp kèm bướu giáp lớn lan tỏa, lồi mắt và tổn thương ở ngoại biên.

Bạn mắc bệnh đã 4 năm, điều trị rồi nhưng lại tái phát. Bạn cần tiếp tục tuân thủ chế độ điều trị vì đây là bệnh rất dễ tái phát và có nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe nếu không được điều trị triệt để. Bên cạnh việc dùng thuốc bạn cần điều chỉnh chế độ ăn uống dinh dưỡng, tập luyện, nghỉ ngơi hợp lý.

Cụ thể như sau:

Tìm hiểu về bệnh cường chức năng tuyến giáp

Ảnh minh họa

- Để tránh gầy sút, suy kiệt bạn cần ăn chế độ ăn giàu đạm, giàu calo, uống thêm nhiều nước. Nên ăn thức ăn mềm, lỏng và mát (dưa hấu, đậu ván, rau cần, nấm kim châm) dễ tiêu, chia thành nhiều bữa nhỏ, kèm theo ăn nhiều hoa quả đặc biệt là hoa quả chứa nhiều kali, phốt pho, như chuối và nước dừa.

- Do i-ốt là nguyên liệu để tuyến giáp sử dụng tổng hợp hormon, do đó ngoài việc kiêng ăn muối i-ốt bạn cần hạn chế ăn các thức ăn chứa nhiều i-ốt như hải sản, rong biển. Kiêng ăn thức ăn nóng, khô cay như ớt, gừng sống, thịt dê, kiêng ăn chế phẩm của sữa, kiêng uống nước ngọt có tính kích thích, kiêng uống cà phê, trà và các chất kích thích có chứa nicôtin, hút thuốc.

- Vệ sinh thân thể hàng ngày để tránh nhiễm trùng da, luôn đeo kính bảo vệ mắt khỏi khói bụi, nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý hàng ngày.

- Không sờ nắn nhiều lên vùng cổ.

- Giai đoạn bệnh nặng: Bạn nên nghỉ ngơi, tránh hoạt động thể lực gắng sức, không hoạt động tinh thần căng thẳng, cần nằm trong phòng yên tĩnh, tránh các tiếng ồn.

Trường hợp bạn điều trị tích cực và có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý mà bệnh vẫn tái phát nhiều lần hoặc tiến triển nặng, bạn nên cân nhắc việc phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp gần toàn bộ.

Chúc bạn chóng lành bệnh!

 

SongKhoe.vn cung cấp tính năng gửi câu hỏi cho các Chuyên gia, Bác sĩ uy tín miễn phí. Bấm vào đây để gửi câu hỏi. Tham khảo hàng ngàn câu hỏi đã được Chuyên gia, Bác sĩ trả lời tại đây.

 

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!