Kể từ thời điểm phát triển đến khi mang thai và mãn kinh, vú của người phụ nữ thay đổi liên tục. Nhiều thay đổi lành tính của vú có thể cần phải điều trị hoặc không. Tuy nhiên cũng không nên quá chủ quan khi thấy bất kỳ một thay đổi nào khác trên vú mà không có sự tư vấn hay thăm khám của các chuyên gia sản phụ khoa.
Kể từ thời điểm phát triển đến khi mang thai và mãn kinh, vú của người phụ nữ thay đổi liên tục. Nhiều thay đổi lành tính của vú có thể cần phải điều trị hoặc không. Tuy nhiên cũng không nên quá chủ quan khi thấy bất kỳ một thay đổi nào khác trên vú mà không có sự tư vấn hay thăm khám của các chuyên gia sản phụ khoa.
Bất kỳ khối u nào trong vú cũng gây ra sự lo lắng cho người phụ nữ, nhưng không có nghĩa là tất cả các khối u là ung thư. Các biến đổi lành tính của tuyến vú là rất phổ biến.
Bệnh lý này thường phát sinh từ các thành phần cấu tạo nên vú: biểu mô ống dẫn sữa, hoặc ở mô liên kết và mô mỡ. Có thể phân loại các bệnh lý lành tính tuyến vú làm 4 nhóm: Nhóm bệnh bẩm sinh hay phát triển bất thường của tuyến vú: tật thiếu núm vú, phì đại tuyến vú...
Nhóm bệnh do nguyên nhân chấn thương và viêm nhiễm: Áp xe vú, lao tuyến vú, hoại tử mỡ .... Nhóm bệnh liên quan đến các ống tuyến sữa: Xơ nang tuyến vú, nang vú, u nhú trong ống dẫn sữa, giãn ống tuyến sữa...
Nhóm bệnh liên quan đến tổ chức liên kết của tuyến vú: u xơ tuyến, u mỡ, u bạch huyết...Trong bài viết này chúng tôi xin nêu ra một số bệnh tuyến vú lành tính thường gặp.
Xơ nang tuyến vú
Đây là dạng bệnh lý phụ thuộc hormon, hay gặp ở giữa lứa tuổi 30 - 50. Các triệu chứng mất đi sau mãn kinh. Nguyên nhân là do mất cân bằng nội tiết giữa estrogen và progesteron trong một thời gian dài, tổ chức vú trải qua nhiều thay đổi hình thái khác nhau.
Vào thời điểm tăng tiết estrogen, các tế bào biểu mô tăng sinh trong các ống (tăng sinh ống) và các phân thùy (tăng sinh tuyến). Với mức estrogen giảm, biểu mô cuộn xoắn, các ống trở thành nang, các phân thùy và vùng đệm tăng tổ chức xơ (tăng biểu mô tuyến xơ cứng và xơ cứng vùng đệm).
Trên lâm sàng bệnh nhân thường đau vú theo chu kỳ: xuất hiện khoảng 8 ngày trước khi hành kinh, biến mất sau hành kinh, đau tự nhiên, lan ra hai tay.
Khi sờ nó có thể là các u nang đặc trưng: Khối u tròn, giới hạn rõ, hơi cứng, thường đau, kích thước và số lượng thay đổi; Hay là các mảng cứng: thường thấy những mảng cứng trên vú giới hạn không rõ, mất đi sau hành kinh.
Đây là bệnh lý hình thành từ việc tăng sinh các tuyến và ống tuyến vú (kết hợp với xơ hóa mô đệm) nên có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú. Vì vậy khi có chẩn đoán xơ nang tuyến vú thì nên có những thăm dò như: chụp vú, chọc dịch nang, chọc hút tế bào để có những sàng lọc ung thư sớm.
Có thể bắt đầu điều trị bằng thuốc nếu bệnh nhân cảm thấy khó chịu và mong muốn được điều trị. Các thuốc hay dùng: thuốc ức chế prolactin như bromocriptine, thuốc ức chế estrogen như danazol. Phẫu thuật cắt khối u được đặt ra khi: chọc dò ra lẫn máu, sinh thiết thấy loạn sản hoặc có tế bào nghi ngờ.
U xơ tuyến
Khối u phát triển từ mô liên kết giữa các tiểu thùy. Thường xảy ra trước tuổi 35. Khối u có đặc điểm: Chắc, xơ, đều, tròn hoặc hình trứng, di động dưới da, không đau, không liên quan tới chu kỳ kinh. Kích thước thay đổi khoảng 2 - 3cm, thường chỉ có một u, đôi khi có nhiều u và xuất hiện kế tiếp theo thời gian.
Đây là loại u dễ chẩn đoán trong các u lành tính tuyến vú, bệnh nhân cũng có thể nhận biết đặc điểm khối u một cách dễ dàng, còn bác sĩ có thể chẩn đoán ngay khi khám lâm sàng. Siêu âm và chụp vú ít có giá trị chẩn đoán trong trường hợp này.
Tuy nhiên cũng nên chọc lấy tế bào bằng kim sinh thiết nhỏ giúp khẳng định chẩn đoán và loại trừ ung thư. U xơ tuyến không tạo nên yếu tố nguy cơ gây ung thư, thường ổn định và không đáp ứng với điều trị nội tiết.
Vậy nên có u xơ trước 35 tuổi chúng ta có thể theo dõi định kỳ mỗi 6 tháng. Phẫu thuật cắt bỏ khối u để làm giải phẫu bệnh được đặt ra khi khối u to và phát triển nhanh, chọc tế bào nghi ngờ hoặc sau 35 tuổi.
Nang vú
Nang là một hốc chứa đầy chất dịch. Hốc này xuất hiện do một đoạn của ống dẫn sữa nở ra. Phần lớn người bệnh tự phát hiện thấy khi nằm sấp đè lên ngực hay chà xát trong lúc tắm, vì những lúc đó nang vú căng lên. Nhưng có khi các nang này lại không đau và cũng không thể sờ thấy được.
Số lượng nang nhiều hay ít tùy người, kích thước lớn nhỏ không đều, đường kính từ vài mm đến vài cm, hoặc to hơn, to đến một mức nào đó hoặc nằm sát dưới da mới sờ thấy. Các nang này thường hay gặp ở phụ nữ trên 40 tuổi, hiếm gặp ở phụ nữ dưới 30 tuổi, nhưng sau khi mãn kinh nang sẽ xẹp đi.
Khi nghi là nang vú, nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Hiện nay, siêu âm giúp cho bác sĩ chẩn đoán bệnh nang vú chính xác. Bác sĩ sẽ dùng kim chọc rút dịch trong nang. Khi rút dịch, nang sẽ xẹp đi và hiếm khi tái phát lại.
Chọc hút dịch nang có màu vàng chanh hoặc nâu. Nếu dịch hút ra là máu thì phải sinh thiết sau hút dịch để loại trừ ung thư, sau chọc hút nếu nang tái phát thì phải hút lại và điều trị phẫu thuật bóc nang.
U nhú trong ống dẫn sữa
Đây là một trong những nguyên nhân gây tiết dịch núm vú ngoài thời kỳ cho con bú. Do sự tăng sinh biểu mô trung tâm trên trục liên kết tuyến và phát triển tạo nên các u nhú trong lòng ống dẫn sữa.
Triệu chứng thường gặp trong thể bệnh này là tiết dịch hoặc máu tự nhiên một hoặc hai bên vú, ép xung quanh quầng vú có thể thấy dịch chảy ra từ núm vú. U nhú trong ống dẫn sữa thường lành tính.
Tuy nhiên cũng cần có những thăm dò như chụp X quang nhằm loại trừ ung thư vú, chụp ống dẫn sữa để chẩn đoán: sau khi tiêm chất cản quang vào ống dẫn sữa, sẽ thấy ống dẫn sữa bị tắc và u nhú trong ống dẫn sữa.
Khi được chẩn đoán là u nhú trong ống sữa giãn thì phẫu thuật cắt khối u làm giải phẫu bệnh là phương pháp điều trị chủ yếu. Người ta có thể đánh dấu khối u trước mổ bằng cách tiêm xanhmethylen.
Ngoài ra, còn có những bệnh lành tính khác có thể gây tiết dịch núm vú như: Giãn hoặc xơ nang ống tuyến, tăng tiết sữa kết hợp với vô kinh, vô sinh, Papilloma ống tuyến.
Bệnh nhân khi thấy chảy dịch hay máu qua núm vú thường lo sợ rằng mình có thể bị ung thư, tuy nhiên phần lớn trường hợp ở tuổi dưới 30 là có nguyên nhân lành tính. Trong các trường hợp này, nên xét nghiệm tìm tế bào lạ từ chất dịch và làm siêu âm vú.
Thấy có gì khả nghi thì cần phẫu thuật. Nên nhớ khả năng bị ung thư rất hiếm gặp. Và nếu có ung thư thì trường hợp này cũng dễ điều trị vì u còn nhỏ.
Hoại tử mô mỡ
Hoại tử mỡ của vú là một quá trình viêm vô trùng lành tính của các mô mỡ. Nó có thể xảy ra thứ phát sau chấn thương do tai nạn hoặc phẫu thuật, hoặc có thể liên quan với ung thư hay bất kỳ tổn thương mà gây nên mủ hoặc hoại tử thoái hóa khác.
Trên lâm sàng, hoại tử mỡ có thể có triệu chứng giống ung thư vú nếu nó xuất hiện như một khối dày đặc kết hợp với co rút da, bầm máu, ban đỏ, và da dày. X quang vú, kết quả siêu âm và chụp cộng hưởng từ không phải luôn phân biệt được hình ảnh của hoại tử chất béo từ một mô ác tính.
Ngay cả sự xuất hiện của tổn thương lành tính trên hình ảnh cũng không thể loại trừ được là có bị ác tính hay không. Vậy nên trong tổn thương này cần phải chích lấy khối hoại tử làm giải phẫu bệnh loại trừ ung thư, sau đó điều trị nội khoa bằng các thuốc kháng estrogen.
Theo SK&ĐS
Để được bác sĩ gọi điện tư vấn miễn phí về xét nghiệm, hãy để lại thông tin của bạn vào form dưới đây:
Nơi sinh sống Hà Nội Hồ Chí Minh An Giang Bà Rịa - Vũng Tàu Bắc Kạn Bắc Giang Bạc Liêu Bắc Ninh Bến Tre Bình Dương Bình Định Bình Phước Bình Thuận Cao Bằng Cà Mau Cần Thơ Đà Nẵng Đắk Nông Đắk Lắk Đồng Nai Điện Biên Đồng Tháp Gia Lai Hà Giang Hà Nam Hà Tĩnh Hải Dương Hải Phòng Hậu Giang Hòa Bình Hưng Yên Khánh Hòa Kiên Giang Kon Tum Lai Châu Lạng Sơn Lào Cai Lâm Đồng Long An Nam Định Nghệ An Ninh Bình Ninh Thuận Phú Thọ Phú Yên Quảng Bình Quảng Nam Quảng Ngãi Quảng Ninh Quảng Trị Sơn La Sóc Trăng Tây Ninh Thái Bình Thái Nguyên Thanh Hóa Thừa Thiên - Huế Tiền Giang Trà Vinh Tuyên Quang Vĩnh Phúc Vĩnh Long Yên Bái Nước ngoài
Đăng ký nhận tư vấn
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!