Tin tức đời sống mới nhất ngày 26/11: Nuôi sống bé sinh non nhẹ nhất Việt Nam

Thời sự - 11/24/2024

Tin tức đời sống mới nhất ngày 26/11/2020. Cập nhật tin đời sống mới ngày 26/11/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Kỳ tích nuôi sống bé sinh non nhẹ nhất Việt Nam

Tin tức đời sống mới nhất ngày 26/11: Nuôi sống bé sinh non nhẹ nhất Việt Nam

Việc nuôi sống bé sinh non chỉ nặng có 480g là một kỳ tích. (Ảnh: BV)

Bệnh viện Sản nhi Vĩnh Phúc vừa nuôi sống trẻ sinh non nhỏ cân nhất Việt Nam, bệnh nhi là bé gái nặng 480g, chào đời ở tuần thai thứ 26.

Mẹ bé có tiền sử hiếm muộn 10 năm, được thụ tinh nhân tạo (IVF) và mang 2 thai. Khi thai được 18 tuần, sản phụ có dấu hiệu rỉ ối nên được chuyển đến bệnh viện Sản nhi Vĩnh Phúc ngày 1/7. Thời điểm này sản phụ được chẩn đoán mang song thai 20 tuần IVF với hai buồng ối hai bánh nhau, rỉ ối dọa sảy.

Sau 4 tuần điều trị tích cực, sản phụ có dấu hiệu chuyển dạ, vỡ ối sớm và sinh non một thai nhưng không thể qua khỏi. Sản phụ tiếp tục được điều trị giữ thai còn lại bằng phương pháp nghỉ ngơi tuyệt đối, kết hợp dùng nhiều loại thuốc kháng sinh liều cao chống nhiễm trùng, thuốc giảm co và thuốc nội tiết liều cao.

Ngày 20/8, sản phụ có triệu chứng cạn ối. Các bác sĩ chỉ định mổ lấy thai. Bé gái con sản phụ chào đời ở tuần 26 với cân nặng 480g trong tình trạng thở thoi thóp, tím tái toàn thân, yếu ớt, phản xạ yếu. Bệnh nhi được chỉ định nằm lồng ấp, nuôi dưỡng qua tĩnh mạch, dùng kháng sinh và hỗ trợ thở máy…

Nhờ nỗ lực của các bác sĩ, bệnh nhi tiến triển tốt, dần khoẻ mạnh, cai máy thở và bú được sữa mẹ. Tới ngày 25/11, bé ở tuần thứ 39, đã nặng 2,1kg.

Bệnh nhân ngộ độc pate Minh Chay nặng nhất xuất viện

Tin tức đời sống mới nhất ngày 26/11: Nuôi sống bé sinh non nhẹ nhất Việt Nam

Bệnh nhân được xuất viện sau 4 tháng điều trị ngộ độc botulinum. (Ảnh: BV)

Bệnh nhân này là N.T.T. (20 tuổi, ngụ huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai), nhập bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai vào cuối tháng 7 vừa qua do bị ngộ độc chất botulinum có trong sản phẩm pate Minh Chay. Đây cũng là bệnh nhân có tình trạng ngộ độc nặng nhất trong số 3 bệnh nhân bị ngộ độc nhập viện trước đó.

Theo bệnh viện, bệnh nhân T. hiện đã tỉnh táo, nói chuyện được, di chuyển không cần hỗ trợ trong khoảng cách 20m, sức khỏe cải thiện rất nhiều so với trước.

Tuy vậy, bệnh nhân này vẫn phải ăn qua ống thông. Sau khi xuất viện sẽ tiếp tục tập vật lý trị liệu ngoại trú mỗi ngày để phục hồi chức năng.

Hạt sa pô chê nằm trong phế quản bệnh nhân 27 năm

Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa nội soi phế quản lấy dị vật là hạt sa pô chê nằm trong phế quản bệnh nhân suốt 27 năm.

Bệnh nhân là bà T.K.V.Đ. (33 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long) nhập viện do ho kéo dài, khạc đàm, sốt, tức ngực, khó thở khoảng 3 tháng không hết.

Qua khai thác bệnh sử cho thấy năm 6 tuổi bệnh nhân ăn sa pô chê không may bị sặc hạt. Thời điểm này bệnh nhân bị ho dữ dội nhưng sau đó giảm nên không đi khám.

Từ đó về sau, bệnh nhân thường bị ho kéo dài, tái đi tái lại nhiều lần, dùng thuốc thì giảm nhưng không hết hẳn.

Kết quả CT Scan ngực cho thấy phế quản và viêm thùy dưới phổi phải bệnh nhân bị dãn, có dị vật nhánh phế quản thùy dưới phổi phải. Bệnh nhân được chỉ định nội soi phế quản thám sát ghi nhận niêm mạc phế quản nhiều giả mạc, có dị vật nằm trọn lòng phế quản phân thùy dưới phổi phải bị che lấp bằng giả mạc và niêm mạc phù nề. Bác sĩ lấy dị vật ra, tuy nhiên chỉ lấy được phần gai của hạt.

Bệnh nhân được điều trị tích cực nội khoa nhằm giảm phù nề và sau đó các bác sĩ hội chẩn liên khoa, nội soi phế quản ống mềm có sử dụng tiền mê để lấy hạt sa pô chê nằm ngang trong lòng phế quản phân thùy dưới phổi phải.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!