Tổng thống Donald Trump trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng (ảnh: CNN)
Cùng ngày tại một cuộc họp báo trước đó, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã có động thái đáp trả những chỉ trích của Tổng thống Trump về cách tổ chức của ông đối phó với đại dịch COVID-19.
'Làm ơn đừng chính trị hóa loại virus này... Nếu ông không muốn có thêm nhiều túi đựng thi thể thì ông phải kiềm chế việc chính trị hóa nó. Thông điệp ngắn gọn của tôi là: Làm ơn cách li việc chính trị hóa COVID', ông Ghebreyesus kêu gọi.
Còn trong buổi họp báo tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump tuyên bố, chính ông Ghebreyesus mới là người đang chính trị hóa virus corona mới, và ông tin rằng WHO đang thiên vị Trung Quốc.
'Tôi không thể tin được ông ta đang nói về chính trị khi bạn nhìn vào mối quan hệ họ có với Trung Quốc. Trung Quốc bỏ ra 42 triệu USD, chúng ta bỏ ra 450 triệu USD và mọi thứ dường như đều theo cách của Trung Quốc. Điều đó không đúng, điều đó không công bằng đối với chúng ta và thành thực là, nó không công bằng với cả thế giới', người đứng đầu nước Mỹ tuyên bố.
Ông Trump cũng ám chỉ, nếu WHO đưa ra những phân tích đúng đắn thì số ca tử vong vì COVID-19 có thể đã ít hơn.
'Tôi nghĩ khi ông nói có thể nhiều túi đựng thi thể, tôi nghĩ chúng ta đã có thể và bản thân ông ta đã có thể phục vụ những người dân mà ông ấy phải phục vụ một cách tốt hơn nếu họ đưa ra được một phân tích đúng đắn', ông Trump nhấn mạnh.
Hôm thứ Ba (7/4), Tổng thống Trump chỉ trích WHO đã làm giảm nhẹ tính nghiêm trọng của COVID-19, đồng thời đe dọa sẽ ngừng tài trợ tiền cho tổ chức, mặc dù sau đó ông lại nhanh chóng rút lại lời mình: 'Tôi không nói sẽ làm vậy, nhưng chúng tôi sẽ xem xét nó'.
Đặc biệt, ông Trump tỏ ra không hài lòng với việc WHO từ chối ủng hộ cho chính sách hạn chế đi lại giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, CNN chỉ ra, trong thực tế WHO phản đối hầu hết các lệnh hạn chế di chuyển quốc tế và coi đó là một biện pháp không hiệu quả.
WHO đang phải đối mặt với nhiều chỉ trích vì dựa quá nhiều vào các số liệu của chính phủ Trung Quốc liên quan tới COVID-19, trong đó nhiều số liệu được cho là chưa chính xác. Trong một cập nhật trên Twitter ngày 14/1, WHO từng trích dẫn kết quả điều tra sơ bộ của chính quyền Trung Quốc chỉ ra, không có bằng chứng lây nhiễm từ người sang người đối với COVID-19.
Ngày 30/1 của WHO thừa nhận rằng, virus corona mới là 'mối quan ngại y tế quốc tế khẩn cấp' chứ không còn của riêng Trung Quốc. Ngày 4/2, WHO nói, virus vẫn chưa đạt tới mức độ đại dịch mà mới chỉ là dịch bệnh bùng phát tại một số địa điểm nhất định. Tuy nhiên, tới ngày 11/3, WHO đã phải tuyên bố COVID-19 là một đại dịch toàn cầu.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!