TP.HCM công bố dịch tại nơi ở bệnh nhân nhiễm vi-rút zika

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Đề xuất công bố dịch Zika tại phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 của Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM vào sáng 8/4 đã được UBND TP HCM đồng ý.

Theo bác sĩ Lê Hồng Nga, trưởng phòng Kế hoạch-Tổng hợp Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, bệnh do vi-rút Zika là bệnh truyền nhiễm nhóm B nhưng do hậu quả gây ra trên thai phụ và thai nhi nên Bộ Y tế yêu cầu công bố dịch trên quy mô phường, xã cho dù chỉ mới ghi nhận một ca.

Do đó Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM đã tham mưu Sở Y tế TP đề xuất UBND TP HCM công bố dịch Zika tại phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2.

Đề xuất này đã được UBND TP HCM chấp thuận. UBND TP chỉ đạo Sở Y tế phối hợp cùng UBND quận, huyện thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến dịch bệnh trên địa bàn TP. Đồng thời tiếp tục tăng cường công tác vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng tại các khu dân cư và hộ gia đình, không để phát sinh các ổ dịch mới.

Trước đó, Bộ Y tế công bố một bệnh nhân nữ, 33 tuổi, có thai 8 tuần tuổi ở phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, mắc bệnh do vi-rút Zika. Điều tra cho thấy bệnh nhân không đi tới các quốc gia có dịch và cũng không quan hệ tình dục với người trở về từ quốc gia có dịch.

Theo bà Nga bệnh nhân sống ở quận 2 nhưng lại làm việc tại quận 1 nên tính tới thời điểm này, TP HCM có 2 quận tham gia các hoạt động để đáp ứng tình hình dịch bệnh Zika.

TP.HCM công bố dịch tại nơi ở bệnh nhân nhiễm vi-rút zika

Cơ quan Y tế phun thuốc diệt muỗi ở phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP HCM, nơi có bệnh nhân dương tính với vi-rút này. Ảnh: Thanh Tùng.

Hiện nơi bệnh nhân cư trú (quận 2), đã được y tế dự phòng phun hóa chất diệt muỗi, đồng thời vận động các hộ dân diệt muỗi và diệt lăng quăng, kể cả giám sát ca bệnh nghi ngờ.

Bà Nga cho biết sắp tới y tế dự phòng sẽ phun hóa chất diệt muỗi tại Bệnh viện quận 2 (nơi bệnh nhân đến khám bệnh), phát tờ rơi và đề nghị các hộ dân ký cam kết diệt lăng quăng.

Tại nơi bệnh nhân làm việc (quận 1), y tế dự phòng đã phun hóa chất tòa nhà và trong bán kính 200 m. Đồng thời giám sát tòa nhà để phát hiện ca bệnh. 'Do nơi làm việc của bệnh nhân gần Thảo Cầm Viên nên thời gian tới y tế dự phòng tiếp tục phun hóa chất trong Thảo Cầm Viên. Đồng thời hướng dẫn nhân viên công viên xử lý ổ lăng quăng', bà Nga nói.

Sở Y tế TP HCM chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng quận, huyện, các bệnh viện thành phố có trách nhiệm thông báo cho Trung tâm Y tế dự phòng thành phố ngay khi phát hiện ca nghi ngờ nhiễm vi-rút Zika tại bệnh viện hoặc khi có ca nghi ngờ phát hiện tại cộng đồng để tổng hợp báo cáo, tham mưu phòng chống dịch kịp thời.

Tại các bệnh viện cần phát hiện sớm các trường hợp bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ nhiễm bệnh, kèm với yếu tố dịch tễ trở về từ vùng dịch, để lấy mẫu bệnh và gửi về Viện Pasteur TP HCM thực hiện xét nghiệm. Sở Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện tiếp nhận, cách ly, điều trị cho bệnh nhân theo phân tuyến. Chú ý các biện pháp xử lý diệt muỗi, diệt lăng quăng trong khu vực bệnh viện.

Các cơ sở y tế khi ghi nhận các trường hợp dị tật đầu nhỏ thông qua chẩn đoán tiền sản và qua thăm khám sơ sinh, báo cáo ngay về Trung tâm Y tế dự phòng thành phố và Sở Y tế, lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán Zika gửi về Viện Pasteur TP HCM để giám sát.

Ngoài ra Sở Y tế TP HCM còn giao Trung tâm Y tế dự phòng TP phối hợp với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Từ Dũ triển khai các lớp huấn luyện cho hệ thống dự phòng, truyền thông và điều trị về các nội dung giám sát, phòng chống Zika, tập huấn phát hiện dị tật đầu nhỏ cho nhân viên y tế tại các bệnh viện có khoa sản.

Huấn luyện các đội cơ động phòng chống dịch bệnh do vi-rút Zika tại các đơn vị điều tra xử lý dịch như quy trình giám sát phát hiện ca bệnh xâm nhập, điều tra ca dịch tễ nghi ngờ, quy trình lấy và vận chuyển mẫu bệnh phẩm, quy trình phun hóa chất diệt muỗi, tổ chức phòng bệnh tại cộng đồng.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!