Bệnh Zona (tiếng Anh là Shingles) có xuất xứ từ tiếng Latinh và Pháp có nghĩa là dây đai, thắt lưng, phản ánh đúng tính chất phân bố của các dải phát ban. Các dải này thường là chỉ ở 1 bên của cơ thể và ở khu vực chi phối của 1 dây thần kinh cảm giác.
Tất cả những ai đã từng bị bệnh thủy đậu hoặc đã từng tiêm vắc-xin đều có thể nhiễm Herpes Zoter gây ra bệnh zona. Người lớn tuổi, người bị ung thư, HIV hoặc đã từng cấy ghép mô nên bị giảm sức đề kháng chống lại nhiễm trùng, do đó dễ bị bệnh zona hơn.
Đa số những người bị zona đều khỏe mạnh. Không cần thiết sử dụng những xét nghiệm đặc hiệu nếu như hệ miễn dịch của bạn còn tốt.
Bệnh zona có thể lây truyền từ người bị nhiễm sang trẻ em hay người lớn mà những người này trước đây không mắc bệnh thuỷ đậu. Thay vì bị zona, những người này lại mắc bệnh thuỷ đậu. Một khi những người này đã mắc bệnh thuỷ đậu thì họ sẽ không bị nhiễm zona từ người khác.
Tuy nhiên, một khi đã bị nhiễm zona, thì họ lại có khả năng bị zona sau này trong cuộc đời. Khi tất cả những mụn nước đã khô, thì không còn khả năng lây được nữa.
Vậy bệnh zona có gây ảnh hưởng gì đến phụ nữ mang thai và làm cách nào để phòng bệnh cho em bé? Những câu hỏi này sẽ được ThS. Chu Văn Điểu, Bệnh viện Tâm thần TƯ, giải đáp trên SongKhoe.vn.
Câu hỏi 1: Cháu 22 tuổi, đang mang thai tháng thứ 6, những năm trước đây, năm nào cũng vậy, vào mùa nóng cháu hay bị zona, cháu thường để tự khỏi hoặc uống kháng sinh, mấy hôm nay cháu lại bị, nhưng vì không uống thuốc được nên cháu ra hiệu thuốc hỏi mua thuốc bôi thì nguời bán nói rằng cháu không uống, không bôi được mà phải đi khám vì bệnh này nguy hiểm với phụ nữ mang thai... Cháu rất lo lắng, bệnh zona nguy hiểm như thế nào và có ảnh hưởng gì không? Mong Bác sĩ tư vấn giúp cháu!
Ảnh minh họa
Trả lời:
Chào cháu,
Bệnh zona do vi-rút cùng cùng loại vi-rút thủy đậu gây ra, vi-rút sống trong dây thần kinh, trong một số hoàn cảnh nào đó như xúc động, stress, suy giảm miễn dịch… vi-rút sẽ hoạt động trở lại gây ra bệnh zona.
Toàn bộ dây thần kinh có thể bị, hay các vùng khác không có liên quan đến phân bố dây thần kinh cũng có thể bị. Cháu nói năm nào cháu cũng bị zona, như vậy thật là phiền toái tới sức khỏe và nhất là đang ở lứa tuổi sinh đẻ như cháu.
Nếu phụ nữ có thai 3 tháng đầu mà mắc các bệnh do vi-rút gây nên thì dễ ảnh hưởng đến quá trình hoàn thiện các cơ quan của bào thai.
Ví dụ đứa trẻ sinh ra dễ bị dị tật. Nếu có thai từ tháng thứ 4 trở đi mới mắc các bệnh do vi-rút gây ra thì dị tật ở đứa trẻ sinh ra hiếm khả năng xảy ra. Như vậy cháu có thai tháng thứ 6 mới bị zona thì khả năng ảnh hưởng tới thai nhi là rất thấp.Tuy nhiên để yên tâm cháu nên đi kiểm tra.
Hiện nay có rất nhiều phương pháp để sàng lọc thai sớm. Cháu nên tham khảo ý kiếm của bác sĩ chuyên khoa sản, nơi cháu đăng ký khám thai định kỳ để có quyết định đúng đắn hơn.
Bác chúc cháu mẹ tròn con vuông và hạnh phúc!
Câu hỏi 2: Chào Bác sĩ! Tôi năm nay 27 tuổi và mới sinh con được 1,5 tháng. Hiện tại tôi đang bị nổi nốt bỏng từng vạt ở cổ, tay, ngực, và tai. Có triệu chứng ngứa, đỏ, có vùng bị bong dập và rát. Có người bảo tôi bị bệnh zona thần kinh. Xin hỏi Bác sĩ đó là bệnh gì? Và điều trị thế nào để không ảnh hưởng và không lây sang em bé? Tôi xin cảm ơn!
Ảnh minh họa
Trả lời:
Zona là bệnh truyền nhiễm do vi-rút có ái tính với thần kinh gây ra, thường bị mắc ở những người có sức đề kháng kém hay đang phải sử dụng hóa chất điều trị chống ung thư hoặc thuốc ức chế miễn dịch…
Bệnh có thể phát triển thành dịch vào mùa hè, mùa mưa do tiếp xúc hoặc sinh hoạt chung với người mắc bệnh zona. Thời gian ủ bệnh từ 7-20 ngày. Biểu hiện bệnh là da ở vùng có dây thần kinh bị nhiễm vi-rút có mầu đỏ, đau, rát bỏng kèm theo sưng hạch ở vùng lân cận.
Thời gian ủ bệnh kéo dài 5-7 ngày. Tiếp theo trên nền da đỏ nổi mụn nước, bọng nước trong, nếu bội nhiễm thì sẽ thành mụn mủ đục. Mụn nước, bọng nước mọc thành từng chùm dọc theo khu vực của dây thần kinh và thường chỉ biểu hiện ở nửa bên người.
Bệnh diễn biến lành tính, nếu không biến chứng thì khỏi trong vòng 2-3 tuần để lại những vết thẫm mầu trên da. Tiêm phòng thủy đậu zona không có miễn dịch bền vững, do đó vẫn có thể mắc bệnh. Biện pháp phòng tránh là hạn chế tiếp xúc, ăn uống, sinh hoạt chung với người đang mắc bệnh. Tự nâng cao sức đề kháng bằng cách chế độ dinh dưỡng tốt, bổ sung đủ vitamin và khoáng chất.
Về cách điều trị, bạn nên tới khoa truyền nhiễm để khám và cấp đơn, hướng dẫn cách điều trị cụ thể từng loại thuốc cần thiết. Bệnh không cần phải nằm viện nên bạn cứ yên tâm. Bạn cần đề phòng lây sang em bé vì bệnh này không có miễn dịch bền vững mặc dù đã được tiêm phòng.
Chúc bạn mau lành bệnh!
SongKhoe.vn cung cấp tính năng gửi câu hỏi cho các Chuyên gia, Bác sĩ uy tín miễn phí. Bấm vào đây để gửi câu hỏi. Tham khảo hàng ngàn câu hỏi đã được Chuyên gia, Bác sĩ trả lời tại đây.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!