Trẻ bị chấn thương đầu - Trường hợp nào cần cấp cứu?

Nuôi dạy con - 11/24/2024

Trong cuộc sống hàng ngày, trẻ em với bản tính hiếu động dễ gặp phải các chấn thương trong đó có chấn thương ở đầu.

Nguyên nhân như va đập đầu trong chơi thể thao, do vô tình đập vào cửa, va phải cạnh bàn, ngã từ trên cao... Hầu hết trường hợp, các chấn thương ở đầu đều nhẹ và có thể hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, những chấn động vào vùng đầu cũng có thể gây ra những nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng.

Khi trẻ em bị chấn thương ở đầu, do vùng da đầu, trán có nguồn cấp máu phong phú nên chấn thương ở những vùng này thường dẫn đến chảy máu dưới da. Hậu quả là các vết bầm tím hoặc sưng phồng. Thường thì các vết sưng bầm này sẽ dần tan hết, không ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ. Trẻ cũng có thể bị chảy máu nhưng nếu tình trạng tỉnh táo, nhanh nhẹn, các phản ứng bình thường, không có các dấu hiệu thể chất, thần kinh bất thường, phụ huynh không cần phải lo lắng.

Chấn động não

Nếu lực va đập mạnh, nơi va đập vào có độ cứng như sàn bê tông, cạnh cửa, cạnh bàn... có thể khiến chấn thương trở nên nghiêm trọng hơn, trẻ có thể bị chấn động não. Dấu hiệu của chấn động não bao gồm:

Nhức đầu hoặc cảm giác nặng ở đầu; Buồn nôn hoặc nôn mửa; Mất thăng bằng hoặc chóng mặt; Nhìn đôi hoặc mờ; Nhạy cảm với ánh sáng hoặc tiếng ồn; Cảm giác chậm chạp, lơ ngơ, thất thần; Không tập trung chú ý; Có vấn đề về bộ nhớ như quên, nhầm lẫn; Mất phương hướng; Có cảm giác tê bì hoặc châm chích; Rối loạn giấc ngủ; Thay đổi tâm trạng, thay đổi hành vi.

Trẻ có thể bị chấn động não mà không mất ý thức. Nhưng nếu 1-2 ngày sau cú va đập vào đầu, trẻ có các triệu chứng trên, cần đưa trẻ đến bác sĩ để được thăm khám kịp thời.

Trẻ bị chấn thương đầu - Trường hợp nào cần cấp cứu?

Một trong các dấu hiệu cần đưa trẻ đi cấp cứu là xuất hiện vết xanh tím ở mắt hoặc tai.

Tình huống cấp cứu

Đôi khi một cú va đập vào đầu có thể nghiêm trọng gây ra xuất huyết não và tình trạng tụ máu não. Sẽ là tình huống cấp cứu nếu trẻ có các dấu hiệu sau:

Chảy máu nhiều vùng đầu, mặt; Chảy máu hay rỉ dịch ra từ mũi hay tai; Đau đầu nhiều; Thay đổi ý thức trong vòng nhiều hơn một vài giây; Xuất hiện vết xanh tím dưới mắt hay sau tai; Lo lắng, bồn chồn; Mất thăng bằng; Yếu hay liệt một tay hay chân; Kích thước đồng tử bất thường; Nói sảng; Co giật; Ngừng thở.

Nếu là trẻ nhỏ: Có thêm các dấu hiệu như khóc dai dẳng, bỏ bú, bỏ ăn, nôn nhiều, thấy khối phồng ở phía trước đầu (nhũ nhi).

Chăm sóc trẻ bị chấn động não

Trừ trường hợp chấn thương sọ não nghiêm trọng, với trẻ em, hầu hết chấn thương ở đầu trong sinh hoạt là những chấn thương nhẹ và không phải nằm viện. Tuy nhiên, chấn động não có thể gây ra các triệu chứng kinh niên như đau đầu hoặc khó tập trung và để đảm bảo trẻ hồi phục hoàn toàn, đến khi các triệu chứng biến mất, có thể mất vài ngày đến vài tuần. Nên cho trẻ nghỉ ngơi cả hoạt động thể chất và suy nghĩ (nhận thức) trong 1-2 ngày sau khi bị chấn động não và sau đó dần trở lại hoạt động tùy theo triệu chứng của chúng.

Trẻ trở lại trường sau khi bị chấn động não cũng nên có những điều chỉnh như ngồi yên tĩnh, rút ngắn thời gian học. Nếu việc học khiến các triệu chứng tăng, chẳng hạn như nhức đầu, trẻ cần nghỉ ngơi, sau đó tiếp tục hoạt động trong thời gian ngắn hơn và dần dần trở lại bình thường khi các triệu chứng cải thiện.

Trẻ có thể bị biến chứng nếu trở lại chơi thể thao và các hoạt động khác trước khi sự chấn động được hồi phục. Bởi không may một cú va đập vào đầu lần nữa trong khi chấn động ban đầu chưa phục hồi có thể dẫn đến các triệu chứng kéo dài hơn hoặc di chứng lâu dài hơn. Nghiên cứu cho thấy, các chấn động lặp đi lặp lại trong thời gian dài có thể có tác động nhân lên nhiều lần. Một hiện tượng được gọi là hội chứng va chạm thứ phát đã được ghi nhận. Trong hội chứng này, chấn thương đầu lần thứ hai trong thời kỳ dễ bị thương tổn sau chấn động não sẽ dẫn đến sự phù não tỏa lan nghiêm trọng và thường gây tử vong.

Ngoài ra, trẻ bị chấn động não có thể gặp phải hội chứng sau chấn động não bao gồm nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, cáu kỉnh, gặp khó khăn với kỹ năng tư duy, chẳng hạn như trí nhớ và sự chú ý. Đau do chấn thương lặp lại làm tăng nguy cơ hội chứng sau chấn động não hơn nữa. Hội chứng này có thể kéo dài 2 tuần, cũng có khi 1 năm sau khi gặp phải cú va đập vào đầu.

Xử lý khi xảy ra chấn thương đầu nặng

Trước khi dịch vụ cấp cứu tới:

Giữ nạn nhân nằm bất động với đầu vai cao hơn một chút. Không di chuyển bệnh nhân trừ khi cần thiết và tránh di động cổ. Nếu nạn nhân đang đội mũ bảo hiểm thì không được tháo bỏ mũ ra.

Cầm máu: Sử dụng gạc vô trùng hay vải sạch băng ép vết thương. Nếu nghi ngờ vỡ xương sọ thì không băng ép trực tiếp lên vết thương.

Theo dõi thay đổi nhịp thở và ý thức: Nếu nạn nhân không có dấu hiệu tuần hoàn (cử động, thở), tiến hành hồi sức tim phổi bằng ấn lồng ngực và hô hấp nhân tạo.

BS. Lê Hoàng Bách

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!