Trẻ bị táo bón lâu ngày uống thuốc gì?

Nuôi dạy con - 11/24/2024

Trẻ bị táo bón là một việc rất thường gặp nên bố mẹ không cần quá lo lắng. Việc điều trị táo bón lâu ngày cần tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ và sự kiên trì của bố mẹ trong chế độ ăn uống của con.

Theo website của Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ bị táo bón có thể được kê dùng một số loại thuốc giúp bé đi ngoài bình thường trở lại.

Thuốc sử dụng hàng ngày giúp trẻ táo bón đi tiêu phân mềm, không đau, phục hồi thói quen vệ sinh đều đặn. Mục tiêu là giúp bé đi tiêu hàng ngày, không bị cảm giác khó chịu, không bị són phân ra quần. Cần dùng thuốc đều đặn trong một thời gian dài (thường là 3-6 tháng) mới mang lại kết quả.

Nhiều cha mẹ lo rằng trẻ sẽ quen với thuốc chống táo bón và không còn nhu cầu đi tiêu tự nhiên nữa, hoặc sợ thuốc làm cơ thể mất đi nhiều chất dinh dưỡng quan trọng. Nếu được sử dụng đúng cách, điều này sẽ không xảy ra.

Trẻ bị táo bón lâu ngày uống thuốc gì?

Ảnh minh họa

Các loại thuốc chống táo bón có trên thị trường:

Thuốc tạo khối (bổ sung chất xơ)

Nhóm thuốc này chứa các chất xơ (từ vỏ, hạt, củ). Khi uống vào thuốc sẽ hút nước từ ruột, làm cho phân mềm và lớn hơn, tạo nhu động ruột bình thường để đẩy phân.

Ví dụ Methylcellulose(biệt dược – Citrucel). Thuốc này thường phát huy tác dụng sau 1-3 ngày. Vì thuốc hút nhiều nước nên phải đảm bảo cho trẻ uống đủ nước như chỉ dẫn.

Nhóm thuốc làm mềm phân

Loại thuốc này không thúc đẩy nhu động ruột nhưng giúp nước thấm vào khối phân, làm phân mềm hơn và có thể tống ra ngoài mà không cần rặn, nhờ đó trẻ đi tiêu dễ dàng hơn.

Ví dụ parafin lỏng, docusate (Nogarlax). Parafin lỏng có thể để lại vết dầu trên quần lót, nhất là nếu dùng lâu với liều cao.

Nhóm thuốc nhuận tràng thẩm thấu

Thuốc có tác dụng giảm hấp thu nước ở thành ruột, tăng lượng nước trong lòng ruột, giúp phân mềm hơn và dễ tống ra ngoài.

Ví dụ: – Lactulose (Duphalac), sorbitol (Sorbitol, Microlax).

– Macrogol /Polyethylene glycol (Forlax), glycerin (Rectiofar bơm hậu môn).

Polyethylene glycol thường phát huy tác dụng sau 24 giờ nhưng đôi khi phải mất vài ngày.

Nhóm thuốc nhuận tràng kích thích

Nhóm này có tác dụng kích thích để cơ đại tràng co bóp, làm tăng nhu động ruột, khiến phân được đẩy ra ngoài nhanh hơn. Thuốc cần 8-12 giờ để phát huy tác dụng, có thể dùng đường uống hoặc đường hậu môn vì thuốc tác dụng trực tiếp lên thành ruột.

Ví dụ: Bisacodyl (Dulcolax). Nhóm này thường chỉ được chỉ định khi các nhóm ở trên không có hiệu quả.

* Lưu ý khi dùng thuốc chống táo bón

Cho trẻ uống thuốc vào cùng giờ mỗi ngày.

Thường có thể trộn thuốc với nước lọc, nước quả.

Cha mẹ nên tìm hiểu liều thuốc tối thiểu và tối đa để có thể điều chỉnh kịp thời nếu cần, trước khi đi khám lại.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!