Thiện Nhân – Chú lính chì lập chiến công giữa đời thường
Giữa tháng 10 năm 2015, bộ phim tài liệu về bé Thiện Nhân đã gây sốt tại các phòng vé, rạp chiếu phim. Cậu bé đã vượt qua mọi khắc nghiệt của số phận, bị chính mẹ đẻ vứt bỏ trong vườn hoang, bị thú hoang ăn mất bộ phận sinh dục, chân phải cũng bị ăn cụt lên tận háng.
Bé Thiện Nhân đã được gia đình nhà báo Trần Mai Anh hỗ trợ đưa sang Mỹ phẫu thuật rồi nhận nuôi và chăm sóc như chính con đẻ của mình. Trải qua nhiều đau đớn với các ca phẫu thuật phức tạp, đến nay Thiện Nhân vẫn sống, đi học bình thường, khoẻ mạnh như bạn bè đồng trang lứa. Và người đồng hành cùng Thiện Nhân, không ai khác chính là mẹ Mai Anh, người đã sinh con ra từ trái tim của mình.
Chú bé Thiện Nhân trong ngày khai trường (Ảnh: Zing)
Nguyễn Thị Hoài Thương – thương hoài nụ cười của 'chú chim cánh cụt'
Người dân trong huyện Củ Chi, TP.HCM không ai không biết đến tấm gương vượt khó của bé Nguyễn Thị Hoài Thương, học sinh lớp 2/3 trường tiểu học Liên Minh Công Nông. Dù chân tay bị cụt hoàn toàn ngay từ khi lọt lòng do ảnh hưởng của chất độc da cam, gia cảnh khó khăn khôn cùng nhưng em vẫn luôn lạc quan, tự giác vươn lên trong cuộc sống và học rất giỏi.
Mới hơn 7 tuổi và bị khuyết tật vận động nhưng Thương hoàn toàn chủ động tự mình làm các công việc liên quan đến cá nhân như ăn uống, vệ sinh, quét dọn nhà cửa và tập viết chữ, học bài. Biết hoàn cảnh gia đình, bố mẹ là công nhân chạy ăn từng bữa, để lo cho Thương được đi học là chuyện không dễ dàng vì vậy bé Hoài Thương luôn cố gắng phấn đấu, không dựa dẫm làm phiền mọi người, cố gắng học tập chăm chỉ để thực hiện ước mơ trở thành bác sĩ chữa bệnh cho mọi người.
Cô bé 'chim cánh cụt' Hoài Thương luôn cố gắng để tự sinh hoạt, vận động để không làm phiền người khác (Ảnh: Kênh 14)
Tinh thần 'sống như những đóa hoa'
Mỗi người sinh ra khác nhau, có những hoàn cảnh, số phận không giống nhau. Nhưng cuộc sống là do chính bản thân định đoạt. Người khuyết tật phải chịu thiệt thòi nhưng rất nhiều trong số đó đã không đầu hàng số phận. Những con người này lấy những khiếm khuyết của bản thân làm động lực vươn lên, lấy những điều tốt đẹp làm mục đích để chiến đấu với số phận nghiệt ngã. Họ vẫn đang sống, cống hiến và tỏa sáng giữa cuộc đời bằng tâm hồn, cách sống và nghị lực phi thường. Họ chính là những đóa hoa đầy hương sắc đang ngày ngày góp phần làm cuộc sống thêm tươi đẹp, như lời một ca khúc: 'Toả ngát hương thơm cho đời - Sống với nỗi khát khao rằng - Được hiến dâng cho cuộc đời - Hôm nay dẫu có gian nan - Thì ngày mai là ngày tươi sáng hơn - Tôi sẽ viết nên câu chuyện của cuộc đời riêng tôi'.
Người khuyết tật tỏa sáng với tinh thần của những đóa hoa
Nếu như đối với người khuyết tật trưởng thành, sự cố gắng là một thì với những đứa trẻ không may khiếm khuyết, sự nỗ lực đó còn cần nhiều hơn nữa. Chúng là những cây non yếu đuối đã phải chịu sự thiệt thòi của tạo hóa. Ở đây, sự hỗ trợ của các bậc cha mẹ và những người thân trong gia đình là cực kỳ quan trọng. Đó chính là nguồn động lực lớn lao để các bé có sức mạnh đứng lên, hòa nhập với xã hội và sống hạnh phúc.
Cha mẹ chính là người tạo động lực lớn nhất cho những đứa trẻ khuyết tật
Nuôi con khuyết tật, mẹ cần nhớ
Có rất nhiều dạng khuyết tật như chậm phát triển, khiếm thính, khiếm thị, khó khăn về vận động, khó khăn về ngôn ngữ, trẻ đa tật và trẻ có các dạng khuyết tật khác. Tuy nhiên, đa số tâm lý trẻ đều bất ổn về tinh thần, trẻ thường chậm nói, ít nói, không muốn tiếp xúc với mọi người, thiếu tự tin, có trẻ lại nghịch phá, không biết vâng lời, thích làm theo ý mình. Với mỗi dạng khuyết tật, gia đình lại phải có những lưu ý riêng khi chăm sóc trẻ. Nhưng về cơ bản cha mẹ có con khuyết tật cần nhớ:
- Xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, giúp trẻ hoà nhập cộng đồng bằng cách: Cho con học trong thời gian đầu tại các cơ sở giáo dục chuyên biệt, có giáo viên có trình độ sư phạm dạy trẻ đặc biệt.
- Luôn bình tĩnh, từ tốn trước sự tiếp thu của con, tránh mọi hình thức áp đặt, gây căng thẳng, ức chế tâm lý của trẻ.
- Thường xuyên trò chuyện, âu yếm, giúp con có tâm trạng thoải mái, vui vẻ. Trẻ cần biết rằng, cha mẹ yêu trẻ và muốn trẻ phải tự lập để giúp ích cho chính bản thân trẻ.
- Không nên lảng tránh về việc con khác với các bạn xung quanh, cần cho trẻ nhận thấy rõ sự thật và từ đó bản thân trẻ phải có ý thức phấn đấu, vươn lên.
- Thường xuyên tổ chức các buổi tham quan, các hoạt động xã hội, giao lưu giúp trẻ khuyết tật hoà nhập với cộng đồng và tạo tâm thế bình đẳng, tự tin cho con.
- Nên theo dõi và hướng dẫn trẻ các kỹ năng đối phó an toàn, vì trẻ khuyết tật là người yếu thế, trẻ có nguy cơ gặp tai nạn hoặc bị xâm hại.
Tâm lý trẻ khuyết tật thường không ổn định, người làm cha mẹ cần phải kiên nhẫn và có tình yêu thương lớn lao
- Bản thân cha mẹ có con khuyết tật cũng cần biết cách chăm sóc bản thân, vì bạn sẽ phải đối mặt với nhiều căng thẳng và áp lực khi nuôi dạy một đứa trẻ khuyết tật. Hãy biết rằng, bạn không hề đơn độc vì có rất nhiều tổ chức, hội nhóm dành cho các phụ huynh có con khuyết tật sẵn sàng hỗ trợ và chia sẻ cùng bạn mọi khó khăn. Sự lạc quan và niềm tin vào ngày mai tương lai của cha mẹ chính là một trong những phương thuốc tâm lý giúp trẻ khuyết tật vượt qua mặc cảm, tự ti và định kiến xã hội để trở thành người có ích của xã hội.
Ảnh minh họa: Internet
Thanh Lê
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!