Trẻ mắc bệnh Rotavirus, cha mẹ cần làm gì?

Kiến Thức Y Học - 11/24/2024

Bệnh tiêu chảy cấp do rotavirus là bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, tuy nhiên vì nhiều bố mẹ chưa có kinh nghiệm và chưa biết nhiều về cách chăm sóc trẻ khi trẻ mắc bệnh nên dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Vậy khi trẻ mắc bệnh rotavirus, bố mẹ nên làm gì? Hãy cùng tìm hiểu câu trả lời qua bài viết sau đây của Lily & WeCare.

Bệnh tiêu chảy cấp do rotavirus là bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, tuy nhiên vì nhiều bố mẹ chưa có kinh nghiệm và chưa biết nhiều về cách chăm sóc trẻ khi trẻ mắc bệnh nên dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Vậy khi trẻ mắc bệnh rotavirus, bố mẹ nên làm gì? Hãy cùng tìm hiểu câu trả lời qua bài viết sau đây của Lily & WeCare.

Những biểu hiện của bệnh Rotavirus?

Thường thì sau 1-4 ngày bị lây nhiễm virus, trẻ mới bắt đầu có các biểu hiện của bệnh. Biểu hiện đầu tiên của bệnh đó là trẻ sẽ nôn trước. Sau khoảng 1-2 ngày bị nôn thì trẻ sẽ bắt đầu đi ngoài, nhưng cũng có bé thì bị đi ngoài rồi mới nôn. Những trẻ bị tiêu chảy nếu không nôn sẽ khỏe hơn nhiều so với những trẻ vừa tiêu chảy vừa nôn. Hơn thế nữa, hiện tượng nôn trớ đến rất bất ngờ, có thể là lúc bé đang chơi, lúc đang ăn uống bình thường nhưng chỉ qua nửa ngày là đã có thể có hiện tượng này, trẻ cứ ăn cái gì vào là nôn ra cái đó.

Trẻ nhiễm bệnh rotavirus thường đi ngoài nhiều lần trong ngày, phân của trẻ có màu xanh hoặc màu trắng lẫn dịch nhầy, có khi lại như màu hoa cà hay hoa cải và phân thường nhiều nước.

Bên cạnh đó, trẻ còn có các triệu chứng như ho, sốt nên nhiều cha mẹ dễ nhầm với viêm đường hô hấp hay viêm mũi họng. Bệnh này ở trẻ thường kéo dài 3-7 ngày là khỏi.

Trẻ mắc bệnh Rotavirus, cha mẹ cần làm gì?

Trẻ mắc bệnh Rotavirus, cha mẹ cần làm gì?

Bù nước

Nguyên tắc đầu tiên khi điều trị cho trẻ nhiễm bệnh Rotavirus là bổ sung nước. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại dành cho các bé với hương vị rất dễ uống. Nhưng bố mẹ cần lưu ý là pha vào nước theo quy định, không pha loãng quá hay đặc quá vì nếu không đúng có thể sẽ càng gây rối loạn nước và điện giải, làm cho tình trạng tiêu chảy của bé trở nên nặng hơn, thậm chí trẻ có thể tử vong.

Bên cạnh đó cũng có nhiều gia đình bù nước và chất điện giải cho trẻ không hợp lý. Ví dụ như có gia đình chỉ cho trẻ uống nước lọc nên không hiệu quả, hoặc có bố mẹ lại cho trẻ uống cháo gạo quá mặn hay nước hoa quả pha đường.. Thậm chí, có phụ huynh còn cho con uống cả coca, soda và các loại nước có ga cấm dùng cho trẻ tiêu chảy..., khiến bệnh của trẻ trở nên càng nặng hơn.

Dinh dưỡng

Việc tiếp theo nên làm khi điều trị trẻ bị nhiễm bệnh Rotavirus đó là bổ sung chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ. Có nhiều bà mẹ quan niệm sai lầm rằng, khi trẻ bị tiêu chảy thì nên kiêng thịt, cá, các chất tanh, đường và sữa... Tuy nhiên điều này lại vô tình làm giảm sức chống đỡ bệnh tật của bé, làm cho tình trạng tiêu chảy càng kéo dài và làm trẻ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng rất cao.

Chính vì thế mà để đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ thì mẹ nên cho bú bình thường, cho bé ăn các thức ăn dễ tiêu hóa như cháo loãng, chuối tiêu, và uống sữa... ăn nhiều bữa nhỏ. Trong trường hợp nếu trẻ dùng sữa mà bị tiêu chảy nhiều thì nên dùng loại không có lactose.

Vì tình trạng trướng bụng nên không phải bé nào cũng ngoan ngoãn ăn. Tuy nhiên bố mẹ không cần quá lo lắng và tìm mọi cách ép bé ăn. Bình thường thì hiện tượng đầy hơi thường hết sau 1-2 ngày.

Đặc biệt, khi bé bị nhiễm Rotavirus bố mẹ tuyệt đối không nên cho trẻ ăn các loại lá và quả chát có nhiều chất tanin như lá nhọ nồi, lá ổi xanh, ổi xanh hay quả hồng xiêm xanh... Chất tanin có tác dụng làm săn màng ruột và thường có tác dụng ngay tức khắc, nên sẽ giúp cầm tiêu chảy ngay lập tức. Tuy nhiên, cách này lại có thể gây hại cho trẻ. Theo các bác sĩ thì nếu dùng cách này bệnh của trẻ chỉ đỡ giả tạo, còn các tác nhân gây bệnh khác như virus, vi khuẩn, nấm... thải hồi rất chậm do màng ruột bị săn nên làm cho bệnh càng thêm kéo dài, thậm chí còn trở nên nặng hơn.

Khi nào thì cần truyền dịch cho trẻ?

Nếu bé bị tiêu chảy và nôn trớ nhưng uống nước oresol, ăn được và chơi bình thường... thì cha mẹ không nhất thiết phải truyền dịch. Nhưng nếu bé đi ngoài, nôn nhiều, cơ thể mệt mỏi, không muốn ăn uống, bé không chơi mà chỉ nằm li bì, đồng thời có hiện tượng mất nước như mắt lõm, da nhăn nheo thì cha mẹ cần đưa con đến bệnh viện để được truyền dịch kịp thời.

Trẻ mắc bệnh Rotavirus, cha mẹ cần làm gì?

Bố mẹ tuyệt đối không dùng kháng sinh, thuốc cầm tiêu chảy

Khi bé bị bệnh nhiễm Rotavirus , cha mẹ lưu ý tuyệt đối không được cho con uống thuốc kháng sinh. Khi dùng thuốc kháng sinh, bệnh của trẻ không khỏi mà có nguy cơ bị rối loạn vi khuẩn đường tiêu hóa, khiến cho bệnh nặng hơn hoặc gây ra tình trạng tiêu chảy kéo dài, chưa kể còn có những tác dụng phụ do thuốc gây ra.

Ngoài ra, bố mẹ cũng không nên cho con uống thuốc cầm tiêu chảy vì chúng không có tác dụng tiêu diệu virus mà còn làm giảm nhu động ruột, làm liệt ruột nên dẫn đến phân không được thải ra ngoài. Từ đó, trẻ vẫn tiếp tục bị tiêu chảy, mà nghiêm trọng hơn khi phân không được bài xuất ra ngoài, ứ đọng lại trong ruột gây các hiện tượng như chướng bụng, thủng ruột hay tắc ruột, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Cách phòng bệnh Rotavirus cho trẻ

Cách tốt nhất để trẻ không bị nhiễm Rotavirus là đưa trẻ đi tiêm vắcxin. Bên cạnh đó, trẻ còn có thể nhiễm rotavirus qua đường tiêu hóa từ thức ăn, thức uống hay đồ vật nhiễm bẩn. Chính vì thế, giữ vệ sinh tay sạch sẽ là biện pháp cơ bản để phòng bệnh cho con.

Như vậy, có rất nhiều cách giúp điều trị bệnh Rotavirus cho trẻ. Lily & WeCare khuyên bố mẹ nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý cho con, cũng như nên có những biện pháp phòng bệnh hợp lý cho bé.

Xem thêm:

  • Vắc-xin Rotavirus liên quan đến rối loạn ruột
  • Bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em và cách điều trị

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!