Trẻ nghỉ học ở nhà, cẩn trọng tai nạn bỏng

Thời sự - 11/24/2024

Bỏng là tai nạn thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ ở độ tuổi 1-6. Ở lứa tuổi này, trẻ thường hiếu động, thích tò mò, nhưng chưa hiểu hết về sự nguy hiểm. Không chỉ gây đau đớn, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, tâm lý, tai nạn bỏng ở trẻ em có thể để lại di chứng nặng nề nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.

Trẻ nghỉ học ở nhà, cẩn trọng tai nạn bỏng

Một trường hợp trẻ bị bỏng nước sôi điều trị tại Viện Bỏng Quốc gia. Ảnh: P.T

Tai nạn bỏng ở trẻ em

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây bỏng cho trẻ, trong đó chủ yếu là do sự bất cẩn của người lớn trong quá trình trông nom, chăm sóc trẻ. Thời gian này học sinh nghỉ học ở nhà phòng chống bệnh COVID-19, nhiều gia đình không sắp xếp được người trông đành phải để trẻ nhỏ ở trong nhà mà không có người thường xuyên giám sát. Việc này dẫn đến nếu trẻ không có kĩ năng dễ đối mặt với nhiều nguy cơ. Thậm chí, dù có người trông nhưng với tính cách của trẻ thường hiếu động, hay táy máy thì chỉ một chút sơ sẩy không để ý đến cũng dễ khiến trẻ bị bỏng.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hằng năm, trên thế giới, tai nạn bỏng chiếm vị trí hàng đầu trong những loại tai nạn xảy ra tại nhà của trẻ em và là nguyên nhân đứng hàng thứ hai gây tử vong cho trẻ.

Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê của Viện Bỏng Quốc gia, trong 100 nạn nhân bị bỏng phải nhập viện, có khoảng 2/3 là trẻ em. Tác nhân gây bỏng ở trẻ chủ yếu là bỏng nước sôi, bỏng lửa, hóa chất, điện, sử dụng đồ dùng không đúng cách, thức ăn nóng, nến, pháo...

Đại tá, PGS.TS. BS Vũ Quang Vinh - Giám đốc Trung tâm phẫu thuật tạo hình (Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác) cho biết, tai nạn thương tích bỏng rất hay gặp ở trẻ nhỏ vì sơ sẩy, bất cẩn từ người lớn. Khi trẻ bị bỏng thường nguy hiểm hơn với người lớn cho dù bị bỏng với diện tích nhỏ. Bởi da trẻ còn mỏng, các thương tích từ bỏng dễ sâu hơn người lớn, có thể tổn thương tới tận cơ, xương, mạch máu... Chúng có thể gây rối loạn toàn thân, nguy hiểm tính mạng trẻ. Và diễn biến bỏng ở trẻ cũng thường phức tạp hơn.

Tùy theo cấp độ bỏng nặng hay nhẹ mà di chứng bỏng ở mỗi trẻ khác nhau. Nhưng nhìn chung việc điều trị bỏng là rất dài và dễ để lại di chứng nếu cộng thêm việc sơ cứu không đúng cách ban đầu. Nặng nhất, trẻ có thể gặp phải những sẹo co kéo, ảnh hưởng đến vận động, trẻ có thể cắt cụt chi, tháo khớp làm biến dạng cơ thể, gây tàn phế suốt đời. Ngay như việc tạo hình thẩm mĩ cho trẻ sau bỏng cũng cần một chi phí lớn và không phải ngày một ngày hai.

Chuyên gia cho rằng, trong nhà có rất nhiều tác nhân gây bỏng, thường gặp nhất là bỏng do nước sôi. Ngoài ra là bỏng lửa, dầu mỡ sôi, bỏng điện, hóa chất… Các vị trí bỏng trên cơ thể rất đa dạng, có trẻ bị ở mặt, chân, lưng, cẳng tay chân, thậm chí toàn bộ cơ thể. Bởi vậy, việc phòng cho trẻ bị bỏng là điều rất quan trọng, nhất là thời điểm hiện nay trẻ phải nghỉ học ở nhà phòng chống dịch. Cha mẹ càng cần có ý thức với con cái, thường xuyên để mắt đến trẻ, để đồ đạc trong nhà gọn gàng, sử dụng các thiết bị bảo vệ an toàn giúp trẻ phòng vệ an toàn.

Bỏng nặng nề hơn vì sơ cứu sai cách

Theo các bác sĩ, việc sơ cứu ban đầu ở nhà khi trẻ bị bỏng là điều rất quan trọng để vết thương không ăn sâu vào trong, tránh bội nhiễm. Tuy nhiên, hiện nhiều gia đình chưa có kiến thức hoặc hiểu sau sơ cứu ban đầu khiến trẻ bị bỏng trở nên trầm trọng hơn. Tại Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác từng tiếp nhận rất nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng vết bỏng do sơ cứu, tự ý điều trị bằng những phương thuốc không rõ nguồn gốc.

Có những bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hoại tử sâu vùng bỏng. Việc điều trị cho những ca bệnh này hết sức phức tạp với nhiều lần phẫu thuật cắt lọc hoại tử, cấy ghép da. Thời gian điều trị kéo dài đồng nghĩa với chi phí vô cùng tốn kém mà không cẩn thận, di chứng để lại rất nhiều.

Theo PGS.TS.BS Hồ Thị Xuân Hương, nguyên Trưởng Khoa Bỏng trẻ em (Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác) cho rằng, những sai lầm trong việc sơ cứu cho trẻ dễ dẫn tới việc làm tình trạng trẻ nguy kịch, thậm chí 'lấy mạng' trẻ. Cách sơ cứu nhanh, hiệu quả nhất là khi thấy trẻ bỏng nước sôi, thức ăn… trước tiên cần đưa trẻ tránh tác nhân gây bỏng, lập tức nhúng vùng bị bỏng vào nước mát, ngâm trong vòng 15-20 phút rồi băng nhẹ vết bỏng bằng gạc đã vô trùng. Không dùng nước quá lạnh hoặc đá chườm vào vết bỏng. Điều này giúp giảm độ sâu bỏng, giảm đau, giảm phù nề.

Dù đơn giản vậy nhưng vì vội vàng nhiều người thường hay bỏ qua. Ngoài ra, không nên nghe theo những lời mách bảo bôi kem đánh răng, trứng gà rồi đắp lá để chữa bỏng làm cho tình trạng vết thương nặng nề hơn, nhiễm trùng, hoại tử vì bội nhiễm. Tốt nhất ngay khi sơ cứu bằng nước mát, nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Với những trẻ bị bỏng điện, có trường hợp ngừng thở nên ngay lập tức sơ cứu trẻ tại chỗ. Đặt trẻ nằm xuống nền đất cứng, hô hấp nhân tạo cho đến khi trẻ thở lại được mới vận chuyển đến cơ sở y tế, tránh đưa đi cấp cứu ngay.

Các chuyên gia nhấn mạnh rằng, để phòng tránh trẻ gặp những tai nạn bỏng không đáng có trong những ngày trẻ nghỉ ở nhà, người lớn cần phải để mắt đến trẻ nhiều hơn. Nhất là trẻ nhỏ đang trong độ tuổi tò mò hiếu động, tuyệt đối không được chủ quan vì chỉ lơ là chút là tai nạn bỏng có thể bị bất cứ lúc nào.

Trước khi cha mẹ quyết định cho con ở nhà một mình phải biết được con có đủ tự tin, trách nhiệm khi ở nhà một mình hay không?. Đối với những trẻ hiếu động, khả năng tuân thủ quy định kém, tốt nhất là không nên để trẻ ở nhà một mình.

Ngoài ra, các bậc cha mẹ cũng cần phải bố trí bếp nấu ăn hợp lý, đặt bếp nấu ở chỗ cao ngoài tầm tay với đến của trẻ. Không để dụng cụ đựng nước nóng, đồ vật nóng trong tầm tay với của trẻ hoặc trên đường đi lại của trẻ. Tránh cho trẻ tiếp xúc với các vật dụng dễ cháy nổ như xăng, ga, cồn...sử dụng các dụng cụ đựng nước nóng an toàn hoặc để xa tầm tay với của trẻ.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!