Số lượng trẻ nhập viện do tay chân miệng tăng gấp 10 lần
Theo thông tin của Khoa Bệnh Nhiệt đới – Trung tâm Sản Nhi (Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ), chỉ tính riêng tháng 6/2020, số lượng trẻ nhập viện điều trị do mắc tay chân miệng tăng cao gấp 10 lần so với tháng 5 và cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó có nhiều trường hợp đã xuất hiện những biến chứng nguy hiểm.
Thấy con trai đột nhiên bỏ ăn, quấy khóc, sốt, phát ban nhiều vị trí trên cơ thể và hay giật mình khi ngủ, chị Lê Thị Đ. (trú tại phường Gia Cẩm – TP. Việt Trì – Phú Thọ) vội vàng đưa con đến viện. Khi thăm khám toàn thân và làm các xét nghiệm, trẻ được xác định mắc tay chân miệng độ 2.
BSCKI. Bùi Thị Đến – Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới – Trung tâm Sản Nhi cho biết, tay chân miệng là bệnh diễn biến cấp tính và có thể xảy ra biến chứng rất nhanh, thậm chí chỉ trong nửa ngày đã có thể chuyển độ. Với sự chuyển độ nhanh như vậy đồng nghĩa với việc em bé sẽ xuất hiện những biến chứng rất nhanh. Biến chứng nặng nhất trong bệnh tay chân miệng là viêm cơ tim, viêm phổi, suy hô hấp và viêm não.
Theo BSCKI. Bùi Thị Đến ngoài những nốt phát ban, trẻ có thể có các triệu chứng khác như: bỏ ăn, ăn kém, chảy dãi nhiều, sốt cao, quấy khóc, li bì. Một số trẻ xuất hiện biến chứng về thần kinh thường giật mình khi ngủ hoặc co giật, thậm chí hôn mê; một số trường hợp lại xuất hiện biến chứng liên quan đến phổi như suy hô hấp, tím tái, tím môi, tím ngọn chi… Khi có các dấu hiệu của bệnh, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám và tư vấn cụ thể cách chăm sóc trẻ, tránh biến chứng nặng.
Nguyên tắc chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại nhà hiệu quả
Theo BSCKI. Bùi Thị Đến với những trẻ bị tay chân miệng thể nhẹ, sau khi đi khám, có thể chăm sóc và theo dõi tại nhà như sau:
Về dinh dưỡng: Trẻ bị bệnh rất mệt mỏi và các vết loét ở miệng làm trẻ rất đau, khó ăn uống nên cho trẻ ăn thành nhiều bữa, uống nhiều nước mát. Thức ăn cần chế biến mềm, lỏng, dễ tiêu hóa và đủ dinh dưỡng. Không cho trẻ ngậm vú nhựa, ăn thức ăn thô cứng, đặc biệt là các loại thức ăn, đồ uống có vị chua, cay vì sẽ là trẻ đau miệng và họng hơn.
Dùng thuốc: Chỉ cho trẻ dùng thuốc paracetamol để hạ sốt và thuốc khác theo đơn bác sĩ kê. Cần cho trẻ uống nhiều nước hơn khi trẻ bị sốt. Tại các vị trí bị thương tổn ngoài da, bôi các dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm.
Thực hiện vệ sinh, cách ly:
- Cách ly trẻ bị bệnh với các trẻ khác trong nhà. Người lớn khi tiếp xúc, chăm sóc trẻ bệnh nên mang khẩu trang y tế cho mình và trẻ bệnh. Sau khi tiếp xúc nên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và nước sạch ngay để hạn chế sự lây lan khi tiếp xúc hoặc chăm sóc trẻ lành.
- Tắm rửa, vệ sinh nhẹ nhàng thân thể cho trẻ hằng ngày bằng nước sạch để tránh nhiễm khuẩn và cho trẻ súc miệng bằng nước muối loãng nếu trẻ làm được.
- Vật dụng ăn uống của trẻ như bình sữa, cốc uống nước, bát ăn cơm, muỗng ăn... nên được luộc sôi và sử dụng riêng biệt cho từng trẻ.
Ngoài việc chăm sóc tốt cho trẻ khi bị bệnh, cha mẹ cần theo dõi sát tình trạng bệnh của trẻ để phát hiện kịp thời khi có các dấu hiệu bất thường. Khi trẻ có một trong các dấu hiệu sau: sốt cao 39 độ C trở lên hoặc sốt cao kéo dài; quấy khóc, bứt rứt, nôn nhiều; ngủ lịm, dễ giật mình, hoảng hốt, run tay chân, chới với, đi loạng choạng, mạch nhanh, thở khó/ thở nhanh, da nổi vằn... phải đưa trẻ nhập viện ngay.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!