Giai đoạn này, bé đã hiểu và bắt đầu thể hiện cảm xúc của mình. Nếu được tham gia những trò chơi phù hợp, bé sẽ thông minh và nhanh nhạy hơn.
Các nghiên cứu khoa học cho thấy, lúc 6 tháng tuổi, não bộ của trẻ phát triển rất nhanh. Khi 12 tháng, não bé đã phát triển gấp ba lần so với khi mới sinh ra, hệ thống thần kinh chằng chịt, dày hơn với nhiều liên kết. Lúc đó, trò chơi có thể kích thích sự truyền tín hiệu giữa các nơron thần kinh hiệu quả và giúp tăng chỉ số thông minh (IQ) cho bé.
Tham gia vào các trò chơi là một trong những cách hiệu quả giúp trí não bé vận động. Cha mẹ cần lựa chọn những trò chơi phù hợp với độ tuổi và sở thích của bé. Quan trọng hơn cả là cha mẹ nên vui chơi cùng bé, để chia sẻ niềm vui, tận hưởng niềm hạnh phúc với bé và giúp bé học hỏi, rèn luyện những kỹ năng quan trọng trong khi chơi. Dưới đây là gợi ý một số trò chơi mà cha mẹ có thể tham khảo:
- Bé 6-7 tháng: 6 tháng sau khi chào đời, não của bé đã phát triển tương đương 50% kích thước não bộ của người lớn. Ngoài sữa mẹ, bé có thể ăn dặm để bổ sung dưỡng chất. Bé cũng thể hiện cảm xúc vui mừng khi nhìn thấy mẹ hay khóc mếu khi gặp người lạ… Hầu hết các bé ở tuổi này đều thích chơi ‘ú òa’ với ông bà, bố mẹ. Đây là trò chơi mang lại cho bé rất nhiều niềm vui.
Bé bắt đầu học cầm, nắm đồ vật nên cha mẹ có thể đặt đồ chơi trên sàn để bé nhặt, cầm lên. Sau đó, bạn thay đổi bằng cách đặt ở một khoảng cách xa bé để bé bò đến lấy. Đây là trò chơi giúp bé rèn luyện sự khéo léo của đôi tay và tăng cường vận động thể chất. Để kích thích trí tò mò của bé, khuyến khích bé khám phá, bố mẹ có thể giấu đồ chơi mà bé yêu thích ở sau lưng, dưới gối, những chỗ ‘ẩn náu’ quen thuộc với bé rồi cùng giúp bé đi tìm đồ chơi.
- Bé 8-9 tháng: Đây là thời điểm thích hợp giúp bé làm quen với ngôn ngữ. Theo đó, bố mẹ cần thường xuyên trò chuyện với bé theo nguyên tắc ‘ba phải’: phải ngắn gọn, phải dễ hiểu, phải đơn giản. Trước hết, cha mẹ hãy giới thiệu cho bé những người thân trong gia đình, những vật dụng quen thuộc, đồ chơi, hiện tượng thiên nhiên gần gũi với bé… Bố mẹ nên sử dụng từ ngắn gồm 1-2 âm tiết, lặp lại nhiều lần, cần phối hợp chỉ tay vào đối tượng được nhắc đến để giúp bé nhận biết và hình dung khái niệm.
- 10 tháng: Lúc này, kỹ năng điều khiển của đôi tay bé đã thành thục hơn rất nhiều. Để giúp bé tăng năng lực cảm nhận với các đồ vật và thế giới xung quanh, bố mẹ hãy dạy bé bóc kẹo, vặn nắp chai nước, chơi trò lắp ghép, bỏ hộp nhỏ vào hộp to, xếp chồng các khối hình… Bé cũng sẽ rất thích thú nếu được khám phá các chất liệu khác nhau, được giơ tay ra hứng nước mưa hay được học cách sử dụng thìa hoặc tự cầm cốc uống nước.
- 11 tháng: Đôi bàn tay của bé đã hoạt động khá tự nhiên, bé có thể thực hiện liên tục các động tác phức tạp và xử lý tinh tế các thao tác đòi hỏi sự khéo léo. Vận động của đôi bàn tay rất tốt cho sự phát triển trí não trẻ nên bố mẹ có thể giúp bé điều khiển bàn tay bằng cách dạy bé tập lật các trang sách truyện, chơi xếp hình, xếp các khối gỗ, ôm và ném bóng, chỉ tay vào các đồ vật mà bố mẹ đọc tên… Bố mẹ có thể giúp bé học cách điều khiển hoạt động độc lập của từng ngón tay bằng cách dạy bé cho tay vào các lỗ nhỏ, có thể mua đất sét màu để bé chọc từng ngón tay vào đó.
- 12 tháng: Lúc này, cha mẹ hãy tiếp tục cho bé chơi những trò chơi giáo dục, nhận biết và gọi tên đồ vật. Nếu con đã cầm được bút thì mẹ có thể cho bé tập vẽ. Vì lực đè bút lên giấy của bé vẫn còn yếu, mẹ nên cho bé cầm bút to, dễ ra mực như bút dạ viết bảng.
Mỗi giai đoạn đầu đời đều đánh dấu những mốc phát triển của trẻ. Biểu hiện nhiều cảm xúc và cử chỉ đáng yêu là cách bé khám phá và thể hiện mình. Điều đó phụ thuộc không ít vào tình yêu mà mẹ dành cho bé, cách chăm sóc và nuôi dưỡng bé bằng dinh dưỡng khoa học hợp lý, theo đúng hàm lượng khuyến cáo.
Ảnh minh họa: Internet
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!