Trực tiếp: BS Hoàng Thúy Hải tư vấn về bệnh lây qua đường tình dục

Giới tính - 11/24/2024

Chương trình tư vấn 'Nâng cao nhận thức bệnh lây nhiễm qua đường tình dục' do Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em và Cổng thông tin y tế sức khỏe SongKhoe.vn thực hiện.

Theo giới y khoa, hiện nay có khoảng 20 loại bệnh lây qua đường tình dục, trong đó có những bệnh tàn phá cơ thể một cách khủng khiếp. Tại Việt Nam, khoảng 800.000 - 1.000.000 người mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục (LTQĐTD) mỗi năm. Theo số liệu giám sát trọng điểm, tỷ lệ nhiễm HIV ở phụ nữ mang thai là 0,4%, với số trẻ sinh ra hàng năm là 1,5 triệu đến 2 triệu thì mỗi năm có khoảng 6.000 trẻ sinh ra có phơi nhiễm với HIV. Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con nếu không có bất kỳ sự can thiệp nào để dự phòng là khoảng 36% (25% - 40%).

Vậy làm thế nào để đẩy lùi căn bệnh? Cách chữa trị và phòng chống bệnh ra sao? Cần làm gì để người bệnh hòa nhập với cuộc sống? Tất cả sẽ được giải đáp trong chương trình 'Nâng cao nhận thức bệnh lây nhiễm qua đường tình dục'.

Khách mời tham gia chương trình: BS Hoàng Thúy Hải; BS Nguyễn Thế Lương – PGĐ Bệnh viện Thận Hà Nội.

Video tư vấn về bệnh lây qua đường tình dục (P1)

Trước tiên xin hỏi BS NguyễnThế Lương, ông có thể cho biết thực trạng về bệnh lây truyền qua đường tình dục ở Việt Nam như thế nào ạ? Xin hỏi Đâu là nguyên nhân chính thưa BS?

BS NguyễnThế Lương: Từ trước đến nay, quan điểm cổ điển về bệnh lý truyền qua đường tình dục là bệnh da liễu. Nhưng đến năm 1987, WHO chỉ ra là 17 bệnh, đến nay thì có hơn 20 bệnh. Các bệnh này chia ra thành 5 nhóm: do vi khuẩn, vi rút, nấm, ký sinh trùng, vi sinh vật. Có nhiều bạn mắc bệnh nhưng không đi khám mà tự điều trị, nên con số mắc sẽ cao hơn. Nguyên nhân gây bệnh thì theo tôi có lẽ do 2 nguyên nhân: 1 là hành vi tình dục có thay đổi, cởi mở nhiều hơn, thứ 2 là hiểu biết về bệnh chưa thấu đáo nên không biết bảo vệ mình. Từ đó gây nên số mắc bệnh cao.

Anh Đào (Hà Tĩnh): Em năm nay 25 tuổi, mới lấy chồng được 6 tháng và cũng từng đó thời gian mới bắt đầu chuyện quan hệ vợ chồng. Trước khi lấy chồng, em đã tiêm HPV được hơn 1 năm. Gần đây thấy khó chịu ở vùng kín, em đi khám thì được bác sĩ chẩn đoán bị sùi mào gà do vi-rút papiloma gây ra. Em đang rất lo lắng, không biết có ảnh hưởng gì đến sau này không. Em muốn nhờ bác sĩ tư vấn tại sao em mới lấy chồng được 6 tháng và chỉ quan hệ với chồng mà lại bị bệnh này. Có cách nào để chữa dứt điểm bệnh sùi mào gà không thưa chuyên gia? Em xin cảm ơn chương trình.

BS Hoàng Thúy Hải: Đường lây của sùi mào gà do tiếp xúc trực tiếp với cơ quan sinh dục thì sẽ bị lây. Thực ra bạn không nói rõ là chồng bạn là người như thế nào, tiền sử quan hệ tình dục đều có thể khiến bạn mắc bệnh. Tốt nhất bạn nên đi khám chuyên khoa Da Liễu, dựa theo mức độ bệnh, tính chất bệnh thì sẽ có cách điều trị phù hợp. Bạn nên nói với chồng để đi khám và điều trị cùng.

BS NguyễnThế Lương: Tôi rất đồng ý với chị Hải là tiền sử quan hệ tình dục của chồng bạn là bạn không kiểm soát được. Các bạn phải đi khám cả hai, để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản.

Trực tiếp: BS Hoàng Thúy Hải tư vấn về bệnh lây qua đường tình dục

0169.5809 giấu 3 số cuối: Xin chào chương trình, tôi là nam giới, năm nay tôi 31 tuổi, hôm vừa rồi tôi có trót quan hệ với cô gái bị nhiễm HIV. Tôi rất hoang mang không biết tôi có bị HIV không. Xin hỏi tôi nên đi khám ở chuyên khoa nào? Và mất bao nhiêu thời gian để phát hiện mình có bị nhiễm HIV hay không? Xin cảm ơn!

BS Nguyễn Thế Lương: Với trường hợp của bạn thì phải xác định thời gian bạn quan hệ tình dục, nếu dưới 72h thì nên uống thuốc chống phơi nhiễm. Nếu quá 72h thì bạn chỉ còn cách chờ đợi sau 3 tháng để làm xét nghiệm. Trường hợp của bạn có rất nhiều cơ sở để xét nghiệm HIV như bệnh viện, phòng khám,... Để xác định có bị HIV không là 1 quy trình rất chặt chẽ, bạn có thể khoa truyễn nhiễm của bệnh viện, ủy ban phòng chống HIV của các tỉnh,..

BS Hoàng Thúy Hải: Những trường hợp này rất nhiều, trước khi làm các bạn không nên sợ hãi, đắn đo. Có lẽ sẽ khó điều trị phơi nhiễm. Nếu bạn ở thành phố lớn. Bạn nên đến cơ sở có xét nghiệm Combo trong vòng 10 ngày – 1 tháng để sẽ có kết quả nhanh hơn. Ngoài ra tỉ lệ lây còn phụ thuộc vào nồng độ vi-rút trong máu mỗi người. Bạn nên bình tĩnh và chờ đợi, cuối cùng, bạn không nên chán nản, ám ảnh, buông thả, có hành vi làm lây bệnh cho người khác.

Hoàng Thị Loan ở Quảng Ninh: Xin chào chuyên gia, tôi năm nay 29 tuổi, đã lập gia đình được 2 năm. 5 tháng trước, tôi rất vui mừng khi biết mình có bầu. Tuy nhiên, thấy vùng kín khác lạ, ngứa ngáy nhiều và có mùi, tôi đi khám thì được bác sĩ kết luận bị viêm nhiễm phụ khoa nặng, đến mức không thể giữ lại đứa bé trong bụng. Khi biết nguyên nhân là do chồng tôi ngày xưa từng có quan hệ với nhiều người, tôi thấy hận chồng và càng đau khổ hơn do sau khi mất thai, bác sĩ bảo tôi vĩnh viễn không còn cơ hội làm mẹ. Từ đó, mặc dù vẫn sống chung nhưng tôi coi chồng như người xa lạ, tình cảm không còn được như trước nữa. Xin chuyên gia tư vấn cho tôi, liệu bệnh của tôi có cách nào chữa được không và làm cách nào để có con được vì tôi rất khát khao được làm mẹ?

BS Hoàng Thúy Hải: Nghe chuyện của bạn tôi rất xót xa cho bạn. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng bạn nên bình tĩnh để tự cảm nhận được tình yêu của mình dành cho chồng ở mức độ nào. Cái thứ 2 là tìm hiểu mình bị bệnh gì, phác đồ điều trị như thế nào. Đầu tiên mình phải điều trị dứt điểm, thứ 2 là hạnh phúc gia đình. Bạn cần nhìn nhận nghiêm túc tình cảm của 2 vợ chồng. Bạn đang bị tổn thương nhưng nên ngồi lại với chồng xem bạn có vượt qua được không, nếu không nó sẽ khiến bạn bế tắc, đau khổ, còn không thì nên chia tay, giải thoát cho nhau. Ngoài ra, bác sĩ nói bạn khó có con, vậy thì bạn nên đi khám trước khi nhìn nhận hạnh phúc, thứ 3 thì bạn vẫn còn có cơ hội làm mẹ vì với sự phát triển khoa học kỹ thuật thì nó sẽ hỗ trợ được cho bạn.

BS Nguyễn Thế Lương: Tôi rất đồng ý với lộ trình của chị Hải, hiện nay có nhiều phương án hỗ trợ sinh sản. Nếu bạn không thể mang thai thì pháp luật cho phép mang thai hộ. Chúng tôi chúc bạn sẽ được làm mẹ trong tương lai.

Video tư vấn về bệnh lây qua đường tình dục (P2)

Nam (Hải Hậu, Nam Định): Chào chuyên gia, tôi năm nay 35 tuổi. Do một lần say rượu không làm chủ được bản thân mà tôi có quan hệ với gái bán dâm. Sau khi biết cô ấy đang mắc bệnh giang mai giai đoạn 2, tôi đã vô cùng lo lắng. Về nhà tôi vẫn 'gần gũi' với vợ bình thường. Hiện, tôi chưa thấy mình và vợ có biểu hiện gì đặc biệt nhưng vì ngại và xấu hổ nên tôi chưa dám đi khám. Bác sĩ cho tôi hỏi nếu bị lây bệnh giang mai thì biểu hiện bệnh như thế nào và cách chữa dứt điểm căn bệnh này?

BS Nguyễn Thế Lương: Thực ra quan điểm về bệnh giang mai có nhiều thay đổi, ngày xưa chia thành 3 giai đoạn, giờ thì chỉ còn 2 thôi. Thực sự tôi có cảm giác khó chia sẻ với bạn, vì bạn biết là quan hệ với người có giang mai mà vẫn quan hệ với vợ. Giang mai có 2 triệu chứng đơn giản: 1 vết sang trợt trên bộ phận sinh dục, không đau, thứ 2 là xuất hiện hạch. Theo tôi bạn nên đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị, vì giang mai có thể thành mãn tính, lây cho thế hệ sau. Thời gian ủ bệnh tùy thuộc vào đối tượng, nhưng bạn nên đi khám càng sớm càng tốt. Hậu quả của giang mai ảnh hưởng đến tất cả cơ quan: thần kinh, mắt,...

BS Hoàng Thúy Hải: Trong thời gian ủ bệnh thì không có triệu chứng lâm sàng, đợi có triệu chứng thì đã sang giai đoạn khác rồi. Khi bị nhiễm bệnh, có thể nó không phải bệnh lý ở cơ quan sinh dục nên nhiều người chủ quan. Nếu bạn chờ đợi khi có biểu hiện mới đi khám thì quá muộn, điều trị khó khăn. Bạn nên thàh thật với vợ và cả 2 vợ chồng phải đi khám dù chưa có biểu hiện. Ít nhất bạn nên đi xét nghiệm máu, lấy dịch sinh dục để soi, cấy, tìm trực khuẩn và tìm kiếm thức để bảo vệ mình.

Ánh Nhi (Cầu Thia, Nghĩa Lộ, Yên Bái): Chào chuyên gia và chương trình, cháu năm nay 23 tuổi, đã có bạn trai hơn 2 năm, dự tính cuối năm nay chúng cháu sẽ kết hôn, vì xác định như vậy nên bọn cháu đã đi quá giới hạn rồi. Tuy nhiên có 1 điểm cháu thấy khó hòa hợp là gần đây, anh ấy đòi hỏi quan hệ bằng biện pháp oral sex và nói là quan hệ bằng cách này ít có nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Liệu có đúng không thưa Bác sĩ? Cháu chân thành cảm ơn!

BS Hoàng Thúy Hải: Câu hỏi này chúng tôi gặp rất là nhiều, thực ra nếu nói về mặt sức khỏe tình dục thì đường nào cũng có nguy cơ, nếu 2 người có bệnh lây qua dịch tiết, vết thương thì đều có nguy cơ. Quan hệ truyền thống, quan hệ đồng giới, kể cả sử dụng dụng cụ đều có nguy cơ. Nếu quan hệ bằng oral sex mà 2 người khỏe mạnh thì không vấn đề gì, nhưng nếu quan hệ với người có bệnh ở khoang miệng thì dịch tiết ở tổn thương đó có thể là con đương lây bệnh

BS Nguyễn Thế Lương: Tôi nghĩ không có đường quan hệ tình dục nào là xấu, khi bạn bước ra khỏi bó buộc về giáo lý thì oral sex mang lại nhiều khoái cảm. Nhưng theo chị Hải thì bất cứ đường quan hệ nào cũng có nguy cơ. Nêu bạn bị tổn thương và đối tác có nguồn bệnh thì đều dễ bị bệnh. Bạn phải chấp nhận nguy cơ trong khi thụ hưởng cảm xúc mới.

Video tư vấn về bệnh lây qua đường tình dục (P3)

Hoài Nam (18 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội): Thưa bác sĩ, cháu là Hoài Nam, năm nay 18 tuổi, cháu chưa có bạn gái nhưng do tò mò xem phim đen trên mạng nên hay thủ dâm bằng công cụ sextoy. Tần suất thủ dâm của cháu khoảng 3-4 lần/tuần. Tuy nhiên, cũng gần đây cháu thấy ‘cậu bé’ của mình bất thường như là đau, khi đi tiểu thì đau rát, thi thoảng có dịch vàng tiết ra. Cháu lo quá không biết có bị làm sao không, mong bác sĩ tư vấn giúp cháu với.

BS Nguyễn Thế Lương: Ngày càng nhiều bạn trẻ có hành vi thủ dâm. Nhưng rất may là các bạn chia sẻ khá thoải mái. Với tần suất của bạn không phải là quá nhiều. Đồ chơi tình dục có búp bê tình dục để các bạn thực hành chưa được công khai nhưng các bạn vẫn có thể có. Hiện tại, có lẽ bạn đang bị nhiễm khuẩn ở cơ quan sinh dục. Cách bạn sử dung, vệ sinh đồ chơi tình dục rất quan trọng. Bạn nên đi khám để điều trị để tìm nguyên nhân.

BS Hoàng Thúy Hải: Thực ra thủ dâm không phải là xấu. Tuy nhiên nó phải có sự điều tiết để phù hợp với sức khỏe. Mỗi một lần thủ dâm, các cơ quan đều mất năng lượng, gần giống như quan hệ tình dục thực sự. Thủ dâm xong bạn rất mệt và cần thời gian hồi phục. Nếu bị nghiện thì không có lợi cho sức khỏe. Bạn còn rất trẻ và đã thủ dâm 2 – 3 lần/tuần. Quan trọng nhất là bạn tự cảm thấy mình có vấn đề, nhưng dừng lại ngay không dễ. Khi cảm thấy có nhu cầu, bạn nên thay đổi hành động, không ở một mình. Cơ quan sinh dục của bạn có vấn đề, khi sử dụng đồ chơi thì chỉ có 1 phía, không biết chất liệu ra làm sao thì đều dễ gây bệnh. Ở đây, nó cũng là bệnh lây do điều kiện vệ sinh, hành vi không thuận lợi, bạn nên đi khám xem mình nhiễm vi khuẩn gì để chữa bệnh.

Mai Thủy (34 tuổi, Kinh Môn, Hải Dương): Bác sĩ cho em hỏi em năm nay 34 tuổi, mới sinh 1 cháu, gần đây hay thấy ngứa ngáy, mẩn đỏ ở âm đạo, thi thoảng có ra khí hư, vì không chịu được nên em cũng có dùng tay gãi. Sau mỗi lần quan hệ với chồng, em vệ sinh rất sạch sẽ nhưng vẫn bị ngứa. Em đã đi khám và xét nghiệm, được chẩn đoán là nhiễm nấm Chlamydia và được kê thuốc Nystafar đặt âm đạo nhưng tình hình vẫn không cải thiện. Xin bác sĩ cho lời khuyên để em chấm dứt tình trạng ngứa ngáy này và không còn ngại chuyện yêu chồng.

BS Hoàng Thúy Hải: Để điều trị bệnh này thực ra không khó, nhưng bạn nên nhớ: 1. Điều trị cả 2 vợ chồng, tốt nhất không quan hệ tình dục, nếu có phải sử dụng bao cao su. Thứ 2 là phải do bác sĩ chuyên khoa điều trị, khi đến bạn sẽ được bơm dung dịch vào cổ tử cung để đặt thuốc. Nếu bạn tự điều trị thì đưa rất nông, nên hiệu quả sẽ không cao. Thứ 3, bạn phải điều trị bằng thuốc uống, thuốc đặt và thuốc bôi. Có lẽ bạn sẽ phải điều trị khoảng 7 – 10 ngày. Thứ 4, bạn phải biết giữ vệ sinh cơ quan sinh dục. Bạn nên chăm sóc con cẩn thận, bào tử nấm có thể lây sang con qua ngón tay của bạn. Nếu biết cách thì tôi nghĩ nó sẽ ổn thôi.

Trực tiếp: BS Hoàng Thúy Hải tư vấn về bệnh lây qua đường tình dục

BS Hoàng Thúy Hải

Đức Thuận (28 tuổi, TP HCM): Bạn gái em bị viêm gan B. Mỗi lần quan hệ tình dục, em vẫn dùng biện pháp an toàn, tuy nhiên, có 1 lần không kiềm chế được, khi quan hệ bằng miệng, em đã nuốt chất dịch của cô ấy. Hiện em đang rất hoang mang vì không biết như vậy liệu có bị lây viêm gan B không và sau bao lâu thì xét nghiệm ra kết quả chính xác. Mong chuyên gia tư vấn cho em cách phòng tránh và biện pháp chữa trị nếu mắc phải viêm gan B. Hiện nay, nếu muốn đi tiêm phòng bệnh này thì tiêm ở đâu và lịch tiêm như thế nào?

BS Nguyễn Thế Lương: Chúng tôi không biết thời điểm bạn quan hệ tình dục là bao lâu nhưng theo tôi bạn nên xét nghiệm càng sớm càng tốt. Một trong những cách tốt nhất phòng chống viêm gan B là tiêm chủng. Với từng trường hợp cụ thể, bạn nên đi khám bác sĩ để được tư vấn rỗ hơn.

BS Hoàng Thúy Hải: Thứ nhất, theo tôi hiểu, bạn không được tiếp xúc với dịch sinh dục với bạn gái, thứ 2 là muốn đi làm xét nghiệm thì bạn có thể đến bất cứ cơ sở y tế nào để xét nghiệm. Nếu có điều kiện thì nên là các xét nghiệm sâu hơn để bác sĩ quyết định xem có điều trị hay không. Thứ 3 nữa là dự phòng, chỉ có biện pháp duy nhất là tiêm vắcxin, nếu bạn dương tính thì không cần tiêm, còn nếu âm tính thì nên đi tiêm. Bạn có thể đến BV Xanh Pôn, Thanh Nhàn. Với bạn gái, nếu sau này có thai thì nên sinh ở cơ sở y tế lớn để tiêm huyết thanh kháng viêm gan B, sau đó sẽ tiêm chủng theo lịch.

Trực tiếp: BS Hoàng Thúy Hải tư vấn về bệnh lây qua đường tình dục

BS Nguyễn Thế Lương– PGĐ Bệnh viện Thận Hà Nội

Phương Thanh (33 tuổi, Long Biên, Hà Nội): Thưa chuyên gia, sau 2 năm gắn bó, tôi và bạn gái cùng giới vừa quyết định dọn về sống chung dưới 1 mái nhà. Có 1 điều mà tôi đang băn khoăn là chúng tôi cùng giới, có nhu cầu quan hệ tình dục với nhau thì liệu có bị bệnh lây truyền gì không, nếu có thì đó là những bệnh gì và làm sao để phòng ngừa hiệu quả đây, thưa chuyên gia?

BS Hoàng Thúy Hải: Với các bạn nữ, việc quan hệ tình dục cũng trải qua các giai đoạn khác với cặp bình thường 1 chút. Ví dụ họ sẽ sử dụng oral sex nhiều hơn, hay sex toy, dùng tay để mang lại khoái cảm. Như đã nói, bất kỳ đường nào đều có nguy cơ, vì vậy, theo tôi, thì cái quan trọng nhất là có kiến thức về tình dục, thứ 2 là thực hiện hành vi khi có sức khỏe tốt, thứ 3 là chung thủy. Chúng tôi e ngại người đồng giới quan hệ với nhiều người thì nguy cơ sẽ cao hơn. Vì vậy, bạn nên quan hệ tình dục an toàn để đảm bảo sức khỏe.

BS Nguyễn Thế Lương: Trong mối quan hệ tình dục đồng giới cũng đầy đủ, không khác gì với quan hệ tình dục dị giới. Như vậy, nguy cơ mắc bệnh cũng hiện hữu. Theo tôi, tôi không nghĩ người quan hệ tình dục đồng giới thiếu thủy chung hơn người dị giới. Vì vậy, các bạn nên trang bị kiến thức đầy đủ về tình dục an toàn để bảo vệ mình.

Lan Anh (20 tuổi, Quỳnh Phụ, Thái Bình): Chào chương trình, em đang gặp 1 rắc rối mà không biết chia sẻ cùng ai. Em năm nay 20 tuổi, đã có bạn trai 1 năm, chúng em đều là mối tình đầu của nhau nên rất giữ gìn, chưa vượt quá giới hạn thực sự (chỉ quan hệ bên ngoài). Không hiểu sao gần đây, em thấy khu vực vùng kín rất ngứa ngáy và có nhiều mụn, mặc dù em vẫn vệ sinh sạch sẽ hàng ngày nhưng không đỡ. Em đi khám thì được chẩn đoán là nhiễm vi-rút HPV. Em rất ngạc nhiên và hoang mang vì chúng em mới chỉ quan hệ bên ngoài và 2 người trước đó đều chưa làm chuyện ấy với ai thì tại sao em lại nhiễm HPV được. Mong chương trình tư vấn giúp em cụ thể về vi-rút HPV, ảnh hưởng của vi-rút này tới sức khỏe và cách điều trị, tiêm phòng ra sao! Xin cảm ơn!

BS Nguyễn Thế Lương: Bạn còn rất trẻ, ở giai đoạn này thì nhu cầu tình dục rất cao. Tuy nhiên, nhiều bệnh xuất hiện trong tiến trình quan hệ tình dục chứ không chỉ sau khi quan hệ. Nếu bạn thực hiện động tác quan hệ bằng tay, miệng thì đều có nguy cơ, vì vậy, bạn nhiễm HPV cũng rất bình thường. HPV là vi-rút có rất nhiều loại, có tuýp gây sùi mào gà, ung thư cổ tử cung... Hiện nay có vắc-xin chống HPV nhưng cũng không chống được 100%. Với lịch trình tiêm thì nên tiêm trước khi quan hệ tình dục lần đầu. Theo tôi, bạn nên đến cơ sở y tế để tư vấn và tiêm vắc-xin phòng HPV.

Video tư vấn về bệnh lây qua đường tình dục (P4)

Huyền Anh: Chào bác sĩ, cháu có chuyện tế nhị muốn nhờ chuyên gia tư vấn giúp. Đôi khi, đến kỳ đèn đỏ cháu có ham muốn làm chuyện ấy nhiều hơn bình thường. Chuyên gia cho cháu hỏi làm như vậy có hại gì không và nên có những cách vệ sinh thế nào cho phù hợp để tránh bị viêm nhiễm ạ?

BS Hoàng Thúy Hải: Tôi nghĩ rằng bất kể phương thức quan hệ tình dục nào đều có nguy cơ. Khi mình ở trong chu kỳ thì ham muốn cao hơn, khả năng thỏa mãn sẽ nhiều hơn. Nếu không điều tiết tốt thì mình sẽ có nguy cơ cao hơn, Vấn đề là mình thỏa mãn nó như thế nào, các biện pháp phòng tránh thai. Thứ nữa là mình quan hệ với ai, nếu biết rõ người ta thì bạn chỉ cần điều tiết bản thân.

Banmaixanh: Để cuộc yêu không nhàm chán, chồng em có tìm hiểu và rỉ tai em việc quan hệ bằng 'cửa sau'. Em nghe thấy vậy thì thấy ghê ghê. Bác sĩ cho em hỏi cách yêu đó có an toàn không và liệu có ảnh hưởng gì đến khả năng sinh sản của vợ chồng em không?

BS Nguyễn Thế Lương: Khi bạn quan hệ bằng cửa sau, nếu không có kiến thức thì không phải đường quan hệ an toàn. KHi quan hệ bằng hậu môn thì không có dịch tiết, gây tổn thương bộ phận sinh dục. Bạn cần công cụ hỗ trợ, gel bôi trơn chuyên biệt trước khi thực hiện.

BS Hoàng Thúy Hải: Tôi nghĩ bạn nên cẩn trọng. Có thể nó mang lại trải nghiệm nhưng nó không thuận lợi cho hành vi quan hệ. Hậu môn rất dễ bị nhiễm khuẩn, nếu quan hệ tình dục có bảo vệ đi chăng nữa thì vẫn rất dễ bị nhiễm khuẩn. Về phía người phụ nữ, khi quan hệ mà thấy sợ thì chất lượng quan hệ tình dục sẽ không mong muốn thì rất mạo hiểm. Bình thường khi quan hệ bằng truyền thống mà không thoải mái thì cơ quan sinh dục rất dễ tổn thương, huống hồ giờ thử cái mới mà tâm lý không tốt thì khá mạo hiểm. Tôi nghĩ bạn vô cùng thận trọng, chỉ khi sẵn sàng về mọi phương diện thì mới nên thử.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!