Sau 4 năm thành lập, Trung tâm Y tế quân dân y Bạch Long Vĩ đã khám và điều trị cho 45.000 lượt bệnh nhân; trong đó khám 22.445 lượt bệnh nhân, điều trị ngoại trú 20.295 lượt, điều trị nội trú 2.150 lượt và mổ cấp cứu được 41 ca.
Đây là thông tin được BS. Phạm Văn Hải – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế quân dân y Bạch Long Vĩ cho biết trong chuyến thăm, khám bệnh và đào tạo sơ cấp cứu ban đầu cho ngư dân, nhân dân huyện đảo Bạch Long Vĩ của Viện Y học biển Việt Nam diễn ra ngày 12- 13/7 vừa qua.
Theo BS. Phạm Văn Hải, Trung tâm Y tế quân dân y Bạch Long Vĩđược thành lập năm 2016 theo quyết định của Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng trên cơ sở kết hợp toàn diện giữa Bệnh xá Tiểu đoàn phòng thủ đảo và Bệnh viện đa khoa huyện Bạch Long Vĩ. Trung tâm vừa đảm bảo công tác y tế dự phòng, vừa đảm bảo công tác cấp cứu, điều trị, khám chữa bệnh; vừa có quy mô tổ chức hoạt động thời bình vừa có dự phòng thời chiến - tác chiến phòng thủ đảo khi có chiến tranh xảy ra.
Các bác sĩ thăm khám cho quân dân ở đảo Bạch Long Vĩ.
Chương trình đào tạo sơ cấp cứu ban đầu cho ngư dân rất thiết thực với người lao động trên biển.
Trong những năm qua, với sự quan tâm, chỉ đạo đặc biệt của Bộ Y tế, UBND và Sở Y tế TP Hải Phòng, Bộ Chỉ huy quân sự thành phố, Ủy ban nhân dân huyện Bạch Long Vĩ, Trung tâm đã được tạo mọi điều kiện để thực hiện các nội dung theo Đề án 'Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020' của Chính phủ.
Trung tâm cũng thường xuyên nhận được sự hỗ trợ về chuyên môn, trang thiết bị từ các bệnh viện tuyến trên và các tổ chức nhân đạo ra thăm, khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí. Trong đó, đặc biệt là hỗ trợ cán bộ trong đất liền ra công tác tại đảo từ Bệnh viện Việt Tiệp, Bệnh viện Kiến An, Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng.
Nhiều kỹ thuật đã được triển khai như kỹ thuật gây tê tủy sống, tháo lồng bằng hơi cho trẻ em bị lồng ruột, triển khai thành công hệ thống telemedicine kết hợp giữa Trung tâm Y tế quân dân Bạch Long Vĩ với Viện Y học biển và Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp.
Nhiều ca bệnh nặng và khó cũng đã được xử trí thành công tại đảo như: chửa ngoài tử cung vỡ, thủng dạ dày, vết thương thấu gan, viêm ruột thừa cấp, ngộ độc bạch tuộc đốm xanh, vết thương đứt rời cẳng chân, vết thương đứt rời ¾ cánh tay… Riêng trong năm 2019, Trung tâm đã khám cho gần 5.200 lượt bệnh nhân, trong đó có 422 lượt người bệnh nội trú, mổ cấp cứu 6 ca.
Bệnh nhân bị chửa ngoài tử cung vỡ vừa được mổ cấp cứu, vừa truyền máu trong đêm.
Cùng đoàn công tác được có mặt trên chuyến chở khách đầu tiên ra đảo của tàu mới mang tên Hoa Phượng đỏ, PGS.TS. Trần Thị Quỳnh Chi – Viện trưởng Viện Y học biển Việt Nam cho biết: 'Cách đất liền 140 km, khoảng cách địa lý tưởng chừng ngắn nhưng chúng tôi đã mất gần 8 tiếng để di chuyển ra đảo, đủ thấy những nỗ lực vất vả, sự hi sinh của các cán bộ y tế và nhân dân trên đảo. Viện mong muốn sẽ có sự kết nối chặt chẽ, thường xuyên hơn với Trung tâm y tế Bạch Long Vĩ để tập huấn, đào tạo cho cán bộ y tế và cùng thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho lao động và nhân dân trên biển'.
Trong khuôn khổ chuyến công tác, đoàn đã tổ chức khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí với nhiều chuyên khoa: miễn dịch – dị ứng, hô hấp, tim mạch, siêu âm, lấy máu xét nghiệm… cho gần 600 lượt cán bộ, chiến sĩ, ngư dân và nhân dân trên đảo. Nhờ đó đã phát hiện, tư vấn nhiều trường hợp cần theo dõi các các bệnh lý về tim mạch, gan, thận tiết niệu, dị ứng…
Các bác sĩ, chuyên gia của Viện Y học biển cũng đã tập huấn cho cán bộ, nhân viên y tế huyện đảo về công tác cấp cứu trên biển và đào tạo, cấp chứng chỉ cho 40 ngư dân về sơ cấp cứu ban đầu trên biển.
Đảo Bạch Long Vĩ nằm trong hệ thống đảo tiền tiêu giữ vị trí phòng thủ đặc biệt quan trọng Chiến lược biển Việt Nam. Huyện đảo cách đất liền Hải Phòng khoảng 140 km. Diện tích tự nhiên khoảng 3,5 km2. Từ thành phố Hải Phòng đi Bạch Long Vĩ phải mất trung bình từ 8 - 10 tiếng với điều kiện thời tiết thuận lợi; một tháng trung bình có 02 - 03 chuyến tàu ra đảo.
Dân số trên đảo biến động từ 2.000 - 3.000 người, bao gồm cả ngư dân thường trú và tạm trú. Ngoài ra, trên Vịnh Bắc Bộ có hàng nghìn tàu cá tương ứng với 3.000 – 5.000 ngư dân của các tỉnh ven biển cả nước đang tham gia khai thác thủy hải sản trên ngư trường quanh đảo; số lượng ngư dân tạm trú đột ngột tăng cao khi có bão, gió mùa nên nhu cầu chăm sóc y tế là rất lớn.
Việc chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho bộ đội, nhân dân trên đảo và ngư dân trên biển là nhiệm vụ cấp bách giúp thực hiện nhiệm vụ chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng, xây dựng kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!