Nhằm cung cấp thêm kiến thức phòng bệnh đường hô hấp hiệu quả, báo điện tử Suckhoedoisong.vn, trang tin SongKhoe.vn tổ chức buổi tư vấn trực tuyến với chủ đề 'Để hệ hô hấp khỏe mạnh lúc giao mùa'.
Khách mời tham dự chương trình: TS.BS. Chu Thị Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Hô Hấp, BV Bạch Mai, Hà Nội.
Loan (Hải Dương): Chào bác sĩ, con em 20 tháng tuổi bị nghẹt mũi, em đã nhỏ nước muối sinh lý 0.9% thì cháu bị sổ mũi. 1 - 2 hôm sau, cháu ho có đờm kèm theo sốt 38oC và thở mạnh, khò khè. Em cho cháu đi khám, dùng thuốc được 2 - 3 ngày, cháu lại húng hắng ho trở lại và hơi sốt. Liệu có phải bé nhà em bị viêm phế quản co thắt hay viêm tiểu phế quản ạ? Em thấy bảo viêm phế quản không nên dùng kháng sinh mà đi khám bác sĩ nào cũng kê kháng sinh hết thế có đúng không ạ? Làm thế nào để phòng ngừa viêm phế quản hiệu quả ạ? Cám ơn bác sĩ nhiều.
TS. BS Chu Thị Hạnh: Mẹ lo lắng vậy là đúng. Các cháu nhỏ rất dễ bị nhiễm trùng tai mũi họng, con của bạn có thể bị viêm phế quản co thắt. Bé có thể xảy ra tình trạng co thắt tạm thời khi bị viêm phế quản cấp, viêm phế quản phổi. Triệu chứng co thắt này điều trị sẽ hết và không bị tái lại. Viêm phế quản co thắt mà tái đi tái lại thì có thể cháu bị hen phế quản. Nếu bị thì việc sử dụng các loại thuốc xịt, hít là cần thiết. Thuốc kháng viêm cũng mang lại hiệu quả. Nếu bác sĩ dùng kháng sinh thì tức là đã tìm ra nhiễm trùng thì buộc phải dùng.
Ngọc Anh (Hà Nội): Xin chào Bác sĩ, con cháu năm nay được 3 tuổi, cháu hay bị viêm thanh quản, viêm họng, 1 tháng bị 1 lần, biểu hiện của bệnh là sốt, ho nhiều, chảy nước mũi, biếng ăn cứ thay đổi thời tiết là cháu lại bị, hoặc ăn đồ lạnh, cháu cũng bị. Cháu bị ho kéo dài 1 tuần. Xin hỏi Bác sĩ, sắp sang mùa đông mẹ cháu lên phòng bệnh cho cháu thế nào ạ? Làm thế nào để chữa cho cháu khỏi hẳn bệnh ạ? Cháu cám ơn Bác sĩ nhiều.
TS. BS Chu Thị Hạnh:Khi viêm quản và thanh quản cấp, bị 1 đợt có thể điều trị triệt để nhưng có thể bị đợt mới. Con hay uống nước lạnh, ăn đồ lạnh thì bạn không nên cho cháu ăn. Cháu phải uống đồ ấm, ăn đồ ấm. Cho cháu tiêm vắc-xin để phòng bệnh, không nhiễm các bệnh do vi-rút gây bệnh, chế độ dinh dưỡng thích hợp, giữ ấm cho cháu, đeo khẩu trang khi đi ra ngoài.
Phùng Thị Thu Giang (25 tuổi, Thị Trấn Yên Lạc, Yên Lạc, Vĩnh Phúc): Thưa TS. BS Chu Thị Hạnh! Cháu có 1 bé trai hiện giờ đã được 30 tháng tuổi, bé bắt đầu bị viêm họng khi được 7 tháng tuổi từ đó tới giờ bé hay bị viêm họng cứ mỗi lần như vậy bé thường kèm theo triệu trứng ho, sốt, biếng ăn, khi ăn vào hay bị nôn trớ. Có 1 lần, bé bị viêm họng nhưng do sơ ý nên cháu cho bé đi chơi xa (quãng đường 60km cả đi cả về) và bé đã bị sốt nặng. Lúc này cho bé đi khám, báo sĩ bảo cháu bị viêm phổi sau điều trị tiêm bé đã khỏi ốm (bé hay bị mồ hôi trộm khi ngủ buổi tối mồ hôi ra ướt tóc và quần áo). Lần đầu tiên làm mẹ nên cháu rất ít kinh nghiệm. Cứ mỗi lần bé ốm sốt thì cháu chỉ biết đưa bé đi khám và uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ nhưng bé chỉ đỡ và khỏi được thời gian ngắn là lại bị tái phát lại như vậy. Cháu muốn hỏi bác sĩ Hạnh, nếu bé thường xuyên bị viêm họng như vậy thì có ảnh hưởng gì về sau và bệnh viêm họng có thể chữa dứt điểm được không và cần chữa trị bằng phương pháp nào? Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ cần theo dõi và chăm sóc con em của mình ra sao để bé không bị mắc bệnh viêm họng? Cháu xin chân thành cảm ơn bác sĩ!
TS. BS Chu Thị Hạnh: Viêm mũi họng ở trẻ nhỏ tái lại rất nhiều. Tất nhiên mỗi lần bị là cấp tính, có thể bị lại lần mới. Có các biện pháp để tránh bị lại. Với trường hợp con của bạn, có thể lần đầu làm mẹ nên bạn đã lo lắng. Có thể do trời hơi lạnh lại cho con mặc nhiều đồ khiến con bị nóng... nên cần phải chú ý việc ăn mặc ấm ban đêm, thoáng mát ban ngày. Khi cháu ra mồ hôi nên lau mồ hôi chứ không nên bật quạt, nếu ko có thể bị nhiễm lạnh. Cần phải đi khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân chính xác và điều trị kịp thời.
Thu Hương (giáo viên ở Hà Nội): Chào Bác sĩ! Tôi là giáo viên hay phải nói nhiều. Dạo này, tôi thấy họng mình hay bị ngứa, bật ho thì dễ chịu hơn. Có đêm đang ngủ thì ho sặc lên vì ngứa họng. Tôi có kiểm tra thì thấy trong họng có nhiều hạt. Xin hỏi Bác sĩ họng tôi bị sao và làm thế nào để hết bị ngứa?
TS. BS Chu Thị Hạnh: Theo như bạn kể, có thể bạn bị viêm họng hạt, một bệnh tái diễn nhiều lần, sẽ có những đợt viêm cấp gây ra ho, đau rát, ngứa họng do vi-rút, vi khuẩn. Nếu do vi-rút có thể súc miệng nước muối, nói ít đi, chú ý việc ăn uống. Nếu viêm do nhiễm trùng, có sốt, ho khạc đờm... bạn phải sử dụng kháng sinh, các thuốc kháng viêm để cải thiện tình trạng. Để cải thiện, một số bệnh viện có thể đốt họng hạt nhưng cũng không giải quyết được triệt để, vẫn có khả năng bị lại, cho nên điều cốt yếu là vệ sinh vùng họng và đảm bảo chế độ dinh dưỡng để phòng vệ cho cơ thể.
Minh Ngọc (Cầu Giấy, Hà Nội): Thưa bác sĩ, bé nhà cháu mới 9 tháng tuổi, nhưng bé rất hay thở có tiếng gừ gừ (kiểu nửa như khò khè, nửa như có đờm) và mỗi đợt như vậy bé thường thở bằng mũi. Cháu muốn nhờ bác sĩ tư vấn giúp bé có hệ hô hấp khoẻ hơn ạ. Cháu cảm ơn!
TS. BS Chu Thị Hạnh: Nếu cháu bé có tiếng thở hơi gừ gừ, nhưng vẫn ăn ngủ tốt, vẫn lên cân, thì không đáng ngại lắm. Có thể cháu chỉ có một chút dịch tiết, bạn có thể vỗ nhẹ ở lưng ở ngực để dịch thoát ra ngoài hoặc nuốt xuống dạ dày. Ngược lại, nếu cháu có triệu chứng hô hấp trên thì cho cháu đi khám để phát hiện ra bệnh. Để phòng tránh, bạn làm theo cách phòng bệnh chung, cho trẻ bú xong không cho nằm ngay mà nên bế vỗ nhẹ lưng.
Nga (Thanh Xuân, Hà Nội): Cháu chào bác sĩ. Con trai cháu 11 tháng tuổi và thường xuyên bị viêm đường hô hấp từ khi 2 tháng tuổi. Do bé bị trào ngược dạ dày thực quản nên hầu như tháng nào cháu cũng bị, có tháng bị 2 lần. Cháu thấy xót ruột khi tháng nào con cũng phải uống kháng sinh, có đợt điều trị kéo dài đến nửa tháng, đổi 2-3 loại kháng sinh ạ. Hiện tại con cháu cũng đang ho nhiều và đang uống loại kháng sinh thứ ba trong đợt điều trị này ạ. Cháu có thể cho con uống thuốc tăng khả năng miễn dịch Brochon vaxom không ạ và những thuốc như thế này có tác dụng tốt không ạ?
TS. BS Chu Thị Hạnh: Tôi có một vài lời khuyên, nếu con bạn bị trào ngược thực quản thì đó là nguyên do gây viêm mũi họng, phế quản thường xuyên. Lúc nhiễm trùng bác sĩ sẽ phải cho điều trị kháng sinh. Để tránh tình trạng này, cho cháu ăn xong, bạn nên cho ngồi hoặc tư thế đứng rồi vỗ nhẹ sau lưng, không cho trẻ ăn quá no, buổi đêm không cho ăn quá muộn hoặc ăn xong ngủ ngay. Nguyên nhân là vì sẽ dễ bị trào ngược, dẫn đến bệnh lý hô hấp. Nếu bị tái diễn nhiều lần thì vẫn phải đi khám chuyên khoa nhi, khám hệ tiêu hóa. Thuốc bạn đang cho cháu điều trị cũng có tác dụng tránh bệnh nhưng không thể điều trị căn nguyên tai mũi họng vì đó là thuốc điều trị trào ngược thực quản.
Thành (Hà Nội): Con trai em 7 tuổi. Thỉnh thoảng cháu bị ho, thở khò khè. Em muốn cho tham gia thể thao như bơi lội liệu có ảnh hưởng gì không?
BS. TS Chu Thị Hạnh: Hiện nay hệ thống bể bơi ở Hà Nội có nhiều nơi sạch sẽ, có điều kiện vệ sinh đảm bảo. Bơi lội tốt cho sức khỏe của trẻ, nâng cao thể trạng và sức khỏe, chống lại bệnh tật tốt hơn. Khi cháu bé có các đợt viêm mũi xoang hay viêm phế quản thì tạm thời không nên cho cháu bơi những ngày đó, còn khi cháu hoàn toàn khỏi bệnh thì không phải lo lắng khi cho cháu đi bơi.
Nam giới, 26 tuổi, số điện thoại 84966552XXX: Chào bác sĩ! Cứ thay đổi thời tiết là tôi bị ngạt mũi gây khó chịu trong sinh hoạt như ngủ nghỉ, ăn uống. Vậy xin Bác sĩ tư vấn giúp cách nào để hạn chế được tình trạng trên?
TS. BS Chu Thị Hạnh: Theo như bạn tả, có thể bạn bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hoặc hen phế quản, nhất thiết phải đi khám để phát hiện bệnh và điều trị phù hợp.
Bạn nữ 26 tuổi (Phú Thọ): Cháu bị hen phế quản mạn tính, khó thở. Bệnh này có ảnh hưởng đến chuyện mang thai không bác sĩ?
TS. BS Chu Thị Hạnh:Hen phế quản là bệnh mạn tính. Nếu cháu bị thì phải điều trị kiểm soát hen. Nếu làm tốt thì hoàn toàn mang thai và sinh nở bình thường. Khi bác sĩ cho điều trị dự phòng thì không được bỏ thuốc giữa chừng. Các bác sĩ sẽ lựa chọn thuốc phù hợp với phụ nữ mang thai.
Độc giả nam: Con gái tôi 17 tháng, thay đổi thời tiết thì ho và viêm họng... đưa cháu đi khám và uống kháng sinh liệu có ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ không?
TS. BS Chu Thị Hạnh:Cháu hay bị ho có thể bị viêm mũi họng khi thay đổi thời tiết, cần phải thận trọng để phát hiện cháu có bị hen hay không. Nếu mũi họng bị nhiễm trùng thì vẫn phải dùng kháng sinh, nếu không sẽ lan ra các cơ quan khác như viêm tai giữa, viêm phổi... Kháng sinh có thể chữa bệnh nhưng cũng ảnh hưởng, nên các bác sĩ sẽ cân nhắc để cho con bạn sử dụng thuốc kháng sinh hợp lý. Bác sĩ sẽ phải hỏi gia đình có từng bị dị ứng thuốc hay không.
Dương Thị Dung (28 tuổi): Chào bác sĩ! Cho em được hỏi là con gái em năm nay được hơn 3 tuổi, được 16kg, cao 97cm, nhưng cháu thường xuyên có vấn đề về đường hô hấp, tháng nào cháu cũng bị 1-2 lần viêm phế quản, mỗi lần kéo dài từ 10 ngày đến nửa tháng mới hết, mặc dù em chăm sóc cháu rất kỹ, tiêm chủng đầy đủ. Bác sĩ cho em hỏi có cách nào khắc phục được không hay cần thay đổi cách chăm sóc như thế nào để cháu khỏe mạnh hơn? Xin cảm ơn bác sĩ nhiều.
TS. BS Chu Thị Hạnh:Có những cháu bé rất dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp. Cháu bé nhà chị phải xem có bị VA, viêm mũi họng hay không. Cháu thường xuyên bị như vậy, dù được phòng bệnh bằng tiêm vắc-xin, chế độ ăn uống của cháu có lẽ được đảm bảo, thì nên xem xét tai mũi họng của cháu xem có các bệnh lý nào khác không. Chị nên rửa mũi, vệ sinh răng miệng, dùng khăn và nước muối sinh lý ấm để vệ sinh răng miệng cho cháu, để không bị nhiễm trùng. Chế độ ăn thích hợp, tránh lạnh khi thay đổi thời tiết vì nhiều trẻ rất nhạy cảm với thời tiết và dễ mắc bệnh. Ngoài ra, chị nên quàng khăn mỏng ở cổ, ra ngoài giữ không bị lạnh, không ra ngoài vào sáng sớm khi bị lạnh, nếu đi phải đeo khẩu trang cho cháu. Để đảm bảo, bạn nên cho cháu đi khám tai mũi họng hoặc chuyên khoa nhi.
Việt Nam khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, mùa hay gặp các tình trạng bệnh hô hấp thường là khi chuyển mùa thu sang đông, đông sang xuân, không khí lạnh và ẩm là điều kiện cho vi-rút phát triển. Cơ thể chưa thích nghi ngay được với thay đổi nhiệt độ và độ ẩm. Hệ miễn dịch kém rất dễ mắc phải. Khuyến cáo tiêm phòng cúm, thường vào đầu mùa thu và đầu mùa xuân để phòng bệnh cúm.
Trần Thị Hồng Nhung (33 tuổi, Viện kiểm sát): Con trai tôi năm nay 6 tuổi. Cứ thay đổi thời tiết là cháu bị ho, ho liên tục đến nỗi nôn ói cả thức ăn. Có lúc cháu sốt có lúc không. Xin bác sĩ tư vấn cháu như vậy là bị sao ạ? Cháu 6 tuổi rồi mà hầu như tháng nào cũng bị ho sốt ạ. Bác sĩ chỉ giùm cách chữa trị dứt điểm bệnh ho của cháu với ạ. Cảm ơn bác sĩ nhiều!
TS. BS Chu Thị Hạnh:Tình trạng ho, viêm họng, sốt ở cháu, trước hết phải xem các bệnh lý ở vùng tai mũi họng, liệu cháu có bị viêm xoang hay amidan hay không. Cháu nên đi khám. Các cháu bé ho nhiều gây ra nôn, trớ thức ăn. Sau khi loại trừ các bệnh lý tai mũi họng thì phải xem liệu cháu có bị hen không. Hen là bị ho khi thay đổi thời tiết, nên cho bé đi khám.
Trịnh Ngọc Lưu (nam, 46 tuổi): Tôi bị viêm xoang từ năm 17 tuổi, đã điều trị như uống kháng sinh, chọc mủ... đến nay bệnh không khỏi được. Xin chương trình cho biết liệu để lâu có bị ung thư không? Và tôi muốn điều trị thì điều trị ở đâu tốt và hiệu quả? Cảm ơn chương trình.
TS. BS Chu Thị Hạnh: Tình trạng viêm xoang của bạn là bệnh mạn tính, các nhiễm trùng hốc xoang rất khó giải quyết. Bạn đã chọc mủ xong mà vẫn bị là do bệnh vẫn tiến triển, quá trình điều trị chỉ hạn chế tiến triển, loại bỏ nhiễm trùng cấp tính. Bạn nên rửa mũi xoang và đi khám bác sĩ tai mũi họng, khám ở địa phương chưa ổn thì có thể đến bệnh viện tuyến trung ương, các chuyên gia có kinh nghiệm có thể giúp bạn. Bạn phải xác định đây là bệnh mạn tính, điều trị triệt căn là rất khó khăn.
heodangmun@gmai: Cháu đoán mình bị viêm mũi dị ứng vì mỗi khi tiếp xúc với bụi thì thường bị chảy nước mũi và hắt xì hơi. Đặc biệt trong thời tiết giao mùa, hanh khô hoặc trở lạnh như thế này, cháu thấy rất khó chịu và hắt xì hơi liên tục. Cháu xin hỏi Bác sĩ cách phòng và điều trị bệnh này tại nhà. Có nhất thiết phải đến bệnh viện khám và điều trị không? Cháu nghe nói người bị viêm mũi dị ứng cũng thường hay bị viêm da cơ địa. Vậy Bác sĩ cho cháu hỏi hai bệnh này có liên quan gì với nhau không ạ?
TS. BS Chu Thị Hạnh:Có lẽ bạn nghĩ đúng về tình trạng bệnh của bạn, theo tôi, bạn cũng bị viêm mũi dị ứng. Việc phòng tránh, điều trị, nếu ở mức độ nhẹ không gây phiền phức nhiều, chỉ hắt hơi, nghẹt mũi khi tiếp xúc với bụi thì bạn nên tránh các yếu tố đó, đồng thời, bạn nên rửa mũi bằng nước muối sinh lý, tránh thức ăn gây dị ứng. Có thể do cơ địa dị ứng, dễ dị ứng với tác nhân bên ngoài nên dễ bị thêm viêm da cơ địa. Bạn có thể phòng bệnh cho mình ở nhà nếu tình trạng không nặng thêm.
Lê Thị Thùy Dung (28 tuổi, Hà Nội): Thưa Bác sĩ, con trai cháu hiện nay 24 tháng, cân nặng 12,6kg; cao khoảng 86,87cm. Cháu ăn uống tốt nhưng cháu rất hay bị hiện tượng nhiều đờm, khò khè, nhất là vào buổi sáng ngủ dậy, cứ cách đợt 1 tháng hay hơn tháng lại bị. Ngày 28/6, cháu bị lâu khỏi nhất, sau đó chữa ở Viện nhi Trung ương. Sau 5 ngày uống thuốc cháu khỏi, đến tháng 8 cháu chỉ bị ngạt mũi nhẹ, hiện tại lại thấy ho, nhiều đờm. Bác sĩ cho cháu hỏi, làm thế nào để đờm của cháu nhanh hết và cách phòng tái phát? Cám ơn Bác sĩ.
TS. BS Chu Thị Hạnh:Con bạn có các triệu chứng khò khè, có đờm bạn nên cho bé kiểm tra tai mũi họng xem có bị amidan quá to hay không? Liệu cháu có bị hen phế quản hay không? Tốt nhất là nên cho cháu đi khám chuyên khoa nhi để bác sĩ phát hiện sớm. Các bệnh này không đặc trưng ở độ tuổi nào. Tuy nhiên trẻ nhỏ, người lớn tuổi có nguy cơ mắc cao hơn do hệ miễn dịch yếu. Các độ tuổi, giới tính khác cũng có khả năng mắc bệnh phụ thuộc yếu tố cơ thể, môi trường, cơ địa, lối sống... Những người béo phì có nguy cơ cao các bệnh đường hô hấp, hội chứng ngừng thở. Để tránh tình trạng này, bạn phải giảm béo, điều trị hội chứng ngừng thở khi ngủ.
Khánh (Hà Đông, Hà Nội): Tôi hút thuốc lá từ khi còn thanh niên đến nay được khoảng 20 năm. Hiện tôi đã bỏ nhưng tôi thường xuyên bị ho khan khi thời tiết thay đổi. Như vậy có bị ảnh hưởng gì tới phổi không thưa Bác sĩ? Tôi xin cảm ơn Bác sĩ.
TS. BS Chu Thị Hạnh: Tôi rất hoan nghênh bạn đã bỏ thuốc lá. Do bạn đã từng hút thuốc lá rất nhiều và lâu, có những triệu chứng ho khan thì nên đi khám hô hấp. Thuốc lá chứa nhiều chất gây độc cơ thể, là nguyên nhân gây ra 25 bệnh như ung thư, mạn tính hô hấp… Bạn phải đến khám chuyên khoa để bác sĩ chụp X-quang phổi và các xét nghiệm cần thiết để tìm ra các bệnh. Sắp tới 8/11 bệnh viện Bạch Mai tổ chức khám, tư vấn miễn phí về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, chủ yếu khám sàng lọc và phát hiện bệnh phổi... Do thời gian và kinh phí có hạn nên trọng tâm buổi khám là những người có biểu hiện hô hấp mạn tính. Còn những người khác có thể tới khám vào những ngày khác ở trung tâm hô hấp trong bệnh viện Bạch Mai.
lanmai@gmail (30 tuổi): Em chào Bác sĩ! Năm nay em 30 tuổi. Khi có thai được 32 tuần em phải vào viện điều trị vì bị hen phế quản bội nhiễm tại khoa hô hấp bệnh viện Bạch Mai và được Bác sĩ Chu Thị Hạnh trực tiếp điều trị. Giờ con em đã được 2 tháng tuổi nhưng em vẫn hay bị ho, ngứa cổ họng và khạc đờm nhiều khi thấy nặng ngực và thở khò khè. Em không dám uống thuốc vì sợ ảnh hưởng đến con. Vì vậy em tự điều trị bằng cách uống nước ấm thường xuyên và ngậm chanh ngâm mật ong trước khi đi ngủ. Khi nào hắt hơi nhiều thì xịt mũi bằng thuốc xịt mũi Thái Dương thì cũng thấy đỡ hơn nhưng vẫn ho, ngứa cổ và có đờm. Em muốn hỏi Bác sĩ là nếu cứ chữa như vậy thì bệnh của em có khỏi được không? Và em bị như vậy liệu con em có bị ảnh hưởng gì không? Em rất mong nhận được sự tư vấn của Bác sĩ!
TS. BS Chu Thị Hạnh:Trong quá trình điều trị, chắc chắn bạn đã được tư vấn theo dõi hen phế quản. Bạn nên biết đây là bệnh mạn tính đường hô hấp, gây ra bởi các yếu tố kích thích dị nguyên. Trong thời điểm có thai bạn đã được điều trị, sử dụng thuốc kháng viêm nếu không cháu bé sẽ bị thiếu oxi. Các thuốc cho bệnh nhân bị hen thường phụt, xịt nên hàm lượng ảnh hưởng thấp tới em bé. Bạn sinh con rồi thì nên dành thời gian quay lại bệnh viện để bác sĩ tư vấn điều trị dự phòng. Bệnh nhân không nên tự tìm thuốc. Bác sĩ sẽ tìm thuốc liều lượng thấp nhất để có thể điều trị mà không ảnh hưởng đến em bé đang bú mẹ.
Tuyết (20 tuổi, Hà Nội): Chào Bác sĩ! Con tôi năm nay 3 tuổi, cháu hay bị mắc các bệnh về đường hô hấp. Vừa rồi lại bị viêm tiểu phế quản phải điều trị mất 1 tuần. Xin hỏi Bác sĩ bệnh này có hay tái phát không? Và cách phòng bệnh lúc giao mùa là gì?
TS. BS Chu Thị Hạnh:Con chị hay bị viêm mũi cấp thì đó là nguyên nhân khởi phát tình trạng khởi phát viêm nhiễm đường hô hấp dưới. Để tránh bị viêm phế quản tái phát lần nữa phải điều trị triệt để nhiễm trùng tai mũi họng, rửa mũi và xì mũi đúng cách, vệ sinh răng miệng, đảm bảo dinh dưỡng, có các hoạt động để thể lực tốt hơn, giao mùa nên giữ ấm, quàng khăn mỏng ở cổ lúc ngủ ban đêm. Tuy nhiên chủ yếu vẫn phải điều trị triệt để, tránh bị nhiễm trùng.
Hường (28 tuổi, Vĩnh Phúc): Con trai tôi được 20 tháng tuổi, cháu thường xuyên bị chảy nước mũi, gần như tháng nào cháu cũng bị viêm họng cấp, nhất là tháng này cháu vừa bị ho, sổ mũi lại bị viêm họng, tôi cho cháu đi khám uống thuốc nhưng mà cháu chỉ đỡ ho thôi không khỏi hẳn, mũi vẫn chảy, vẫn bị ngạt mũi khi ngủ ban đêm, bên trong niêm mạc mũi lúc nào cũng sưng phồng lên. Xin Bác sĩ tư vấn giúp tôi có thể làm để cải thiện tình trạng của cháu, tôi có thể cho cháu uống thuốc tăng cường miễn dịch được không? Cháu bị chảy nước mũi như vậy tôi có thể hút mũi cho cháu bằng ống hút mũi được không? Nếu hàng ngày hút mũi như vậy có tốt không?
TS. BS Chu Thị Hạnh: Cháu bị viêm mũi họng thường xuyên, có thể bị viêm mũi dị ứng. Các biện pháp chị làm như hút mũi là cần thiết với cháu. Nên rửa mũi hằng ngày bằng muối sinh lý rồi hút mũi, nên rửa trước bữa ăn để cháu không bị nôn và rửa trước lúc đi ngủ, rửa mũi rất hữu hiệu. Để đảm bảo hệ miễn dịch tốt thì phải đảm bảo dinh dưỡng và điều kiện sinh hoạt. Nếu môi trường bẩn, trẻ có thể bị các biến chứng và phải đi điều trị bác sĩ.
Tâm (25 tuổi, Ninh Bình): Xin hỏi Bác sĩ, tôi bị mất tiếng từ khi còn đang đi học cách đây đã 4 năm và thường xuyên có đờm. Khi tôi đi khám ở bệnh viện Tai mũi họng Trung ương thì các Bác sĩ nói là tôi bị hạt xơ dây thanh quản và đã uống thuốc điều trị rất lâu. Một thời gian sau thì tôi lại thấy đau rát họng, đi khám lại Bác sĩ Ninh Binh nói tôi bị viêm amidan. Xin hỏi cùng một lúc tôi bị như thế thì cần điều trị như thế nào? Xin cảm ơn Bác sĩ.
TS. BS Chu Thị Hạnh:Một lúc chị có thể bị cả 2 bệnh. Hạt xuyên dây thanh muốn giải quyết triệt để phải nội soi., phải hạn chế nói to, không nên hét hay nói nhiều cùng 1 lúc. Bạn phải điều chỉnh việc nói. Bị viêm amidan vẫn có thể xảy ra vì 2 cơ quan khác nhau nhưng đều ở họng, bị viêm thì đau, sốt nên súc miệng nước muối ấm sau khi ngủ dậy. Trước khi đi ngủ, bạn nên có khăn ấm che mũi mùa lạnh, ko nên uống nước lạnh.
Nam (27 tuổi, Sóc Sơn, Hà Nội): Mỗi lần thay đổi thời tiết là cháu hay bị ngạt mũi, đêm khó thở liệu cháu có bị viêm xoang không ạ? Cháu đi khám thì Bác sĩ nói chỉ bị viêm mũi thôi nhưng mỗi lần thay đổi thời tiết cháu đều bị. Xin Bác sĩ tư vấn giúp cháu với. Cháu xin cảm ơn!
TS. BS Chu Thị Hạnh: Theo các triệu chứng có thể bị viêm mũi dị ứng đúng hơn viêm xoang. Viêm xoang bị đau hốc xoang, hốc mắt, sau gáy, chảy nhiều nước mũi, nước mũi độc… nhưng cháu chỉ bị nghẹt mũi thì có thể chỉ bị viêm mũi dị ứng. Cháu nên tránh các yếu tố kích thích, sử dụng khăn ấm che mũi và các chế độ dinh dưỡng thích hợp, đi khám để bác sĩ tư vấn điều trị hợp lý.
Thanh (28 tuổi, giáo viên, Hà Nam): Những khi giao mùa, đặc biệt là bước sang mùa đông em rất hay bị sổ mũi, nghẹt mũi, đau họng. Xin bác sĩ tư vấn giúp em cách để phòng những bệnh trên. Có loại thuốc nào có thể dùng để uống phòng bệnh không ạ? Em xin cảm ơn Bác sĩ!
TS. BS Chu Thị Hạnh: Triệu chứng có thể chị bị viêm mũi dị ứng khi thay đổi thời tiết. Thuốc phòng thì không có, chủ yếu phòng bệnh loại bỏ các yếu tố, nguy cơ gây bệnh. Chế độ dinh dưỡng thích hợp, súc miệng thường xuyên bằng nước muối ấm, không nên pha quá đậm vì có thể làm hỏng niêm mạc miệng. Tránh nơi có thuốc lá, khói bụi, ra ngoài nên đeo khẩu trang để tránh bớt bụi hít phải sẽ gây viêm mũi và viêm họng, giữ ấm cơ thể, tắm nước nóng.
Lan (24 tuổi, Định Công, Hà Nội): Cháu bị viêm xoang mũi dị ứng. Có đi khám và uống thuốc nhưng không khỏi. Cháu tìm hiểu trên mạng có nói xông hơi bằng cây giao thì có thể khỏi được bệnh viêm xoang này. Cháu muốn hỏi việc xông hơi bằng cây giao có nguy hiểm gì không, và có tác dụng không. Cháu xin chân thành cảm ơn.
TS. BS Chu Thị Hạnh: Tôi không phải bác sĩ đông y nên không hiểu lắm về vấn đề này. Tuy nhiên bệnh này điều trị hoàn toàn thì khó. Ngoài các biện pháp như cũ, bạn nên đưa cháu đi khám chuyên khoa tai mũi họng, phải rửa mũi sâu dùng xi lanh hoặc dụng cụ. Rửa mũi rất ít người có thể làm nhưng đây là một biện pháp hữu hiệu không phải dùng thuốc. Trong dân gian, dùng hoa cứt lợn có thể giảm thiểu, nên tham khảo bác sĩ đông y, tây y. Ngoài rửa mũi, bạn có thể dùng một số loại thuốc, dung dịch xịt, các sản phẩm ức chế gây viêm dẫn đến viêm mũi dị ứng. Bạn nên có tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.
>> Xem thêm: Siêu thực phẩm trị viêm họng ngày giao mùa
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!