Tư vấn trực tiếp: Kỹ năng nuôi, dạy trẻ

Nuôi dạy con - 04/29/2024

Đây là chương trình được thực hiện bởi báo SK&ĐS và SongKhoe.vn nhằm hệ thống các kỹ năng sống và chăm sóc, dinh dưỡng cho trẻ.

Việc hệ thống lại các kỹ năng sống và kỹ năng sơ cứu, nuôi dưỡng trẻ qua các phương tiện thông tin truyền thông cũng như sách vở hiện vẫn chưa được đầy đủ và chính xác. Nhằm giúp cho việc hệ thống lại các kỹ năng này, trong thời gian tới, Cổng Thông tin Y tế Sức khỏe SongKhoe.vn và Báo Điện tử Suckhoedoisong.vn sẽ mở đồng thời chuyên đề và tư vấn trực tuyến với chủ đề ‘Kỹ năng nuôi, dạy trẻ’.

Khách mời tham gia buổi tư vấn trực tuyến gồm: PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai; TS. Vũ Thu Hương, Giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và ThS.BS. Lê Thị Hải, Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

Buổi tư vấn được truyền hình trực tuyến trên Suckhoedoisong.vn, SongKhoe.vn và Youtube vào ngày thứ năm,18/9/2014.

Hương (HN): Cháu nhà tôi 3 tuổi, có lần bị sốt, nhà không có thuốc cho trẻ em, bà lấy thuốc người lớn bẻ đôi, liệu có sao không?

PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng: Viên nào có gạch giữa, gạch 4 thì được phép chia ra. Trong bao trong gói thì không được chia. Tính đúng liều lượng cho trẻ thì vẫn dùng được bạn nhé.

Lương Hiền (Thái Bình): Con gái tôi năm nay 21 tháng tuổi, tôi đọc trên mạng nên cho bé học Anh văn sớm, xin hỏi chương trình nên cho con học tiếng Anh khi nào là phù hợp? Tôi ở quê nên muốn học Anh văn tôi phải cho con học qua máy tính. Hỏi chương trình cho cháu xem máy tính như vậy có hại mắt cháu không? Và tầm tuổi cháu nên ngồi máy tính bao lâu là phù hợp?

PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng: Trẻ cần học tiếng Việt trước khi học ngoại ngữ. Người nước ngoài quan tâm đến tiếng mẹ đẻ, văn hóa nước mình hơn rất nhiều ngoại ngữ. 21 tháng tuổi cho bé học Tiếng Anh, bé dễ gặp vấn đề ngôn ngữ. Từ 0-4 tuổi, trẻ tuyệt đối tránh tất cả các loại màn hình, thiết bị điện tử. Lớn hơn có thể học 15 phút 1 ngày. bé 21 tháng tuổi học qua máy tính thì lợi bất cập hại. Hãy cứ để bé học giỏi tiếng Việt đã bạn nhé.

Thu Giang (24 tuổi): Tôi có bé 29 tháng, cao 85 cm, nặng 13 kg. Bé có bị còi không? Tay chân to khỏe, không ốm vặt. Ăn khỏe, thịt xay với trứng. Tăng cân làm sao cho bé?

ThS. Lê Thị Hải:Bé hoàn toàn bình thường. 85 cm tương ứng vớ bé 2 tuổi, đúng ra phải cao 88 - 89 cm.

Vi Lê (HN): Thưa bác sĩ, con tôi năm nay 9 tuổi, cháu nó học hành hơi chậm so với các bạn cùng trang lứa, và mức độ tập trung không cao. Nhà tôi có dẫn cháu nó đi bệnh viện và bác sĩ chỉ định cho cháu uống loại thuốc có tên là Nootropyl 800mg Piracetam. Tôi có một thắc mắc là việc uống thuốc này lâu dài có gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe và hoạt động tâm sinh lý của trẻ không thưa bác sĩ.

PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng:Piracetam là thuốc bổ tăng cường trí nhớ. Thực ra, tác dụng của nó không nhiều. Không nên dùng quá 1 tháng. Bạn cần đưa con đi khám chứ không lạm dụng loại thuốc này.

nhotbibi230586@yahoo.com: Con gái năm nay 3,5 tuổi, khôn ngoan, lanh lợi nhưng mà nếu mình nói nhỏ nhẹ thì dạ dạ rồi không làm theo liền, mà cứ từ từ rồi không làm. Tôi phải đợi la to, dọa đánh thì mới thực hiện. Có cách nào giáo dục bé nói là làm ngay không cần đòn roi không?

TS. Vũ Thu Hương:Bố mẹ hãy suy nghĩ những gì trong khu vực bé được làm thì cho bé làm tự do, những gì không được phép thì bé không được làm. Nên có 'gia quy', hình phạt cũng chỉ cần đơn giản thôi. Có thể là phạt không cho đi chơi, hoặc bắt bé phải làm điều gì bé không thích, kiểu như 'Nếu con… thì mẹ…'. Bố mẹ kiên quyết thực hiện theo mức phạt đã định. Điều này cho bé biết 'điểm dừng' của bé. Bố mẹ đã nói và sẽ thực hiện, trẻ sẽ tiếp thu nhanh, nhanh hơn rất nhiều so với quát mắng.

Nhân Nhuận: Cháu chào bác sĩ. Chúc bác sĩ và toàn bộ anh chị trong chương trình sức khỏe. Cháu có câu hỏi muốn chương trình giải đáp. Con cháu được 5 tháng tuổi, hiện tại cháu đang tập ăn dặm và tập ti bình cho con nhưng con cháu không chịu ti bình và ăn dặm cũng rất ít. Mong bác sĩ chỉ cháu phương pháp tập cho bé ti bình ạ. Còn 1 vấn đề nữa là con cháu mới sinh thì nhiều tóc, bây giờ tóc rụng mà chưa thấy mọc lại nhiều thì có vấn đề gì không ạ. Cháu ngủ hay vặn vẹo lắm ạ. Hiện tại cháu được hơn 9kg ạ.

ThS. Lê Thị Hải:Rất nhiều bà mẹ lo lắng tập cho con ti bình. Con đang bú mẹ nhưng lại tập ti bình, bé quen sẽ bỏ bú mẹ, mẹ mất sữa. Tốt nhất không cho trẻ ti bình. Mẹ đi làm có thể vắt sữa để nhà cho bé ăn bằng thìa. Tốt khi bé tập ăn dặm, bé cũng ăn bằng thìa. Cứ để trẻ bú mẹ nếu mẹ còn đủ sữa. Bạn có thể cho bé ăn dặm, mỗi bữa chỉ một vài thìa. Lần đầu tiên có thể cho ăn 1 thìa chuối, đu đủ, khoai tây luộc trộn với 1 ít sữa. Sau 1 tuần có thể xay bột cho con.

Bảo Ngọc (HN): Con cháu 3 tuổi. Cách đây mấy ngày có bị ra mồ hôi trộm. Mùa đông năm ngoái có bị viêm phế quản. Cháu có áp dụng các phương pháp như uống canxi và 1 số loại thuốc trị mồ hôi trộm vẫn không hiệu quả. Cứ ngủ là mồ hôi ra liên tục, khi ngủ phải lau và thay quần áo rất nhiều. Làm sao đây thưa bác sĩ?

PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng:Kiến thức sách vở với tình hình thực tế khác xa nhau nhiều lắm. Những cháu ra nhiều mồ hôi là do giao mùa. Chập tối, đang nóng. Nửa đêm lại lạnh. Trẻ dễ đạp chăn và lạnh. Thế là bố mẹ sợ con bị lạnh nên 'đề phòng' bằng cách mặc áo trước. Như vậy lại thành ra nóng.

Đặc điểm của trẻ là nóng trước khi mình nóng, lạnh trước khi mình lạnh. Sự chịu dao động nhiệt độ kém hơn người lớn. Nguyên nhân bé bị vậy là do gia đình để trẻ nóng quá. Đừng lấy bản thân mình ra để áp đặt trẻ. Hãy điều chỉnh nhiệt độ và hành động của mình một cách khéo léo ngay cả ở nhà lẫn ở nhà trẻ.

Bạn đọc không tên: Bé nhà em rất hay chơi điện tử, hết chơi điện thoại lại đến chơi games. Bảo ngồi học thì phụng phịu. Làm thế nào để bé chăm học hơn?

TS. Vũ Thu Hương: Học mang nghĩa rộng. Chơi điện tử không tốt vì ngồi quá nhiều, ít vận động. Cách để con không chơi là bố mẹ cất tất cả trước khi về nhà. Đừng nghĩ con phải ngồi vào bàn mới là học. Có thể học giao tiếp, kỹ năng có thể thu hút hơn rất nhiều. Không nên cắt giảm việc học những vấn đề khác. Trẻ phải học bài nhiều sẽ bị ức chế. Tạo cảm hứng cho trẻ khi học bằng cách làm hoa ghi số bài 1, 2, 3,... rồi tung lên để trẻ chọn. Hết bông hoa này thì đến bông hoa khác.

Thùy Dung (HN): Con tôi 28 tháng, cao 92 cm, nặng 14,2kg. Khẩu phần ăn hàng ngày của cháu là 1 lạng thịt hoặc tôm, cá + 1 quả trứng + rau củ + 1 hộp sữa chua/váng sữa + hai cốc sữa/sinh tố. Người thân nói thế là nhiều chất quá. Tôi cần điều chỉnh gì không?

ThS. Lê Thị Hải:Cân nặng của cháu bằng bé 3 tuổi. Chiều cao khá tốt, gần bằng bé 3 tuổi. Sự vượt này đồng đều nên không béo phì. Nhưng tiếp tục cho ăn thực phẩm giàu năng lượng như vậy thì cháu sẽ bị béo phì. Sữa vẫn có thể uống nhưng nên chọn loại ít béo, ít đường. Váng sữa nên 1 -2 hộp/tuần. Trứng 2-3 quả/tuần. Món ăn nên hấp, luộc, hạn chế xào, rán. Đồ ăn nhanh càng hạn chế bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.

dokhanhtrang@gmail.com: Con gái tôi 5 tuổi 14kg, chân tay nhỏ hơn bạn bè. Đi khám dinh dưỡng thì bác sĩ bảo cho cháu ăn nhiều nhưng cháu không ăn. Gia đình không ép được. Gia đình đang rất lo lắng.

PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng:Hãy chọn thức ăn ít năng lượng cao nhưng bé phải thích. Ví như thịt, trứng. Hãy tăng thịt bớt cơm và rau. 

ThS. Lê Thị Hải:Cháu đã bị suy dinh dưỡng và biếng ăn. Đây là vòng luẩn quẩn khó gỡ. Và hai vấn đề này gây nên nhiều bệnh. Có thể cho bé ăn cháo, súp có dầu, mỡ để bé dễ ăn, dễ tiêu hóa. Chúng ta cần phải tôn trọng sở thích ăn uống của bé.

Linh Thu (Hải Phòng): Xin hỏi cách sơ cứu cho trẻ bị bỏng vì nước sôi và bị bỏng do hóa chất khác nhau như thế nào? Trong các tình huống trên cần phải làm những gì trước khi nhân viên cấp cứu tới?

PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng: Nguyên tắc đầu tiên là làm nguội, làm bớt nóng. Nước sạch quan trọng nhất. Ngay lập tức sau khi bỏng, hãy nhúng vùng bị bỏng vào ngay chậu nước ít nhất 30 phút.

Hoài Nam (TP. HCM): Bé gái nhà tôi năm nay mới 5 tuổi, tính hiếu động, ham thích tìm hiểu và không sợ người lạ. Mới gặp ai cháu cũng có thể nhanh chóng hòa đồng và vui chơi cùng. Gần đây tôi nghe nói đến nhiều vụ xâm hại tình dục ở trẻ nhỏ và cảm thấy không yên tâm. Làm thế nào để tôi có thể dạy cháu cách đề phòng người lạ, tự bảo vệ mình mà không làm mất đi tính cách vô tư và cởi mở của cháu?

TS. Vũ Thu Hương:Câu hỏi này luôn được phụ huynh quan tâm nhất. Phụ huynh luôn cảm thấy sợ hãi. Bạn hãy dạy con 2 nguyên tắc:

1. Nguyên tắc đồ lót. Mua đồ lót cho con thì dặn con khu vực trong đồ lót là bất khả xâm phạm, bất kì ai động vào không được con đồng ý là người xấu. Bố mẹ hay bác sĩ không hỏi ý con hay không được con đồng ý thì cũng được động vào.

2. Nguyên tắc bàn tay: Bên trong bàn tay là bố mẹ được phép ôm, khoác vai con. Bên ngoài bàn tay là ông bà, anh chị em được cầm tay, cùng lắm là khoác vai. Đầu ngón tay là hàng xóm, họ hàng chỉ gặp 1-2 lần chỉ nên chơi cùng không được chạm vào cơ thể. Với những người ngoài cùng thì hãy xua tay, không cho họ động vào bất cứ phần nào của cơ thể. Những trẻ cởi mở thì nên dạy bé giáo dục biết bảo vệ bản thân. Bố mẹ phải chú ý quan sát để phát hiện phát triển sinh lý.

Trẻ nhanh chóng hòa nhập cũng là một kĩ năng tốt nhưng bố mẹ nên quan sát biểu hiện của bé với người khác giới, với bạn bè để có những điều chỉnh kịp thời.

Phương Thảo (32 tuổi - Hòa Bình): Thưa bác sĩ, con gái tôi năm nay học lớp 2, nặng 20kg. Cháu gầy và kém ăn. Khi ăn cháu thường hay kêu đau bụng thường là vùng rốn. Tôi đã cho cháu tẩy giun nhưng không có thay đổi, đi xét nghiệm máu, siêu âm ổ bụng tại Viện Nhi Trung ương nhưng bác sĩ kết luận không có vấn đề gì. Cháu bé như vậy liệu có bị dạ dày và có cần nội soi không ạ? Xin bác sĩ cho lời khuyên. Chân thành cám ơn!

PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng: Có rất nhiều trẻ như thế này. Trẻ con giờ có 2 cái khổ: ăn và học, nhất là ở các thành phố lớn. Nhiều trẻ có triệu chứng như bé. Bé không có bệnh về dạ dày, nhưng bố mẹ ép con ăn quá nhiều mà không biết là đang làm khổ con. Vấn đề liên quan đến chức năng đường ruột chưa chắc là biểu hiện của bệnh. Có thể chỉ là do tác động bên ngoài, do tâm lý bố mẹ ép con ăn. Bạn không cần phải uống thuốc, tẩy giun, soi dạ dày mà làm khổ con. Bố mẹ nên thay đổi chế độ ăn uống cho con. Nếu không thay đổi, sau này con có thể bị loét dạ dày. 7 tuổi 20 kg hơi nhẹ, khoảng 21-22kg mới vừa đủ.

Tư vấn trực tiếp: Kỹ năng nuôi, dạy trẻ

Nguyễn Thị Hường (30 tuổi): Con tôi 4 tháng tuổi. Khi cháu được 2 tháng tôi mất sữa, cho cháu ăn sữa ngoài. Đến giờ cháu chưa lẫy, tóc mọc thưa, ít. Xin cho biết đó có phải dấu hiệu thiếu dinh dưỡng? Lúc nào nên cho cháu ăn dặm là tốt nhất? Xin cho biết chế độ ăn dặm? Xin cảm ơn!

ThS. Lê Thị Hải:Bạn không nói rõ cân nặng chiều cao nên không biết bé phát triển bình thường không. Theo triệu chứng này, bạn nên cho bé khám y khoa. Chế độ ăn dặm, bạn chưa nên cho bé ăn vội. Ít nhất phải tròn 5 tháng. mẹ không có sữa thì nên cho bé uống sữa ngoài.

Nguyễn Tấn Quang (Nam, 38 tuổi - 235/24 Phan Đình Phùng -TP.Quảng Ngãi): Hiện nay tôi có một con gái vừa tròn 5 tuổi. Bé rất nhanh nhẹn và luôn dạn dĩ trước đám đông,. Bé rất có năng khiếu về văn nghệ đặc biệt là múa rất dẻo. Nhưng cả nhà tôi không biết định hướng cho bé bằng cách nào để thời điểm này bé có thể theo một định hướng tốt ngay từ bây giờ. Mong các chuyên gia tư vấn cho gia đình chúng tôi. Xin chân thành cảm ơn.

TS. Vũ Thu Hương: Đối với đứa trẻ, hạnh phúc quan trọng hơn thành công. Nó thích làm được những gì nó thích. Cho nên hãy cho con làm tất cả mọi thứ xem con thích thứ gì. Mà sở thích của con cũng thay đổi theo thời gian. Cho nên bé mới 5 tuổi thì cứ để bé tham gia thoải mái nhất. Các bé thành công quá sớm cũng không phải là tốt, có khi thất bại còn tốt hơn. Bố mẹ nên theo dõi, con sẽ tự định hướng theo sở thích của con.

Giang3384@gmail.com: Con cháu 3,5 tuổi mà chưa nói sõi. Cháu có bị bệnh gì không thưa bác sĩ? Và chữa thế nào?

PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng:Tạm gọi là bé có tật về nói. Bạn nên đi khám tổng thể xem vấn đề nằm ở đâu. 

TS. Vũ Thu Hương: Vấn đề cũng có thể được lý giải do bé xem TV nhiều quá, bố mẹ ít nói quá nên bé không có nhu cầu giao tiếp. Có trường hợp bố mẹ người Hà Nội mà con nói giọng... Thái Bình vì đó là quê người giúp việc. 

Nguyễn Thị Khoa (32 tuổi - Đại Tra - Đông Phương - Kiến Thụy - Hải Phòng): Chào bác sĩ. Con gái cháu được hơn 10 tháng nặng 8.2 kg. Lúc 15 ngày tuổi, mẹ mất sữa nên bé không đủ sữa, cháu cho uống sữa ngoài bé uống rất ít mà vẫn bị đi ngoài hoa cà hoa cải đến lúc hơn 3 tháng thì dừng không uống nữa. Nhiều lần cháu đổi sữa nhưng bé lại bị đi ngoài. Bé rất lười ăn. Cháu cho đi khám dinh dưỡng bổ sung vi chất dinh dưỡng bibomix, pediahikid, men tiêu hoá lacto pep và uống sữa BA gold thi không bị đi ngoài nhưng tình trạng biếng ăn càng tệ hơn. Cháu đổi từ bột sang cháo, mỳ, bún và các nhóm đạm rau khác nhau mà bé vẫn không chịu, cứ ngậm và nhổ. Cháu rất lo lắng và nản chẳng biết làm thế nào cả. Mong bác sĩ giúp cháu với.

ThS. Lê Thị Hải:Bé như này cũng chưa bị suy dinh dưỡng. Uống sữa relacto hoặc sữa chua. Có thể thay đổi đa dạng cho bé. Một số loại đồ ăn khô như rau củ luộc, cơm xay để bé tự bốc ăn. Bác sĩ đã kê các chất dinh dưỡng vi sinh thì vấn đề chủ yếu do tâm lý của mẹ. Mẹ càng lo lắng, ép con ăn con càng sợ. Trong 1 bữa ăn, cho bé ăn nhiều thứ, mỗi thứ 1 tý để bé không thấy chán. Có thể cho bé ăn thức ăn riêng với nhiều loại. 10 tháng tuổi có thể cho bé tự xúc hoặc tự bốc ăn rồi.

Bạn đọc giấu tên: Bé nhà tôi rất nghịch, thường hay cho các thứ vào miệng. Tôi thường nghe những chuyện hóc hạt nhãn. Mong lời khuyên từ bác sĩ.

PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng:Trẻ đang tìm hiểu thế giới bên ngoài. Lứa tuổi này nên cho trẻ đồ chơi lớn để phòng tai nạn. Có trường hợp bé 18 tháng tuổi đã bắt chước người lớn uống những viên thuốc rất đắng. Bố mẹ cần để trẻ tránh xa đồ chơi trẻ có khả năng cho vào miệng, thậm chí cả giấy. Nhiều trẻ bị bắt ngồi yên thì đã tự cắn móng tay. Hết cắn móng tay lại cắn phần thịt phía trong tay. Không thể cấm trẻ chơi nhưng hãy kiểm soát đồ chơi và việc chơi của trẻ.

Hà Bùi Thu (ha.ulsa2007@gmail.com): Con tôi rất hiếu động, song nếu thu hút cháu vào các hoạt động cháu thích như vẽ tranh, học tiếng Anh... thì cháu rất say mê. Nhưng nếu để cháu chơi tự do thì cháu lại hiếu động quá mức. Vậy tôi có nên dồn cháu vào làm các hoạt động trí óc như trên để tránh tăng động được không. Tôi sợ nếu học hoặc vẽ mãi thì cháu mệt mỏi đầu óc. Con tôi 7 tuổi, đã đi học lớp 2, ở lớp cháu cũng rất thiếu tập trung.

TS. Vũ Thu Hương:Rất nhiều cha mẹ sợ con tăng động, nhưng nên phân biệt tăng động và hiếu động. Bé của chị chỉ là hiếu động, nếu dồn bé vào hoạt động tĩnh bé càng quậy hơn, càng phá hơn. Nên cho bé đi tập thể thao. 7 tuổi đến tuổi chơi thể thao, cho con tham quan 1 số môn thể thao để bé thích và chọn. Ngoài ra, lứa tuổi này nên cho con chơi cát, tăng hoạt động tĩnh, hoạt động não. Người Việt thường sợ con chơi cát sẽ bẩn. Nhưng ít người biết rằng, chỉ cần một bãi cát nhỏ, bé có thể chơi tự do, tăng khả năng sáng tạo. Bé có thể hình dung mọi thứ từ bãi cát. Ở HN, có công viên Thống Nhất có bãi chơi cát lớn, các cháu rất say mê và chơi cả ngày.

Phạm Thị Hương Quỳnh (huongquynh.pham8@gmail.com): Kính chào bác sĩ. Em mới sinh bé được 3 tháng, khoảng 20 ngày trước mắt bé nhà em bị sưng, em có đưa bé đi khám, kết quả là bị viêm mắt. Bác sĩ có cho toa thuốc về nhỏ cho bé. Trong thời gian đó khi em cho bé uống sữa công thức vô tình bé đạp trúng bình sữa nên sữa đổ vào mắt bé rất nhiều. Em có dùng nước muối sinh lý 0,9% để rửa mắt cho bé. Bác sĩ cho em hỏi em xử lý như vậy là đúng hay sai và sữa đổ vào mắt trẻ như vậy có ảnh hưởng gì không? Em đang rất lo lắng, mong bác sĩ giải đáp giúp em, em xin chân thành cảm ơn bác sĩ!

PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng:Nếu sữa đó quá nóng như vừa pha xong, có thể có tổn thương giác mạc, phải rửa ngay bằng nước muối sinh lý vậy cũng được. Nếu sữa đã nguội thì chỉ cần rửa nước mát, nước sạch. Lúc đó cần nhỏ nhiều để sữa ra khỏi mắt. Nếu sữa vừa pha sẽ không nhiễm trùng, đã nguội thì cũng không hại lắm. Bố mẹ có thể yêu tâm. Nếu sau đó mắt vẫn đỏ, ra nhiều gỉ mắt thì bố mẹ phải đưa bé đi khám.

Hòa Thị Dịu (Hà Nội): Thưa bác sĩ con em sinh năm 2008 cháu cao 1m16, nặng 20 kg hiện nay cháu rất biếng ăn và cháu ăn chậm, 1 chén cơm cháu ăn khoảng 1 giờ 30 phút. Bác sĩ có cách nào chỉ giúp bé ăn nhanh nếu không? Ép cháu ăn thì khoảng 1 tuần là mắt cháu trũng sâu và người xanh xao, sụt cân. Em có sử dụng thuốc bổ như Apeton, Neopeptil, kidNest. Lúc đầu thì cháu ăn nhanh, được khoảng 1 tuần thôi rồi đâu lại vào đấy. Cảm ơn Bác sĩ nhiều.

ThS. Lê Thị Hải: Tình trạng chung của nhiều trẻ ở VN và thế giới, khoảng 40-60% trẻ biếng ăn. Càng sẵn đồ ăn trẻ càng biếng ăn. Bố mẹ càng quan tâm quá mức đến ăn uống của bé thì bé càng biếng ăn. Bé 6 tuổi có thể tự ăn. Chiều cao và cân nặng của bé là hoàn toàn bình thường. Không nhất thiết phải kéo dài giờ ăn của bé, chỉ để 30 phút. Nếu bé không ăn có thể cho bé nhịn. Nếu từ bữa này kéo sang bữa kia bé sẽ lửng dạ, không muốn ăn. 6 tuổi hoàn toàn có thể lựa chọn đồ ăn bé thích. Nếu bé thích ăn phở, mì, bún... hơn cơm có thể đổi bữa cho con. Không được chiều con ăn vặt, bé sẽ không muốn ăn bữa chính.

Tóm lại, một số lời khuyên cho bạn: 1. Để trẻ tự chọn đồ ăn. 2. Bữa ăn không kéo dài quá 30 phút. 3. Không cho bé ăn vặt, ăn bù khiến bé lửng dạ hoặc sợ. 4. Thường xuyên thay đổi bữa ăn, hỏi bé muốn ăn gì.

TS. Vũ Thu Hương: Việc biếng ăn phần lớn do bố mẹ ép do phản ứng đẩy lại khi bị ép. Vấn đề tâm lý có khả năng lan truyền. Bố mẹ lo lắng, con sẽ đọc được điều đó và ức chế khi ăn. Bố mẹ nên giải tỏa nỗi lo lắng ăn uống của trẻ. Cứ để trẻ ăn theo nhu cầu. Thêm vào đó, bố mẹ có thể khen khi trẻ ăn tốt.

Nguyễn Thị Lương (31 tuổi - An Dương Vương - Tây Hồ - HN): Em chào chị! Em có một băn khoăn muốn nhờ chị tư vấn hộ em. Bé trai nhà em năm nay được hơn 3 tuổi nhưng rất khó bảo, cháu nghịch ngợm và ương bướng chẳng mấy khi nghe lời bố mẹ và đặc biệt, không bao giờ chào hỏi ai. Dù ngày nào em cũng dạy cháu cách chào hỏi người lớn nhưng không có tác dụng. Nhiều khi em quát mắng thậm chí còn đánh đòn đau cháu cũng không chịu khuất phục. Em phải làm thế nào đây ạ? Xin chị cho em lời khuyên, một số kinh nghiệm kỹ năng giao tiếp cho bé. Cảm ơn chị.

TS. Vũ Thu Hương: 40% bố mẹ gặp vấn đề này. Các con học chào hỏi không thể bằng roi vọt, quát mắng mà bằng sự bắt chước. Bố mẹ hãy chào trước. Chào tất cả mọi người, bé sẽ bắt chước theo và sẽ hình thành thói quen. Người lớn cũng chào trẻ con trước. Nếu trẻ bướng, việc đánh đập con không bao giờ được khuyến khích. Thường trẻ con sẽ ngại làm một việc gì mới, nên người lớn phải từ từ, đừng bắt ép ngay. Mọi công việc trẻ con đều nhìn theo người lớn, hoặc theo bạn bè làm trước. Tấm gương là rất quan trọng, bố mẹ, hay bạn bè cùng trang lứa. Đừng ép trẻ, càng ép càng khó bảo. Việc đánh đập không bao giờ làm trẻ phục. Hãy làm theo kiểu: Nếu con thế này thì mẹ thế kia. Và phải làm đúng những gì đã nói.

PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng:Mọi công việc bé đều nhìn theo bạn. Hãy lấy tấm gương bạn bè đã làm điều tương tự để cho con học tập và làm theo. Hãy biến mình thành những người bạn của con.

Nguyễn Thái Linh (25 tuổi - 17/56 Cát Cụt, An Biên, Lê Chân, Hải Phòng): Chào bác sĩ, hiện nay con cháu được 9 tháng tuổi. Da cháu rất dữ, bị côn trùng nào cắn cũng phải rất lâu sau mới khỏi, mà hay bị đỏ và sưng tấy. Vậy cháu phải làm thế nào ạ?

PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng:Đối với da dị ứng, khi bị côn trùng rất độc cắn, cơ thể sẵn sàng phản ứng lại. Hiện tượng này gặp nhiều ở trẻ em. Nhiều em mẩn đỏ, dị ứng. Nếu ít, không ngứa nhiều có thể để nguyên tự khỏi. Nếu ngứa quá có thể bôi một số loại thuốc làm dịu da. Nếu nặng hơn nữa phải uống thuốc theo sự tư vấn của dược sĩ, bác sĩ. Tuyệt đối không để trẻ gãi vì có thể bị xây xước, biến chứng, nhiễm trùng thì phải chữa khác.

Môi trường xung quanh của trẻ cần sử dụng thuốc xịt phòng, dọn phòng thường xuyên. Các bé hay bị dị ứng thì phải thường xuyên dọn dẹp phòng như rèm cửa, ga đệm… hàng tuần. Do cơ địa của bé, chế độ dinh dưỡng để đỡ hơn sự mẫn cảm với làn da. Bé dị ứng với côn trùng đốt, phấn hoa, bụi... Những bé dị ứng thực phẩm cung cấp chất đạm từ thủy hải sản, bố mẹ phải chú ý xem bé bị dị ứng không. Điều này để phòng hiện tượng bé bị sốc phản vệ, rất nguy hiểm. Có bé dị ứng với sữa cũng cần chú ý, tốt nhất cho bé bú sữa mẹ, hoặc sữa từ đậu nành, thực vật.

ThS. Lê Thị Hải: Thường những cháu dị ứng này thường dị ứng cả thức ăn như thủy hải sản. Nên cho ăn từ từ và theo dõi. Nhiều trường hợp dẫn đến sốc phản vệ. Nếu dị ứng với sữa thì dừng hẳn lại hoặc dùng sữa đậu nành do dùng ít chế phẩm có thể gây dị ứng.

Phạm Thu Hiền (hienpt20t@yahoo.com): Chào bác sĩ! Tôi muốn được tư vấn về chế độ dinh dưỡng cho bé: Con tôi được 12,5 tháng tuổi, hiện tại cháu được 9kg. Hàng ngày tôi cho cháu ăn như sau: 6h30 sáng dậy uống 110ml, 8h cháu ăn 1 bát cháo, sau đó uống bổ sung canxi. Cháu có ngủ ngắn từ 9h30 -10h30. Khoảng 12h cháu ăn cháo, sau đó ngủ trưa khoảng 2h đồng hồ. Khi cháu ngủ dậy, tôi cho cháu uống 110ml sữa, khoảng 1 tiếng sau thì cháu ăn 1 hộp sữa chua. 18h30 cháu ăn 1 bát cháo, 20h uống 110ml và đi ngủ. Đêm cháu không dậy ăn, ngủ 1 mạch đến sáng (thỉnh thoảng có đêm cháu dậy khóc, nhưng không ăn). Xin hỏi con tôi uống sữa như vậy có ít so với tuổi của cháu không? Mong bác sĩ tư vấn chế độ ăn, uống hợp lý để con tôi phát triển tốt cả về chất và lượng. Con tôi lười uống sữa, lần nào uống cũng chỉ được khoảng 110ml, tôi cũng đã đổi sữa cho cháu. Cháu có vẻ thích ăn cháo hơn.

ThS. Lê Thị Hải: Cân nặng và số tháng của bé như thế là bình thường. Cháo 3 bữa 1 ngày như thế là tạm ổn. Không rõ bé có bú mẹ không. Nếu vẫn bú thì sữa vậy là đủ. Nếu đã cai sữa thì bé uống sữa như vậy là hơi ít. 400-500ml sữa 1 ngày với bé trên 1 tuổi gồm bú mẹ, sữa nước, sữa chua là được. Chị cần đưa bé đi khám hiện tượng bé khóc đêm.

Với những bé từ 1 tuổi, bà mẹ có thể cho bé tự xúc ăn. Cũng là một cách dạy con tự lập. Con lười uống sữa, thích ăn cháo hơn, bố mẹ nên quan tâm, để ý đến sở thích của con. Nếu con thích ăn cháo thì có thể tăng lượng cháo. Thay thế loại sữa phù hợp với sở thích của con như sữa chua, váng sữa, phô mai.

Trần Vân (33 tuổi, Hoài Đức - HN): Xin các bác tư vấn giúp em làm sao để dạy con có tính tự giác trong việc học tập, trong sinh hoạt và biết kỹ năng sống. Năm nay cháu học lớp 4, cháu gái. Em xin cảm ơn!

TS. Vũ Thu Hương:Dạy con tự lập, tự giác là một trong những trách nhiệm quan trọng của cha mẹ. Muốn con tự lập, trang bị cho con, khích lệ con có ý thức hơn. Nếu lúc nào cũng bắt con học đi, chúng nghĩ đó là việc của bố mẹ, bố mẹ nhắc mới học. Cứ phải để cho con không làm bài, sẽ bị cô giáo phạt, nó sẽ hiểu đó là nhiệm vụ và phải tự giác. Nên dạy con tính tự giác từ nhỏ. Ví dụ đưa cho con mảnh giấy ghi những đồ cần mua và một số tiền, mẹ đi lén đằng sau con. Khi con mua được món đồ, con sẽ rất vui vì đã làm được một việc tưởng như của người lớn. Bạn cũng có thể dạy con một số việc vặt trong gia đình, chăm sóc người khác.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!