Tư vấn trực tuyến: Phòng chống bệnh tiêu chảy

Kỹ năng sống - 04/29/2024

ThS.BS. Lê Xuân Thủy, tới từ Bộ Y tế sẽ giải đáp những thắc mắc của bạn đọc về dịch bệnh này.

Để giúp các bạn hiểu rõ về sự nguy hiểm của bệnh tiêu chảy cũng như những biện pháp phòng tránh căn bệnh này, SongKhoe.vn sẽ tổ chức buổi tư vấn trực tuyến chủ đề 'Phòng chống bệnh tiêu chảy' với sự tham gia của chuyên gia, ThS.BS. Lê Xuân Thủy, tới từ Bộ Y tế.

Tư vấn trực tuyến: Phòng chống bệnh tiêu chảy

ThS.BS. Lê Xuân Thủy tư vấn trực tuyến

Trần Hùng hỏi: Khi tôi bị tiêu chảy, đến nhà thuốc thì được bán Smecta của Pháp và uống thì hết, như vậy sau này nếu có tiêu chảy, tôi có thể tự dùng Smecta được không?

ThS.BS. Lê Xuân Thủy:Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau có thể gây ra bệnh tiêu chảy, smecta hay bất kỳ 1 loại thuốc nào cũng chỉ chữa được 1 trong các nguyên nhân đó nên chưa chắc lần sau bạn bị tiêu chảy mà dung smecta sẽ khỏi. Nói chung bạn nên có tư vấn của bác sỹ thì điều trị sẽ đúng và có hiệu quả hơn. Chúc bạn luôn khỏe, hạnh phúc.

Mr lovely hỏi: Bác sĩ cho em hỏi con gái nhà em được 4 tháng, cháu nặng 7kg. Gần 1 tháng nay, mỗi ngày cháu đi ngoài 2 lần, phân lỏng có mùi chua. Em đã cho cháu uống các loại men tiêu hóa nhưng hiện tượng trên vẫn không thay đổi. Hiện cháy vẫn đang bú sữa mẹ. Bác sĩ cho em hỏi cháu có phải bị tiêu chảy không và em có cần phải làm xét nghiệm gì và uống thuốc gì cho cháu không? Em cảm ơn.   

ThS.BS. Lê Xuân Thủy:Tình trạng như con của bạn thì chưa phải là mức độ bị tiêu chảy, các cháu bé 0 - 12 tháng tuổi vẫn thường bị như vậy. Con bạn vẫn đang phát triển và cân nặng bình thường như vậy nên hiện tại theo tôi bạn chưa cần làm xét nghiệm gì và chưa cần cho uống thuốc. Chúc bé hay ăn chóng lớn.

Xuân Huy hỏi: Thưa Bác sĩ, dấu hiệu ban đầu của bệnh như thế nào? thường đi bao nhịêu lần trong ngày thì được xem là đã nhiễm bệnh? trẻ em đi học phòng bệnh bằng cách nào? có thuốc gì để phòng bệnh không? Xin cảm ơn Bác sĩ.

ThS.BS. Lê Xuân Thủy:Một người bị đi ngoài phân lỏng ba lần hoặc nhiều hơn mỗi ngày, với các triệu chứng kèm theo như nôn, mất nước, rối loạn điện giải… thì có thể coi là đã bị nhiễm bệnh tiêu chảy cấp.

Với các trẻ em đi học thì cần thực hiện các biện pháp sau để phòng bệnh tiêu chảy:

1. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường:

• Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

• Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, không đi tiêu bừa bãi.

• Bảo đảm vệ sinh trường lớp và môi trường xung quanh.

2. Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm:

• Thực hiện ăn chín, uống chín, không uống nước lã.

• Không ăn các thức ăn chưa được chế biến và nấu chín, các thức ăn còn sống như rau sống, gỏi cá, tiết canh...

• Rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn để đảm bảo không làm nhiễm mầm bệnh từ tay bẩn vào thức ăn.

3. Bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch:

• Nhà trường cần đảm bảo nguồn nước ăn uống, sinh hoạt phải được bảo vệ sạch sẽ, có nắp đậy, không để nguồn nước bẩn từ bên ngoài như ao, hồ, sông, suối... chảy vào.

• Ở những nơi không có nước máy mà đang có dịch tiêu chảy thì tất cả nước ăn uống đều phải được sát khuẩn bằng cloramin B.

• Không đổ phân, chất thải, nước giặt rửa xuống giếng, ao, hồ, sông, suối..

. Về thuốc phòng bệnh: cho trẻ dung vắc xin rota virus nếu trẻ dưới 6 tháng tuổi, cho dung vắc-xin Tả (do cơ quan y tế cấp) nếu trong vùng đang có dịch hoặc nguy cơ cao có dịch Tả.

Hoang Thuan hỏi: Con gái tôi được 4 tháng rưỡi, cháu bị tiêu chảy 10 ngày rồi tôi đã cho cháu đi khám. Bác sĩ cho thuốc smecta, thuốc entrogimina, và nước vôi nhì nhưng vẫn không khỏi, cháu vẫn đi 4-5 lần, phân có màu hơi xanh và chua; vậy tôi phải chữa như thế nào?

ThS.BS. Lê Xuân Thủy:Có rất nhiều nguyên nhân gây tiêu chảy (ngộ độc thức ăn, nhiễm vi rút, vi khuẩn…). Tốt nhất bạn nên đưa cháu đi xét nghiệm nghiệm phân để tìm nguyên nhân gây tiêu chảy, lúc đó sẽ có hướng điều trị cụ thể.

Chien Thang hỏi: Con tôi đc 3 tháng 10 ngày, bé gái nặng 6 kg, mới chích ngừa mũi thứ 2 (6 trong 1) tại bệnh viện Từ Dũ. Bác sĩ cho biết ở bệnh viện có uống vắc-xin phòng tiêu chảy cấp không? Bé nên uống vắc-xin vào tháng thứ mấy?   

ThS.BS. Lê Xuân Thủy:Vắc- xin ngừa tiêu chảy do Rotavi-rút được cho trẻ uống từ 6 tuần tuổi trở đi, uống 2  lần cách nhau ít nhất là 1 tháng & nên uống trước 6 tháng tuổi, tại các Trung tâm Y tế dự phòng hoặc các Bệnh viện Nhi, Sản. Bé nhà bạn vẫn còn trong độ tuổi có thể chủng ngừa, bạn nên đưa trẻ gặp bác sĩ để được tư vấn thêm ngay từ bây giờ.

Kenny hỏi: Thưa bác sĩ, Tôi năm nay 22 tuổi, tôi bị bệnh đau bụng đi ngoài từ nhỏ cứ mỗi khi ăn những thứ đồ ăn chua ngọt hoặc uống một hộp sữa thì trong bụng bất đầu sôi sùng sục rồi đến ngày hôm sau là bắt đầu đi ngoài, tiêu chảy. Tôi cũng đã uống nhiều loại thuốc nhưng vẫn không khỏi nên giờ tôi cảm thấy rất hoang mang không biết mình bị bệnh gì? Mong bác sĩ giúp đỡ!

ThS.BS. Lê Xuân Thủy:Có lẽ bạn nên đến bệnh viện để khám, xét nghiệm, nhớ mang theo các đơn thuốc đã uống trước đây để bác sỹ tư vấn cho bạn hướng điều trị phù hợp.

Quang Phú hỏi: Thưa Bác sĩ! Tôi hay bị tiêu chảy và đi phân lỏng trong thời gian dài. Xin Bác sĩ hướng dẫn cho tôi cách điều trị và tôi biết nguyên nhân cũng có thể là do thói quen nhịn ăn sáng của tôi, cũng bởi thói quen đó mà giờ tôi hầu như không thấy đói vào buổi sáng, cảm thấy ăn không ngon miêng vào buổi sáng.

ThS.BS. Lê Xuân Thủy:Trước hết, anh không nên nhịn ăn sáng vì bữa sáng rất cần thiết cho cơ thể. Về vấn đề bị tiêu chảy và đi ngoài phân lỏng trong thời gian dài thì có thể anh bị rối loạn hệ vi khuẩn hoặc men tiêu hóa. Nếu ở anh không có các nguyên nhân gì khác như uống rượu bia nhiều, kéo dài, bị các bệnh lý như bệnh về gan... thì anh có thể nên uống thử một đợt men tiêu hóa, nếu vẫn không đỡ thì cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn.

Dung Hà Chào Bác sĩ! Em tôi năm nay 2 tuổi em tôi hai hôm nay bị sốt tiêu chảy nôn. Xin hỏi Bác sĩ em tôi bị bệnh gì? Và cách điều trị như thế nào? Xin cảm ơn Bác sĩ.

ThS.BS. Lê Xuân Thủy:Với thông tin chung chung như của bạn thì rất khó để chẩn đoán em bạn bị bệnh gì, chúng tôi cần phải biết cụ thể các triệu chứng chi tiết hơn. Vì vậy bạn nên sớm đưa em bạn đến cơ sở y tế hoặc bác sỹ và mô tả các triệu chứng chi tiết hơn, từ đó để có hướng điều trị kịp thời.

Phú Bé hỏi: Hàng xóm nhà tôi suýt mất mạng bởi mất nước do bị tiêu chảy. Bác sĩ khuyến cáo nên bù nước cho trẻ với Oreson (ORS). Xin chuyên mục tư vấn cách pha chế ORS; ở vùng quê, miền núi không có ORS thì bù bằng nước nào?

ThS.BS. Lê Xuân Thủy:Oresol rất tốt cho trẻ bị tiêu chảy vì nó giúp bù nước, điện giải - thành phần quan trọng cho sự sống của cơ thể. Cách sử dụng Oresol như sau: Tùy hàm lượng gói Oresol mà bạn có thể pha gói Oresol với bao nhiêu ml nước (trước đây thông thường 1 gói Oresol pha với 1 lít nước). Bạn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để biết cách pha như thế nào và pha với bao nhiêu nước. Nhưng nhìn chung cần nhớ rằng, khi bóc 1 gói Oresol thì pha hết vào nước trong 1 lần (với số nước theo hướng dẫn), không được pha nửa gói hoặc 1 phần rồi để lại lần sau pha tiếp vì sẽ dẫn đến nồng độ Oresol không đảm bảo, có thể cao quá hoặc thấp quá, khi uống vào sẽ có hại cho cơ thể chứ chưa nói đến khỏi bệnh.

Cần lưu ý thêm dụng cụ pha, chứa phải sạch, nước dùng để pha cũng phải là nước sạch, đã được đun sôi, để nguội. Sau khi pha và cho trẻ uống phải đậy kín. Mỗi lần pha chỉ sử dụng trong một thời gian nhất định, không để quá lâu hoặc để sang ngày hôm sau, (VD nếu không uống hết thì ngày hôm sau cũng đổ đi, pha gói khác để uống). Nếu không có Oresol thì có thể dùng các sản phẩm khác như nước cháo muối, nước gạo rang: Nước cháo muối: 1 nắm gạo (50g) + 1 nhúm muối (3,5g) + 6 bát ăn cơm nước, đun nhừ lọc lấy nước đủ 1 lít. Nước gạo rang: 50g gạo rang vàng và nấu như nước cháo muối.

Hà Con hỏi: Tôi bị tiêu chảy, bà con đến chơi mách chữa bằng cách cho ăn súp cà rốt. Tôi cho cháu ăn thử, quả nhiên mấy ngày sau cháu đỡ hẳn. Vì sao vậy?

ThS.BS. Lê Xuân Thủy:Súp cà rốt là loại thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho trẻ, nhưng lại mềm, dễ tiêu hóa, đặc biệt là đối với những trẻ đang bị tiêu chảy. Vì vậy con bạn ăn loại thực phẩm này sẽ dễ tiêu hóa, bổ sung chất dinh dưỡng tốt, góp phần giúp bé chóng khỏe hơn.

Hương Lan hỏi: Bố tôi hay có biểu hiện đau bụng, đi tiêu chảy lúc gần sáng sớm, có lúc đi tiểu không tự chủ. Xin hỏi là bệnh gì và có món ăn nào hỗ trợ điều trị bệnh?   

ThS.BS. Lê Xuân Thủy:Trường hợp của bố bạn nghĩ nhiều đến bị Hội chứng ruột kích thích. Hội chứng ruột kích thích là bệnh do rối loạn chức năng của ruột dẫn đến đau thắt ruột. Bệnh lành tính, không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh. Những người bị hội chứng ruột kích thích có những cơn đau thắt ruột gây cảm giác phải đi ngoài, tieu chảy, đau bụng thường giảm đi sau khi đại tiện. Người bệnh không sụt cân, siêu âm bụng và xét nghiệm đều bình thường, chụp X-quang đại tràng có thể có hình ảnh tăng hoặc giảm co bóp hay rối loạn co bóp, nhưng khi soi toàn bộ đại tràng thì niêm mạc hoàn toàn bình thường. Xét nghiệm phân cũng không có gì thay đổi rõ rệt.

Cần ăn uống, vận động hợp lý

Nguyên nhân của hội chứng ruột kích thích đến nay vẫn chưa được biết đến và chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Theo một số nghiên cứu thì hội chứng này là rối loạn chức năng bởi vì không có một dấu hiệu bệnh nào được tìm thấy khi khám đại tràng. Nó làm cho người bệnh khó chịu, mất tự tin; nhưng bệnh này hoàn toàn không gây hại đến đường ruột, không gây chảy máu hay một bệnh trầm trọng nào ở ruột.

Mặc dù là bệnh lành tính, không gây tử vong nhưng để điều trị dứt không phải dễ. Việc điều trị chủ yếu làm giảm triệu chứng giúp cho người bệnh đỡ khó chịu. Chế độ ăn rất quan trọng, nên có chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý, hạn chế sử dụng những thức ăn dễ kích thích như bia rượu, cà phê, thức ăn cay chua, chất béo, thức ăn dễ tạo men. Chế độ làm việc điều độ, tăng hoạt động thể lực, cố gắng tạo được giấc ngủ sâu, ngủ đủ, tránh tình trạng căng thẳng... sẽ góp phần làm cho hội chứng ruột kích thích luôn được ổn định và cũng là cách đề phòng hữu hiệu nhất.

Phương Lan hỏi: Các cháu bị tiêu chảy cấp nên ăn uống như thế nào? Có phải kiêng khem gì không? Có ăn sữa bò được không? Xin Bác sĩ hướng dẫn cụ thể.

ThS.BS. Lê Xuân Thủy:Với các trẻ bị tiêu chảy cấp thì ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sỹ, việc quan trọng nữa là bù nước, điện giải và chế độ ăn. Về bù nước, điện giải: Cho uống oresol (pha theo chỉ dẫn) và các loại nước khác (nước cháo muối, nước gạo rang). Ngay từ ngày đầu tiêu chảy, cứ sau mỗi lần đi tiêu cho trẻ uống từ 50 - 100ml đối với trẻ dưới 2 tuổi và từ 100 - 200ml đối với trẻ trên 2 tuổi. Nước cháo muối: 1 nắm gạo (50g) + 1 nhúm muối (3,5g) + 6 bát ăn cơm nước, đun nhừ lọc lấy nước đủ 1 lít. Nước gạo rang: 50g gạo rang vàng và nấu như nước cháo muối.

Về chế độ ăn: Trẻ bú mẹ vẫn cho bú bình thường và tăng thêm số lần bú. Trẻ không bú mẹ: pha loãng sữa bột với nước cháo hoặc nước cà rốt (pha loãng bằng 1/2 so với bình thường), cho ăn nhiều bữa trong ngày. Đối với trẻ đã ăn bổ sung: ngoài sữa mẹ cho ăn bột, cháo, súp nấu với thịt lợn nạc, thịt gà, cà rốt, nấu nhừ loãng hơn bình thường và cho thêm dầu thực vật. Cho trẻ ăn nhiều bữa trong ngày (6-8 bữa/ngày). Khi trẻ đỡ tiêu chảy thì chuyển dần sang chế độ ăn bình thường.

Các loại thực phẩm nên dùng khi trẻ bị tiêu chảy cấp: Gạo (bột gạo), khoai tây, cà rốt. Thịt gà, thịt lợn nạc. Sữa đậu nành, sữa bò ít lactose hoặc không có lactose. Chuối, hồng xiêm. Dầu thực vật Thực phẩm cần tránh: Sữa bò, sữa đặc có đường. Các loại nước giải khát công nghiệp có ga và nhiều đường; Các loại thực phẩm có nhiều xơ, ít chất dinh dưỡng như: tinh bột nguyên hạt (đỗ, ngô) và các loại rau có nhiều chất xơ; Các loại thức ăn có nhiều đường: bánh, kẹo... Các thức ăn chế biến sẵn: giò, chả, xúc xích, thịt hun khói, patê...

NTT hỏi: Bé nhà em đc hơn 7 tháng tuổi cháu bị đi phân lỏng gần tuần nay em đi khám Bác sĩ kê thuốc cho uống smecta và men nhưng đến nay cháu vẫn không đỡ ngày đi 3-4 lần (phân lỏng màu vàng). Em mua thuốc ercefuryl thì thấy cháu đi ngoài có phân màu đen liệu có sao không Bác sĩ và dùng thuốc đấy có hại gì không. Hiện cháu vẫn ăn uống và khỏe mạnh.   

ThS.BS. Lê Xuân Thủy:Ercefuryl bản chất là thuốc kháng khuẩn đường ruột, dùng để điều trị tiêu chảy cấp tính do nhiễm khuẩn và sau khi uống Ercefuryl phân của trẻ cũng thường có màu xanh hoặc xanh đen. Thuốc này ít biến chứng hoặc gây hại cho người dùng.

Với con của bạn thì sau khi uống uống smecta và men tiêu hóa mà chưa cải thiện hoàn toàn thì cho uống Ercefuryl là một lựa chọn hợp lý. Bạn có thể tiếp tục cho cháu uống Ercefuryl đến tối đa là đủ 7 ngày.

Nếu hết 7 ngày mà đường tiêu hóa của cháu vẫn chưa ổn hoặc nặng hơn thì bạn đưa cháu đến bác sỹ khám lại để có hướng điều trị thích hợp.

Lưu Nguyệt hỏi: Con tôi 2 tuổi, cháu đã mấy lần bị tiêu chảy cấp, mỗi lần kéo dài hàng tuần. Theo Bác sĩ nói, cháu bị tiêu chảy do rotavirus. Vậy xin Bác sĩ có thể giải thích cho tôi rõ hơn về bệnh này?

ThS.BS. Lê Xuân Thủy:Tiêu chảy cấp do vi-rút Rota là bệnh cấp tính do vi-rút gây nên; Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ với các triệu chứng chính là nôn ói, tiêu chảy, đau bụng... Do vừa bị nôn và tiêu chảy nhiều, trẻ bị nhiễm vi-rút Rota rất dễ bị mất nước nếu không được chăm sóc thích hợp. Biến chứng nguy hiểm và trầm trọng của bệnh là khô kiệt do mất nước và mất muối, dễ dẫn đến trụy mạch và tử vong nếu không được bù nước kịp thời. Các biểu hiện của mất nước bao gồm: khát nước, môi khô, lưỡi khô, da khô, tiểu ít, kích thích, quấy khóc.

Một vấn đề nữa là bệnh này chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vi-rút Rota lây truyền qua đường phân - miệng, ngoài ra có thể lây theo đường hô hấp. Trẻ em có thể nhiễm cả trước và sau khi bị ốm kèm theo tiêu chảy. Tiêu chảy cấp do vi-rút Rota có thể phòng được bằng cách sử dụng vắc-xin cho trẻ (dùng trước khi trẻ được 6 tháng tuổi).

Vương Dạ Thi hỏi: Xin Bác sĩ cho biết, đối với trẻ bị tiêu chảy thì trong trường hợp nào nên cho trẻ đến bệnh viện để điều trị? Xin cảm ơn Bác sĩ!

ThS.BS. Lê Xuân Thủy:Nhìn chung khi bé bị tiêu chảy đều cần phải được đưa đến cơ sở y tế hoặc bác sỹ để được khám, tư vấn, điều trị. Trường hợp bị nhẹ thì có thể điều trị tại nhà. Nếu trẻ có các dấu hiệu: không uống, không bú được, mất nước vừa hoặc nặng: khô mắt, niêm mạc môi, miệng khô, da nhăn nheo, các trẻ nhỏ có thể thóp lõm xuống, mắt trũng lại, ngủ mắt nhắm không kín, trẻ khóc không có nước mắt, nước dãi, có khi vật vã, li bì, hôn mê, hoặc có những cơn co giật… thì phải đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Loan hỏi: Trong vùng lũ lụt, bà con phải chống chọi với thiên tai, nhiều khi phải vận động vất vả, dầm mưa, ngâm nước, nhịn đói... sức khỏe giảm sút dễ mắc bệnh đường tiêu hóa, nhất là tiêu chảy. Vậy phải làm gì để phòng chống bệnh hiệu quả?

ThS.BS. Lê Xuân Thủy:Để phòng chống bệnh đường tiêu hóa, tiêu chảy trong vùng lũ lụt, bà con cần thực hiện các biện pháp sau:

1. Bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch:

• Nguồn nước ăn uống, sinh hoạt của các gia đình phải được bảo vệ sạch sẽ, có nắp đậy, không để nguồn nước bẩn từ bên ngoài như ao, hồ, sông, suối... chảy vào.

• Ở những nơi không có nước máy mà thì tất cả nước ăn uống đều phải được sát khuẩn (VD: cloramin B).

• Cấm đổ phân, chất thải, nước giặt rửa và đồ dùng của người bệnh xuống giếng, ao, hồ, sông, suối...

2. Tăng cường vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường:

• Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

• Mỗi gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, không đi tiêu bừa bãi; không đổ rác thải, phân xuống ao, hồ; không sử dụng phân tươi, phân chưa xử lý đảm bảo vệ sinh để bón cây trồng.

• Bảo đảm vệ sinh nhà cửa và môi trường xung quanh.

3. Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm:

• Mọi người, mọi nhà đều thực hiện ăn chín, uống chín, không uống nước lã.

• Không ăn các thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn chưa được chế biến và nấu chín, các thức ăn còn sống như gỏi cá, tiết canh...

• Rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn để đảm bảo không làm nhiễm mầm bệnh từ tay bẩn vào thức ăn.

4. Xử trí khi có người bị tiêu chảy cấp:

• Phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời, không được để bệnh nhân ở nhà hoặc mua thuốc tự điều trị vì có thể nguy hiểm đến tính mạng và làm lây lan bệnh dịch sang cho gia đình và cộng đồng.

Tư vấn trực tuyến: Phòng chống bệnh tiêu chảy

Việt hỏi: Thưa Bác sĩ, con em được 1,5 tháng. Đến 2 tháng em sẽ đưa con đi chích ngừa mũi 6 trong 1. Bác sĩ cho em hỏi em dự định sẽ cho bé uống luôn vắc-xin phòng tiêu chảy cấp thì có được không? việc chích và uống cùng lúc như vậy có ảnh hưởng gì không? Em nghe 1 số thông tin cho rằng uống loại vắc-xin trên sẽ có phản ứng phụ là bé biếng ăn, hay nôn trớ và tiêu chảy thì có đúng không? sắp đến ngày đi chích ngừa rồi mà e còn phân vân quá, mong Bác sĩ giải đáp sớm giúp em, em cảm ơn nhiều.

ThS.BS. Lê Xuân Thủy:Bạn hoàn toàn có thể cho cháu cùng chích ngừa vắc-xin 6 trong 1 và uống vắc-xin phòng tiêu chảy trong một ngày. Sau khi uống vắc-xin phòng tiêu chảy có thể bé sẽ có những tác dụng phụ như bạn nói nhưng không đáng lo lắng vì những tác dụng phụ này sẽ hết và thường không gây hậu quả gì nghiêm trọng. Tuy nhiên bạn nên cho con chích ngừa và uống vắc-xin như vậy vào ngày cháu khỏe mạnh, không bị sốt hoặc một bệnh lý gì khác và cần theo dõi cháu cẩn thận sau khi dùng vắc-xin.

Huong Ha hỏi: Con em 2 tháng tuổi, em có cho bé uống vacxin ngừa tiêu chảy cấp. Bé uống vắc-xin lúc 10h10, đến 12h, em cho bé bú bình, bé bị ọc sữa. Bác sĩ làm ơn cho em hỏi với thời gian như vậy, thì vắc-xin đã có tác dụng chưa? Em sợ thuốc bị ọc ra ngoài hết, không còn tác dụng nữa. Em cảm ơn Bác sĩ. Mong Bác sĩ trả lời giúp em!

ThS.BS. Lê Xuân Thủy:Với thời gian như vậy thì vắc-xin đã cơ bản được hấp thu nên vẫn có tác dụng gây miễn dịch phòng bệnh cho con bạn. Bạn không cần cho trẻ uống lại. Tuy nhiên, bạn nhớ cho con uống tiếp liều thứ hai theo đúng phác đồ của vắc xin này, và lần uống sau cũng sẽ gây miễn dịch, hỗ trợ thêm cho lần uống thứ nhất (nếu thiếu hụt), và bạn nhớ cho con uống lần hai trước khi được 6 tháng tuổi.

0_ten hỏi: Thưa Bác sĩ, bé nhà tôi mới 4 tháng tuổi nhưng rất hay bị tiêu chảy. Làm sao để phân biệt tiêu chảy do vi-rút Rota với các lại tiêu chảy khác? Có cách nào để phòng ngừa bệnh này một cách hiệu quả không? 

ThS.BS. Lê Xuân Thủy: Tiêu chảy là bệnh thường gặp ở trẻ em. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra như rối loạn tiêu hóa, thành ruột yếu và phổ biến nhất do nhiễm khuẩn, trong đó nguy hiểm hơn, trẻ  có thể bị tiêu chảy do nhiễm một loại vi-rút có tên là Rota vi-rút.
Tiêu chảy do nhiễm Rota vi-rút nguy hiểm hơn tiêu chảy do các nguyên nhân khác rất nhiều. Trẻ nhiễm Rota vi-rút có thễ dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Sau khi bị lây nhiễm khoảng 24-48h, bệnh bắt đầu bằng những triệu chứng: sốt, nôn nhiều và sau đó là tiêu chảy. Phân lỏng hoàn toàn, có lúc màu xanh nhưng không có máu, tiêu chảy & nôn ói lên đến 20 lần mỗi ngày.

Triệuchứng này dẫn đến mất nước và điện giải.Thông thường bệnh kéo dài từ 3-8ngày, một số trường hợp có thế kéo dài đến 2 tuần.
Vì lớp bảo vệ của ruột non bị phá hủy & tổn thương do Rota vi-rút nên ảnh hưởng đến sự hấp thu của thức ăn đặc biệt là sữa. Khi đó, trẻ có thể trở nên không dung nạp men lactose (men phân hủy sữa), khiến bé tạm thời  không thể hấp thu sữa hoàn toàn và tiếp đến có những triệu chứng như đau bụng, đau mông, tiêu chảy nhiều hơn và đầy hơi, khó tiêu. Điều này dẫn đến tình trạng sụt cân và suy dinh dưỡng ở trẻ bị tiêu chảy. Các biến chứng liên quan tới sự mấ tcân bằng muối và nước có thể dẫn đến suy yếu, đầy hơi và mất cân bằng acid máu,thường phải nhập viện kịp thời để điều trị. Khi không được điều trị thích hợp, tiêu chảy có thê dẫn đến tử vong.
Tiêu chảy do Rota vi-rút nguy hiểm hơn các bệnh tiêu chảy khácvì hiện nay bệnh này chưa có thuốc đặc trị. Các trường hợp sử dụng kháng sinh không có tác dụng làm giảm nhẹ bệnh mà có thể còn làm trầm trọng hơn tình trạng tiêu chảy. Để phân biệt tiêu chảy do Rotavi-rút hay tác nhân khác thường dựa vào các triệu chứng nêu trên và được khẳng định bằng xét nghiệm.

Rất may là để phòng ngừa chủ động và hiệu quả bệnh này đã cóvắc-xin và vắc-xin này chỉ hiệu quả cho trẻ em trong độ tuổi dưới 6 tháng tuổi.Vắc-xin ngừa tiêu chảy do Rotavi-rút là loại vắc- xin uống, đang được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo sử dụng  và đã được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Hiện nay việc chủng ngừa tiêu chảy do Rota vi-rút chưa được cập nhật vào chương trình tiêm chủng mở rộng, chính vì thế mà trẻ cần được uống bổ sung thêm vắc-xin ngừa tiêu chảy do Rota vi-rút càng sớm càng tốt chứ không phải đợi đến khi trẻ trong giai đoạn nhiễm bệnh.

Trẻ 4 tháng mà thường xuyên bị tiêu chảy thì nguyên nhân thường không phải là tiêu chảy chỉ do Rota vi-rút. Cách phòng ngừa bệnh hiệu quả và đặc hiệu nhất là sử dụng vắc-xin Rota để loại trừ bị bệnh do vi rút này. Mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm Rota vi-rút. Tuy nhiên hay gặp ở trẻ từ 6 tháng tuổi đến 2 tuổi.

Khi trẻ bị tiêu chảy do Rota vi-rút có thể ở mức độ nặng nhẹ khác nhau do nhiễm các chủng Rota khác nhau. Vắc- xin rotarix chỉ phòng ngừa hiệu quả nhất 1 chủng Rota nguy hiểm, song cũng có thể phòng chéo sang một vài chủng khác.

Vắc- xin ngừa tiêu chảy do Rotavi-rút được cho trẻ uống từ 6 tuần tuổi trở đi, uống 2 lần cách nhau ít nhất là 1 tháng & nên uống trước 6 tháng tuổi. Bé nhà bạn vẫn còn trong độ tuổi có thể chủng ngừa, bạn nên đưa trẻ gặp bác sĩ để được tư vấn thêm ngay từ lúc này.

butbiden hỏi: Tiêu chảy do vi rút Rota có dễ lây lan không? Bé trong độ tuổi nào dễ mắc bệnh nhất? Làm sao để giúp bé phòng bệnh tốt nhất?  

ThS.BS. Lê Xuân Thủy: Rota virus là một loại vi-rút thường gây ra tiêu chảy cấp ở trẻ em. Rota vi-rút lây nhiễm qua đường tiêu hóa và khả năng lây nhiễm rất cao. Loại vi-rút này được thải ra theo đường tiêu hóa tồn tại trong môi trường và lưu lại trên tay vài giờ và trên bề mặt rắn (đồ chơi của bé, chăn màn…) khoảng vài ngày. Khi trẻ nhiễm Rota vi-rút sẽ đào thải ra ngoài một lượng vi-rút rất lớn đến 10 ngàn tỷ nhưng chỉ cần một lượng rất nhỏ là có thể lây nhiễm và gây bệnh cho người. Nếu như trẻ cho tay vào miệng sau khi tiếp xúc với các vật dụng mang vi-rút thì nên khả năng nhiễm tiêu chảy cấp là rất cao. Gần đây, một số nhà khoa học nghi ngờ Rota vi-rút cũng có thể truyền qua không khí vì vi-rút được tìm thấy trong dịch tiết đường hô hấp của những trẻ bị bệnh.

Thống kê cho thấy trẻ mắc bệnh tiêu chảy do Rota vi-rút ít nhất 1 lần trong 5 năm đầu đời. Tại Việt Nam, đa số các ca tiêu chảy do Rota vi-rút rơi vào lứa tuổi từ 3 – 17 tháng. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu của các ca nhập viện và có thể gây tử vong ở trẻ. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc trị căn bệnh này.

Với khả năng phát tán của một lượng lớn Rota vi-rút và khả năng tồntại trong môi trường lên đến 21 ngày thì việc giữ vệ sinh, ăn sạch, uống sạch cũng khó mà hạn chế khả năng lây nhiễm của vi-rút Rota. Để chủ động phòng bệnh truyền nhiễm an toàn, hiệu quả là sử dung vắc- xin phòng ngừa. Hiện nay đã có vắc- xin phòng bệnh tiêu chảy do Rota vi-rút gây bệnh. Tổ chức y tế thế giới đã khuyến cáo nên chủng ngừa cho tất cả trẻ nhỏ để phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này. Vắc-xin phòng tiêu chảy do Rotavi-rút được cho trẻ uống từ 6 tuần tuổi trở đi, uống 2  lần cách nhau ít nhất là 1 tháng & nên uống trước 6 tháng tuổi. Điều quan trọng là phải bảo vệ trẻ càng sớm càng tốt trước khi trẻ bước vào thời kỳ nhiễm Rota vi-rút nguy hiểm là từ 6 tháng đến 2 tuổi. Vì vậy nên cho trẻ uống sớm vào lúc 6 tuần tuổi và tốt nhất là nên hoàn tất việc chủng ngừa trước 6 tháng tuổi.

Cha mẹ có con nhỏ dưới 6 tháng tuổi nên cho con đến các Trung tâm Y tế dự phòng để được chủng ngừa Rota vi-rút cho con mình.

Lan Anh: Xin hỏi, sử dụng vắc xin Rotavin-M1 như thế nào để phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ một cách hiệu quả?

ThS.BS. Lê Xuân Thủy:Vắc xin Rotavin-M1 là dạng vắc xin sống giảm độc lực, được dùng để uống (không được tiêm) để phòng bệnh tiêu chảy do rota vi-rút cho trẻ em dưới 5 tuổi. Cách sử dụng: liều đầu tiên cho uống khi trẻ được 6 - 10 tuần tuổi; liều thứ hai cách liều đầu tiên trong vòng hai tháng và cần cho trẻ uống liều thứ hai trước khi trẻ được 6 tháng tuổi. Chúc bé nhà bạn hay ăn chóng lớn.

Thu Thủy Nguyễn hỏi: Em đọc được thông tin trên mạng. Có bà mẹ khẳng định là cho con uống thuốc ngừa tiêu chảy cấp bị lồng ruột mà triệu chứng của lồng ruột là táo bón... Con em lúc 2 tháng tuổi cũng được Bác sĩ tư vấn uống thuốc này. Và em đã cho bé uống đúng liều chỉ định. Và bây giờ bé nhà em bị táo bón triền miên, mặc dù ăn uống rất đầy đủ chất, đặc biệt là chất xơ... Em có đi khám Bác sĩ, nhưng Bác sĩ không cho thuốc gì khác để điều trị ngoại trừ thuốc làm mềm phân mà thôi... Em đang lo không biết có phải do uống thuốc ngừa tiêu chảy cấp đó mà bé bị vậy hay không? Mà không biết uống mãi thuốc mềm phân như thế có ảnh hưởng gì đến cơ thể bé trong lâu dài hay không? Xin Bác sĩ cho ý kiến với ạ!

ThS.BS. Lê Xuân Thủy:Chưa có khẳng định thuốc ngừa tiêu chảy gây lồng ruột. Còn với tình trạng con bạn thì có thể do nhu động ruột chưa tốt hoặc tính hấp thu nước qua ống tiêu hóa chưa ổn định nên gây tình trạng táo bón, sử dụng thuốc làm mềm phân để cháu dễ đi ngoài hơn và sử dụng trong một thời gian nhất định thì không ảnh hưởng lớn lắm đến cơ thể của bé. Tuy nhiên, nếu tình trạng lâu vẫn không được cải thiện thì bạn nên đưa bé đến cơ sở y tế để được khám, chụp phim, xét nghiệm để có phác đồ điều trị phù hợp.

Nga Oanh hỏi: Mùa hè tôi rất hay ăn bún đậu mắm tôm vào buổi trưa tại văn phòng. Nhưng được biết rau sống và mắm tôm là nơi cư trú lý tưởng của các loại vi khuẩn gây ngộ độc thức ăn, nhất là khuẩn tả. Xin hỏi, khi bị tiêu chảy cấp do vi khuẩn tả có những biểu hiện như thế nào?

ThS.BS. Lê Xuân Thủy:Nếu bị tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn Tả thì người bệnh thường có dấu hiệu nôn, đi ngoài… Bệnh nhân thường không đau bụng, không sốt, người mệt lả, có thể bị chuột rút, biểu hiện tình trạng mất nước nhẹ đến nặng như: khát nước, da khô, nhăn nheo, hốc hác, mắt trũng, mạch nhanh, huyết áp hạ, có khi không đo được, tiểu tiện ít hoặc vô niệu, chân tay lạnh... Nếu bị nặng có thể dẫn đến tử vong. Để phòng tránh bệnh này, bạn nên hạn chế ăn rau sống, mắm tôm sống, nếu khi trong vùng đang có dịch thì đặc biệt không ăn. Khi không có dịch thì cũng chỉ ăn rau sống khi biết rõ nguồn gốc là rau sạch, được rửa, xử lý từ nguồn nước sạch, ăn mắm tôm đã nấu chín cũng là 1 biện pháp để phòng bệnh tiêu chảy.

01635***213 hỏi: Chào Bác sĩ! Em bé nhà em đã được 3 tháng tuổi rồi mà sao bé vẫn đại tiện 5-6 lần/ ngày. Mỗi lần đi phân giống như hoa cà hoa cải vậy đó. Vậy con tôi có sao không? Với các cháu bé ở độ tuổi như con nhà chị thì hệ tiêu hóa rất nhạy cảm với thức ăn, nếu loại thức ăn hoặc sữa không hợp với cơ thể thì sẽ khó tiêu hóa và bị đi ngoài, hoặc chỉ cần bữa đó mẹ ăn một thức ăn lạ, không hợp với đứa trẻ thì ngay sau đó đứa trẻ cũng bị đi ngoài.

ThS.BS. Lê Xuân Thủy:Cháu đi 5-6 lần/ngày, hoa cà hoa cải và nếu mới trong một thời gian ngắn thì cũng chưa phải là nghiêm trọng lắm. Tuy nhiên, chị thử điều chỉnh chế độ ăn của mình và lưu ý vẫn tiếp tục cho trẻ bú vì sữa mẹ luôn là tốt nhất cho trẻ.

Nếu trẻ đã ăn sữa ngoài thì nên tạm thời dừng sữa đang ăn lại và thay bằng một loại sữa dành cho trẻ bị tiêu chảy (sữa không có đường lactose) hoặc sữa có đường lactose mà đã lên men, hoặc tạm thời giảm hay pha loãng số lượng sữa đang sử dụng.

Nếu tình trạng đó vẫn kéo dài thì có thể xem xét dùng thêm men tiêu hóa cho trẻ.

KaKa hỏi: Thưa Bác sĩ! Em thường hay đau bụng và bị tiêu chảy mỗi khi ăn sáng xong. Vậy nguyên nhân bệnh em là sao? em cắt túi mật được 2 năm, có phải nguyên nhân gây đau bụng và tiêu chảy không ? Cảm ơn Bác sĩ.

ThS.BS. Lê Xuân Thủy:Trường hợp bạn có thể là bị hội chứng ruột kích thích, hoặc bị rối loạn vi khuẩn đường ruột, mất cân bằng hệ vi sinh dẫn đến khả năng tiêu hóa bị rối loạn. Bạn đã cắt túi mật cũng có thể là 1 nguyên nhân dẫn đến giảm lượng men, enzym cung cấp cho hệ thống tiêu hóa nhưng thường nguyên nhân này không gây hậu quả nghiêm trọng. Bạn có thể dùng thử một đợt men tiêu hóa, sử dụng những thức ăn dễ tiêu, tránh chất cay nóng, kích thích. Nếu vẫn không đỡ thì nên đến bệnh viện khám, xét nghiệm để có hướng xử trí thích hợp. Chúc bạn chóng cải thiện được tình trạng này.

>> Có thể bạn chưa biết:

Trẻ em bú bình có nguy cơ bị bệnh tiêu chảy cao
5 nguyên nhân có thể gây bệnh tiêu chảy
Tiêu chảy cấp ở trẻ: Bệnh không thể coi thường
Dấu hiệu ban đầu của bệnh tiêu chảy cấp
Thực đơn cho người bệnh tiêu chảy cấp
Tất cả thông tin về bệnh tiêu chảy cấp

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!