Nhận biết đục thể thủy tinh
Khi bị đục thủy tinh thể, giảm thị lực là triệu chứng quan trọng nhất. Thường là nhìn mờ cả hai bên khá cân xứng. Đục thể thuỷ tinh gây ảnh hưởng đến việc nhìn xa trước tiên sau đó là đến nhìn gần, trừ một thể đục đặc biệt là đục dưới bao sau thể thuỷ tinh. Khi đó thị lực nhìn gần bị ảnh hưởng trước tiên.
Mức độ giảm thị lực cũng rất khác biệt, từ mức còn một vài phần mười đến mức chỉ còn nhận biết được ánh sáng. Đục thể thuỷ tinh làm tăng độ tụ của nó. Điều này giải thích tại sao một số người già tự nhiên lại đọc được sách mà không cần kính khi họ bị đục thể thuỷ tinh. Một số bệnh nhân khác than phiền vì cảm giác nhìn đôi, nhìn thấy nhiều vật cùng một lúc, nhìn như qua sương mù… tất cả những khó chịu đó được giải thích là do thể thuỷ tinh bị đục đã làm tán xạ các tia sáng đi qua nó.
Những hệ lụy...
Thể thuỷ tinh là một thấu kính trong suốt ở bên trong con mắt. Nó góp 1/3 vào năng lực hội tụ của nhãn cầu. Công suất hội tụ của thể thuỷ tinh được đảm bảo khi nó còn trong suốt, các mặt cong và độ dầy còn nằm trong giới hạn sinh lý.
Ngoài ra, thể thuỷ tinh còn có chức năng lọc tia tử ngoại – tia có hại có trong phổ bức xạ của mặt trời. Khi các phân tử protein không hoà tan bị tích tụ trong thể thuỷ tinh cùng với tuổi tác thì tính trong suốt của nó không còn nữa, các tia sáng khi đi qua vùng bị đục sẽ bị tán xạ mạnh gây giảm thị lực. Đục thể thuỷ tinh được coi là đáng kể khi nó làm giảm thị lực xuống còn dưới 3/10.
Phẫu thuật thay thuỷ tinh thể.
Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ?
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra đục thể thuỷ tinh nhưng đục thể thuỷ tinh do tuổi già chiếm tới 99%. Đục thể thuỷ tinh liên quan đến tuổi già khi nó xuất hiện sau tuổi 65. Có rất nhiều yếu tố nguy cơ trong đó yếu tố tuổi tác được quan tâm nhiều nhất. Ngay sau nó là hàng loạt nguyên nhân như: Các rối loạn chuyển hóa bẩm sinh và mắc phải, rối loạn dinh dưỡng, tiêu chảy mất nước, đái tháo đường.
Hút thuốc, uống rượu, cũng như việc lạm dụng một vài loại thuốc là nguyên nhân được nhiều người biết đến. Nhiễm độc các gốc tự do, thiếu hụt các yếu tố chống oxy hóa, phơi nhiễm với tia tử ngoại (tia UV) là những luận thuyết mới nhất để chúng ta thêm lo lắng và cố gắng đề phòng đục thể thủy tinh. Các yếu tố đan xen khác như di truyền, môi trường sống, chế độ dinh dưỡng, nghề nghiệp… được coi là đã gây nên sự khác biệt về độ mẫn cảm với đục thể thuỷ tinh giữa cá thể này với cá thể kia.
Các bác sĩ khám thấy gì?
Thăm khám kỹ càng hơn các bác sĩ sẽ thấy nhiều bệnh nhân có rối loạn về sắc giác, nhất là việc nhìn nhận màu xanh. Bên cạnh đó, thị trường, khả năng nhận định độ tương phản, khả năng nhìn ban đêm… cũng có những tổn hại nhất định.
Mổ thể thủy tinh không phải là giải pháp cho mọi bệnh mắt của người già như thoái hóa hoàng điểm, glôcôm, bệnh lý võng mạc tiểu đường hay tăng huyết áp… Các bệnh lý trên có thể sẽ lại cướp đi thị lực của bạn cho dù bạn đã mổ thể thủy tinh thành công.
Khám bệnh khi đồng tử giãn tối đa giúp các bác sĩ dễ dàng khẳng định chẩn đoán, đánh giá mức độ và tình trạng đục thể thuỷ tinh. Đục do tuổi già thường là đục vỏ, nhân và dưới bao, trong đó dạng đục vỏ là phổ biến nhất. Bên cạnh việc quan sát thể thuỷ tinh thầy thuốc nhãn khoa còn chú ý phát hiện thêm các bệnh phối hợp: Glôcôm, thoái hoá hoàng điểm do tuổi già, bệnh võng mạc đái tháo đường, các dạng thoái hoá giác mạc. Tốc độ đục thể thuỷ tinh rất thay đổi, đục hoàn toàn hay đục chín là cấp độ cao nhất. Đục quá chín có thể gây phản ứng viêm màng bồ đào hay tăng nhãn áp.
Điều trị đục thể thủy tinh
Phẫu thuật thể thủy tinh dường như là phương pháp duy nhất để điều trị đục thể thủy tinh khi nó bị mất tính trong suốt. Trong quá trình phẫu thuật, nhân mắt có từ thủa cha sinh mẹ đẻ sẽ được thay bằng một thấu kính nhân tạo bé xíu hay còn gọi là kính nội nhãn (tiếng Anh viết tắt là IOL).
Nếu bạn có kế hoạch mổ thể thủy tinh sẽ có hai lựa chọn dành cho bạn: Phaco kinh điển và phaco có laser trợ giúp nhưng loại nào thích hợp với bạn?
Phẫu thuật phaco kinh điển phổ biến trên phạm vi toàn cầu. Nó được công nhận về tính an toàn và hiệu quả. Phẫu thuật phaco có laser trợ giúp không được chi trả bởi hầu hết các hãng bảo hiểm, đắt đỏ hơn mặc dù nó có vài ưu điểm về độ chính xác và tính an toàn - trong những trường hợp nhất định. Vậy làm sao bạn có thể lựa chọn đúng? Bạn nên có hiểu biết về hai phương pháp phẫu thuật này. Nói chuyện thẳng thắn với bác sĩ, hỏi han thêm những bác sĩ khác khi bạn chưa yên tâm để đi đến quyết định đúng đắn nhất.
Cũng như các phẫu thuật khác, phẫu thuật đục TTT cũng có những tai biến và biến chứng. Có thể kể ra sau đây như: Nhiễm trùng, chảy máu, phù nề tại mắt và quanh mắt, phù võng mạc, bong võng mạc, tổn hại các vùng phụ cận, đau nhức, giảm hay mất thị lực, IOL được đặt vào có thể bị lệch, rơi khỏi vị trí an toàn…
Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị đục bao sau thể thủy tinh thứ phát: Thị lực có được sau mổ có thể lại bị giảm hay mất sau mổ vài tháng, vài năm. Biến chứng này không phải là phổ biến. Các bác sĩ thường gọi là đục bao sau (PCO), có tên khác là đục thể thủy tinh thứ phát hay tổ chức xơ sẹo. Màng đục này sẽ gây ra cảm giác mờ lại, khi đó ta cần can thiệp bằng tia laser. Tia laser sẽ khoan thủng một lỗ ở bao sau đang bị đục, gọi là thủ thuật mở bao sau bằng laser YAG. Thủ thuật này sẽ trả lại bạn thị lực như xưa.
Bạn cũng cần lưu ý là mổ thể thủy tinh không thể là giải pháp cho mọi bệnh mắt của người già như thoái hóa hoàng điểm, glocom, bênh lý võng mạc tiểu đường hay tăng huyết áp…Các bệnh lý trên có thể sẽ lại cướp đi thị lực của bạn cho dù bạn đã mổ thể thủy tinh thành công.
Phòng chống đục thể thủy tinh
Một nếp sống hợp vệ sinh, dinh dưỡng đủ chất, tránh những điều kiện bất lợi cho mắt: Không hút thuốc, không nghiện rượu, tránh phơi nắng nhiều, tránh chấn thương mắt... luôn hữu ích cho đôi mắt của người cao tuổi. Chúng ta có thể dùng thêm hàng ngày một loại thuốc bổ tổng hợp có chứa các vitamin và khoáng chất vừa tốt cho tim mạch, vừa tốt cho mắt như vitamine A, C, E, B2, kẽm, selen.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!