Tại sao ung thư lại mắc cao?
Trong buổi giao 'Sống chung, sống khỏe với ung thư' tại Trường Đại học Y Hà Nội mới đây, các chuyên gia đã đưa ra lý giải căn bệnh ung thư tại Việt Nam đang gia tăng.
PGS.TS Vũ Hồng Thăng, Phó Trưởng Bộ môn Ung thư, Đại học Y Hà Nội; Trưởng khoa Điều trị nội 4, Bệnh viện K cho hay, quá trình khám và chữa bệnh cho bệnh nhân PGS thường xuyên nhận được câu hỏi tại sao ung thư hiện nay lại mắc cao như vậy?
Theo PGS Thăng, số lượng tỷ lệ ung thư mới mắc có tăng ở Việt Nam. Tuy nhiên, sự ra tăng này tại Việt Nam cũng tương tự so với các nước khác trên thế giới. Tỷ lệ mắc ung thư ở trên thế giới tăng dần từ năm 1975 theo ghi nhận về dịch tễ học.
Trên thế giới và ở Việt Nam tỷ lệ ung thư mắc cao có liên quan tới vấn đề về dân số, tuổi thọ người dân tăng, thay đổi của các yếu tố môi trường (công nghiệp hoá), lối sống (tiêu thụ thuốc lá rượu bia), thực phẩm bảo quản, ánh sáng mặt trời gây ra ung thư da.
PGS.TS Thăng trong buổi giao lưu.
Ngoài những tác động trên, con số mắc ung thư tăng lên có liên quan tới yếu tố về thời gian. Năm 2018, trên thế giới có khoảng 18 triệu người mắc ung thư và sẽ tăng dần năm 2019 là khoảng 20 triệu người. Theo ước tính toàn thế giới số lượng ung thư sẽ tăng gấp đôi vào 2020.
PGS Thăng cho hay, lý do thứ 2, khiến cho số lượng người mắc ung thư tăng là được tiếp cận với sàng lọc, khám chữa bệnh sớm. Cho nên số lượng người mắc ung thư được phát hiện ở giai đoạn sớm tăng lên. Nhờ vậy mà tăng số lượng người được điều trị khỏi ung thư.
Sự phát triển kinh tế xã hội giao thông, thông truyền thông người bệnh tiếp cận các phương tiện khoa học cho nên phát hiện ra người mắc ung thư cũng nhiều hơn.
'Nếu như trước đây bệnh nhân sẽ bằng lòng với số phận chấp nhận chết ở nhà. Thì hiện nay, bệnh nhân đã đến viện sớm hơn, cơ hội điều trị cũng cao hơn', TS. Thăng nói.
Phát hiện ung thư sớm bằng cách nào
TS.BS Vũ Hữu Khiêm - Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viên Bạch Mai cho biết, phát hiện sớm ung thư sẽ giảm được chi phí điều trị và giúp cho quá trình điều trị có tiên lượng tốt.
Để có thể phát hiện sớm ra ung thư bác sĩ Khiêm lưu ý tới 3 vấn đề sau:
Khám sức khỏe định kỳ: Đây là bước đầu tiên và quan trọng nhất để phát hiện ra bệnh ung thư và các bệnh lý cơ thể khác nếu có. Nên đi khám định kỳ 6 tháng/lần.
Tăng cường tầm soát khám ở những đối tượng có nguy cơ cao: Ví dụ, người mang virut viêm gan B chiếm khoảng 15-20% dân số mang virut viêm gan B. Trong số đó có khoảng 10-15 tiến triển thành xơ gan và ung thư gan; Những tổn thương khác tiền ung thư như polyp đại tràng cần phải được kiểm soát; Người có nguy cơ cao là người trong gia đình có bố mẹ, chị em mắc ung thư.
Nâng cao y thức tự khám bệnh cho mình: Không đợi tới thời gian định kỳ mới đi khám. Khi có thể có những bất thường thì cần phải đi khám ngay.
Ví dụ, phụ nữ sau khi sạch kinh 4-5 ngày nên có thói quen tự khám vú trước gương hoặc nằm khám hoặc khi có bất thường chảy dịch vú, máu thì đi khám ngay.
TS. Khiêm cho hay, cần phải quan tâm tới 10 triệu chứng báo hiệu ung thư ví dụ như:
- Vết loét lâu liền trên da, niêm mạc miệng, lưỡi cần đến ngay cơ sở y tế để khám loại trừ nguy cơ ung thư
- Ho kéo dài từ 7-10 ngày không đỡ, cần tới viện kiểm tra để cảnh giác với bệnh ung thư phổi.
- Đau hạ sườn phải âm ỉ cần cảnh giác với bệnh ung thư gan
- Khó tiêu, đầy bụng cảnh giác với ung thư dạ dày
- Đi ngoài ra máu cảnh giác với ung thư đại trực tràng
- Sờ thấy các khối u bất thường ở ngực, đi khám để loại trừ ung thư vú
- Nuốt khó, vướng cần đi khám để loại trừ ung thư tuyến giáp
- Hạch bất thường trên cơ thể cảnh giác với ung thư lympho, ung thư hạch
- Ù tai khạc ra máu cảnh giác với ung thư vòm họng
- Xuất huyết âm đạo khám chuyên khoa ngay ung thư cổ tử cung
Bác sĩ Khiêm cho hay: 'Cũng có những trường hợp khi có triệu chứng tới khám đã ở giai đoạn muộn. Vì vậy để phát hiện ung thư sớm mỗi chúng ta phải tăng cường khám sức khỏe định kỳ, sàng lọc ở đối tượng nguy cơ cao và tự khám bệnh cho chính mình'.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!