Thưởng cho trẻ những phần thưởng xứng đáng với mục đích khích lệ tinh thần là điều được nhiều phụ huynh thực hiện. Nhưng hiện nay, nhiều bậc cha mẹ lại lạm dụng các phần thưởng một cách quá mức. Điều này có thể góp phần làm cho trẻ trở nên thụ động trong việc học, việc làm, dần mất đi những ước mơ, hoài bão của chính mình.
1. Nguyên nhân của những rắc rối
- Bố mẹ chính là người khơi mào mọi chuyện: Bước đầu có thể chỉ đơn giản vui thì thưởng hoặc muốn khích lệ tinh thần cho con để con học tập hoặc làm việc tích cực hơn. Bố mẹ thấy việc khích lệ bằng phần thưởng khá hiệu quả. Vì vậy, thường xuyên sử dụng việc làm này như một thói quen hoặc xem đó là một việc làm không tác dụng phụ.
- Bắt chước/đua đòi bạn bè: Có thể đơn giản trẻ chỉ xuất phát từ việc nghe bạn nói: ‘Mẹ mình hứa nếu cố gắng học bài, thi được kết quả cao thì sẽ mua cho một chiếc ô tô điều khiển’. Hoặc ‘Mẹ tớ ra điều kiện nếu tớ làm xong việc sẽ cho đi chơi công viên’. Khi trẻ nghe bạn bè bàn tán, trao đổi, thấy bạn mình được bố mẹ thưởng sẽ thử bắt chước và mong muốn được bố mẹ cũng sẽ làm như vậy. Lúc này nhiều bố mẹ nghĩ các bạn của con có, con mình không có lại tủi thân nên, dù ít nhiều cũng sẽ cố gắng đáp ứng trong khả năng của mình.
Ảnh minh họa
2. Hậu quả nhãn tiền
- Trẻ sẽ thụ động: Khi sử dụng thường xuyên phần thưởng làm điều kiện khích lệ, bố mẹ đã vô tình khiến cho mọi việc làm của trẻ trở thành kiểu phản ứng có điều kiện. Nếu có thưởng thì sẽ làm, sẽ học và nếu không sẽ không làm gì cả.
Mục đích hướng tới của trẻ đơn giản chỉ là có được phần thưởng, nếu phần thưởng không xứng đáng hoặc không thích thì trẻ sẽ không có động lực để học và thực hiện các công việc được giao.
- Trở thành vô trách nhiệm với mọi hành động của mình: Trẻ không thấy được trách nhiệm của hành động mình làm, mà đơn giản chỉ là việc làm để cho bố mẹ vui hoặc đi khoe với mọi người xung quanh.
- Mất dần ước mơ mục đích phấn đấu trong tương lai: Dễ dàng nhận được phần thưởng, đồng nghĩa với mọi nhu cầu của trẻ được đáp ứng khá dễ dàng. Trẻ nhận thấy không phải mất quá nhiều thời gian công sức để có thể đạt được điều mình mong muốn. Vì vậy sẽ không cần phải cố gắng nhiều. Không có mục đích hướng tới và đương nhiên trẻ sẽ không có hứng thú với chuyện tương lai mình sẽ làm gì.
3. Ứng xử khôn ngoan của cha mẹ
Nếu thật sự muốn kích lệ con, hãy cho con biết rằng mình rất vui và tự hào khi đạt được thành tích như vậy. Việc trẻ học hay làm là vì lợi ích của mình chứ không phải vì bất cứ ai. Ví dụ, nếu học giỏi con sẽ giúp được các bạn khác kém hơn mình, hoặc sẽ được các bạn, cô giáo và mọi người tôn trọng. Mặt khác, cần phải cho trẻ thấy việc trẻ làm là để khẳng định bản thân mình ‘Mình có thể làm được, mình có thể làm tốt’ chứ không phải là việc nhận được phần thưởng nào đó.
Ảnh minh họa
Nếu con cố tình mày nheo về chuyện bạn được thưởng tại sao mình thì không. Lúc này bố mẹ cần tránh việc tranh luận, nổi cáu nhưng cũng không nên phản bác bằng cách nói: ‘bố mẹ bạn ấy sai hoặc nhà bạn ấy có tiền còn nhà mình thì không’, hay ‘nhà bạn ấy khác, nhà mình khác’. Điều này để tránh làm tổn thương tình bạn của trẻ và tạo những sự suy nghĩ lệch lạc về người khác.
Hãy đưa ra một lý do ngắn gọn và cho trẻ thấy đó là quyết định của mình và trẻ cần học cách tôn trọng.
- Bạn cũng nên tránh nói ‘Thưởng hay không là do bố mẹ quyết định’:
Nếu bạn nói câu nói này trẻ sẽ cảm thấy hoang mang. Trẻ sẽ không ngừng đặt ra các câu hỏi: Khi nào bố mẹ sẽ thưởng?; Phải làm gì tiếp theo để được bố mẹ thưởng và khi nào thì sẽ không được thưởng?; Liệu có phải khi nào bố mẹ thích thì thưởng và bố mẹ vui thì mới được thưởng?; Vậy mình có nên cố gắng tiếp hay dừng lại?...Điều này có thể gây ra sự hiểu nhầm đáng tiếc về suy nghĩ của con cái với bố mẹ, có thể sẽ gây ra sự hiểu nhầm trong cách ứng xử của bạn với con cái: Đợi bố mẹ vui sẽ ‘thừa cơ’ đề nghị.
- Không nên nói: ‘Bố mẹ là bố mẹ, và con là con’ hoặc ‘con không thể giống bạn được’
Câu nói này sẽ làm trẻ mơ hồ khó hiểu. Đương nhiên trẻ hiểu là bạn và trẻ là hai người khác nhau nhưng sẽ không hiểu được tại sao mình lại bị phân biệt đối xử. Các bậc phụ huynh nên cố gắng tránh những câu nói so sánh như vậy. Những cây nói so sánh chẳng giải quyết được vấn đề, mà trẻ cũng sẽ không thể hiểu được yêu cầu của bạn là gì. Trẻ nghĩ đơn giản mình và bạn khác nhau ở điểm nào…
Chuyên viên tư vấn Thanh Vân
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!