Đột quỵ não: Dấu hiệu và cách xử trí

Kỹ năng sống - 05/21/2024

Phản ứng nhanh trong thời gian ngắn khi đột quỵ mới xảy ra có thể làm giảm tổn thương vùng não và rút ngắn thời gian hồi phục.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm có khoảng 15 triệu người bị đột quỵ trên toàn thế giới, trong đó có khoảng 5 triệu người tử vong và 5 triệu người tàn tật, mất khả năng vận động. Đột quỵ là vấn đề được toàn cầu quan tâm, ngay cả ở những nước phương Tây và các nước có thu nhập cao, việc kiểm soát đột quỵ vẫn còn là thách thức. Có khoảng 87% những ca tử vong do đột quỵ được ghi nhận là tại các nước có thu nhập trung bình và thấp.

Đột quỵ não: Dấu hiệu và cách xử trí

Ảnh minh họa

Đột quỵ là căn nguyên của sự tàn tật, hạn chế khả năng vận động lâu dài của người bệnh. Tuy nhiên, những phản ứng nhanh trong thời gian ngắn khi đột quỵ mới xảy ra có thể làm giảm tổn thương vùng não và rút ngắn thời gian hồi phục. Bởi vậy, những hiểu biết về các triệu chứng của bệnh đột qụy và biện pháp sơ cấp cứu ban đầu có giá trị quan trọng với sự phục hồi các tổn thương.

Năm 2005, một cuộc điều tra được thực hiện bởi Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống bệnh dịch Mỹ cho thấy, 38% số người được điều tra có thể nhận dạng được chính xác 5 triệu chứng của đột quỵ và biết quay số gọi cấp cứu 911 khi nghĩ rằng ai đó đang bị đột quỵ não.

Để hạn chế tối đa mức độ tàn tật cũng như làm giảm tỷ lệ tử vong do đột quỵ, việc nhận biết được các dấu hiệu sớm của bệnh đột quỵ là hết sức cần thiết và có ý nghĩa quan trọng. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế tổn thương não và rút ngắn thời gian hồi phục. Chìa khóa căn bản để phát hiện đột quỵ là nhận biết các dấu hiệu của đột quỵ xảy ra rất nhanh như sau:

1. Đột nhiên xuất hiện tê bì hoặc thấy yếu ở mặt, tay hoặc chân đặc biệt là xuất hiện ở một bên của cơ thể (bên phải hoặc bên trái).

2. Đột nhiên nhầm lẫn hoặc tự nhiên thấy khó nói hoặc khó hiểu ngôn ngữ.

3. Nhìn mờ xuất hiện đột ngột có thể một hoặc hai mắt.

4. Đột nhiên hoa mắt, mất thăng bằng cơ thể, đi lại khó khăn, khó phối hợp động tác.

5. Đau đầu dữ dội, đột ngột mà không có căn nguyên.

Đột quỵ não: Dấu hiệu và cách xử trí

Ảnh minh họa

Khi nghi ngờ một người có các triệu chứng đột quỵ, cần nhanh chóng thực hiện các bước đơn giản sau đây (quy trình kiểm tra FAST (Face - Arm - Speak - Time)): kiểm tra nét mặt, kiểm tra khả năng vận động của tay, kiểm tra ngôn ngữ, gọi cấp cứu ngay khi có bất cứ triệu chứng bất thường nào sau đây:

Mặt (Face): Hãy yêu cầu người bệnh cười và quan sát xem một bên mặt có bị sệ xuống hay không.

Tay (Arm): Yêu cầu người bệnh giơ 2 tay lên và quan sát xem có giơ được hai tay lên đều nhau hay không. Và nếu có giơ lên được thì có bên cách tay nào có xu hướng rơi xuống trước hay không.

Nói (Speak): Yêu cầu người bệnh nhắc lại một số cụm từ đơn giản, lắng nghe xem có nói lắp không và có điều gì bất thường hay không.

Đột quỵ não: Dấu hiệu và cách xử trí

Ảnh minh họa

- Nếu bạn phát hiện người bệnh có bất kỳ một dấu hiệu nào bất thường như mặt bị liệt một bên, hoặc yếu cơ một bên thì hãy ngay lập tức gọi cấp cứu để được các nhân viên y tế hỗ trợ, việc thực hiện cấp cứu, điều trị đột quỵ phải được thực hiện trong vòng một vài giờ sau khi xuất hiện dấu hiệu đầu tiên. Hãy gọi ngay cấp cứu để các nhân viên y tế tiến hành các biện pháp cứu chữa ngay từ những giờ đầu tiên, trên đường đưa tới bệnh viện. Và luôn ghi nhớ số điện thoại cấp cứu tại Việt Nam là 115.

ThS. BS. Nguyễn Kiên Cường (Viện Y học dự phòng Quân đội)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!