Uống 10 viên thuốc sốt rét để 'phòng Covdi- 19': Nhẹ thì hỏng gan, thân, nặng dẫn đến tử vong

Thời sự - 11/24/2024

Liên quan đến việc một nam bệnh nhân uống 10 viên thuốc trị sốt rét để phòng Covid-19, nhiều chuyên gia y tế cho rằng, việc chống Covid-19 bằng thuốc... sốt rét là quá mạo hiểm vì nó ảnh hưởng đến tính mạng. Vì vậy, cần phải xử lý nặng tay với người tung tin về loại thuốc này và khuyến cáo đến người dân.

Uống 10 viên thuốc sốt rét để 'phòng Covdi- 19': Nhẹ thì hỏng gan, thân, nặng dẫn đến tử vong

Bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyến cáo người dân không nên tự ý nghe theo lời đồn thổi phòng chống Covid-19 tại nhà.

Nhập viện vì... tin đồn

Mới đây, một nam bệnh nhân 44 tuổi vì tin vào cách chữa bệnh trên mạng xã hội nên đã tự mình uống khoảng 10 viên thuốc trị sốt rét để phòng Covid-19 khiến cho người này phải nhập viện rửa ruột vì ngộ độc, tụt huyết áp, nôn, mắt nhìn lơ mơ... Được biết, nam bệnh nhân này vì quá hoảng sợ dịch Covid-19 nên đã tin theo những lời đồn thiếu căn cứ.

Trao đổi với PV báo ĐS&PL, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai cho biết Trung tâm vừa điều trị cho một bệnh nhân bị ngộ độc sau khi uống 10 viên thuốc Chloroquine để phòng bệnh Covid- 19 theo lời đồn trên mạng internet.

Theo lời kể của người nhà, vào khoảng 13h ngày 7/3/2020, bệnh nhân V.V.T (nam 44 tuổi, quê ở Đan Phượng, Hà Nội) đã tự uống 10 viên thuốc Chloroquine 250mg để phòng dịch Covid-19. Sau uống khoảng 30 phút, anh T. thấy da mặt đỏ, cảm giác nóng, kèm theo mệt mỏi tăng dần, run tay chân, nhìn mờ. Anh T. được người nhà đưa đến bệnh viện huyện Đan Phượng rửa dạ dày, sử dụng than hoạt tính, sau đó được chuyển đến trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên xác nhận đây là trường hợp đầu tiên được cơ quan y tế ghi nhận bị ngộ độc thuốc sốt rét do uống để dự phòng Covid-19. Cũng may bệnh nhân được phát hiện sớm và điều trị kịp thời nên đã được xuất viện và không để lại hậu quả đáng tiếc. Cũng theo BS. Nguyên, Chloroquine là thuốc kê đơn, được sử dụng cho các bệnh nhân sốt rét, lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp... Đây là thuốc có độc tính cao, ranh giới giữa liều điều trị rất gần với liều ngộ độc. Nếu sử dụng không có kiểm soát, không có chuyên môn, kể cả bác sĩ không phải chuyên khoa cũng rất dễ gây ngộ độc.

BS. Nguyên cho biết, những ngày qua nhiều chuyên gia đã phân tích rất cụ thể về mối nguy hiểm khi tự ý sử dụng loại thuốc này. Tuy nhiên, trên mạng xã hội vẫn tràn ngập thông tin về Chloroquine. Giá thuốc tiếp tục tăng do người dân đổ xô đi mua thuốc để uống dự phòng và tích trữ.

BS. Nguyên khuyến cáo người dân không nên tích trữ loại thuốc này và không uống dự phòng để ngừa Covid-19. Trong tình hình hiện nay, điều đúng đắn là người dân nên hạn chế ra ngoài, những người được ngành y tế khuyến cáo cách ly tại nhà cũng nên tuân thủ tuyệt đối. Không tự sử dụng thuốc biệt dược chống Covid-19 tại nhà khi chưa có chỉ định của thầy thuốc.

Nguy hiểm đến tính mạng

Trước đó, trên mạng xã hội cũng lan nhiều phương pháp chữa hoặc phòng Covid-19 như: Uống rượu bia, ăn tỏi, xông bồ kết... Và mới đây nhất là người đàn ông tự ý uống thuốc trị sốt rét để phòng Covid-19, điều này đã làm cho dư luận bất ngờ, giới chuyên gia y khoa sửng sốt, bởi chưa hề có khuyến cáo nào trong việc sử dụng thuốc trị sốt rét sẽ chống lại được Covid-19. V

iệc người dân đang tự ý mua thuốc để phòng chống Covid-19 đã được chuyên gia y tế cảnh báo rất nhiều. Tuy nhiên, vì tâm lý lo sợ nên không ít người dân vẫn 'tiền mất tật mang'.

Trao đổi thêm về vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh, bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết: 'Thuốc Chloroquine không nên tự uống cũng như tích trữ trong nhà. Tôi cho rằng, bất kỳ ai nếu không may bị Covid-19 thì cần nhập viện ngay để điều trị theo phác đồ mà bác sĩ đưa ra. Hơn nữa, thuốc này không phòng ngừa được Covid-19 vì đã uống một ngày thì phải uống nhiều ngày nhưng chúng ta đâu biết bao giờ mới hết nguy cơ nhiễm Covid-19. Nếu cứ tùy tiện uống nhiều như vậy thì rất dễ ngộ độc và thời gian kéo dài sẽ bị hỏng gan, thận. Còn khi uống quá liều ảnh hưởng đến tim, sau đó sẽ loạn nhịp tim và dẫn đến tử vong'.

Cũng theo bác sĩ Trương Hữu Khanh hiện nay chưa có thuốc đặc trị điều trị Covid-19 nên các nước buộc phải sử dụng các loại thuốc khác nhau. Vì thế, người dân không nên tự ý mua Chloroquine về dự phòng điều này sẽ rất nguy hiểm. Việc mua thuốc này để về dự phòng hoặc uống là mù quáng. Thay vì lo lắng, mỗi người hãy tự biết bảo vệ bản thân bằng cách tránh tiếp xúc nơi đông người, vệ sinh tay sạch sẽ, đeo khẩu trang mỗi khi ra đường. Khi có dấu hiệu gì bất thường liên quan đến dịch bệnh Covid-19 cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và chữa bệnh.

Không chỉ người mua mù quáng mà một số người bán thuốc cũng đã lợi dụng dịch bệnh để thổi phồng công dụng cũng như sự 'lợi hại' của loại thuốc này để đánh vào tâm lý của người dân.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư La Văn Thái (đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho hay: 'Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, vì thế, nhiều người hiện nay đã tin theo những hướng dẫn 'ma' để phòng tránh dịch bệnh. Những người bán thuốc, tung tin đồn về loại thuốc này cũng cần phải được xử lý kịp thời và nghiêm minh để răn đe và làm bài học cho người khác'.

Theo luật sư La Văn Thái, trước hết, cơ quan chức năng cần triệu tập ngay người tung tin, người bán thuốc để làm rõ động cơ và mục đích. Nếu đối tượng chỉ tung tin mà không bán thuốc thì có thể xử phạt hành chính về việc đăng thông tin sai sự thật. Đây là thời gian nhạy cảm khi dịch bệnh ngày càng phức tạp, nếu không xử lý kịp thời thì tin đồn sẽ lan xa và nhiều người lầm tin, học theo, như vậy rất nguy hiểm. Ngay sau đó, yêu cầu đối tượng gỡ bỏ hoặc sửa đổi thông tin ngay lập tức.

Trường hợp thứ 2 nếu như đối tượng vừa đăng thông tin sai sự thật vừa bán thuốc để trục lợi thì phải tùy mức độ để xử lý. Cơ quan chức năng cần xem xét hàng đó là hàng giả, kém chất lượng? Nhẹ nhất là xử phạt hành chính về tội Buôn bán thuốc giả, không có giấy phép kinh doanh, không có chức năng cố vấn về thuốc cũng như khám chữa bệnh. 'Nhưng, tôi cho rằng, người đáng trách hơn chính là người sử dụng thuốc mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ lại đi tin theo 'bác sĩ Google'. Nói thẳng ra đó là một sự ngu dốt, còn nói nhẹ hơn thì là một sự thiếu hiểu biết. Chúng ta đã có bao nhiêu bài học về việc tung tin đồn sai sự thật? Mong rằng, sau lần này người dân hãy cảnh tỉnh và thận trọng hơn với thông tin lan truyền trên mạng xã hội'.

Bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch dương tính Covid-19

Theo thông tin từ bộ Y tế, tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona Covid-19 vẫn đang có diễn biến phức tạp. Tại Việt Nam, tính đến 17h ngày 23/3, ghi nhận 122 ca dương tính Covid-19. Trong đó, BN 116 là bệnh nhân nam, 29 tuổi, quốc tịch Việt Nam, bác sĩ khoa Cấp cứu, bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở Đông Anh. BN 116 tham gia chống dịch Covid-19 từ 31/1/2020 với các công việc: Khám sàng lọc các bệnh nhân nghi Covid-19 đến bệnh viện, điều trị những bệnh nhân được chẩn đoán dương tính và tham gia cấp cứu một số bệnh nhân nặng. Trong quá trình làm việc BN 116 được cấp đầy đủ trang thiết bị phòng hộ cá nhân. Sau giờ làm việc BN 116 nghỉ và sinh hoạt ở khu vực cách ly dành cho nhân viên y tế trong bệnh viện. Thông tin này cũng khiến những người dân một lần nữa cầu nguyện và mong các bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch luôn mạnh khoẻ để cứu chữa người bệnh.

Mai Thu - Thanh Lam

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 49

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!