Đừng để con sợ ăn
Hiện nay trẻ bị 'nhồi ăn', 'ép ăn' là chuyện thường thấy trong các gia đình. Trẻ nhỏ bị ép ăn thường ăn uống chậm chạp, ăn không ngon, dễ nôn trớ và sau khi nôn trớ lại bị ép ăn biến chuyện ăn uống của trẻ thành một vòng luẩn quẩn. Gia đình có thể chế biến món ăn cho trẻ tùy theo sở thích, khẩu vị của trẻ. Nếu trẻ không ăn hết hoặc không ăn được nhiều cũng không nên ép trẻ ăn bằng được, trẻ sẽ sợ và cảm thấy giờ ăn là 'giờ cực hình'. Cha mẹ cũng nên chia nhỏ khẩu phần ăn của bé, tăng dần số lượng. Nếu trẻ đói, bé sẽ có phản ứng để mẹ biết rằng, bé cần nạp thêm năng lượng vì vậy không nhất định phải dồn trẻ ăn hết phần ăn ngay trong bữa chính.
Hạn chế ăn vặt
Đừng nuông chiều và dễ dãi đáp ứng đòi hỏi của bé 'Con muốn ăn kẹo', 'Con thích uống sữa'… ngay khi giờ ăn sắp bắt đầu. Nhiều mẹ cho rằng, đằng nào con cũng biếng ăn vậy nó muốn ăn gì thì cứ cho nó ăn là quan niệm sai lầm. Hãy nhớ rằng, đồ ăn vặt không có hàm lượng dinh dưỡng và về lâu dài thói quen ăn vặt sẽ gây tác hại to lớn đến sức khỏe cũng như thói quen ăn uống của trẻ.
Cho trẻ ăn vặt nhiều sẽ ảnh hưởng đến thói quen ăn uống của trẻ (Ảnh: Internet)
Không ngại thử nghiệm
Trẻ nhỏ có thể thích món ăn này và 'ghét' món ăn kia. Để tìm hiểu sở thích ăn uống của con, các bà mẹ cần đầu tư công sức và thời gian trong việc chế biến và nấu nướng để có được thực đơn cho bé nhà mình. Bạn có thể thử nghiệm làm nhiều đồ ăn mới, cho trẻ ăn từng chút một và nghe ngóng 'phản ứng' của bé.
Trang trí món ăn hấp dẫn
Những bữa ăn của trẻ được trang trí với hình thù ngộ nghĩnh, hấp dẫn sẽ kích thích nhiều giác quan của trẻ, khiến trẻ quan tâm và tò mò muốn thưởng thức món ăn. Có rất nhiều gợi ý về các cách trang trí thực đơn cho bé nhanh, gọn trên các diễn đàn dành cho bà mẹ nuôi con để bạn dễ dàng tham khảo.
Ăn tập trung
Hãy bỏ qua những chương trình quảng cáo hay bộ phim hoạt hình khi đến giờ ăn của trẻ. Tóm lại là tắt tivi. Bạn cho rằng tivi sẽ giúp trẻ ăn ngoan hơn ư? Thực sự không phải như vậy. Trẻ bị hấp dẫn bởi các chương trình quảng cáo, chăm chú xem và há miệng ăn theo yêu cầu của mẹ, tức là bé đang ăn một cách thụ động, không nhai kỹ, không có cảm giác về món ăn thì không thể ngon miệng được. Vì vậy, hãy để bé ngồi một chỗ, có thể là trên ghế ăn riêng và tập trung ăn hết bữa ăn một mình.
Mẹ nên để bé ngồi 1 chỗ để tập trung ăn hết phần ăn của mình (Ảnh: Internet)
Giờ ăn là giờ vui
Nên để trẻ ăn chung mâm cùng gia đình ngay từ khi còn nhỏ. Đây là cách giúp bé học cách ăn uống, sử dụng thìa, đũa, bát từ chính các thành viên trong gia đình. Ngoài ra, không khí bữa ăn thân mật, vui vẻ cũng kích thích trẻ ăn ngon miệng hơn.
Cho con cơ hội trở thành đầu bếp
Dù bé chưa thể nấu nướng hoặc phụ mẹ việc bếp núc, mẹ cũng có thể đưa bé đi chọn thực phẩm cùng, để bé ngồi bên xem mẹ nấu hay trình bày bàn ăn. Với bé lớn hơn, mẹ có thể động viên tặng bé những bộ đồ nấu bếp xinh xắn, hướng dẫn bé làm những món ăn đơn giản. Bằng cách này bé sẽ có mong muốn vào bếp, thích chuyện ăn uống và chờ đợi giờ ăn một cách thích thú.
Thanh Lê
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!