Trong bối cảnh dư thừa vật chất và thực phẩm, người ta thường cổ xúy cho việc tập thể dục với mục đích giảm cân. Đây là kiểu quảng cáo đánh vào tâm lý.
Vai trò của vận động
Tập luyện thể dục, thể thao thường không dẫn đến việc giảm cân nhiều. Lý do: việc rèn luyện sức khỏe làm tăng sự ngon miệng, có thể khiến mọi người ăn nhiều hơn. Tập luyện cũng khiến cơ thể sản sinh ra nhiều cơ hơn, vốn nặng hơn mô mỡ.
Ngoài ra, việc cắt giảm calo khỏi chế độ ăn thường dễ dàng hơn so với việc tập luyện tới mức đốt cháy đủ calo để giảm cân. Chẳng hạn như, nhìn chung, một người cần cắt giảm 500 calo/ngày từ chế độ dinh dưỡng của mình để giảm 0,45kg trong một tuần.
Về mặt lý thuyết, việc đốt cháy 500 calo thông qua thể dục, thể thao thay vì hạn chế ăn uống có thể khả thi, nhưng trong thực tế, nó khó thực hiện hơn, vì mất nhiều thời gian và đòi hỏi người áp dụng đồng thời không được hấp thụ thêm calo hơn mức hiện có.
Một số kết quả nghiên cứu về mức năng lượng được tiêu thụ qua vận động cho thấy:
- Càng tập nhiều, tỉ lệ chuyển hóa cơ bản sau đó sẽ càng chậm lại, cơ thể sẽ sử dụng ít năng lượng hơn cho các hoạt động sau đó. Nói cách khác, khi vận động nhiều, cơ thể sẽ kích hoạt cơ chế chống giảm cân.
- Mức độ tiêu hao calorie thật ra có giới hạn, không phải tập càng lâu, cường độ càng mạnh thì càng tiêu hao nhiều calorie như các máy chạy bộ vẫn thống kê cho bạn thấy. Khi chạm tới một ngưỡng vận động nào đó, cơ thể chúng ta bắt đầu đốt calorie chậm lại.
Sau nhiều cuộc nghiên cứu, người ta có thể kết luận: không bao giờ có thể đánh đồng vai trò của việc ăn uống và vận động khi nói tới giảm cân.
Trung tâm Y tế Mayo (Mỹ) cũng ủng hộ quan điểm cho rằng, xét về việc giảm cân, chế độ dinh dưỡng quan trọng hơn thể dục thể thao. 'Cắt giảm calo thông qua thay đổi chế độ dinh dưỡng dường như thúc đẩy việc giảm cân hiệu quả hơn tập thể dục, thể thao và hoạt động thể chất. Đối với hầu hết mọi người, việc giảm hấp thu calo tới mức tốt cho sức khỏe hơn, tỏ ra khả thi hơn so với việc đốt nhiều calo hơn thông qua tăng vận động', trích bài viết của tiến sĩ Donald Hensrud thuộc Trung tâm Y tế Mayo.
Dẫu vậy, các chuyên gia đều nhất trí rằng, thể dục, thể thao nên là một phần của chương trình giảm cân. Khi mọi người rèn luyện thể chất, họ tạo ra nhiều cơ hơn, giúp tăng cường sự trao đổi chất. Các chuyên gia nhận định, sự tăng trao đổi chất này sẽ giúp mọi người duy trì số cân đã giảm được thông qua giảm calo hấp thụ.
Điều gì thật sự giúp giảm cân?
- Giới hạn lượng calorie tiêu thụ, tránh xa thức ăn nhiều mỡ và luôn chú trọng theo dõi khẩu phần ăn.
- Vận động đều đặn.
'Tập thể dục là để tăng cường sức khỏe, không phải để giảm cân' - nhà nghiên cứu Diana Thomas của Đại học Montclair (Mỹ) kết luận.
Như vậy: có nhiều nghiên cứu chỉ ra rõ: để giảm cân thành công, 80% phụ thuộc vào ăn uống và chỉ 20% là do kiên trì tập thể dục.
Đừng mong đợi sẽ giảm cân đáng kể chỉ thông qua vận động. Dẫu vận động có ý nghĩa rất lớn cho sức khỏe của bạn, chuyện ăn bao nhiêu mới thật sự quyết định đến cân nặng cơ thể.
Ăn uống như thế nào?
Ăn kiêng nhưng vẫn phải đủ chất cho cơ thể: đủ 4 nhóm dưỡng chất dinh dưỡng: bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Mỗi loại thực phẩm thường chứa nhiều chất dinh dưỡng, nhưng với tỉ lệ nhiều ít khác nhau, vì thế cần chọn lựa, phối hợp thực phẩm một cách khoa học để có thể cung cấp đầy đủ nhất các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Ưu tiên dầu thực vật thay cho mỡ động vật.
Ăn tối thiểu 400g rau xanh mỗi ngày, tăng cường chất xơ: phần nhiều thực phẩm giàu chất xơ đều nghèo chất béo, cho nên thực phẩm giàu xơ là món ăn lý tưởng cho những người muốn giảm cân. Thực phẩm giàu xơ cần thời gian nhai lâu hơn, chất xơ lại không được tiêu hóa và hấp thụ ở dạ dày, thường làm người ăn mau no và no lâu, do đó giảm nhu cầu ăn nhiều. Ngoài ra, chất xơ làm màu no và giảm thèm ăn các món khác. Chất xơ thiên nhiên trong thực phẩm có tác dụng tốt hơn chất xơ trong những viên thuốc thực phẩm chức năng uống bổ sung.
Có thể uống nước trước bữa ăn để ống tiêu hóa được 'lấp đầy' nhanh hơn và giảm cảm giác thèm ăn
Uống đủ 2 - 3 lít nước.
Chia nhỏ bữa ăn: sẽ giúp tránh ăn quá no vào một thời điểm đồng thời có thể giữ được cơ thể không rơi vào trạng thái đói.
Áp dụng quy trình 'ăn ngược': 'ăn canh, rau trước khi ăn cơm, thịt, cá'. Hoặc có thể uống một ly nước trước bữa ăn để ống tiêu hóa được 'lấp đầy' nhanh hơn. tránh nạp quá nhiều năng lượng trong mỗi bữa ăn và giảm cảm giác thèm ăn.
Hạn chế thức ăn nhanh.
Hạn chế rượu bia, nước có gas.
BS.CKII. Huỳnh Tấn Vũ
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!